- Đang online: 1
- Hôm qua: 956
- Tuần nay: 20691
- Tổng truy cập: 3,371,590
CỔ TRAI XUẤT ĐẾ (tiếp theo)
- 296 lượt xem
CHƯƠNG 5:
Quang Thiệu đế phát hịch cần vương
Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế
Mặc dù đã có chức Tiết chế, nhưng Mạc Đăng Dung vẫn giữ lối simh hoạt giản dị như trước. Đi đâu cũng chỉ có một lực sĩ Đinh Mộng theo hầu. Từ ngày đi Sơn Nam đến nay Mạc Đăng Dung mới quay trở lại kinh thành. Tan hoang quá. Đến gạch ở cửa Đại Hưng cũng có kẻ nạy phá. Cung cấm mà như chuồng nhốt gia súc, tanh bành cửa rả, bừa bãi đồ hỏng chỏng chơ, phân người, phân trâu vương vãi. Dường như chỉ có Vọng Tiên Lâu là được nguyên vẹn trong vẻ trầm mặc của khung cảnh và sự tấp nập thường ngày vốn có. Nữ chủ quán bây giờ là đệ nhất phu nhân nhưng vẫn đưa đón khách đon đả như cái nghiệp định thế. Kể cũng lạ, tao loạn giặc giã liên miên như thế mà Vọng Tiên Lâu vẫn cứ là Vọng Tiên Lâu từ ngày dựng lên. Không biết tiểu thư Ngọc Huyền sau này có nối nghiệp mẹ làm chủ quán hay không. Mẹ nó hẳn phải biết điều đó mà tìm người “kế vị” phù hợp.
Có dễ đến nửa tháng sau ngày về kinh nhà vua mới lại thiết triều đông đủ trên điện Kim Quang. Trăm quan cùng chúc mừng. Mạc Đăng Dung dâng tấu:
– Muôn tâu Thánh thượng. Liền mấy năm nay dân khổ vì loạn, đàn ông ra trận hết chẳng còn người nào ở nhà cày cấy, vợ ngóng chồng, con ngóng cha, Thần xin Hoàng thượng cho lệnh bãi binh, giảm cấm quân, giảm lính phủ huyện, chỉ giữ lại những người khỏe mạnh thôi. Đó là kế giữ bền gốc đấy ạ.
Đô ngự sử Nguyễn Quý Nhã chặn lại:
– Phía Nam còn Trịnh Tuy chưa hết mưu phế lập, phía Bắc còn giặc cỏ Trần Cung, quan Tiết chế xin bãi binh là phải lẽ sao?
– Muôn tâu, Trịnh Tuy vốn là mệnh quan triều đình, mới rồi làm chuyện phế lập đại nghịch bất đạo còn ai theo nữa, tuy còn mà không đáng ngại. Trần Cung nổi lên do dân đói khổ lại tin theo lời sấm mù quáng, nhất thời có được sức mạnh, bây giờ những điều lợi không còn, thần nghĩ, chỉ cần một nghìn quân Kinh Bắc với hai nghìn quân Hải Dương thần có thể bắt Trần Cung lúc nào cũng được.
Thiên đô ngự sử Nguyễn Mậu, Lễ bộ thượng thư Phạm Khiêm Bính cũng đứng ra bênh vực Mạc Đăng Dung. Nguyễn Quý Nhã nói:
– Nếu quan Tiết chế đã khẳng định chắc chắn như vậy thì may cho xã tắc lắm.
Liền đó, Mạc Đăng Dung hạ lệnh tinh giảm quân đội, cứ ba người cho về quê hai người, bổng lộc cấp đủ. Số người được về với gia đình đều sụp lạy tạ ơn Mạc Đăng Dung không ngớt. Mạc Đăng Dung phủ dụ số hồi hương chăm lo sản xuất, giữ phong tục, không theo giặc cướp hại sinh linh. Họ đều hứa làm theo. Mạc Đăng Dung lại phủ dụ số ở lại:
– Binh pháp có câu: “Quân cốt tinh không cốt nhiều’. Một người các ngươi khi đánh trận phải như ba bốn người khác, tức là tinh, tức là bớt được mấy người ở nhà sản xuất giúp cho mấy nhà được đoàn tụ. Muốn tinh các ngươi phải chăm tập võ nghệ, trận pháp, giữ nghiêm hiệu lệnh. Ra trận các ngươi phải hăng hái lập công. Số các ngươi phải là rường cột của quân đội, qua một vài năm lập công phải trở thành tướng bách bộ, thiên hộ cả. Các ngươi có đồng ý như vậy không?
– Tướng quân thiên tuế!
Mạc Đăng Dung sai thuộc tướng thao luyện quân sĩ chuẩn bị đánh Trần Cung. Có tin một người lính giải ngũ tên là Cồ Khắc Xương ở Nhân Vũ huyện Thiên Thi, trước ở Vệ Điện tiền Hiệu lực, tự xưng là Thiên Vũ ra ở chùa làng, đặt niên hiệu là Phù Kinh, xin chín gói cơm ăn hết, rồi lấy ra gói cơm đốt thành than làm thuốc cứu chữa cho lương dân không có con cái rồi đòi gà rượu. Những người đàn bà không có con ở lại phục thuốc bị Cồ Khắc Xương cưỡng dâm, nhưng vì muốn có con nên đều giữ kín tiếng và phần lớn có chửa thật. Mạc Đăng Dung biết người lính này mê hoặc dân, không giữ thuần phong liền sai người đến bắt về trị tội.
Ít lâu sau lại có một người lính giải ngũ khác tên là Trần Công Vụ ở Phạm Tùng, huyện Gia Phúc tự xưng là Thiên Bồng mới họp dân, lấy đền Bồ Bái để làm nơi hành nghề bùa chú. Mạc Đăng Dung sai người đến bắt về trị tội. Nhân đó Mạc Đăng Dung dâng sớ về triều đòi trị tội các quan thừa hiến ở Thiên Thi và Gia Phúc là Lê Trân và Đỗ Thao làm gương. Tấu viết: “Lớn lao thay Thánh thượng mở vận trung hưng vẻ vang, làm vua làm thầy tốt đẹp, việc võ trị đảm nhiệm về mình, dùng đạo, dùng đức dạy răn, khắp trong cõi bờ đều được no ấm sinh sôi. Nay các quân nhân Cồ Khắc Xương, Trần Công Vụ là hạng lính mọn, vốn đứa thường dân, đáng lẽ phải theo đạo vua, kính tuân lời dạy, lại giả xưng Thiên Vũ, Thiên Bồng lừa dối dân Ngu, biến chùa Phù Kinh thành trường bán gian, mượn miếu Bồ Bái làm ổ chứa nguy. Tán tro làm thuốc thuật bùa mà già trẻ đua nhau, đọc chú bùa vẽ kế giả mà xóm thôn sợ phục. Bọn yêu quái đã làm như vậy, kẻ sĩ phu nên gắng bài trừ. Thế mà bọn quan thừa hiến đã từng đọc sách thánh hiền, đều giữ trách nhiệm gương mẫu là Lê Trần, Đõ Thao lại u mê tin theo tâu nhảm lên trên. Kính xin giáng tội”.
Vua nghe theo xuống chiếu cách chức hai người.
Trịnh ý công thần Vũ Duệ thấy việc tuy nhỏ mà Mạc Đăng Dung xử lý kiên quyết hợp đạo khác nào một bậc minh chúa thì kinh sợ lắm. Đến đêm Vũ Duệ lại đến ty Thiên Giám quan sát, thấy ngôi Đế tinh lạ đã phát sáng như ngôi Đế tinh nhà Lê biết rằng vận hội nhà Lê sắp tận thì buồn vô cùng, lại hận vì không thể cưỡng được số trời.
Tháng 8 năm Quang Thiệu thứ sáu (1521), Mạc Đăng Dung lệnh cho Tổng binh Kinh Bắc là Phúc Sơn bá Hà Phi Chuẩn xuất binh cùng quân Hải Dương tiến đánh Trần Cung ở Phượng Nhãn, Bảo Lộc. Vua ngự điện Quỳnh Văn úy lạo tướng sĩ, gia phong Mạc Đăng Dung làm Thái phó Nhân quốc công.
Trần Cung bấy lâu giữ đất không ra, nghe tin quan quân lại tiến đánh ở núi Trâu Sơn. Trần Cung nói với thuộc hạ.
– Trước đây, kiện tướng Trịnh Duy Sản có hàng chục nghìn quân tới đất này ta còn chẳng coi ra gì, nay Mạc Đăng Dung chỉ có hai nghìn quân ta hẹn bắt sống cho xem. Bắt được Mạc Đăng Dung thì triều đình mất vía tất lại dâng kinh thành cho ta, họ Trần lại trung hưng, dịp may đó, quân tướng cùng gắng sức nhé.
Trần Cung cho Thái sư Lê Quảng Độ giữ mặt Bắc, dặn chỉ giữ trận không ra đánh, bao giờ băt được Mạc Đăng Dung sẽ tung quân đuổi Hà Huy Chuẩn đến tận Thăng Long một thể.
Mạc Đăng Dung vừa tiến quân vừa phủ dụ dân chúng không theo giặc cỏ làm loạn. Tiếng “Ngưu vương” của Mạc Đăng Dung lâu nay vẫn lan truyền ở vùng Hải Dương, Kinh Bắc, lại mấy lần vận thóc cứu đói nên quan dân các nơi đều bày lễ vật đón rước. Nhà nào có con em theo Trần Cung được gọi về quy thuận triều đình. Những người theo Trần Cung khi trước thì tạ lỗi, chí thú làm ăn. Mạc Đăng Dung tiến đến Trâu Sơn không gặp trở ngại gì. Trần Cung bảo:
– Ta lấy sức nhàn mà đánh thực là điều lợi của binh pháp. Ai dám theo ta bắt chủ tướng giặc?
Các tướng đều xin đi.
Trần Cung mặc áo bào vàng, cưỡi ngựa đỏ, cầm đôi song kiếm tế ngựa ra trước trận, phía sau có năm tướng trợ chiến.
Mạc Đăng Dung mặc áo giáp gụ, cưỡi ngựa bạch, cầm long đao tiến ra. Phía sau có Đinh Mộng, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính cầm gươm trợ chiến. Mạc Đăng Dung nói :
– Nghịch tặc biết điều quy thuận thì ta tha cho mạng sống cả họ, sao không hạ kiếm xuống ngựa chịu tội đi.
Trần Cung cả giận quát:
– Mạc Đăng Dung chớ tự mãn. Ta sẽ bắt sống cho coi.
Đoạn tế ngựa ra đánh. Quân sĩ hai bên lại được chứng kiến một trận thư hùng có một không hai. Áo gụ áo vàng, ngựa đỏ ngựa trắng quấn lấy nhau như bảy sắc cầu vồng. Tiếng binh khí va vào nhau chan chát. Bỗng một trận gió lớn nỗi lên, phía sau Trần Cung xuất hiện con rồng xanh bay lên chực vồ Mạc Đăng Dung. Ngay lập tức phía sau Mạc Đăng Dung cũng xuất hiện một con rồng ngũ sắc lao lên đánh lại. Đôi rồng giao đấu dữ dội, làm cho đất đá cũng phải bay mù mịt, cây rừng ngã rạp như gặp bão lớn. Quân sĩ hai bên kinh sợ nằm rạp cả xuống. Hồi lâu gió ngưng, người ta thấy con rồng xanh gãy móng bay lẫn vào mây, cái đuôi cộc như rỉ máu. Con rồng ngũ sắc cũng bay về phía sau Mạc Đăng Dung mất dạng. Cùng lúc đó Trần Cung thất thế quay ngựa chạy lên núi, nhờ có năm tướng liều chết chặn đường mới thoát. Các tướng bên Mạc Đăng Dung nhất tề xông trận. Trần Cung một mình một ngựa chạy trước, để mặc các tướng hộ tống gia đình chạy sau. Thái sư Lê Quảng Độ thấy chủ tướng vỡ trận toan chạy theo bị tướng Nguyễn Lộ chặn đường bắt được. Lê Quảng Độ nói:
– Nể tình ta với Nghĩa vương vào sinh ra tử, xin tướng quân tha cho cái mạng già này.
Nguyễn Lộ toan thả thi tổng binh Hà Phi Chuẩn đã phi ngựa đến bắt giải về kinh giao cho triều đình định tội. Tiết chế Mạc Đăng Dung sợ Vua nể tình tha tội nên gửi bản tấu về triều đình, đại ý viết: “Tam cương ngũ thường là rường cột chống trời đất, là trụ đá giữ yên sinh dân. Từ xưa tới nay chưa có ai bỏ cương thường mà có thể đứng vững trong trời đất được. Nay Lê Quảng Độ nhờ ấn phong của ông cha, đội ơn hậu của triều đình, làm quan trải bốn triều, ngôi vị đến chức tể phụ, thế mà chỉ một mực dựa dẫm, dòm ngó đủ vành. Muốn yêu vua thì nịnh hót trăm chiều, nắm quyền thế thì xoay trò lắm cách, gây nên tai họa ở đời Đoan Khánh, Hồng Thuận nguyên cớ đâu chỉ trong một sớm một chiều. Đến khi giặc Cảo gây việc binh đao tiếm xưng vị hiệu thì kẻ ấy lại tham sống sợ chết, nỡ nhơ nhuốc làm tôi kẻ thù, mượn danh tước đi lừa dỗ dân ngu cho giặc Cảo, làm đầu mục đi cầu phong nước ngoài cho giặc Cảo, ngầm giúp giặc Cảo có đến trăm cách. Thực không bằng loài chó lợn, lại kém cả lũ kiến ong. Tội nó đối với trời đất, đối với tổ tông, đối với thiên hạ không thể nào tha được. Nay xin kính cẩn tâu lên”.
Vua nể tình cho Lê Quảng Độ tự xử.
Mạc Đăng Dung phá được sào huyệt của Trần Cung , Vua lại có sắc dụ cho Mạc Đăng Dung và tướng sĩ các doanh rằng:
“Trẫm nghe: vì nước trừ hung, đạp bằng nguy hiểm là trách nhiệm của Tướng quân. Khanh là chỗ nương tựa của Trẫm, nay giặc Cung nhóm họp dư đảng, trận chiến vùng Lạng Nguyên, triều đình sai khanh làm đô tướng, tiết chế các doanh quân thủy bộ cả nước, chia đường tiến đánh, đã từng trèo non lội nước, xông pha mưa gió, phá giặc ở Phượng Nhãn, Bảo Lộc, đốt phá doanh trại giặc, chém được đầu giặc, bắt được tù binh giặc. Quân đi đến đâu không mảy may xâm phạm của dân, cư dân các xã trót theo giặc đều ra đầu thú, phục tùng, tin thắng trận nhiều lần tâu lên, trẫm rất khen ngợi. Khanh nên lấy lòng trung nghĩa khích lệ tướng sĩ đồng lòng chung sức lập cách lùng bắt cho bằng được tên phản nghịch Cung, còn những kẻ bị bắt tiếp theo nó thì hết thảy không hỏi tới. Để bọn giặc cướp trốn tránh lâu năm sào huyệt bị quét sạch, để dân một phương phải lầm than được yên ổn như xưa thì công lao danh tiếng của khanh để lại mãi mãi trong vũ trụ và lời thề sông cạn đá mòn, cháu con hưởng mãi không bao giờ cùng”.
Nhận được sắc dụ của Vua, Mạc Đăng Dung lấy bạc ban thưởng quân sĩ đã có công, rồi tiếp tục truy đuổi Trần Cung. Đến châu Thất Nguyên thì bắt được vợ con Trần Cung. Trần Cung một mình một ngựa quay lại cứu. Mạc Đăng Dung tế ngựa đón đánh. Trần Cung chỉ mặt nói:
– Trời còn thể lòng hiếu sinh. Nay ta thế cùng lực kiệt, phải đem vợ con trốn lên vùng rừng núi hẻo lánh chỉ mong yên thân, thế mà ngươi còn truy sát đén cùng, thực là quá lắm. Nay vợ con ta chết cả vêt tay ngươi, chỉ sợ có ngày trời báo ứng đến lượt gia quyến ngươi bị người khác sát hại như thế này, ở chính trên đát này mà thôi.
Mạc Đăng Dung quát:
– Khi còn đương thế ta đã lấy oai trời khuyên bảo, bao tướng sĩ của ngươi đã quy thuận, chỉ có ngươi không biết liệu sức mình ngoan cố chống lại mới có kết cục hôm nay, thực cũng là ý trời, sao ngươi không xuống ngựa chịu tội đi.
Trần Cung khảng khái đáp lại:
– Ta vì vợ con liều chết với ngươi một phen, chết cũng là chết oanh liệt, chết vì nghĩa không thẹn với trời đất, làm gì có chuyện đầu hàng chết nhục được. Nào, hãy rút kiếm ra.
Vợ con Trần Cung kêu khóc giục Trần Cung cứ chạy đi chứ đừng giao chiến, còn người còn sự nghiệp, Trần Cung không nghe. Vợ con Trần Cung tự đâm chết để ép Trần Cung chạy. Nhưng ngựa mệt, người cũng đói mệt, khó mà chạy tiếp. Trần Cung lấy kiếm tự đâm vào cổ và kêu lên:
– Ta đi theo các ngươi đây.
– Thấy chủ đã chết, con ngựa đỏ của Trần Cung hý lên một hồi dài rồi đâm đầu vào đá chết theo.
Mạc Đăng Dung sai quân khâm liệm và chôn cất gia đình Trần Cung tử tế. Con ngựa cũng được chôn ở bên cạnh. Lại sai quan địa phương lập miếu thờ để cổ vũ tấm lòng tiêt nghĩa. Mạc Đăng Dung kính cẩn vái tạ Trần Cung, đoạn nói với tùy tướng:
– Họ Trần chỉ là hạng bạch đinh mà gây dựng được triều đình riêng, chiếm được kinh thành kể cũng là bậc anh hùng thời nay. Nếu không có ta, biết đâu nhà Trần lại được trung hưng cũng nên.
ﮪ Mạc Đăng Dung khải hoàn về kinh. Vua Quang Thiệu ban thưởng và hỏi:
– Việc phía Bắc đá yên, khanh có nên dẹp nốt Trịnh Tuy chăng?
– Muôn tâu, theo thần chưa nên. Hẵng để khoan thư sức dân đã. Chi bằng cho người đòi Tuy vào chầu, nếu Tuy thuận theo thì ban cho một chức Thượng thư để ràng buộc là hơn.
– vậy tùy khanh xử trí!
Bấy giờ Mạc Đăng Dung được quan dân cả nước hướng về do đó hiệu lệnh triều đình đến khắp phủ huyện. Phạm Gia Mô bàn:
– Đại huynh có công bình định thiên hạ, ân đức đã tỏ, sao không bắt chước Tào Công đòi Hoàng đế ban cho tước vương? Có được tước vương thì thế tử sau này có thể làm được việc cuả Tào Phi ngày trước.
Mạc Đăng Dung nói:
– Thái Tổ có công bình Ngô được nước truyền cho con cháu ta đâu dám phạm. Như thế tước vương phòng ích gì. Bề tôi quyền lấn chủ chẳng phải là họa sát thân sao.
– Vậy thì đại huynh nên kết thân với vua. Hay là đại huynh cho Ngọc Huyền vào hầu, hai nhà càng ngày càng thân thì tốt lắm.
Mạc Đăng Dung theo lời, nhờ các đại thần Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ưng làm mối. Vua tỏ vẻ không bằng lòng nhưng không dám nói ra. Do đó vua luôn lạnh nhạt với Ngọc Huyền. Ngọc Huyền uất ức về nói với mẹ. Nữ chủ quán vốn không muốn cho con gái vào hầu vua, bây giờ trách móc chồng. Mạc Đăng Dung phải xếp cho con trưởng là Mạc Đăng Doanh vào làm tri Kim Quang điện để tiện can thiệp. Vua cho là anh em Ngọc Huyền ức hiếp mình thường than vãn làm vua cả nước mà chẳng có chút quyền hành gì, đến việc ngủ cũng phải chịu theo sự xếp đặt của kẻ dưới. Bọn đô lực sĩ Nguyễn Cấu, Nguyễn Thọ, Đàm Cử xót ruột tâu:
– Nếu Hoàng thượng không bằng lòng thì cứ đuổi chúng ra. Nếu chúng chống cự Hoàng thượng xuống chiếu phạm thượng, bọn thần sẽ có cớ ra tay.
Bọn Đàm Cử rất mực trung thành, từng xa giá theo vua bôn tẩu gian nguy nhiều phen nên vua tin cẩn lăm. Đêm hôm đó vua đuổi Ngọc Huyền ra khỏi phòng thật. Ngọc Huyền tìm gặp anh trai nhờ can thiệp. Mạc Đăng Doanh như mọi bận lại đến cung vua nói hộ. Đàm Cử lập tức đuổi ra và mắng:
– Vua sao có thể phải tuân theo kẻ dưới được. Ông về đi, tốt nhất dẫn cả cô em gái yêu tinh của ông về. Vua không cần loại phi tần ức hiếp vua đâu.
Mạc Đăng Doanh thẹn quá dẫn em gái về.
Vua sai lực sĩ bắt giam luôn cả hai ông mối Trình Chí Sâm và Nguyễn Thì Ung vào điện Quỳnh Văn. Bọn Sâm, Ung van lạy khóc lóc:
– Hoàng thượng chớ nghe mấy kẻ vũ phu làm vậy chúng thần e không lợi đến long nhan, kính xin Hoàng thượng nghĩ lại khi còn chưa muộn.
Vua đang bực rũ áo mắng:
– Các khanh nối giáo cho giặc vẫn còn chưa biết tội ư, lại định xui trẫm đến xin lỗi và đón con yêu tinh ấy à.
– Chúng thần xin hoàng thượng nhẫn nhịn.
Vua sai nhốt hai người lại, về cung nghỉ.
Ngay tối hôm đó Mạc Đăng Dung sai quân đến băt bọn Đàm Cử đem chém. Vua sợ Mạc Đăng Dung làm chuyện thoán nghịch nửa đêm cùng bọn Phạm Hiến, Phạm Thứ trốn khỏi kinh thành và cho người mang mật chiếu vào Tây Đô để Trịnh Tuy cất quân, giúp sức.
Sáng ra, Hoàng thái hậu và Hoàng đệ Xuân không thấy Vua đâu lật đật đến phủ Mạc Đăng Dung hỏi, lúc ấy Mạc Đăng Dung mới biết Vua bỏ đi, vội sai người đi chặn các ngả đường đón Vua về, đồng thời cho dán cáo thị nói Vua đi vi hành, cấm không được kinh động.
Hoàng Duy Nhạc đem quân theo đường Sơn Tây dò biết Vua đang ở Thạch Thất, kịp đến ra mắt tâu:
– Hoàng thượng vi hành không cho thái hậu biết làm cả triều đình lo sợ, kính xin Hoàng thượng về triều ngay cho.
Vua ngoảnh mặt đi nói:
– Ta về để các ngươi bức hại chứ gì? Bay đâu đem chém tên này cho ta.
Bọn võ sĩ nghe lệnh lôi Nhạc ra chém.
Đợi ba ngày Vua không về, lại giết cả đại tướng, Mạc Đăng Dung xin Thái hậu cho gọi bá quan vào hầu để bàn việc lập Vua mới. Các đại thần gồm thái sư Lương quận công Lê Phụ, Mỹ quận công Lệ Chu; Cẩm sơn hầu Lê Thúc Hựu; Hoằng Lễ hầu Phạm Gia Mô, Đoan Lễ hầu Vương Kim Ao; Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ; Dương Xuân hầu Nguyễn Như Quế cho rằng nước không thể thiếu vua, cùng tôn lập Hoàng đệ Xuân lên ngôi, được Thái hậu chấp thuận. Vua mới cải niên hiệu là Thống Nguyên, xuống chiếu ban bố cả nước. Chiếu viết:
“Ta là cháu của Đức Tông Kiến hoàng đế, con thứ hai của Minh Tông Triết hoàng đế, em ruột của Quang Thiệu hoàng đế. Nay vì Quang Thiệu đế bị kẻ gian uy hiếp phải dời ra ngoài, triều thần là Thái sư Lương quốc công Lê Phụ, Thái phó Nhân quốc công Mạc Đăng Dung và các công hầu, phò mã đô úy, cùng các quan văn võ đồng lòng suy tôn, đều nói rằng sinh dân không thể không người đứng chủ, thần khí không thể bỏ trống lâu ngày, xin ta nối giữ nghiệp lớn. Ta vì tông xã và sinh dân, nghĩa không thể từ chối được, đã tạm trông coi các công việc trong cung rồi, các quan văn võ trong ngoài cứ giữ chức như cũ. Quân hộ vệ và tướng sĩ các doanh quân ở kinh sư phải túc trực nghiêm ngặt, phòng giữ đúng phép. Viên chức và dân chúng ở phủ Phụng Thiên và các phủ, huyện xã hãy an cư lạc nghiệp để giữ phúc sinh toàn”.
Quang Thiệu đế ở hành dinh Mộng Sơn chờ mãi không thấy quân Trịnh Tuy đến, lại được tin Thái hậu và quần thần đã tôn lập Vua mới bèn sai người thảo hịch Cần Vương gửi đi các nơi.
Nguyễn Đình Tú, tri phủ Quốc Oai đến yết kiến. Vua sai mộ quân địa phương đi trấn giữ ở các nơi trọng yếu. Vua dời từ Mộng Sơn về Mang Sơn, khi đi qua sông Cung Kiệm, cầu gãy, Vua ngã xuống sông ướt hết áo hoàng bào, võng lọng. Nhiều người cho là điềm gở. Riêng Nguyễn Đình Tú nói:
– Hoàng thượng đứng đầu cả nước, việc ngã xuống nước chính là điềm được nước đó.
Quang Thiệu đế đang bực mình toan trách phạt tri phủ trông coi xây dựng không cẩn thận, nhờ câu nói ấy nên tha cho.
Ở Kinh Bắc có Hình bộ thượng thư Đàm Thuận Huy và phó đô tướng Hà Phi Chuẩn mộ quân đóng ở Đông Ngàn.
Ở Sơn Nam có Ninh Xuyên hầu Lê Đình Tú mang quân đến chịu sự sai bảo.
Trịnh Tuy đem quân ba phủ ở Thanh Hoa đông hơn một vạn người cũng đến.
Bấy giờ Mạc Đăng Dung theo kế của Phạm Gia Mô tạm nhường kinh thành cho Quang Thiệu đế, dời triều đình về Hải Dương, đóng ở Hồng Thị để củng cố lực lượng, tránh đòn công kích của các trấn. Do đó Quang Thiệu đế lại chiếm được kinh thành, sai quân tiến đánh các huyện Gia Lâm, Văn Giang, Đường Hào, Cẩm Giàng, Gia Định, Lương Tài. Quang Thiệu đế thúc Trịnh Tuy mau tiến quân nhưng Tuy cứ lần lữa làm nhỡ cơ hội quyết chiến với Mạc Đăng Dung. Vì vậy khi thuộc tướng của Tuy là Nguyễn Bá Kỷ vào hầu, Vua đã sai Phạm Điền bắt đem chém. Tuy nổi giận không muốn phò giúp nữa.
Mạc Đăng Dung tuy quân ít nhưng tướng giỏi, quân tinh nhuệ lần lượt đánh bại các cánh quân của Quang Thiệu đế. Thời gian ở phương Đông thường có mây ngũ sắc hình rồng xuất hiện rồi tản ra phủ khắp trời khi quân Mạc Đăng Dung áp sát kinh thành thì Trịnh Tuy cho quân đánh vào cung, bắt ép Quang Thiệu đế về Tây Đô.
Ngày 18 tháng chạp năm Nhâm Ngọ (1522), Mạc Đăng Dung rước Thống Nguyên đế từ Hồng Thị về kinh.
Theo lời bàn của Phạm Gia Mô, Mạc Đăng Dung vào cung với Thái hậu:
– Mấy chuyện loạn lạc vừa qua đều do Quang Thiệu đế mà ra cả. Nay đã lập vua mới, một nước không thể hai vua, cúi xin Thái hậu và Hoàng thượng giáng xuống làm Đà Dương vương, rồi cho người truyền chỉ và đón về cung thì mới bình được loạn.
Thái hậu bằng lòng.
Mạc Đăng Dung cử Sơn Đông hầu Mạc Quyết, Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ, Dương Xuyên hầu Vũ Như Quế đem quân vào Tây Đô đón Đà Dương vương. Trịnh Tuy đem quân chống lại nhưng bị thua, phải đem tàn quân bắt Đà Dương vương lên miền núi Lang Chánh.
Mạc Đăng Dung tự dẫn quân tăng viện quyết đón bằng được Đà Dương vương. Đến Tống Sơn, Mạc Đăng Dung rẽ vào Gia Miêu viếng Nghĩa vương và thăm Nguyễn Hoằng Dụ. Lúc này Dụ đang bệnh nặng, nhưng vẫn gượng dậy tiếp.
Mạc Đăng Dung hói:
– Quân hầu đang tuổi tráng niên sao lại ốm yếu vậy? Phải khỏe lên để cùng ta góp sức giúp triều đình chứ?
Dụ đáp:
– Đệ tự phụ coi thường Trịnh Tuy đến nỗi thất trận, tan vỡ hết quân đội, sinh buồn chán đến phát ốm, đành phải nhìn huynh một tay chèo chống giúp Vua. Đến nay đệ mới thấy mình bắt tài. Chỉ có huynh, chính là huynh mới là bậc anh hùng cái thế đời nay. Năm trước huynh giúp Quang Thiệu đế bình được loạn thiên hạ, năm nay lại giúp Thống Nguyên đế giữ yên thế cuộc. Một Trịnh Tuy sức tàn lực kiệt chẳng đáng kể gì nữa. Công của huynh thực là to lớn lắm.
– Quân hầu quá khen! Thanh Hoa là đất thang mộc của triều đình. Nếu huynh bắt chước việc của họ Tào, họ Tư Mã thì dù có chết đệ cũng không tha cho huynh đâu?
– Quân hầu nói gì lạ thế? Ta nắm binh quyền cũng chỉ là nhọc công giúp rập triều đình thôi. Ta luôn cẩn thận công việc kẻo mang tiếng là kẻ quyền thần đi vào vết xe đổ của họ Trịnh ngày trước thôi.
– Vậy thì đệ yên tâm rồi.
Chia tay Mạc Đăng Dung, Hoằng Dụ lại bị ho giữ dội. Biết khó qua khỏi, liền cho gọi các con lại dặn:
– Ta xem dung mạo Mạc Đăng Dung có dáng dấp của thiên tử. Lời sấm “Phương Đông xuất thiên tử” ngày trước chính là ứng hợp với người này. Khi trước ta thua Trần Chân về qua phủ Mạc Đăng Dung ở Sơn Nam có ngủ lại cùng giường một đêm, ta thường thấy rồng ngũ sắc ấp ủ Mạc Đăng Dung ta lạ lắm, có điều lúc ấy Mạc Đăng Dung vẫn còn là chức nhỏ chưa tin, nay xem ra không thể không tin. Nếu Mạc Đăng Dung có phá bỏ xã tắc nhà Lê, anh em ta không thể làm ngơ. Ta xem có An Thanh hầu Nguyễn Kim cẩn thận, chắc chắn có thể đứng chủ được, mọi người phải đồng lòng giúp đỡ. Trước đây Thái Tổ lấy núi Lam Sơn làm căn cứ giấy nghĩa mà giành được nước, mọi người cũng nên làm theo như vậy thì có thể trung hưng được nhà Lê, làm nên công nghiệp như cha ông ta đã làm được.
Dặn xong thì tắt thở.
Còn Mạc Đăng Dung đi chuyến ấy cũng đón được Đà Dương vương về kinh. Thống Nguyên đế ban chiếu đại xá thiên hạ.
Diệt nốt thế lực Trịnh Tuy, phế xong Quang Thiệu đế, bốn phương đã định, binh quyền nắm trong tay Mạc Đăng Dung. Bọn văn thần Trình Chí Sâm, Nguyễn Thì Ung được Mạc Đăng Dung giải cứu khỏi tay Quang Thiệu đế thấy quan quân hướng về Mạc Đăng Dung thì bảo nhau đến phủ Mạc Đăng Dung khóc lạy nói:
– Cơ nghệp của Thống Nguyên đế thực do chúa công lấy được trên mình ngựa, sao chúa công không làm theo họ Hồ ngày trước đi.
Mạc Đăng Dung cười to bảo bọn họ:
– Các ông nhầm rồi. Ta dù có công cũng là báo đền nước, mong các ông nghĩ lại cho ta, đừng nói đến chuyện ấy nữa. Ta đang lo sợ thiên hạ cho là quyền tôi lấn chủ, ta đang xin Thái hậu và Hoàng thượng cho về quê nghỉ ngơi đây.
Bọn đại thần cho rằng Mạc Đăng Dung khiêm tốn nên cố nài thêm vài lần nữa.
Mạc Đăng Dung tấu xin về Hải Dương thật.
Phạm Gia Mô đến hỏi:
– Sao không nhân đây đòi vua ban tước vương cơ hội đến rồi đó. Đại huynh về Hải Dương là ý sao?
Mạc Đăng Dung nói:
– Đệ là người biết suy xét, nhưng lần này lại nóng vội, tính sai rồi. Ta về Hải Dương để thử lòng quan thuộc đó. Nếu họ tự khu xử triều đình giúp Thống Nguyên đế là coi thường ta. Như vậy là Thống Nguyên đế còn có kẻ thờ. Ta sẽ biết mà trừ bỏ dần mới được.
– Bái phục huynh tính toán xa xôi đệ không thể nào theo kịp.
Mạc Đăng Dung ở xa, các đại thần từ Thái sư trở xuống, quả thật không dám tùy tiện khu xử công việc, cứ phải vất vả đi lại xin thỉnh thị nếu không có bút phê của Mạc Đăng Dung thì không dám quyết. Bọn họ dang tấu xin Mạc Đăng Dung về kinh. Mạc Đăng Dung đáp:
– Ta ở đây mà vẫn lo Đà Dương vương lại phát lệnh Cần Vương, sao bấy lâu rồi các ông không lo điều ấy giúp ta nhỉ?
Bọn Nguyến Thì Ung đem việc ấy tâu lên. Thái hậu và Thống Nguyên đế thương Đà Dương vương lắm, nhưng không dám trái ý Mạc Đăng Dung và quần thần, cho Đà Dương vương về viếng lăng Lam Sơn rồi sai người bắt xử tại đó.
Bọn Nguyễn Ung Thì lại dâng tấu gia phong tước vương cho Mạc Đăng Dung. Thái hậu và vua nghe theo, sai Tùng Dương hầu Vú Hữu, Lan Xuyên bá Phan Đình Tá, trung sư Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ tiết chế, mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, đến làng Cổ Trai, tiến phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương và ban Cửu tích. Thống Nguyên đế lại ban quạt có thơ tự đề là “Chu công giúp Thành Vương”:
Hựu mệnh Chu gia thực tự nhiên
Cần lao tá tự nhiệm nhân hiền
Trẫm tà khẳng vị sàm nhân thiết
Trung hiếu chung tồn thực đức kiên
Lễ bộ nhạc hòa bình định nhạt
Chính thanh hình thế hạo hy viên
Hựu phong lệnh vận quang thiên cổ
Cảnh hạnh cao sơn thượng miễn chiêm
Dịch thơ:
Giúp vận nhà Chu thực tự trời
Chăm lo công việc dụng hiền tài
Gièm pha mặc kẻ bày nhiều cách
Trung hiếu bền lòng chẳng chút sai
Lễ đủ nhạc hòa đời thịnh trị
Chính hay hình ít buổi vui tươi
Tiếng hay đức tốt ngàn thu rạng
Núi cao, đường rộng hãy noi người.
Phạm Gia Mô lại bàn:
– Đại huynh đã nhận tước vương, lòng người đều theo có thể lấy nước được rồi.
Mạc Đăng Dung vẫn lắc đầu:
– Phải thuận theo tự nhiên, cái gì đến sẽ đến, bây giờ chưa đến lúc.
– Sao đại huynh không về kinh để nắm đại cục.
– Ta còn phải ở đây chờ. Đệ có nhớ đôi trâu thần ở sông Chanh không? Bao giờ trâu thần lại đến mới là lúc làm chuyện lớn.
– Sao huynh biết trâu thần lại đến húc nhau? Bao giờ sẽ đến?
Ta đồ răng không lâu đâu, đệ chớ sốt ruột. Khi nào quần thần đều tuân phục thì trâu sẽ đến.
Đêm ngày mồng một tháng sáu năm Thống Nguyên thứ sáu, bãi sông Chanh trăng mây bỗng rực sáng hào quang. Hai con trâu thần một đen một trắng ở dưới nước lên bãi quần nhau từ giờ Tý sang giờ Mùi. Mạc Đăng Dung làm lễ bái tạ. Đôi trâu thần lại xuống nước biến mất.
Ngay lập tức Mạc Đăng Dung cho hội tùy tướng đến phủ dụ:
– Ta biết các ngươi lâu nay muốn ta giành nước từ tay nhà Lê, ta còn chờ đó. Nay trâu thần đã tới báo cho ta trời đã thuận cho làm việc lớn. Chuyến này về kinh, các ngươi phải hết lòng phù trợ ta làm theo ý trời, ta không bạc đãi đâu.
– Chúa công thiên tuế! Thiên thiên tuế!
Ngày rằm Mạc Đăng Dung cùng quần thần vào cung. Thống Nguyên đế run sợ chấp nhận nhường ngôi để toàn tính mạng. Các quan đồng thanh bảo Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt thảo chiếu. Duyệt trừng mắt mắng:
– Ta thờ nhà Lê đâu có thể làm chuyện đó được.
Các quan lại bảo Đông các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái. Thái nói:
– Đã là mệnh trời thì không cưỡng được. Ta viết.
Thái cầm bút thảo chiếu ngay tại điện. Thống Nguyên đế không dám đọc, đóng triện, rồi dâng cả chiếu cả triện cho Mạc Đăng Dung. Thái nhận tờ chiếu tuyên đọc:
“Nghĩ Thái tổ ta, thừa thời cách mệnh, có được thiên hạ, các vua truyền nhau, nối giữ cơ đồ, là do mệnh trời lòng người cùng hợp, cùng ứng nên mới được thế. Cuối đời Hồng Thuận, gặp nhiều tai họa. Trần Cảo đầu têu gây nên mần loạn ly, Trịnh Tuy giả trá lập kế phản nghịch. Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp. Khi ấy thiên hạ đã không phải là của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời lòng người đều theo về người có đức. Xét Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi bàn tính thông minh, sáng suốt, có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng, bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn, giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành yên vui. Mong kính theo đó”
Mạc Đăng Dung bước lên điện. Thống Nguyên đến cùng quần thần cúi lạy, tung hô vạn tuế. Mạc Đăng Dung tuyên bố đại xá thiên hạ, cải niên hiệu Minh Đức nguyên niên. Lại giáng Thống Nguyên đế làm cung vương, cho ở cùng Thái hậu tại cung Tây Nội.
Mạc Đăng Dung cắt đặt quan tước, ban thưởng cho những người phò tá lâu nay, rồi đến gặp Trịnh thái hậu và Cung vương. Thái hậu bảo:
– Ngươi là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, bây giờ đến giết hại mẹ con ta chứ gì?
Mạc Đăng Dung đáp:
– Thái hậu biết thế là tốt. Nếu Thái hậu và Cung vương còn, tất có bọn cựu thần gây loạn, chẳng là gây họa cho sinh linh sao. Chắc Thái hậu không muốn thế. Vậy Thái hậu và Cung vương phải chết để cứu muôn dân cũng đáng lắm. ta sẽ táng theo nghi lễ hoàng đế, đưa vào thờ lăng miếu nhà Lê chứ không phụ bạc gì đâu.
Cung vương hoảng sợ van xin:
– Hoàng thượng với ta còn là nghĩa anh em rể, sao không nghĩ đến các em mà cứ bức ta phải chết.
Mạc Đăng Dung ngoảnh mặt không đáp.
Cung vương lại gọi Thái hậu:
– Thái hậu cứu con với!
Trịnh Thái hậu giận mắng:
– Con hay chưa kìa, có xứng ngôi Thiên tử không? Mẹ con ta phải chết để muôn dân an bình, con chớ van xin làm mất khí tiết nữa.
Minh Tông Trịnh hoàng hậu húy là Loan người xã Phi Quan huyện Thanh Đàm, được tuyển làm phi của Cẩm Giang vương Lê Sùng, sinh ra vua Chiêu Tông và Cung Hoàng.
Năm quang Thiệu thứ hai (1517) vua có chiếu tôn bà làm Hoàng thái hậu. Khi vua Chiêu Tông bỏ cung chạy ra Sơn Tây bà không hay biết gì. Đến khi vua Chiêu Tông giết tướng đi đón, lại gọi phản thần Trịnh Tuy phò trợ gây loan đất nước, Trịnh Thái hậu khóc nói: “Đứa con thứ hai của ta ắt phải làm vua. Bà già này lại bị người khác giả danh thác mệnh bị người ta đàm luận. Nhưng còn xã tắc thì biết làm sao đây?”.
Bấy giờ bị Mạc Đăng Dung giam vào cung Tây Nội và bỏ đói mấy ngày, đói quá phải xé áo mà nhai, tự biết họ Mạc bắt chước Tào Phi sát hại Vua Hán, nên ngửa mặt lên trời than: “Mạc Đăng Dung là bề tôi bất trung, đã được đội ơn tiên đế lại quên lời thề núi sông, đã làm việc thoán nghịch lại giết hại mẹ con ta, cầu cho cháu con của mày sau này cũng bị như thế”. Lúc Mạc Đăng Dung đến, bà nghĩ vận số nhà Lê đã hết, có cố giữ không được chỉ tổ gây thêm loạn lạc hại đến sinh linh nên quyết chết, hai mẹ con bà thắt cổ chết ngay trước mặt Mạc Đăng Dung .
Thông quốc công Nguyễn Thì Ung đến định đưa con gái về phủ, nhưng Hoàng hậu cứng cỏi đáp:
– Con xin được chết theo Hoàng thượng, cha chớ có ngăn cản.
Mạc Đăng Dung cho quan đem ba người về táng ở lăng Hoa Dương huyện Ngự Thiên đúng theo nghi lễ quốc tang.
Như vậy tính từ khi Thái tổ bình định giặc Ngô đến khi nhà Mạc lấy ngôi vừa tròn một trăm năm.
ﮪ Do đất Đồ Sơn nhô ra biển như đuôi con rồng khổng lồ đêm ngày sóng vỗ. Đất heo hút không có dân chài cư ngụ, chỉ có bạt ngàn tùng la hán và tùng bách chiếm giữ. Thế mà sau bi kịch cung đình thay đổi ngôi chủ, doi đất Đồ Sơn có hai người đang dìu ngay bóng cây đạp đá đi ra. Trong bóng chều nhập nhoạng hai người họ trở nên nhỏ quá với trời, biển, núi bao la chỗ họ đang đi. Hai người đều mặc áo gấm đỏ, mũ cánh chuồn, trang phục quan văn nhất phẩm triều đình. Một người già râu tóc trắng như cước, da mặt nhăn, chỉ có đôi mắt vẫn sáng quắc lên. Một người trẻ tuổi chừng hai mươi đang dìu người già đi. Vị lão quan nói:
– Quan bảng à, đỡ ta lên chỗ cao nhất kia ta sẽ định hướng được, mau lên kẻo tối mất.
Người trẻ tuổi đáp:
– Thầy đừng gọi con là “Quan Bảng”, con không giám nhận đâu ạ.
– Không được, ta gọi là quan bảng vẫn là gọi đúng chức danh, vẫn là đúng phép tắc triều đình, con đừng ngại. Gọi như thế ta cũng có niềm vui trong lòng đấy chứ. Dù Hoàng thượng có bị sát hại thì con vẫn là quan bảng của Hoàng thượng, của nhà Lê. Nay mai nhất định nhà Lê sẽ trở lại, con còn trẻ, còn phải phò giúp nữa chứ.
– Vâng , thầy dạy thế con xin nghe.
Trời buông màn đêm nhè nhẹ. Hai người lên đến đỉnh cao nhất của mũi Đồ Sơn thì trời tối hẳn. Người già, chính là Trạng Nguyên, Trịnh ý công thần Vũ Duệ nói:
– Ta đành nghỉ ở đây một đêm vậy.
Người trẻ tuổi chính là Bảng nhãn Hàn lâm viện thị độc Nguyễn Mẫn Đốc, người Xuân Lũng huyện Sơn Vi, học trò của Trạng nguyên Vũ Duệ, nói:
– Thầy ngồi tạm trên hòn đá này để con đi kiếm nước uống.
– Không cần đâu. Tối tăm thế này. Mới lại ở vùng biển chưa chắc đã có nước đâu.
– Có cây là có nước, thầy cứ để con đi.
Nguyễn Mẫn Đốc sinh năm 1500, đỗ Bảng nhãn năm 1518, một người tuổi trẻ tài cao. Nguyễn Mẫn Đốc cùng với Thượng thư Đàm Thuận Huy mộ quân chống Mạc Đăng Dung ở vùng Kinh Bắc nhưng thua trận, phải đưa thầy học Vũ Duệ chạy ra phía đông. Nhưng 9 giếng này đã bị cây cối che kín cả. Hai thầy trò lần tìm mãi không thấy, khát, mệt. Chỉ thương cho Mẫn Đốc phải xốc vác hết mọi việc.
Lát sau Mẫn Đốc mang áo đẫm nước về vắt cho thầy học uống. Cũng lúc đó hai người thấy 9 cột sáng rọi lên sáng rực. Vũ Duệ kêu lên:
– Quan bảng, đúng là 9 giếng trấn mạch đấy. Ta đến xem sao.
– Vâng, xin thầy cứ bình tĩnh.
Mẫn Đốc lại dìu Vũ Duệ đi lần lượt từng giếng. Lạ lắm, trên đá lấp miệng giếng đều nứt ra thành các vết khác nhau, ánh sáng từ lòng giếng hắt lên lọt qua chiếu lên trời, thầy trò Vũ Duệ lần đọc thành chín chữ là: “Cổ Trai xuất đế thiên hạ hưởng thái bình”. Vũ Duệ lẩm bẩm:
– Quan bảng à, ta cùng quan Ty Thiên Giám Lê Thuần Phong nhiều năm quan sát thiên tượng, biết phương đông có khí tượng thiên tử, ta từng bấm độn tính toán để trấn mạch, tưởng trấn đúng chỗ thì sẽ giải được tai kiếp, hóa ra cơ trời đã định, sức người không thể ngăn nổi, chẳng qua cũng chỉ đủ ngăn họ Mạc tiếm ngôi được chín năm thôi, nhưng ta xem thiên tượng thấy ngôi Đế tinh chủ của nhà Lê vẫn còn mờ mờ sáng, ta tính chỉ chín mươi năm nữa nhà Lê lại về ngôi. Con hãy ẩn náu tìm tôn thất nhà Lê nuôi nấng, rồi có ngày lại làm nên nghiệp lớn đó.
– Thế thầy định đi đâu? Con đưa thầy về quê vậy?
– Quan bảng chớ lấn bấn về ta. Hãy đi đi cho kịp. Chỉ ngày mai quân Mạc thể nào cũng đuổi đến đây.
– Con không thể bỏ thầy già yếu ở lại được.
– Quan bảng chớ lo mà. Hoàng thượng không còn thì Trịnh y công thần như ta còn để làm gì. Đi đi. Hãy bền lòng vì xã tắc nhà Lê!
Nguyễn Đốc Mẫn sụp xuống lạy thầy, rồi xuống núi đi về phía Sơn Nam.
Sáng hôm sau một toán quân Mạc theo dấu vết tiến lên đỉnh núi. Chúng tìm thấy Trạng Nguyên Vũ Duệ đã chết, ngón tay còn vết cắn đọng máu để cạnh dòng chữ trên mặt đá: “Cửu thập niên hậu Lê triều tái phục”. Viên đội lấy đá ghè chữ đi nhưng càng ghè thì chữ càng rõ như máu ở trong đá chảy ra vậy. Viên đội về báo cho Mạc Đăng Dung , Mạc Đăng Dung nói:
– Ta được nước là do trời, thì lúc mất nước cũng do trời. Cốt sao lúc ở ngôi biết sửa mình giữ đức làm lợi cho muôn dân, ấy là cái được xứng với lòng trời là may rồi.
Đoạn xuống chiếu cho các quan địa phương mai táng các trung thần nhà Lê tuẫn tiết chu đáo, lại cho dân các địa phương lập miếu thờ.
Đức lớn ấy của nhà Mạc đã thu được nhân tâm cả nước. Thiên hạ bắt đầu bước vào thời kỳ thái bình từ đây.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.