- Đang online: 2
- Hôm qua: 934
- Tuần nay: 20578
- Tổng truy cập: 3,371,568
MỪNG NHÀ THƠ PHAN XUÂN HẠT
- 1469 lượt xem
MỪNG NHÀ THƠ PHAN XUÂN HẠT
Nhà thơ Phan Xuân Hạt (nguồn từ Google)
Lê Hoài Nguyên
Nhà thơ Phan Xuân Hạt vừa gửi tặng tôi Hợp tuyển thơ Phan Xuân Hạt ( NXB Hội Nà văn 2012 ). Sách dày 360 trang, giấy trắng, bìa cứng in đẹp, tuyển chọn những bài thơ hay trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác 70 năm của ông cùng tâm tình của nhiều người bạn tri kỷ văn chương.
Phan Xuân Hạt là một hậu duệ họ Mạc thuộc chi họ Phan Đăng ở Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ông sinh năm 1931trong một gia đình nho học, dạy học sớm từ năm 1950, rồi tham gia công tác văn nghệ liên tục cho đến ngày nghỉ hưu 1993 ở Nhà xuất bản Thanh niên. Tuy nhiên ông vẫn còn nhiều bút lực sáng tác cho tới hôm nay.
Về nghề thơ ông là một nhà thơ đã sớm có tên tuổi trên thi đàn với giọng thơ đằm thắm, giàu suy tư. Về nghề biên tập ông là một bà đỡ tận tâm, đã góp phần nâng đỡ nhiều cây bút thành công trong nền văn học hiện đại nước ta. Vì sự trung thực, thẳng thắn ông cũng phải chịu hệ lụy của nghề văn chương.
Nhân dịp Hợp truyển một đời sáng tác của ông ra mắt bạn đọc, xin chúc mừng ông, mong ông mạnh khỏe, tiếp tục có sáng tác mới làm đẹp cho đời, cho dòng họ Mạc.
Xin giới thiệu với bà con họ Mạc ta vài bài thơ tiêu biểu của ông.
XUM VẦY CHÁU CON HỌ MẠC
Đã từ lâu đổi thành họ khác
Nào Hoàng, nào Phan, nào Thái…Nguyễn, Lều…
Những cháu con họ Mạc
Bây giờ tìm ra nhau
Phan Đăng Lưu, Mạc Thị Bưởi
Văn Tiến Dũng, Nhượng Tống
Chu Thiên
Chung quê tổ thiêng liêng:
Long Động
– Sông Kinh Thầy tụ khí hạo nhiên!
Nhớ về tổ tiên
Hiển Tích, Hiển Quang
Bảng vàng còn lưu giữ…
Mạc Đĩnh Chi đi sứ
Rạng danh nước lưỡng Trạng nguyên
Ba trăm năm ngoảnh lại
Thưở trôi dạt vơi đầy
Nghệ Tĩnh, Nam Hà, Bắc Thái
Nào ngờ lại có gời đây!
Những cháu con họ Mạc
Nhận ra nhau xum vầy…
Tháng 3-2004
HẠNH PHÚC KHÔN TRÒN
Ôm em vào lòng
Anh hôn lên đôi má chín hồng
Bông đài khuya truyền đi tin dữ nhất:
Mỹ lại thử bom hạt nhân dưới đất!
Hai đứa ngập ngừng
Chiếc hôn giở nửa chừng
Hạnh phúc, em ơi
Khôn trọn đấu, đầy thưng!…
HOA TRE ĐƠN ĐỘC
Hoa đũa tre trên bát cơm đặt giữa quan tài
Mỗi tầng hoa nói một thế hệ
Thương Người ra đi nay sao buồn thế:
Một tầng hoa chót vót lẻ loi…
Trần thế, Người ơi,
Sống kiếp tôi đòi
Tám mươi năm lầm lũi
Từ cát bụi về cùng cát bụi
Ai biết cho hết mọi ưu sầu…?
Riêng điều bất hạnh có thật từ lâu
Vương vít mãi tầng hoa đơn độc…
Tháng 2-1990
SỨC CỎ
Cỏ sống ở công viên
Ngày ngày người chăm chuốt…
Cỏ sống ở vệ đường
Mặc cho người dẫm đạp
Cỏ sống ở ven đê
Gồng sức lên chống lụt!
Cũng là cỏ đấy thôi,
Sống mỗi nơi mỗi khác
Cỏ công viên tươi tối
Có khi bị cắt bằng
Và nhổ đào tận gốc
Khi cỏ đã úa vàng
Trọn đời cỏ không tiếc
Sức non tơ, mỡ màu
Sống hết mình không tiếc
Dẫu thế nào, nơi đâu…
Xuân 1984-1985
Hạnh phúc khôn tròn
VŨ TỪ TRANG
Phan Xuân Hạt thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi quen biết ông đã lâu, nhưng hay gặp gỡ ông hơn là từ khi tôi chuyển về ở phố Bạch Mai. Nhà ông lại ở đầu phố Trương Định. Thi thoảng, tôi cuốc bộ xuống nhà ông chơi, hai anh em thường kéo nhau ra quán bia vỉa hè gần nhà ông để đàm đạo văn chương hoặc chuyện thế sự. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng tâm hồn ông còn tươi trẻ. Tính ông hồn nhiên và nồng hậu. Tuy tuổi tác chênh lệch khá nhiều, nhưng trò chuyện với ông, tôi thấy thật thoải mái, không phải giữ gìn ý tứ. Và đặc biệt, thấy tính yêu đời của ông.
Thì ra, sự yêu đời không phải vốn sẵn có ở mỗi con người. Để tạo ra lòng yêu đời, con người phải học rất nhiều thứ. Cuộc đời ông vốn nhiều thăng trầm. Sinh trưởng trong gia đình gia giáo, ông sớm được học chữ Pháp, chữ Hán, sớm được tiếp cận ánh sáng văn hóa phương Đông, phương Tây. Ông có một thời từng đi dạy học. Những buổi dạy thơ văn với học trò, ông như được giãi bày nỗi niềm và cảm xúc của mình. Ông có những nhận định theo lối riêng của ông. Ví như bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan khi mới công bố, nhiều người bình luận, gán ghép cái chết của người con gái trong bài thơ, là chết do bom đạn chiến tranh để tăng lòng căm thù. Nhưng ngay khi đó, ông đã giảng giải cho học trò nghe, đó là chết đuối mà thôi. Sau này, khi gặp nhà thơ Hữu Loan, ông có kể lại sự tình này, nhà thơ Hữu Loan gật đầu cười ràn rụa nước mắt.
Như nhiều tri thức khác, ông sớm rời làng quê ở huyện Yên Thành, xứ Nghệ của ông, ra Hà Nội làm việc. Duyên phận làm sao, ông gắn bó với công tác biên tập văn học ở Nhà xuất bản Thanh niên từ năm 1957. Cho tới khi về hưu, ông vẫn nhận làm cộng tác viên đặc biệt của Nhà xuất bản này. Chính ông đã xin người học trò là nhà thơ Võ Văn Trực về làm việc cùng. Một thời gian dài, ông biên tập nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Anh em vẫn nói vui: ông là bà đỡ mát tay cho nhiều đứa con tinh thần của các nhà văn.
Nhà thơ Phan Xuân Hạt sinh ngày 5 tháng 4 năm 1931. Quê quán: Yên Thành, Nghệ An. Thường trú tại Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, dạy trung học phổ thông, tham gia Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Hoà bình công tác tại Nhà xuất bản Thanh Niên, đảm nhận các cương vị: Trưởng Phòng biên tập văn học, Chuyên viên cao cấp và Trợ lý giám đốc Tổng biên tập. Ông được nhận nhiều giải thưởng văn học ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt là thư khen mừng của Tổng thống Pháp Jacque Chirac về Thơ viết bằng tiếng Pháp. Sự nghiệp văn học của ông không có cơ may chói sáng như một số nhà văn khác. Nhưng ông luôn giữ được sức bền bỉ và âm thầm với công việc sáng tạo. Gần một đời sáng tác, ông đã công bố non chục tập thơ. Những tập thơ gây ấn tượng với bạn đọc, phải kể đến tập Nguyên vẹn 1963, Trăng rằm 1985, Khoảng xanh êm còn lại 1995. Thơ ông hàng năm vẫn được công bố đều đặn trên báo chí và từng được dịch in trên một số sách báo Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Xô, Pháp, Tiệp Khắc… Ông còn lưu giữ lá thư của Tổng thống Pháp Jacques Chirac gửi khen mừng bài thơ viết bằng tiếng Pháp của ông in trên báo Le Courrier du Việt Nam,1997. Ông thường nói đùa: “Đấy là Tổng thống khen trình độ tiếng Pháp của mình đấy!”.
Văn chương, khen chê, thích và không thích, đó là lẽ thường tình. Tôi luôn thấy sự ung dung tự tại của ông trước mọi việc. Tuy nhiên, đọc thơ ông, tôi vẫn thấy cái tâm thế day dứt, trăn trở.
Một nửa lá cành còn giông bão
Nửa kia vẫn trái chín mong chờ.
(Viết giữa cơn đau)
Hoặc là:
Tình yêu
Nếu ví là trận đánh
Kẻ chiến bại
Lại
Chính là hai ta
(Tình yêu nếu ví)
Có nỗi niềm tự thán chợt phơi ra:
áo cơm nợ của thần dân
Chẳng nhiều phải trả đến thân hình hài
(Xin lại làm người thế gian)
Chính ông cũng bị lâm nạn chữ nghĩa một thời. Nguyên là bài thơ Hạnh phúc khôn tròn của ông in trong tập thơ Tình yêu, Nhà xuất bản Thanh niên, in năm 1963. Bài thơ ngắn gọn như sau:
Ôm em vào lòng
Anh hôn lên đôi má chín hồng
Bỗng đài khuya truyền đi tin dữ nhất:
Mỹ lại thử bom hạt nhân dưới đất!
Chiếc hôn dở nửa chừng.
Hạnh phúc, em ơi
Khôn trọn đấu đầy thưng!…
Ông kể lại, ngày ấy, chính cái câu Hạnh phúc, em ơi. Khôn trọn đấu đầy thưng!.. bị cấp trên cho là tư tưởng lung lay, ám chỉ đất nước còn chia cách. Trong thâm tâm ông nghĩ và viết ra, nào có ý ám chỉ gì đâu. Ông chỉ muốn nói về hạnh phúc của con người vốn mong manh, con người luôn phải vươn tới, mặc dù còn gặp nhiều ngăn cản. Bạn bè hiểu ông, thì cho đấy là tai họa của lối suy diễn, quy chụp ấu trĩ một thời.
Con đường sáng tạo vốn luôn gian nan, vất vả với người cầm bút. Ông luôn tâm niệm cố viết những gì gan ruột với chính mình. Tuổi cao, nhưng ông vẫn luôn muốn xê dịch đi đây đi đó. Nhóm anh em nhà văn dăm ba người quanh khu chợ Mơ thường hay tổ chức những chuyến đi thực tế đây đó. Những chuyến giang hồ vặt như thế, tôi rất thích đi cùng ông. Thường là ông cao tuổi nhất trong chuyến đi, nhưng chính ông lại là người dẻo dai nhất. Suốt chặng đường, ông thường kể chuyện này chuyện nọ rất vui, làm tài xế nghiệp dư như tôi lúc nào cũng tỉnh như sáo. Ông lại là người có trí nhớ tuyệt vời. Nếu cần hỏi một câu thơ, hoặc doạn văn, hoặc một nhân vật nào đó của một nhà văn trong hoặc ngoài nước, ông thường nhắc lại chính xác. Nhiều lần tôi nói vui, ông như một cuốn từ điển sống. Thực ra, để có kiến thức mẫn tiệp như thế, ông đã phải dày công đọc và học rất nhiều.
Là người biên tập sách văn học lâu năm của nhà xuất bản, lại là người dồn nhiều tâm huyết với công việc này, nên đi đâu ông cũng có cộng tác viên thân tình. Tôi nhớ chuyến đi Lạng Sơn cùng ông cách đây chưa lâu, khi mấy anh em ghé vào thăm nhà văn Nguyễn Trường Thanh, ông Thanh ôm chầm lấy ông Hạt và ôn lại kỷ niệm khi tập sách đầu tay có tên Kỳ tích Chi Lăng ra đời. Ông Thanh nói “Tôi thành nhà văn”, cũng nhờ công của nhà thơ Phan Xuân Hạt”. Rồi chuyến về Nam Định chơi, nhà thơ Vũ Ngọc Phác hoan hỉ nhắc lại thưở hai anh em Hoàng Trung Thủy và Vũ Ngọc Phác đáp tầu hỏa từ thành phố dệt lên thủ đô gửi bản thảo đầu tay. Với thái độ chân tình của người biên tập như ông, Vũ Ngọc Phác vẫn nhớ như in, dù việc đã ba mấy năm trời. Tôi lại nhớ một chuyến đi về phố Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Bữa đó, sau việc vào thăm xóm nhỏ Trường đại học tổng hợp sơ tán thời chống Mỹ, ông dẫn mấy anh em nhà thơ Mã Giang Lân, Phạm Đình Ân và tôi vào thăm nhà giáo già Dương Quang Luân. Ông Luân hỉ hả kể lại tập sách đầu tay của ông được nhà thơ biên tập công phu. Tuy làm hiệu trưởng trường cấp ba đã lâu năm, đã bao lần lên bục giảng văn, vậy mà ông Luân rất sướng khi được nhà thơ Phan Xuân Hạt chữa cho cho một chữ đắc ý trong câu thơ của mình. Chúng tôi phải ngỡ ngàng vì sự tiếp đón quá thận tình bữa đó. Thì ra, cao hơn trách nhiệm biên tập, là cái tình của nhà thơ với người viết. Chỉ có chân tình, mới cho tình cảm bền vững.
Ông là người rộng lượng với bạn bè. Một thưở, gia đình ông đã xắn một phần đất mời nhà văn Trần Thanh Địch đến dựng nếp nhà để ở. Lý do, ông muốn có bạn văn gần bên, để chuyện trò sớm tối. Ông Trần Thanh Địch làm hàng xóm cùng ông Hạt đến gần chục năm, rồi mới chuyển vào sinh sống trong thành phố Hồ Chí Minh. Tôi được nghe ông kể, thuở gia đình nhà văn Sao Mai còn ở Hà Nội, chưa lên khai khẩn trang trại trên Thanh Sơn (Phú Thọ), túng bấn quá, hai ông đã phải dắt nhau vào hiệu bán cái đồng hồ đeo tay lấy tiền đong gạo. Tôi cũng đôi lần chứng kiến cảnh nhà thơ Tạ Hữu Yên tuổi cao, lọ mọ đạp xe từ khu tập thể Trương Định ra nhà Phan Xuân Hạt mượn sách báo về đọc. Tới kỳ yếu quá, nhà thơ già không đạp xe được nữa, ông Hạt lại lẵng lẽ soạn từng bó sách báo, cầm vào cho ông Yên đọc cùng. Nghĩa cử của các nhà văn già với nhau, cho tôi rất nhiều cảm động. Tôi nhớ buổi chiều mấy anh em tiễn đưa ông Nguyễn Hữu Cung xuống mai táng tại nghĩa trang Văn Điển. Đấy là chiều mưa tầm tã. Ngồi trong xe nhìn trời trút nước, ba nhà thơ Phan Xuân Hạt, Võ Văn Trực, Tạ Vũ và tôi không ai muốn nói với ai một câu nào. Ông Cung vốn là người sửa mo-rát lâu năm ở cùng nhà xuất bản Thanh niên, một người mẫn cán với công việc, chân tình với bạn bè, nhưng số phận trời giáng mắc bệnh hiểm nghèo. Phút hạ áo quan trời càng đổ mưa ào ạt. Ông Hạt khi ấy lẩm bẩm như kêu lên “Thế là xong một kiếp người. Sao người tốt ở đời lại chịu nhiều vất vả thế?”.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà văn sốt sắng với việc làm tuyển tập cho mình. Âu cũng là việc làm ý nghĩa và cần thiết. Nhưng tôi thấy nhà thơ Phan Xuân Hạt hình như chưa quan tâm tới điều này. Tôi hỏi ông, ông chỉ cười hồn hậu. Có thể ông tự khắt khe với chính mình, chưa bằng lòng với những câu thơ mình viết ra? Hay ông thấy mọi việc không có gì quá quan trọng? Có người nói vui là ông lười, hay ông muốn để cho tâm mình nhàn tản? Có người lại nói, ông nhiễm cái chủ nghĩa tự nhiên của nhà thơ Nguyễn Công Trứ quê ông.
Chỉ còn hơn năm nữa, ông sang tuổi tám mươi. Thân già mình hạc, sáng sáng ông vẫn lặng lẽ ngồi đọc bản thảo do Nhà xuất bản thân tình nhờ biên tập. Ông vẫn dành thời gian đọc sách Pháp ngữ. Thi thoảng, đem giấy bút viết ôn lại mấy dòng chữ Hán. Những câu chữ trong bài thơ dang dở, vẫn dằn vặt, ám ảnh ông. Để tránh sự mệt mỏi tuổi già, ông vẫn thường xách nước tưới vườn cây xanh um bên hiên nhà. Ngày hai bận đều đặn, ông thủng thẳng sang quán bia nhỏ bên đường, ngồi nhâm nhi vại bia, lắng nghe thiên hạ chuyện trò. Ông vẫn hòa nhập được với cuộc sống hiện tại. Những khách hàng ngồi trong quán bia, hẳn không biết ông là nhà thơ, chỉ biết đó là ông già hay cười hiền lành.
Đã qua thời vất vả, nay ông được hưởng tuổi già an nhàn bên con cháu. Người vợ của ông, vốn là cô học trò hoa khôi trong lớp ông dạy thuở nào. Tôi thấy ông bà rất chiều nhau. Một buổi, tôi được nghe ông bà nói đùa với nhau về duyên phận:
– Thời trẻ, lấy ông vì tôi mê thơ của ông. Chứ tham quyền chức, thì tôi đã lấy cái người theo đuổi tôi mãi. Nhà thơ già phả hơi thuốc, thũng thẵng nói:
– Thì đã mấy ông Bộ trưởng có được câu thơ để lại cho đời.
Rồi ông quay lại nói nhỏ với tôi:
– Mình chỉ có mấy bài thơ tâm đắc với mình thôi, chứ tay Bộ trưởng ấy có mấy nghìn mét đất cơ đấy.
Trong câu chuyện, tôi thấy có gì vừa vui, vừa ngậm ngùi của người cầm bút.
Tháng 9 năm 2009
.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.