- Đang online: 2
- Hôm qua: 948
- Tuần nay: 15741
- Tổng truy cập: 3,539,968
CỔ TRAI XUẤT ĐẾ (Tiếp theo)
- 467 lượt xem
Chương 10:
CHƯƠNG 10
Trịnh Tùng mưu đoạt binh quyền
Nguyễn Quyện xứng là danh tướng
Ngày 7 tháng 2 năm Chính Trị thứ 7 (1564) vua Mạc Phúc Nguyên bị bệnh đậu chết, con nối ngôi là Mạc Mậu Hợp một tuổi kế vị. Đổi niên hiệu là Thuần Phúc. Khiêm vương và Ứng vương cùng làm Nhiếp chính vương. Khiêm vương nắm binh quyền lo đánh dẹp, còn Ứng vương lo trị quốc.
Kính Điển phủ dụ các tướng:
– Lúc này binh sĩ của chúng rất tinh nhuệ, khó lòng đối địch, nếu đánh nhau với chúng sợ không thắng nổi. Hiện chúng đang dốc binh đến đánh phá vùng Sơn Nam nhưng chưa dễ gì đã qua được sông mà thẳng tiến đâu. Thanh Hóa là nơi căn bản của chúng, dù có lưu binh ở lại chia giữ các nơi chẳng qua cũng chỉ là một vài tướng hiệu thôi. Vậy ta nên sai một vài đại tướng đem binh cầm cự với chúng ở đây để cầm chân chúng, còn ta đem vài vạn quân đi đường thủy ngày đêm tiến gấp tới địa phận Thanh Hoa xuất kỳ bất ý dùng binh bắt lấy những tướng phòng thủ nơi đây. Đó là kế “ Xả kiên công hà, xuất kỳ bất ý, công kỳ vô vị” ( bỏ nơi kiên cố, đánh nơi sơ hở, đánh bất thình lình vào nơi đối phương không phòng bị) ta tất giành phần thắng.
Kính Điển sai các tướng chuẩn bị chiến thuyền, thao lược quân sĩ chờ gió nổi lên là xuất binh.
Tháng 11 Kính Điển xuất đại quân vượt biển vào cửa Linh Trường đánh phá các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa. Tướng phòng thủ Vũ Sư Thước cấp báo với Thái sư. Trịnh Kiểm cử Lộc quận công đem quân ứng cứu. Đến Du Trường thì gặp quân Kính Điển. Kính Điển đang đánh Vũ Sư Thước, thấy quân tăng viện liền đặt quân mai phúc rồi giả vờ thua chạy. Lộc quận công đốc quân xốc tới. Vũ Sư Thước cũng mở cửa thành xông ra tiếp ứng. Chưa được một dặm, quân phục của Kính Điển đổ xô ra đánh. Kính Điển cũng quay lại giáp chiến. Lộc quận công và toàn bộ đạo quân tăng viện bị quân Mạc thả sức đâm chém, thây chết đầy đồng. Vũ Sư Thước kinh sợ bỏ cả thành rút chạy.
Trịnh Kiểm bây giờ đang ở hành dinh Sơn Minh đốc quân đánh xứ Sơn Nam nghe tin Lộc quận công và Vũ Sư Thước đại bại vội thu quân về giữ Thạch Thành. Kính Điển cũng dẫn quân trở về.
Trịnh Kiểm lúc này tuổi cao, lại đau yếu luôn nhưng vẫn phải gắng gượng cầm quân đi đánh Sơn Nam. Tháng 2 năm chính trị thứ 12 (1569) vua Lê Anh Tông cảm công lao to lớn của Trịnh Kiểm nên xuống chiếu gia phong là Thượng phụ thượng tướng Thái quốc công, tôn xưng như cha mẹ mình.
Mưu thần Phùng Khắc Khoan xin gặp riêng Thái sư, nói:
– Gần đây hạ quan xem thiên tướng thấy ngôi Đế tinh nhà Mạc sáng tỏ hơn ngôi Đế tinh nhà Lê, chứng tỏ nhà Mạc đang thịnh lên, không thể ngày một ngày hai đánh hạ được. Chúa công thì tuổi cao, đau yếu luôn, nên sớm tính chuyện trao lại binh quyền cho công tử nào đi kẻo bất ngờ xảy đến với Chúa công thì khó tránh khỏi trong nhà dấy vạ.
Trịnh Kiểm nghe đến câu “ Trong nhà dấy vạ” đúng như sấm ký Trình gia thì toát mồ hôi hột nói:
– Ông nói trúng nỗi lo lâu nay của ta. Theo lệ ta nên nhường binh quyền cho con cả. Nhưng Trịnh Cối chỉ có vũ dũng, thiếu mưu lược. Người như thế làm tướng tiên phong thì được chứ làm chủ soái ba quân thì không ổn. Con thứ Trịnh Tùng lâu nay theo ta, được ta rèn cặp tỏ ra đủ uy đức làm Chúa thay ta. Ta vẫn phân vân khó xử lắm.
– Điều này hạ quan cũng biết. Lâu nay các công tử đều ngầm lôi kéo vây cánh. Đa số các tướng theo về Tuấn Đức hầu. Phúc Lương hầu có ít người theo, nhưng lại toàn người có mưu lược ở tướng phủ.
– Vậy ông hãy nói giúp ta xem nào?
– Theo hạ quan, Chúa công cứ trao binh quyền cho Tuấn Đức hầu tiết chế thủy bộ chư doanh và cho Phúc Lương hầu làm chinh đông đại tướng. Như vậy danh nghĩa Tuấn Đức hầu là Tổng chỉ huy, nhưng thực chất Phúc Lương hầu lại nắm chủ yếu quân đội. Sau này có bình định được miền Đông thì công lao ở cả người có đủ uy đức là Phúc Lương hầu. Vậy là vẹn cả đôi đường.
Trịnh Kiểm nghe theo dâng tấu lên vua Lê Anh Tông. Vua xuống chiếu chuẩn tấu. Tháng sau Trịnh Kiểm phát bệnh nguy kịch, vua đến hỏi kế trị nước, Trịnh Kiểm nói:
– Thuận Quảng xa xôi quân địch không nhòm ngó tới bệ hạ nên giao cho Đoan quận công giữ cả để tỏ lòng yêu mến công thần số một, đồng thời rút được Nguyễn Bá Quýnh là một tướng giỏi về giữ Nghệ An. Hai con của thần đã xử lý ổn. Sau này nên công nghiệp ở cả sức của Trịnh Tùng, mong bệ hạ trông nom giúp đừng để Trịnh Cối quyền to bắt chẹt.
– Ta nhớ lời tướng phụ hôm nay.
Trịnh Kiểm nghe vua nói xong thì tắt thở.
Lo tang cho Trịnh Kiểm xong, vua Lê Anh Tông rời hành dinh Biện Thượng đến sách Vạn Lại cùng Phúc lương hầu bàn kế đông chinh, chỉ có quân sư Phùng Khắc Khoan đi cùng. Khắc Khoan nói:
– Cúi xin bệ hạ cho gọi Tiết chế đi cùng. Việc đánh địch Tiết chế phải được biết và là người chủ quyết. Nếu không e rằng tạo ra nghi ngờ giữa Tiết chế và Đại tướng thì thực là bất lợi.
Vua nói:
– Nên làm thế nào Tướng phụ đã sắp đặt cả rồi, khanh không phải can gián nữa.
Vua đến sách Vạn Lại xuống chiếu cho Đại tướng cử binh đánh phủ Trường Yên và ở lại luôn đó. Trịnh cối ở Biện thượng cho rằng vua chỉ cần Đại tướng mà bỏ rơi Tiết chế thì giận lắm, liền hội các tướng dưới quyền cất quân đánh Vạn Lại để đón vua về. Trịnh Tùng phải gọi các đại tướng Nguyễn Hữu Liêu, Hoàng Đình Ái đem quân về cứu mới giữ được Vạn Lại. Hai bên đánh nhau mấy tháng liền không phân thắng bại, cuối cùng Trịnh Cối dẫn quân về giữ Biện Thượng.
Trấn thủ châu Bố Chánh là Lập quận công thấy anh em họ Trịnh tranh quyền, không biết nên làm thế nào cho phải, nửa đêm đưa gia quyến lên thuyền vượt biển ra Bắc hàng Mạc. Kính Điển nghênh tiếp và hỏi nguyên do họ Trịnh đánh nhau. Lập quận công nói:
– Trịnh Kiểm giao cho Trịnh Cối làm Tiết chế nhưng thực quyền chỉ là tổng trấn Thanh Hoa. Còn con thứ là Trịnh Tùng tuy giữ chức thấp hơn Chinh đông Đại tướng quân nhưng thực chất nắm hết quân đội. Vua Lê thì ra mặt tin dùng Trịnh Tùng khiến Trịnh Tùng coi thường cả cấp trên là Tiết chế, tự điều động quân mã hoạt động. Tiết chế đón vua về chính dinh nhưng vua không chịu. các tướng Thanh Hoa theo Trịnh Cối cả. Hạ quan theo bên nào cũng khó vì mai này phe bên kia thắng thì chết cả họ. Vậy là hạ quan bỏ họ Trịnh là an toàn hơn cả.
Kính Điển nghe xong tâu xin cho Lập quận công làm tiên phong. Lập quận công phấn khởi hiến kế lập công:
– Nay Trịnh Cối đang thế cô, nếu vương gia đánh vào, hắn không thể đối phó cả hai mặt, bấy giờ vương gia chiêu dụ thể nào cũng thu được. Mất Thanh Hoa thì Trịnh Tùng cũng nguy khốn. Đó là kế bẻ từng chiếc đũa thì dễ hơn bẻ cả bó đũa.
Kính Điển cho là phải liền điểm binh tiến đánh, quân số tới 10 vạn và trên 700 chiến thuyền.
Ngày 16 tháng 8 quân Mạc cập bờ biển Thanh Hoa.
Ngày 25 quân Mạc tiến đánh lũy An Trường. Hơn mười vạn quân Mạc đi kín đất, cờ rợp trời, khí thế ngút ngàn.
Vua Lê Anh Tông phong Trịnh Tùng làm Trưởng quận công, quyền Tiết chế điều hành văn võ bá quan và quân dân cả nước cự địch. Trịnh Tùng hội văn võ bá quan bàn định kế sách. Mưu thần Phùng Khắc Khoan tâu:
– Quân địch đông, ta ít thực là bất lợi. Quân địch chưa đánh đã có được mười tướng giỏi với hơn một vạn quân ra hàng, cùng một vùng đất lớn, ta càng bất lợi. Nay gọi Đoan quận công và trấn thủ Nghệ An về thì khác nào nước xa không cứu được lửa gần. Vậy nên cứ phải dựa vào sức mình ở đây là chính. Trước mắt nên đắp thêm thành lũy. Địch không đánh nổi tất sẽ chia quân đi đánh phá các địa phương khác nhằm phong tỏa quân ta. Lúc ấy quân địch từ thế nắm đấm trở thành thế bàn tay xòe, quân ta ở đây tạo thành thế nắm đấm thừa cơ đánh vào nơi địch trễ nãi không phòng bị, tuy thắng nhỏ nhưng cũng làm cho địch hoang mang. Nếu Nguyễn Hoàng đi đường biển sẽ cùng về kịp với Bá Quýnh đi đường bộ, địch hoảng sợ tất phải rút lui.
Văn thần Lê Cập Đệ cũng hiến kế:
– Thời xưa Tào Tháo nhờ trời băng giá chỉ một đêm đắp xong thành tuyết ngăn được Mã Siêu. Nay thần xin thợ giỏi, đắp một bức thành giả bằng tre liếp vách, trên cắm cờ, giáo mác cũng chỉ một đêm xong khiến quân địch kinh sợ không dám công thành gấp rút nữa.
Trịnh Tùng bèn theo kế ấy, vừa cho quân đắp thành lũy kiên cố, vừa cho quan chặt che, đục mộng, pha nan, chẻ lạt sẵn. Ban đêm Trịnh Tùng chỉ bớt quân canh phòng, tuần tiễu, còn huy động tất cả ra ngoài thành dựng liếp, trát vách, cắm cờ xí, giáo mác. Gần sáng, bức thành giả mấy chục trượng đã dựng xong.
Buổi sáng kính Điển lại đốc quân đánh thành, trông thấy bức thành giả lại tưởng thật nói:
– Quân Lê mất gần một nửa mà vẫn còn có kỷ luật, pháp lệnh vẫn nghiêm minh thế. Trong một đêm đã hoàn thành bức thành lớn thế kia. Trịnh Tùng còn trẻ mà dũng lược chẳng kém gì Tào Tháo vậy. Thế thì quân tướng của chúng tất sẽ liều chết giữ thành, ta thật không an lòng. Chuyến này mà không thành công thì sau này chưa dễ gì bình định được. Nếu không đánh gấp, quyết kế tiễu trừ, tất sẽ để họa về sau.
Các tướng nghe lời đều hăng hái tiến đánh, Nguyễn Quyện dẫn quân đánh phá miền tả ngạn gồm châu Gia, châu Tàm. Mạc Ngọc Liễn dẫn quân đánh phá miền hữu hạn gồm vùng đầu nguồn, huyện Lôi Dương, huyện Nông Cống. Kính Điển đốc đại quân đánh thành.
Trịnh Tùng chia quân chống giữ các mặt. Nơi nào thành vỡ thì sai quân mang tre gỗ trữ sẵn đến bịt lại. Đội quân cơ động kéo đến ứng cứu không cho quân Mạc tràn vào. Để tiện chỉ huy Trịnh Tùng sai làm một lầu cao ở giữa thành có thể quan sát được cả bốn phía. Cờ lệnh chỉ huy về phía nào các tướng nguyến Hữu Liêu, Hoàng Đình Ái, Đặng Huấn thay nhau dẫn quân cơ động đến hướng đó. Quân tăng viện luôn đến kịp thời khiến cho thành vững mà lòng quân cũng vững. Bàn định dặn các tướng: đem các đội quân cơ động lại xuất kích đánh vào doanh trại quân Mạc khiến cho quân Mạc ăn ngủ không yên. Thành Vạn Lại giữ được hơn một tháng là một kỳ công.
Kính Điển đánh mãi khong thắng, mà thời gian vây thành đã lâu, nghĩ rằng trong thành sắp cạn lương mới đổi kế đánh thành sang vây thành nên cho quân lùi xa hạ trại, cấm dân không được mang lương thực muối ăn đi qua vùng Vạn Lại.
Bấy giờ hàng tướng Vũ Sư Thước thấy quan Lê vẫn đứng vững thì đổi lòng, viết thư sai người nhà lẻn vào thành. Quân canh bắt được giải đến phủ Tiết chế. Người này xưng là người nhà của Trào quận công và trình mật thư. “Thần Vũ Sư Thước tội đáng muôn chết cúi lạy hoàng thượng và Tiết chế! Trước nay thần được ủy thác của Thái sư phò giúp Tiết chế Tuấn Đức hầu, mấy tháng trước thần trung thành mù quáng theo Tuấn Đức hầu, không ngờ ông ấy lại bỏ vua theo giặc, vì tình thế bất đắc dĩ phải theo. Nay mọi sự đã rõ, thần xin được về chịu tội, dù có muôn chết cũng không oán thán, cốt thể được lòng trung mà thôi”.
Trịnh Tùng xem thư cũng tỏ lòng thông cảm, liền gặp vua Lê Anh Tông xuống chiếu tha tội, cho giữ chức cũ và cử tạm bên Mạc để làm nội ứng.
Có được hổ tướng Vũ Sư Thước trở về, Trịnh Tùng mừng lắm cho gọi các tướng dưới quyền bàn cách phá quân Mạc. Trịnh Tùng sai Lại Thế Khanh và Lê Cập Đệ lĩnh quân đánh phá về Yên Định, Tống Sơn; Hoàng Đình Ái lĩnh quân đánh về Lôi Dương, Quảng Xương. Trịnh Tùng đi trung quân đánh về Thụy Nguyên, Yên Định.
Khi quân Lê đánh đến Động Sơn thì Vũ Sư Thước dẫn 500 quân bản bộ nội ứng đánh ở bên trong doanh trại quân Mạc gây rối loạn. Mạc Kính Điển sợ quân Lê tráo trở vội lui về giữ sông Bút Cương.
Hai bên hạ trại cầm sự nhau hơn một tháng. Mạc Kính Điển bảo các tướng:
– Ta dốc toàn lực đánh nhanh thăng gọn, địch bị vây khốn như cá nằm trong chậu, thế mà chỉ chờ ta sơ hở đã gượng lại được, còn ra đòn phản công. Ta thấy thời cơ lớn đã qua, nay mùa đông tháng giá, năm hết tết đến lòng quân đã mỏi mệt, trễ nải muôn về. Chi bằng ta hãy tạm lui quân, sang năm đánh tiếp.
Các tướng không ai trái lời. Vì thế Kính Điển hạ lệnh lui quân.
ﮪ
Tháng 7 năm Chính Trị thứ 14 (1571) trời vừa trở gió heo may, Kính Điển lại hội các tướng bàn việc nam tiến. Tiên quận công Trịnh Cối xin đánh Thanh Hoa rửa hận. Lập quận công có ý khác đòi đánh Bố Chánh. Trịnh Cối giận mắng:
– Ta và ngươi cùng phò Mạc đế, tước lộc bằng nhau, nhưng ngươi chớ quên phận dưới nhà ta đó.
Lập quận công xấu hổ đáp:
– Xin tướng quân bớt giận, hạ quan chỉ muốn đánh ở nơi địch yếu, mà hạ quan thông thuộc địa hình mong có thể lập công thôi chứ không có ý xem thường Tướng quân đâu.
Mạc Kính Điển cũng can:
– Ta muốn các tướng cũ trong đó thông thuộc địa hình, sông núi hiến kế đánh đâu cho chắc thắng, các tướng cứ nên nói hết ý mình, đừng cho là thế này thế nọ, thế mới là bàn việc chứ. Xứ Thanh Hoa địch đông quân, lại đã có phòng bị, năm nay đánh vào hẳn bất lợi. Trịnh tướng quân cũng nên thông cảm cho ta. Năm nay ta sẽ đánh Nghệ An. Lấy được Nghệ An thì quân Thuận Quảng lại thuộc về ta. Bây giờ Thanh Hoa bị cô lập, việc lớn có thể xong được.
Các tướng tuân lệnh chia nhau chuẩn bị thuyền bè, lương thảo đợi lệnh tiến quân.
Mạc Kính Điển nghi binh, dùng dân phu mặc quần áo lính điều về Sơn Tây, sai Tây đạo Mạc Ngọc Liễn đánh phá tuyến đường Thiên Quan đi Hưng Hóa. Còn bản thân dẫn đại quân vượt tuyến đường biển theo cửa biển sông Lam vào đánh úp thành Nghệ An. Tổng trấn Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh bị đánh bất ngờ phải bỏ thành chạy lên miền ngược. Kính Điển sai Lập quận công dẫn một vạn quân truy đuổi đến đánh tận châu Bố Chánh. Xứ Thuận Hóa bị đe doạ
Tổng trấn Đoan quận công sai tùy tướng đi trấn an các phủ huyện, củng cố thành trì cố thủ. Đoan quận công lại cử người đến gặp Lập quận công nói:
– Họ Nguyễn bị họ Trịnh chèn ép, lâu nay phải nhịn nhục chịu giữ đât đê được toàn tính mạng. Nay tướng quân có lòng chỉ lối để chủ tôi theo về đất Mạc theo chú bác thì tốt quá.
Lập quận công mừng nói:
– Ta vốn là bộ tướng của Thái sư Hưng quốc công, vẫn nhớ nỗi nhục mất cha mất anh của Đoan quận công, nay sẵn lòng bảo lãnh cho về đất Mạc.
– Được vậy thì tốt quá. Chủ tôi mời tướng quân đến cửa sông Gianh.
Lập quận công dẫn 70 chiến thuyền theo hướng đạo của viên tùy tướng của Đoan quận công tiến đến cửa sông Gianh. Đội thuyền của Đoan quận công đã đợi sẵn. Viên tùy tướng dẫn Lập quận công sang bên thuyền quận Đoan. Quận Lập vừa thi lễ đã bị quân Đoan rút gươm chém chết. Đội thuyền của quận Đoan ập tới chém giết vô số. Tiên quận công Trịnh Cối dẫn quân chạy về châu Bố Chánh thoát chết.
Trịnh Tùng nghe tin Thuận Quảng đứng vững liền cử Tây quận công Trịnh Mô và Lai quận công Phạm Công Tích dẫn hai vạn quân cứu viện Nghệ An. Mạc Kính Điển thu quân về.
ﮪ
Năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) tháng 7 trời có heo may Kính Điển lại dẫn quân vào đánh các huyện ven biển Thanh Hoa, Nghệ An rồi rút lui. Tướng Nam đạo Nguyễn Quyện đến gặp Kính Điển nói:
– Dùng binh như kiểu cướp biển thế này bao giờ mới thành công nghiệp. Xin vương gia cho thuyền vào cửa Thần Phù đánh tập hậu đội quân của Phổ quận công Lê Khắc Thận, Thận hết đường rút lui tất phải ra hàng.
Từ ngày Tiết chế Trịnh Cối bị em là Chinh đông Đại tướng quân ép phải ra hàng Mạc, mưu thần Lê Cập Đệ nhiều lần nói với vua Lê Anh Tông, sợ Trịnh Tùng ức hiếp cướp ngôi như Tào Phi, Tư Mã Chiêu ngày trước. Quan nội thần là Cảnh Hấp, Đình Ngạn biết được tâm sự của vua, to nhỏ bàn bạc:
– Thần nghe nói họ Nguyễn đời đời trung quân báo quốc, bệ hạ ở đây nguy hiểm bội phần. Nếu quân Mạc thắng thì khó toàn tính mạng. Mà họ Trịnh thắng thì cũng vậy. Trịnh Tùng là kẻ thâm hiểm mưu mô, đến anh trai còn bị hại nữa là người ngoài. Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Quảng bình yên, đất rộng dân đông, chi bằng trốn vào đấy nhờ là hơn.
Vua Lê Anh Tông quyết chí rời bỏ Trịnh Tùng, đang đêm cùng bọn nội thần chạy về phương Nam.
Trịnh Tùng bảo các tướng:
– Đấy là Hoàng thượng nghe lời sàm tấu ngờ ta có lòng dạ khác vì ta mới hại anh ta đó. Nhưng Hoàng thượng đâu có hiểu lòng trung của ta. Ta vì vua mà chiến đấu, nếu không có vua thì cuộc chiến của ta còn có giá trị gì nữa. Nước một ngày không thể không vua, phải đón bằng được vua về.
Trịnh Tùng cử Nguyễn Hữu Liêu mang năm mươi quân kỵ đi đón vua dặn riêng:
– Vua đã ngờ ta thì dù có đón về cũng chẳng có ích gì. Tướng quân đón bằng được vua về, dọc đường bí mật xử rồi phao tin vua bị cảm chết. Ta lập thái tử lên, vua mới trẻ tuổi ta sẽ dễ dàng hành động mới có thể phục quốc cho vua được.
Nguyễn Hữu Liêu nhận mệnh đi gấp về Nam. Đến địa phận Nghệ An thì đuổi kịp vua. Hữu Liêu quỳ lạy nói:
– Chúng thần xả thân đánh giặc vì bệ hạ, nay bệ hạ bỏ đi thì chúng thần biết đi đâu, xin bệ hạ quay về, chúng thần nào dám có lòng dạ nào khác.
Vua Lê Anh Tông nói:
– Nếu khanh là trung thần nghĩa sĩ thì hãy hộ giá trẫm vào Nam. Bằng không cứ giết ta đi. Họ Trịnh xưa nay hễ chuyên quyền là làm chuyện phế lập giết vua hại chủ.
Hữu Liêu ép vua trở về bằng được. Đêm đến sai lính thắt cổ vua chết rồi giết luôn cả Cảnh Hấp, Đình Ngạn bịt đầu môi.
Trịnh Tùng lập thái tử mới 11 tuổi kế vị. Đó là vua Lê Thế Tông. Vua mới đổi niên hiệu là Gia Thái. Từ đây Trịnh Tùng toàn quyền quyết định mọi việc trong triều ngoài trận. Lê Cập Đệ lập mứu giết Trịnh Tùng, tiên hạ thủ vi vương. Một hôm Cập Đệ giả lện vua truyền vào trướng tiết chế định đâm chết Trịnh Tùng. Khi ấy Trịnh Tùng đang ngủ, bỗng nằm ngửa trợn mắt nhìn, mồn há ra ngáy vang như sấm tựa như quát; Cập Đệ sợ quá ném dao xuống nền nhà mà chạy. Viên tướng tùy tùng nghi ngờ vào trướng thấy có dao nhọn vứt ở nền nhà, vội gọi Trịnh Tùng xem có hề gì không. Trịnh Tùng tỉnh dậy, nghe tướng tùy tùng kể biết Cập Đệ có ý khác liền cho gọi đến tra khảo. Cập Đệ đang trốn ở chỗ vua Lê, Trịnh Tùng bảo vua:
– Cập Đệ là gian tế nhà Mạc, Bệ hạ không trừ bỏ tất sẽ bị hại như vụ Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất ngày trước.
Vua Lê khóc lóc:
– Cập Đệ vừa giúp ta đắp thành ngăn giặc Mạc sao Tướng quân gọi là gian tế được. Bây giờ đang là lúc dùng người, Tướng quân đừng hại tâm phúc thêm nữa.
Trịnh Tùng đang bực cứ xông vào trong nhà tìm, bắt được Cập Đệ lôi ra chém.
Vua Lê Thế Tông mất Cập Đệ trong lòng lo sợ Trịnh Tùng hại mà không biết làm sao.
Bấy giờ quân Mạc mạnh hơn nên cứ tháng 7 có gió heo may là Mạc Kính Điển lại dẫn quân vượt biển vào đánh phá. Năm Gia Thái thứ hai Nguyễn Quyện bàn:
– Năm nay ta xuất binh sớm hơn, quân địch sẽ bị bất ngờ mà chịu đại bại cho coi.
Mạc Kính Điển nghe theo, sai Nguyễn Quyện dẫn quân đánh Nghệ An ngay từ tháng 6. Tổng trấn Hoằng quận công quả nhiên chưa có phòng bị, quân Nguyễn Quyện ập đến phải dâng thành Nghệ An đầu hàng. Nguyễn Quyện chiếm vùng đất bắc sông Lam lập trận đón đánh quân cứu viện chứ không rút như mọi bận. Trịnh Tùng lại cử Trịnh Mô và Phạm Công Tích mang quân đên cứu Nghệ An, nhưng bị phục binh của Nguyễn Quyện đánh bại, phải lui binh hạ trại chống cự. Nguyễn Quyện giữ Nghệ An vài tháng mà quân Lê không thể đánh nổi. Người đương thời gọi đó là Triệu Tử Long tái thế.
Năm Gia Thái thứ 3 (1575) ngay đầu tháng giêng Mạc Kính Điển đã cử đại binh nam tiến. Kính Điển đánh vào Thụy Nguyên, Yên Định ở Thanh Hoa. Trong khi đó Nguyễn Quyện vẫn dong thuyền đánh vào Nghệ An khiến cho Nghệ An bị bất ngờ. Các tướng Lại Thế Khanh, Trịnh Mô, Phạm Công Tích phải dẫn quân đến ứng cứu. Nguyễn Quyện lại đặt phục binh rồi giả thua chạy. Pham Công Tích ham đánh trúng kế bị Nguyễn Quyện bắt sống. Quân Mạc giữ trận đến cuối năm mới rút về.
Tháng 7 năm sau Mạc Kính Điển lại chia quân làm hai cánh vào đánh Thanh Hoa và Nghệ An.
Trịnh Mô giữ Nghệ An không địch nổi Nguyễn Quyện phải bỏ về đất Thanh Hoa. Nguyễn Quyện biết quân Lê còn phải lo đối phó với đại quân của Khiêm vương, nên không thể có quân cứu viện nên dẫn quân truy kích Trịnh Mô đến cùng. Trịnh Mô chạy đến núi Ngọc Sơn nghỉ lại không ngờ Nguyễn Quyện vẫn dẫn quân đuổi tới nên bị Quyện bắt sống. Như vậy năm nào Quyện dẫn quân đánh Nghệ an cũng đại thắng và đều bắt được đại tướng nhà Lê. UY danh Nguyễn Quyện lừng lẫy, các tướng nhà Lê đều sợ không dám giao chiến với Quyện. Đời sau có thơ khen.
(Còn tiếp chương 11)
Viết bình luận
Tin liên quan
-
Nhớ Hoàng Trần Cương lại nghĩ về trường ca “Long Mạch”
-
VỀ VỚI AO DƯƠNG
-
LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
-
CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
-
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
-
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
-
LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
-
CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
-
TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
-
Chữ hiếu xưa và nay
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC