- Đang online: 2
- Hôm qua: 922
- Tuần nay: 21513
- Tổng truy cập: 3,373,961
Hà nội mến yêu! 592
- 376 lượt xem
Hà nội mến yêu!
Hoàng Gia Cương
-Tuỳ bút-
Mỗi ban mai thức dậy, nghe tiếng nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vang lên: “Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…” ta lại cảm thấy như một làn gió tràn vào tâm hồn, mát rượi. Từ bao lâu không nhớ nữa, khúc nhạc như một thứ điểm tâm không thể thiếu, không thể quên, đến nỗi lúc đi xa ta cảm thấy một cái gì trống vắng đến nôn nao!.
Hà Nội đang thu, mùa thu là mùa đẹp nhất của Hà Nội. Ai đã một lần ghé thăm Hà Nội vào dịp mùa thu, chắc không thể nào quên cái sắc xanh của Hà Nội. Bầu trời trong xanh như hoà cùng trong xanh của nước hồ Hoàn Kiếm. Vào mùa thu cây cối cũng thẫm xanh, không tươi non như buổi cuối xuân, nhưng lại đậm đà sức sống. Cái quan niệm “mùa thu lá vàng rơi” có lẽ không thích hợp với nơi đây. Đi dưới tán lá của hàng sao đen phố Lò Đúc, của hàng sấu phố Trần Hưng Đạo, hay trên những con đường Trần Phú, Nguyễn Du, Hoàng Diệu, Chu Văn An… ta cảm thấy như lòng mình thấm đẫm sắc mùa thu – một sắc biếc không dễ nơi nào cũng có. Còn thời tiết mùa này thì khó có thể mong muốn gì hơn. “Trời không nắng cũng không mưa, chỉ hiu hiu… gió cho vừa nhớ nhung…” (1). Không hoàn toàn như vậy, nhưng cái nắng mùa này trở nên dịu dàng như muốn làm tôn thêm cái màu xanh quyến rũ của trời thu. Đi suốt ngày ngoài phố không phải kè kè cái áo mưa, sùm sụp cái mũ, không lo bị hun đen đôi má tươi hồng, lòng trở nên thanh thản biết bao! Mùa thu thật đáng yêu, Hà Nội thật đáng yêu!
Hà Nội thật đáng yêu, đáng yêu từ thiên nhiên, từ lịch sử đến con người. Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng bốn phần năm cuộc đời đã gắn bó cùng Hà Nội và đã yêu Hà Nội như yêu chính quê mình. Tôi đã vui cùng niềm vui của người Hà Nội, đã xót xa cùng Hà Nội trong những lúc khổ đau hay trong những gì mất mát, trong những gì “xuống cấp”. Hà Nội đẹp và vẫn luôn hướng về cái đẹp, nhưng trên đường đi tới cái xanh tươi mơn mởn còn gặp bao rác rưởi, bụi lầm…
Nhà tôi ở nằm lọt trong một khu lao động nghèo có từ thuở xa xưa. Nơi đây là hình ảnh tương phản khá đặc trưng của Hà Nội bây giờ. Một khu nhà lầu, biệt thự mới mọc lên với vẻ tân kỳ hào nhoáng; nằm kế bên là một khu nhà mái thấp, mái cao nhuốm đầy mầu sắc thời gian; kế bên nữa là một khu “xóm liều” nhà nọ nối tiếp nhà kia, từng khúc, từng khúc như những đốt của một con sâu vươn dài ra gặm nát một cái hồ. Ngày ngày từng gánh đất, từng xe thồ cứ như những con kiến tha mồi, xây tổ nên chỉ chừng hơn nửa năm, một cái hồ rộng vài héc-ta đất đã trở thành một “xóm liều” hoàn chỉnh! Những cái hồ dù to, dù nhỏ cũng đã làm cho bức tranh Hà Nội trở nên thơ mộng, trở nên mát lành, giờ cứ bị gậm nhấm dần trở thành từng ô màu xám xịt. Những đặc ân của thiên nhiên ban tặng bị phá phách dần, liệu con người có thể làm lại được chăng?
Cái ngõ nhỏ mà tôi đang sống, mỗi ban mai cùng với tiếng nhạc nền “…đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu” là tiếng rao lảnh lót của cô gái bán xôi, tiếng mời chào của bà bán bánh. Hơn bốn chục năm qua, tôi đã quen với hương vị xôi vò, xôi xéo của Hà Nội, quen với những động tác nhanh nhẹn, tỷ mẩn đến điệu nghệ của những người bán xôi. Cái món quà sáng rất bình dân ấy có lẽ lại là món đặc trưng nhất mà “dù có đi bốn phương trời…” tôi cũng không thể nào quên được. Thế nhưng bây giờ tôi đành xa dần cái món ăn ưa thích ấy. Đâu phải chỉ vì đời sống khá lên mà người ta quên đi những món ăn truyền thống? Con ốc, con lươn cũng là món ăn bình dân mà sao giờ lên giá cao đến vậy? Cái món xôi vò, xôi xéo cũng như một số món ăn khác, có lẽ vì chạy theo lợi nhuận nên người ta quên mất cái “tinh”, cái “thực” để thay vào cái “loè”, cái “giả”. Cái màu vàng của xôi, của đậu bây giờ sao mà đáng ngờ, sao mà đáng ngại!
Tôi đi ra đường, qua cái ngõ chật chội vương đầy rác rưởi là vào một phố rộng thênh đầy ắp cửa hàng. Thành phố thay đổi từng tháng, từng ngày, cứ sáng đẹp dần lên. Chỉ vài năm, thậm chí vài tháng, vài tuần là ta đã khó nhận ra con đường cũ. Đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày, đang bừng bừng hướng tới tương lai. Văn phòng, cửa hàng, khách sạn… cứ chen nhau mọc lên, cao lên làm cho phố phường trở nên tân kỳ hơn, hiện đại hơn. Còn nhớ, chỉ khoảng gần chục năm trước đây, mỗi lần đón tiếp một đoàn khách quốc tế, chúng tôi lại toát mồ hôi vì lo tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ. Bây giờ thì “thượng đế” khỏi cần lo, muốn ba sao, bốn sao mặc sức. Hà Nội đẹp dần lên, cao dần lên để bắt kịp tầm thời đại. Nhưng giá như, giá như mà mỗi một cơ quan, mỗi một cửa hàng, mỗi một cá nhân biết nhìn mình trong cái chung, trong cái hài hoà của thành phố thì càng đẹp biết bao nhiêu! Người ta bắt chước nhau, sao chép nhau từ cái hay, cái đẹp đến cả cái lố lăng, kệch cỡm. Một ngôi nhà bê tông cửa kính khung nhôm lại thòi ra một mảnh mái hiên cong cong lợp ngói, một cái tháp tròn A-rập đứng chênh vênh! Đi trên một vài đường phố Thủ đô mà nhiều khi không nhận ra mình đang ở xứ nào trên trái đất! Ngay bên bờ Hồ Gươm cũng có một số toà nhà mọc lên không xứng với nét đặc trưng của một nền kiến trúc dân tộc nghìn năm văn hiến. Nét đẹp hồ Gươm liệu có còn giữ được đến mai sau?…
Đi trên đường phố Thủ đô, tôi cứ bị ám ảnh hoài trong câu hát của Nguyễn Đình Thi “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” Thủ đô chúng ta đang tiến dần tới ngày kỷ niệm một ngàn năm tuổi. Bao nét hay nét đẹp, bao hào khí vinh quang của cả một dân tộc quy tụ lại nơi đây. Hà Nội không chỉ là của riêng của những người sinh ra ngay trên mảnh đất này, mà là của chung của mọi người dân Việt, dù đang sống ở đâu, ở Tây Nguyên, ở Hàn Quốc hay ở Hoa Kỳ. Hà Nội đã và phải là trái tim, là niềm tự hào của cả nước, cả dân tộc. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ta đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh“, tạm hy sinh tất cả, tạm quên đi tất cả cho sự trường tồn của đất nước, cho Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội mãi mãi là niềm tự hào, niềm tin yêu của đất nước. Thế nhưng, một thời gian dài, phố phường mất dần đi cái nét “Tràng An”. Đi ra đường ít nghe thấy tiếng chào, tiếng cảm ơn, tiếng “thưa”, tiếng “dạ”, mà thay vào đó là những tiếng tục, tiếng lóng đến khó nghe. Môi trường ô nhiễm, ngôn từ cũng trở nên ô nhiễm. Nếu người nước ngoài đến đây mà hiểu được tiếng Việt thì than ôi, họ sẽ nghĩ sao về Thủ đô, về con người của một dân tộc vẫn tự hào hàng nghìn năm văn hiến! Điều tôi viết ở đây liệu có làm cho các vị ngành văn hoá và giáo dục “động lòng trắc ẩn?” Kinh tế đã có những bước biến đổi, đời sống đã có những thay đổi rất cơ bản, vẻ đẹp của Thủ đô đang được tô điểm lại, vẻ đẹp bên ngoài của người dân cũng được trang điểm thêm rất nhiều… Nhưng nét đẹp thẩm mỹ, nét đẹp tâm hồn, nét đẹp văn hoá có lẽ còn nhiều điều cần được quan tâm.
Thanh niên bây giờ thích nhạc Rock, nhạc Pop, thích hát Ka-ra-ô-kê, chẳng còn mấy người thích các làn điệu dân ca. Đó là một sự thái quá đáng chê trách. Bản sắc dân tộc sẽ bị mai một đi nếu không được duy trì và thừa kế một cách đúng mức những vốn cổ mà ông cha bao đời để lại. Đến xã Liên Hà (Đông Anh), tôi thật xúc động khi thấy một cụ bà (cụ Mùi) đã gần tám chục, cùng một bác (bác Hoan) cũng đã ở tuổi “cổ lai hy” với một lòng nhiệt thành hiếm có đang ra sức dạy các cháu thanh niên học ca trù, một làn điệu đã có từ hơn năm trăm năm trước, bén rễ tại nơi này. Các cụ không đòi hỏi gì, chỉ có một mong muốn duy nhất là truyền lại cho mai sau một làn điệu dân ca. Bác Hoan có một mối lo thật chính đáng khi nói vui với chúng tôi rằng, lỡ cụ Mùi và bác mất đi thì chẳng còn ai biết điệu ca trù truyền thống – không hoàn toàn như ca trù mà các nghệ sĩ biểu diễn hiện nay. Cụ Mùi đã từng học và đi hát ca trù khắp vùng Kinh Bắc từ hơn bảy chục năm nay. Còn bây giờ, người ta đã “hiện đại hoá” dần, không còn nguyên như trước. Tôi không nghĩ đó là một việc làm không đúng mà chỉ nghĩ là liệu các thế hệ mai sau có còn giữ lại được những gì bản sắc, tinh hoa mà ông cha truyền lại tự bao đời! Quan họ, chầu văn, điệu hò, điệu lý… lại hoà cùng nhạc Jazz, nhạc Rock? Một nền văn hoá cần phát triển đa phương nhưng bao giờ cũng phải có một “khoảng trời riêng” cho đặc thù dân tộc. Đất Tràng An không thể thiếu nét riêng của Tràng An.
Báo chí nói nhiều đến các tệ nạn như những nạn dịch hoành hoành. Từ “cái sảy” đã nảy thành “cái ung”. Đi trên đường có bao điều làm ta bận tâm lo lắng. Một va chạm nhỏ cũng có thể trở thành một tai nạn lớn; một kẻ ăn mặc bảnh bao ra dáng hào hoa bỗng chốc cũng có thể trở thành một Chí Phèo nếu anh vô tình chạm khẽ vào y! Chữ “lễ“, chữ “nhân” cứ chập chờn chao đảo; chữ “nghĩa“, chữ “tín” trở nên xa lắc, mơ hồ. Cũng đúng thôi bởi lâu nay chúng ta ít quan tâm dạy con, dạy trò những điều “cỏn con” như thế. Bây giờ ở nhiều trường đã xuất hiện câu “Tiên học lễ, hậu học văn“, tuy có chậm nhưng thật đáng mừng thay. Các cô cậu nam thanh nữ tú choai choai bây giờ rất sành về “mốt”, rất am hiểu về xe cộ, về hàng điện tử cao cấp, về các “băng”, các “sốp mô-đen”; nhưng lại kém kiến thức về văn chương, nghệ thuật, về phép đối nhân xử thế. Phải chăng nền giáo dục còn có gì khiếm khuyết hay vì sự buông lơi, phó mặc của gia đình cho xã hội ngày càng phổ biến? Có những quy tắc ứng xử mà ngay từ bé trẻ em cần được học như “kính trên nhường dưới“, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng“, “lời nói không mất tiền mua…” nhưng có lẽ không mấy gia đình nghĩ tới. Chính vì thế mà ngoài đường rất dễ gặp những cảnh chướng tai gai mắt. Cái thanh lịch của người Tràng An đâu phải là ở nơi ăn mặc trưng diện nếu thiếu đi những cử chỉ văn minh, những lời nói đẹp.
Cùng với cả nước, Hà Nội đang vươn lên cái giàu, cái đẹp cùng sự tự hoàn thiện lại mình. Kinh tế có thể thay đổi từng ngày, nhưng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt sao cho có văn hoá khó mà đổi thay nhanh được. Nhưng sự đổi thay ắt là sẽ có. Một thời trò tiêu khiển bằng sách báo kiếm hiệp, vụ án, bằng những cuốn băng vi-đê-ô lăng nhăng nuốt hết thời gian, nay đã chán rồi. Nhiều người đã trở lại với sân khấu, vói thơ ca, nhạc, hoạ. Tham gia nhiều đêm thơ, tôi thật vui mừng khi thấy lượng thính giả ngày càng đông đúc, các hội trường ngày càng chật ních người nghe. Mới đây thôi mà sống giữa đất Tràng An lại có nhiều người Tràng An coi thơ như một thứ xa lạ, coi người làm thơ như những kẻ gàn! Bây giờ cái đích thực đang trở về vị trí đích thực; “ngôn ngữ của tâm hồn” đang ngày được đề cao. Cái đẹp siêu nhiên, cái đẹp vĩnh hằng đang được người Tràng An hướng tới
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An !
Người Hà Nội, người Tràng An xin đừng bao giờ để mất đi câu ca dao khẳng định một truyền thống đầy tự hào như thế!
. *
Tôi thả hồn mình theo ngọn bút suốt chiều nay; ngọn bút tôi như cùng rung cảm với câu ca trong nhạc phẩm của nhạc sỹ Thuận Yến “…Để lòng tôi với Hà Nội xốn xang” (2). Đồng cảm với tôi, nhạc sĩ Thuận Yến đã hoàn toàn đắm say cùng Hà Nội khi anh ngân ca lên gia điệu “Giữa chiều thu Hà Nội“.
Ôi, Hà Nội, Hà Nội mến yêu!
Thu 1995
(1) Thơ Hồ Dzếnh : “Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung”
(2) Ca khúc “Giữa chiều thu Hà Nội”
Nhạc: Thuận Yến, thơ: Hoàng Gia Cương
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.