- Đang online: 4
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21211
- Tổng truy cập: 3,371,317
Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung
- 287 lượt xem
Phần 23
Từ khi Vũ Thái hậu bỏ tiền ra xây chợ Minh Thị và làm bến đậu cho thương thuyền, vùng Đông Minh, huyện Tân Minh thay đổi hẳn. Bên kia sông, những vùng của huyện Nghi Dương đối diện nhờ vậy cũng nhộn nhịp lên.
Trên sông dường như không lúc nào ngớt thuyền bè: Thuyền từ Kinh Bắc và trấn lỵ Hải Dương xuôi dòng thẳng xuống; từ Đông Kinh theo sông Hồng, qua Phố Hiến một đoạn rồi rẽ vào sông Luộc, đi tiếp đến ngã ba với sông Văn úc thì vào sông này rồi xuôi xuống. Thuyền dưới Sơn Nam cũng có thể theo lối ấy nhưng cũng có thể theo sông Hồng ra biển rồi lên cửa Văn úc và ngược dòng tới chợ. Thuyền xứ Đông cũng theo các con sông trong vùng rồi ra biển để tới chợ từ phía cửa sông. Thuyền người Minh và các nước Chà Và, Xiêm La, Chiêm Thành cũng theo lối này mà đến chợ. Minh Thị nhthực sự đã trở thành một thương cảng.
Chẳng những người quanh vùng mà cả lái buôn trong nước cũng như nhiều thương khách nước ngoài đều biết Thái hậu là người bỏ tiền ra xây chợ, lập bến còn cai quản nó là hai công chúa Khánh Diệm và Kim Thoa, một người là em Thái thượng hoàng, một người là con nuôi Thái thượng hoàng và nguyên là thứ phi của vua Chiêu Tông nhà Lê. Khách còn biết hai nàng đều còn trẻ đẹp nhưng sớm ở goá nên Thái hậu cất cho họ ngôi lầu Vọng Giang gần chợ để họ ngắm cảnh sông nước và vui cái không khí chợ búa mà vợi đi nỗi trống vắng. Khỏi phải nói, ai cũng ao ước cuộc sống của họ. Đàn ông không ít người còn muốn có họ, không chỉ bởi mong có địa vị cao sang mà ngay sắc đẹp của họ cũng đủ làm bao nhiêu trái tim tan nát. Khách mày râu thập phương náo nức tới chợ một phần cũng vì vậy, có người hàng hoá bán xong mua xong, cũng không chịu cho thuyền nhổ sào chỉ vì còn chưa được thấy hai nàng công chúa. Đàn bà con gái các nơi cũng thế, nhiều người lặn lội đến đây cũng chỉ mong được thấy họ. Mà chả cứ gì các công chúa, ngay người hầu kẻ hạ của họ cũng đẹp như tiên nữ. Điều này góp phần không nhỏ làm cho bến sông này từ một nơi vắng vẻ, chỉ trong vòng có mấy năm trở nên đông vui hẳn lên, chứ xét về nhiều mặt thì không thể nào sánh được với Phố Hiến gần đó. Nói thế thôi chứ chẳng cứ gì hai công chúa mà ngay cả những người hầu nữ của họ cũng hiếm người được thấy vì tiếng là được giao cho cai quản nhưng mọi việc đều do bọn đàn ông trong phủ thị cáng đáng. Chính thế lại càng làm cho người ta khao khát, y như người khát đến cháy cổ bỏng họng trông thấy bát nước mà lại không được uống vậy.
Nhưng bản thân Khánh Diệm và Kim Thoa lại chỉ muốn người ta coi mình như những người bình thường. Người ngoài nghĩ có lẽ họ không bao giờ biết đến buồn. Thực ra họ đầy tâm trạng, tâm trạng của gái goá. Kẻ thường dân ở tuổi hai mươi, ba mươi như họ ít ai chịu yên một bề, nếu không tái giá thì cũng lồng lộn như Thị Mầu. Họ lại không thể như thế, chẳng những do địa vị của mình mà còn phải nghĩ đến hoàng tộc. Chẳng gì họ cũng gần như mẫu nghi thiên hạ. Họ chỉ biết âm thầm chịu cho những ham muốn dày vò.
Vọng Giang Lâu chẳng thể làm hai nàng công chúa goá chồng vơi được nỗi buồn, thậm chí có lúc còn khiến họ buồn hơn. Đó là những buổi chiều Giêng, Hai đất trời ảo mờ trong sương, khói phơ phất cất mình từ những mái tranh thoảng mùi cơm mới hay cuồn cuộn bốc lên từ những đám đốt rạ trên đồng mà lúc nào dường như cũng thoang thoảng mùi khoai nướng trong tro hồng. Một cái gì đó vừa lạnh lẽo vừa ấm cúng, vừa mênh mông, xa vắng lại vừa gần gũi và tưởng chừng cứ thế mãi vì trời tựa hồ như không chịu tối cho. Bóng tối sập xuống rất nhanh từ lúc nào không hay. Lại càng buồn hơn. Cái lạnh làm đêm dài không cùng. Trong cảnh trời đất lờ mờ ấy và trong bóng đêm dài dặc ấy, những người đàn bà goá thấy xốn xang lạ lùng. Chả trách người ta nói “Gái tháng Hai, trai tháng Tám”, tháng Hai, tháng Tám là mùa bùng cháy của ngọn lửa lòng. Một hôm, vào một chiều như thế và còn hơn thế, hai người đàn bà goá đứng lặng bên nhau ngắm mãi dòng sông phía trước rồi Kim Thoa chợt hỏi Khánh Diệm:
– Cô Huệ ơi, cho cháu gọi cô là cô Huệ như hồi trước nhé! Có lúc nào cô còn nhớ chú Lĩnh không?
Khánh Diệm giật mình, như vừa được lay gọi khỏi giấc mơ.
– … Con người có phải là gỗ đá đâu! – Khánh Diệm nói, thoảng như gió lướt.
– Đúng thế, cô nhỉ. Lắm lúc cháu cũng thấy nhớ cái hồi còn trong cung. Chiêu Tông vừa sợ cháu lại vừa thích cháu, lúc ghét cay ghét đắng cháu lúc lại yêu vồ yêu vập. Cô bảo có lạ không?
– Chẳng lạ. Sợ là một chuyện mà thích lại là chuyện khác. Như trẻ con ấy, sợ ma nhưng lại thích nghe người lớn kể chuyện ma! Cháu hơ hớ ra thế, đàn ông nào mà chả thích.
– Cô cũng vậy, cô còn đẹp lắm.
– Cô cháu mình nói chuyện đẹp xấu làm gì! Đẹp thì giờ cũng chẳng ăn ai.
– Lắm lúc cháu nghĩ giá mình đừng có đẹp thì đã yên bề gia thất, chồng con yên ấm chứ chẳng đến nỗi này.
– Cháu hối hận với việc nghe theo Thái thượng hoàng mà làm hại Chiêu Tông hay sao?
– … Cháu cũng chẳng biết nữa. Nhưng bảo tại cháu mà Chiêu Tông bị hại là oan cho cháu quá! Đấy là chuyện của Chiêu Tông và Thái thượng hoàng mình. Nói thật với cô, cô đừng nói với ai nhá, lúc đầu cháu không thấy yêu Chiêu Tông một chút nào. Rồi thấy thương hại vì ông ấy lúc nào cũng âu sầu, sợ hãi. Nói cô đừng cười, cháu bảo phải ngủ với cháu không được ngủ với ai, ông ấy cũng răm rắp, cấm thấy cự nự bao giờ. Còn ông ấy, lúc đầu cũng ghét cháu như muốn xúc đổ đi. Rồi do chuyện giường chiếu mà dần dần cháu thấy yêu ông ấy, ông ấy cũng yêu cháu. Thế nên cô bảo sao cháu lại không có lúc ân hận cơ chứ. Giá như ông ấy đừng mưu toan gì với Thái thượng hoàng mình thì đâu đến nỗi. Nhưng cháu ân hận là với một người chồng chứ không phải với một ông vua… Cái chuyện giường chiếu nó lạ thật đấy! Thế cô… thì sao?
Khánh Diệm phát cho đứa cháu một cái vào vai:
– Cái con nỡm này! Lòng vả cũng như lòng sung chứ còn sao nữa. Người ta bảo có ghen tức là có yêu. Cứ mỗi lần chú Lĩnh lấy thêm vợ lẽ là cô lại tức không thể nào chịu được. Nhưng việc tố cáo chú ấy lập bè đảng thì ghen tuông trong đó chỉ một phần, chín phần là cô nghĩ đến bao nhiêu công sức Thái thượng hoàng gây dựng nên bỗng dưng có thể mất sạch. Chú ấy mưu toan hại anh rể mình thì cô sao còn nghĩ đến tình vợ chồng được cơ chứ!
– Cháu hỏi cô, nhưng cô phải nói thật cơ: Bây giờ có ai muốn lấy, cô có tái giá không? Cháu thì cháu không ngại ngùng gì đâu!
Khánh Diệm trầm ngâm một lúc rồi bảo:
– Cái con này gớm nhỉ! Cô á? Cô nghĩ không nên nhất nhất tuân theo câu trinh phụ không hai đời chồng như các cụ thường dạy nhưng trong chuyện này cô cháu mình có cái khó hơn người ta và phải khác người ta.
Một nàng hầu bước lên lầu khẽ cắt đứt câu chuyện của họ:
– Thưa, có ông khách buôn muốn được dâng tận tay các lệnh bà bộ đồ uống trà ạ.
– Thế sao? Để ta xem xem có nên không đã. – Khánh Diệm bảo.
– Ông ta có lòng cung kính thì mình chả nên chối, cô ạ. – Kim Thoa nói.
– Thôi được, bảo ông ta chờ dưới lầu chúng ta xuống bây giờ. – Khánh Diệm nói.
Khách chừng ba mươi tuổi, bày lên bàn không chỉ bộ đồ uống trà gồm ấm, chén tống chén con mà còn bao nhiêu thứ nữa, như bình, chân đèn, âu, ang, bát đĩa… Đặc biệt phải kể đến mấy chiếc ấm trông hay mắt như thứ đồ chơi, mà đúng là đồ chơi thật vì cốt để bày chứ ít ai đem dùng: Cái hình con cá cõng con tôm tay cầm mang hình cọng cỏ uốn trên lưng tôm, vòi hình cọng sậy chạy từ miệng cá suốt lên miệng tôm. Cái hình con nghê thì vòi ở miệng nghê. Cái lại như một đốt cây trúc. Có cái lại vuông chằn chặn… Người khách lật đáy ấm lên và nói:
– Thưa các lệnh bà, hạ dân không phải là người làm ra những thứ này mà chỉ tham gia vẽ kiểu và đặt thợ Chu Đậu làm. Dấu đóng ở đây đều ghi rõ cả tên hạ dân và tên người làm. Thưa, Đỗ Dự là tên hạ dân còn Đặng Huyền Thông là tên người thợ. Thưa, hạ dân trước là bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sau là muốn xin với các lệnh bà cho được một chỗ ngay bên bến nước để tiện nơi thuyền đậu và chuyển hàng hoá.
Khánh Diệm nói:
– Cho ngươi một chỗ tiện nơi đậu thuyền thì chúng ta thuận cho. Còn những thứ này dẫu không do ngươi làm ra thì cũng là mồ hôi nước mắt của ngươi, chúng ta quyết không nhận.
– Dẫu vẫn biết nghề nông là gốc của mọi nghề nhưng gia đình hạ dân ba đời nay lại có chí hướng về buôn bán. Hiềm một nỗi do cái cách trọng nông ức thương quá chặt chẽ của triều trước nên chí hướng ấy không được tung hoành. Nay triều đình mới cho tự do giao thương, tăng cường xây dựng, dân chúng mấy năm nay lại an hưởng thái bình nên đây chính là dịp tốt để hạ dân nối chí cha ông. Các lệnh bà là công chúa của triều đình, chút quà này chính là lòng biết ơn đối với triều đình không chỉ của hạ dân mà còn của nhiều người. Vừa rồi hạ dân có thăm chùa Bảo Phúc mới được khánh thành để dâng nhà chùa ít đồ thờ cúng, thấy văn bia của chùa có những câu như: “Công nghệ, mại thương chi phát triển. Bách tính âu ca tái Thuấn, Ngu”. Vâng, nghề của hạ dân phải đi nhiều nơi, tới đâu cũng thấy thiên hạ nói và nghĩ như vậy, chỉ có điều không thành văn bia như ở chùa Bảo Phúc thôi. Thật, đã bao nhiêu năm nay mới thấy khắp nơi được mùa, thóc lúa nhà nào cũng đầy bồ, dân chài thì tôm cá đầy khoang; âu cũng do việc Thượng hoàng và Hoàng đế đi cày và ra khơi làm gương cho dân chúng đã thấu tỏ lòng trời! Luật pháp thì nghiêm minh, từ quan trong triều đến kẻ cùng đinh đều tuân phục như nhau. Công lao của triều đình lớn như vậy thì dẫu quà này có là mồ hôi nước mắt của hạ dân thì cũng không đáng kể gì so với những gian nan vất vả triều đình đã bỏ ra để bách tính hôm nay lại được thấy thời Nghiêu Thuấn.
– Thôi được, ngươi đã nói thế thì chúng ta xin nhận.
– Vậy thì cũng cho hạ dân được hẹn với thương lái người nước Minh mấy tháng nữa tới đây đem hàng đi.
– Ngươi cứ việc hẹn cho họ tới, đừng ngại gì. Thuế má thì cứ tới chỗ tuần ty.
Suốt cuộc chuyện trò, chỉ có Khánh Diệm nói. Khách đi rồi, Kim Thoa bảo:
– Cái anh chàng này nói năng nhẹ nhàng, khéo léo quá cô nhỉ. Đã vậy mặt mũi lại sáng sủa, chỉ ghét cái con mắt anh ta thỉnh thoảng lại đưa về phía cháu làm cháu phát ngượng không để đâu cho hết!
– Ai bảo mày cũng nhìn người ta! Có nhìn người ta thì mới biết người ta nhìn mình chứ!
– Cô này…! – Kim Thoa đỏ bừng mặt.
Chỉ có thế thôi mà Đỗ Dự đi rồi, đêm ngày Kim Thoa chỉ mong anh ta sớm sắp xếp xong công việc để quay trở lại.
Nửa tháng sau Đỗ Dự đem năm thuyền đầy đồ gốm sứ cập bến. Đỗ Dự không dỡ hàng lên bờ mà cứ để nguyên dưới thuyền, cắm sào chờ thuyền khách. Đỗ Dự tranh thủ tới Vọng Giang Lâu chào các công chúa, biếu họ ít quà rồi về thuyền ngay vì e thuyền khách đến mình lại không có mặt. Được hai hôm thì thuyền người nước Minh tới bến. Thuyền họ to gấp ba thuyền của ta. Thuyền như vậy mới đi biển xa được. Thực ra đoàn thuyền của người Minh những mười chiếc, chỉ một chiếc vào Minh Thị, chín chiếc đợi ngoài cửa sông, chờ chiếc nhận hàng ra thì cùng đi tiếp xuống phía Nam. Từ khi Thái giám Trịnh Hoà được vua Minh Thành Tổ sai dẫn một đoàn 62 chiếc thuyền lớn cùng hơn 27.800 thuỷ thủ và binh lính, đi và về mất ba năm chín tháng, mở ra con đường buôn bán trên biển, sau đó còn đi nhiều lần nữa và xa hơn nữa, thuyền buôn của người Minh thỉnh thoảng lại ghé vào Đại Việt. Họ bán vải vóc, đặc biệt là lụa Tô Châu và mua đồ gốm sứ. Ngang giá thì đổi chác, không thì trả bằng vàng bạc hoặc tiền nước họ.
Bốc hàng từ thuyền mình sang thuyền người Minh xong, hết việc và rỗi rãi, Đỗ Dự lại tới lầu Vọng Giang, biếu các công chúa chút vải vóc nước Minh.
Mấy lần như vậy, dần dà họ Đỗ trở thành khách quen của hai công chúa nhà Mạc, được họ mời cơm mấy lần.
Thấm thoát đã sắp hết năm. Một hôm, đoàn thuyền Đỗ Dự lại ghé bến, cùng với năm thuyền như mọi khi còn có một chiếc mới đóng, to gấp hai những chiếc kia và đóng theo kiểu lâu thuyền. Đỗ Dự mời hai công chúa xuống chơi chiếc thuyền ấy. Không ngờ bên trong lại chia làm buồng ăn, buồng nằm, rèm che toàn gấm vóc đắt tiền, tuy đồ gốm sứ cũng đồ Chu Đậu nhưng miệng bát miệng chén cái nào cũng bịt bạc.
– Nhà ngươi thật khéo bày biện chu đáo. – Khánh Diệm khen.
– Thưa lệnh bà, từ khi được lệnh bà cho vào chợ, hạ dân mới được như thế này. Nghĩ đến ân huệ ấy, hạ dân luôn luôn nhắc mình phải cố cho bằng thiên hạ.
Khánh Diệm thăm thuyền khoảng chưa đầy nửa canh giờ thì bảo người hầu đưa mình về còn Kim Thoa ở lại xem thuế má thế nào. Kim Thoa bỗng đỏ bừng mặt. Nàng ở lại khoảng một canh giờ rồi bảo người hầu đưa mình về, tới lầu kịp khi trời sắp tối, chỉ tiếc không được ở chơi lâu hơn. Hôm sau Đỗ Dự rời bến.
Kim Thoa trở nên khác lạ hẳn, đang vui bỗng lại buồn ngay, đặc biệt lắm lúc cứ như người mất hồn. Cái con bé này có chuyện rồi! Khánh Diệm nghĩ bụng và bảo cháu:
– Hôm nọ Đỗ Dự nói với cháu những gì? Liệu cô có giúp được cháu không?
Kim Thoa ngần ngừ một chốc rồi nói:
– Anh ấy cầu hôn cháu!
– Cháu bảo sao?
– Cháu bảo cháu không có quyền, quyền là của Thái thượng hoàng và cha mẹ cháu. Cái chính là cháu nghĩ vắng cháu cô sẽ buồn lắm! Cho nên chưa chắc cháu đã bằng lòng. Cô có lấy ai thì cháu mới chịu lấy anh Dự.
– Cháu đừng cả nghĩ thế cho khổ. Chuyện cô kệ cô.
Kim Thoa bất chợt gục đầu vào lòng Khánh Diệm, nức nở:
– Sao cô cháu mình lại khổ thế không biết! Thà làm kẻ hạ dân còn hơn!
Khánh Diệm an ủi cháu mà ứa nước mắt.
Mấy hôm sau không phải Kim Thoa mà Khánh Diệm về Cổ Trai thưa với Thái thượng hoàng và Thái hậu về chuyện của Kim Thoa. Thái thượng hoàng nói:
– Thế thì tốt rồi. Ta luôn nghĩ đến việc này. Còn Khánh Diệm, Lương Khê hầu Bùi Đổ vừa rồi có tâu với ta về chuyện của em.
Thái hậu bảo:
– Theo chị thì đẹp rồi. ý em thế nào?
Khánh Diệm bỗng khóc:
– Em không thể như cháu Thoa được. Xin Thượng hoàng với Thái hậu để em nghĩ kỹ đã.
Thái hậu thở dài:
– Tuỳ em. Chúng ta chỉ nghĩ thương cho em thôi.
Lầu Vọng Giang được tiếng lành đồn xa không chỉ vì có hai nàng công chúa mà còn bởi những bức chạm trên những rường xà và bậu cửa nên một hôm có đám thợ mộc từ xa đến xin phép được xem kỹ những bức chạm ấy để về áp dụng cho ngôi đình ở làng mình. Cảnh mây trời, sông nước, chim chóc, bến thuyền, chợ búa, cảnh bình minh trên biển và thuyền đánh cá ra khơi, cảnh những người nông dân mặc áo tơi cấy lúa dưới trời mưa bụi, cảnh ngày tết, cảnh sĩ tử vinh quy về làng… Đám thợ mộc cứ cười ngặt nghẽo trước bức chạm mấy thiếu nữ tắm ở ao sen, cảnh ấy thì cũng chẳng lạ, ít ra họ đã thấy ba bức ở mấy ngôi đình họ tới cũng tựa như thế, lạ là bức này chạm một anh chàng nấp giữa đám lá sen tươi tốt nhìn trộm các cô gái.
– Tớ đố các đằng ấy, các cô này có biết mình bị nhìn trộm không nào?
Người bảo có người bảo không. Người nọ nói:
– Các cô ấy biết đấy. Đây nhá, cô này chẳng chỉ ngón tay về phía anh chàng là gì. Còn cô này quay hẳn người về phía anh ta nhưng mặt lại quay đi giả vờ ra cái điều không biết gì cả. Phải nói cánh thợ nào chạm bức này thật là dí dỏm, tinh quái. Nói chung là tài.
– Học trò của cụ Vũ Như Tô ngày trước xây Cửu Trùng đài chứ ai. Thế ông cũng định chạm như thế này ở đình làng mình hay sao?
– Tôi nghĩ cũng chẳng sao, thậm chí có thể tôi còn chạm bạo hơn. Trên trống đồng, thạp đồng bày ra đấy thì sao.
Một nàng hầu ra nhắc đám thợ nói năng nhẹ nhàng để cho các công chúa đọc sách. Chả hiểu cô ta có nghe được chuyện vừa rồi của đám thợ hay không mà mặt mũi lại đỏ rựng lên. Đám thợ vội hý hoáy vẽ lấy mấy bức chạm và khẽ bảo nhau:
– Bọn mình vô ý quá. Đây là lầu của các công chúa chứ có phải đình làng mình đâu mà bô bô cái mồm.
– Hôm nào ta đi xem đình Tây Đằng nhỉ? Nghe nói các bức chạm ở đấy cũng hay lắm. Người cõng con, người đẽo cày, đá cầu, chèo thuyền, rồi voi, hươu, hoa lá, đại đình, tả mạc, hữu mạc chỗ nào cũng có.
Một người vẫn không quên bức chạm thiếu nữ tắm ao sen với anh chàng nhìn trộm:
– Này, chỗ các công chúa ở mà chạm thế này kể cũng… bố láo nhỉ!
– Nghe nói cả hai công chúa đều goá có phải không? ước gì…
Đám thợ đi rồi, Kim Thoa bảo:
– Cô ạ, không hiểu tại sao cháu lại không để ý mấy đến cái bức chạm ấy đâu nhá. Cháu chỉ thấy có cái gì đó vui vui thôi. Thợ thuyền có khác, ăn nói cứ như cái lệnh!
– Từ khi đình không còn là nơi chỉ dành cho nhà vua nghỉ ngơi khi đi thị sát dân tình mà cốt để thờ thành hoàng và họp bàn việc làng thì không những khắp nơi nô nức dựng đình mà dân chúng cũng tự do trong việc ăn nói, cho nên lắm mồm lắm miệng như đám thợ kia cũng không có gì lạ.
– Cô bảo thế thì hay hay dở?
– Vừa hay vừa dở!
– Cháu cũng nghĩ thế. Cũng như chuyện lấy chồng ấy, cô nhỉ? Hay mà lại hoá dở, dở mà lại hoá hay!
– Cái con bé này, chuyện gì nó cũng ngoặc vào chuyện lấy chồng được! Thế bao giờ thì cưới hả nỡm?
– Chúng cháu định tháng Hai sang năm cho nó thật là xuân. Còn cô nhất định không chồng con gì nữa à?
– ừ.
– Chán cho cô thật đấy.
– Cô mệt với chuyện vợ cả vợ lẽ lắm rồi.
Thuyền Đỗ Dự chở người nhà trai đến ăn hỏi. Lần này là hai chiếc lâu thuyền lừng lững như hai toà lâu đài trên dòng sông rộng. Khắp Minh Thị xôn xao về chuyện công chúa Kim Thoa tái giá và việc công chúa Khánh Diệm nhất quyết ở vậy.
Chẳng bao lâu đến ngày cưới. Minh Thị đông vui như ngày hội. Lâu thuyền trên sông và lầu Vọng Giang rực những màu sắc. Đúng giờ hoàng đạo, chú rể đón cô dâu xuống thuyền. Khi thuyền rời bến, bất giác Kim Thoa nhìn về phía lầu: Người cô đứng tựa lan can nhìn hai chiếc lâu thuyền và đoàn thuyền hôn lễ xa dần.
Có một chuyện xảy ra hôm cưới chẳng những Kim Thoa không biết mà Khánh Diệm mãi sau này cũng mới được biết: Người ta bắt được hai thích khách, một nam một nữ. Lúc đầu họ định lẻn vào lầu Vọng Giang nhưng thấy dễ bị nghi ngờ vì cách ăn mặc lạc lõng trong đám cưới nên phải trà trộn vào đám người hiếu kỳ và tìm cách tới gần cô dâu. Nhưng do mấy năm nay cả nước không đâu xảy ra trộm cắp nên cái cách chen lấn cùng vẻ khác thường của họ làm người ta ngạc nhiên rồi từ ngạc nhiên người ta sinh nghi. Đám cưới một người như Kim Thoa, không chỉ có hai họ cùng khách khứa và người xem mà rải rác còn không ít lính kín, kết quả cả hai đều bị giữ lại, khám trong người thấy ai cũng dắt một con dao ngắn cực sắc. Mấy năm nay có lệnh cấm không ai được mang binh khí nên hai người lập tức bị Pháp ti bắt để tra hỏi
Hai thích khách khai cốt giết Kim Thoa để trả thù cho Chiêu Tông và quyết hành sự vào hôm vu qui để thiên hạ nhớ mãi. Người phụ nữ vốn là cung nữ của vua Chiêu Tông còn người đàn ông trước trong đội cấm binh của nhà vua. Họ bị giam vào ngục và giao cho Bộ Hình xử trí. Sự việc khiến Thái thượng hoàng và Hoàng đế nhà Mạc không khỏi băn khoăn.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.