- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15259
- Tổng truy cập: 3,368,857
Mạc Đăng Dung
- 738 lượt xem
Mạc Đăng Dung-
Ông vua làng chài
(Nào lịch sử. Chảy đi…)
Trích một số đoạn trong kịch bản
Kịch bản này chỉ có một mâu thuẫn: Ngừng trệ hay chảy đi.
Kịch bản này chỉ có một nhân vật: Lịch sử.
Bảng nhân vật:
- Sử gia
- Kịch tác gia
- Mạc Đĩnh Chi
- Mạc đăng Dung
- Mạc đăng Doanh
- Vua Lê Uy Mục
- Vua Lê Tương Dực
- Nguyễn Kim.Thái sư
- Trịnh kiểm-Lạng quốc công
10. Trình quốc công, Đông các Đại Học sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm
11. Lương Hữu Khánh, học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm
Khối nhân vật phụ gồm Hoàng Thái hậu Trường Lạc. Thứ Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Lãng- Bà Chúa Lỗi. Quan nội thị Nguyễn Như Vĩ. Chính Chưởng Phụng ngự Khương Chủng, Tướng Dương Chấp Nhất. Thượng thư đàm Văn Lễ, Ngự Sử Nguyễn Quang Bật. Đại thần Nguyễn Văn Lang, Hiệu uý Hữu Vinh. Quân hầu, thị nữ, quân chấp kích….
Sân khấu trong thời gian vở này diễn ra không có đóng màn, mở màn. Mọi cảnh thay đổi đều qua sự dẫn dắt của Sử gia, Kịch tác gia qua những làn khói
Cảnh tổng thể dẫn chuyện. Một dàn đồng ca gồm một Sử Gia, một kịch tác gia cùng những người mặc đồng phục trắng cầm sẵn những trang phục nhân vật.
Tiếng nhạc chậm rãi, sâu lắng vang lên. Sau đó là tiếng Piano nhỏ giọt như bứơc đi của thời gian.
……… Cảnh Mạc Đăng Dung gặp Tổ Phụ Mạc Đĩnh Chi
Sử Gia:- Lịch sử đòi hỏi sự chân thực. Không ai, kể cả vua chúa, oai phong lừng lẫy có thể chữa được. Khói trắng thời gian bay lên. Cảnh mới tiếp theo. Xin mời mấy vị đã xong trò cởi phục trang trở về vị trí bình thường của mình.
(mọi người vừa đi vừa cởi trang phục.Kịch tác gia đi ra)
Kịch tác gia :- Đã đến thời khắc nhân vật chính xuất hiện rồi chứ ?
Sử gia:- Tất nhiên. Sau những năm tháng triều đại vua hậu Lê thối nát, đốn mạt, nhũng nhiễu dân như thế thì tất nhiên lòng dân là lòng trời ao ứơc nhân vật quang minh lỗi lạc xuất hiện. Mặc Đăng Dung. Đã đến vai của ông. Xin mời.
Mạc đăng Dung (đang lấp ló ở cánh gà mặc trang phục) :- Hình như câu chuyện bắt đầu từ thủa hàn vi của ông ấy. Vậy thì ngai vàng kia. Thôi để tôi mang vào để lấy đất diễn.
Sử gia:- Vâng. Trong lịch sử, trăm họ cũng từng nhờ Mạc đăng Dung dọn dẹp những ngai vàng nhơ nhớp ấy.
(Mạc Đăng Dung nhấc ngai vàng đưa vào bên trong)
Kịch tác gia:- Mạc đăng Dung thủa là dân chài đã được một người thợ rèn bí ẩn có tài nghệ cao rèn cho một thanh đao quý. Nên vai này không thế thiếu thanh đao.
Sử gia:- Đúng thế. Thanh đao này là ngọn Định nam đao. Giờ nặng gần 26 cân, nhưng các sử gia đã tính 500 năm trứơc khi mới ra đời đao này chí ít cũng nặng 30 cân, hơn cả đao của Quan Vũ đời Thục. Nhưng thôi khán giả đang nóng ruột. Xin mời Mạc đang Dung ra múa đao.
(Mạc đăng Dung từ trong cánh gà vừa múa đao vừa đi ra. Ông tiếp tục tập các thế võ giữa sân khấu một lúc. Một lúc sau quay ra sử gia)
MĐDung:- Thế nào đã đủ không khí cho câu chuyện bắt đầu được chưa ?
Sử gia :- Ổn rồi đấy. Kìa tiếp tục đi, còn việc gì cấn cá mà vẫn ngập ngừng thế?
MĐ Dung:- Ông nên nhớ. Mạc đăng Dung đã nhiều đời bị oan khuất trong những pho sử của nhiều triều đại.
Sử gia:- Thời xưa nhà viết sử triều đại nào thì trong lúc viết sử phải phù triều đại ấy, nên việc làm lệch lạc, thậm chí bêu xấu nhân vật lịch sử không thuộc phe phái của họ là điều dễ hiểu.
MĐDung:- Còn Mạc Đăng Dung ta. Tuy chỉ là một kẻ dân chài nhưng chỉ một lòng mong muốn quê hương yên ổn, non nứơc thanh bình. Dân sống no đủ. Ngư dân thì ra sông, ra biển về cá nặng đầy khoang. Nông phu vào mùa thì thóc ngô đầy bồ, đầy bịch…
Ktgia:- Chính thế nên hôm nay tôi và vị sử gia đây đang gắng sức trả lại đúng vị trí của ngài. Ngài cứ yên tâm.
Sử gia:- Lịch sử được chép lại do các nhà sử gia mang cách nhìn riêng luôn luôn đi theo những đường cong, nhưng rồi vẫn về đúng đích.
MĐăng Dung (gật đầu):- Vậy thì tôi tin vào lịch sử và lòng dân
( Sử gia và kịch tác gia đứng vào hàng những người áo trắng. MĐ Dung tiếp tục múa đao. Khói trắng bỗng phụt ra bao trùm sân khấu)
Sử Gia:- Đúng, đúng. Về mặt biểu hiện sân khấu như vậy là rất hợp. Mọi biến cố lịch sử bao giờ cũng có khói báo hiệu
( Khói tan Mạc đĩnh Chi xúât hiện. Ngài ngắm nghía MĐăng Dung múa đao)
Mạc Đĩnh Chi:- Hay lắm. Giỏi lắm. Đúng là thập bát ban võ nghệ đều tinh thông lầu lầu. Riêng thuật xử đao thì kém chi Quan Vân Trường nhà Thục Hán.
Mặc Đăng Dung ( ngừng múa quay lại):- Ngài là ai ?
MĐ Chi :- Ta là Mạc Đĩnh Chi, Tổ phụ bảy đời của con đây. Nhìn dòng dõi, hậu duệ oai phong thế này ta rất mừng.
MĐ Dung ( quỳ xụp xuống):- Con người trần mắt thịt không biết Tả Bộc sạ hiển linh. Cúi xin tiền nhân tha tội.
MĐ Chi:- Thôi. Cứ gọi là Tổ phụ cho dễ dàng ăn nói, thưa gửi. Còn chức sắc không nên xem là trọng. Nó như mây bay gió thoảng trong đời người chớp mắt được bao lăm.
MĐ Dung:- Dạ, con xin nghe lời Tổ phụ .
MĐ Chi:- Một tể tướng như Mạc Đĩnh Chi này, vậy mà cháu bẩy đời của ta nay vẫn sống cơ hàn bằng nghề đánh cá. Ta không ân hận điều chi, mà lại còn tự hào. Thủa ta làm quan bổng lộc thiếu gì. Song le góp sức cho đời thế nào thì ăn lộc vua thế nấy không ham hố của trời. Đến 10 quan tiền vua ban bệ hạ cho người giả bỏ quên bên cổng nhà, ta còn mang trả vào quốc khố nên khi qui khứ lai từ đến nhà từ đường không có. Nghèo vẫn hoàn nghèo, chỉ để lại cái đức, cái trí cho con, cháu, hậu duệ.
MĐ Dung:- Con cũng rất kiêu hãnh về dòng dõi họ Mạc nhà ta.
MĐ Chi:- Tự tôn, tự hào như thế đủ rồi. Nay nghe ta dạy đây. Võ nghệ của con đã đạt mức siêu quần. Thiên hạ đang đại loạn. Tài võ ấy sẽ được trọng dụng. Nhưng chỉ thành thạo về đao búa thì một là không phải thế mạnh của dòng họ Mạc, hai là cũng chỉ là kẻ võ biền mà thôi. Cho dù ta có thể khảng khái đối với vế đôi của vua Nguyên Nguyệt cung, tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô rằng: Nhật hoả, vân yên, bạc đán thiêu tàn ngọc thỏ. Thì mọi cơn can qua cho dù khốc liệt, nghiêng ngả triều chính, con dân đến bao nhiêu so với sự tồn tại của muôn đời chỉ là bóng câu chớp ảnh. Mà muốn thắng trong can qua, muốn trụ vững trong thái bình con người phải có bút trong tay.
MĐ Dung:- Con hiểu, con hiểu. Mong Tổ phụ chỉ bảo đường đi nứơc bứơc cho con.
MĐĩnh Chi:- Con hãy cầm đao phòng thân đi về hướng đông. Khi nào thấy đao nặng, tay mỏi không cầm nổi thì con dừng lại sẽ tìm được thầy học đạo. Con phaỉ dốc tâm mà học cho được cái tham cái sâu của con chữ. Khi nào được thầy trao cho Linh Bút, tức là khi đã tinh thông thao lược, học vấn cao xa thì hãy ra ứng thi. Chọn minh chủ mà thờ, chọn đường sáng mà đi để đem tài ra giúp nứơc, giữ yên trăm họ.
MĐ Dung:- Vâng con xin nghe lời Tổ Phụ, nhưng thiên hạ đang rối rắm nhiễu nhương. Chính, tà đang lẫn lộn. Phải trái chưa rõ ràng. Xin Tổ Phụ chỉ cho con …
MĐ Chi:- Đừng sốt ruột. Ta đã nói hết đâu. Mấy triều vua con vừa biết đấy là của nhà Lê. Lê Thái Tổ có công đuổi giặc phục quốc, Lê Thánh Tông có công khai sáng dân trí, trọng người hiền tài nên thiên hạ thái bình…còn Quỷ Vương lăng loàn, ngược đạo. Trư Vương ham hố, đam mê …Nên con phải thay trời lấy lại giang sơn của họ.
MĐ Dung:- Trời!
MĐ Chi:- Con kêu gì vậy ?
MĐ Dung:- Kính thưa Tổ phụ. Con đang là thần dân của nhà Lê. Nếu làm như vậy con sẽ mắc vào tội thoán nghịch.
MĐ Chi:- Tội là của cá nhân con không đáng trọng bằng an nguy xã tắc, sự bình yên của trăm họ. Vậy không phải là mang đại tội mà chỉ là thực thi sự nghiệp thay trời để trị dân. Con không thể ích kỉ sợ những lời đàm tiếu, sự lên án nhỏ nhen của miệng lưỡi thế gian mà phải coi đấy là phận sự của con. Thủa ta sinh thì, vua anh minh, bề tôi tận tâm cho trăm họ an lạc thì ta chỉ dành tâm, dành tài phò vua giúp nứơc nhưng riêng con…Con cần nhớ “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Con có hiểu không.
MĐ Dung:- Xin Tổ phụ gỉảng giải cho con được thấu mọi nhẽ.
MĐ Chi:- Học sẽ hiểu, nhưng điều này phải luôn nhớ. Dân luôn luôn là gốc, có dân mới có xã tắc. Có xã tắc mới có Vua. Ta còn dặn. Có linh bút trong tay tức là dù là gì, Thiên tử hay dân đen cũng phải trọng cái chữ. Không có chữ thì dễ thiếu đức.Thiếu đức thì dễ vô đạo, lộng quyền, hại tâm hại thiên hạ. Hậu duệ. Hãy nhớ lời ta nói .
( khói trắng phụt ra dữ dội)
Mạc Đĩnh Chi (nhìn Mạc Đăng Dung sừng sừng tay cầm đao, tay cầm bút dứng uy nghi):- Có đao không thì chỉ là phường lục lâm, thảo khấu. Có bút không cũng chỉ là hủ nho cần minh chủ để thờ. Con có đao quý, có linh bút con hãy đứng đầu thiên hạ gánh vác nghiệp phò dân gíup nứơc. Sứ mệnh của họ Mạc đã đến. Vì giang sơn này con không được bỏ lỡ.
……………. Cảnh Thái Hậu dùng mẹo lừa tướng Dương Chấp Nhất
(Khói trắng ào ạt nổi lên. Nguễn Bình Khiêm và Lương Hữu Khánh xuất hiện ở góc sân khấu. Sau hai người thấp thoáng võ tướng đeo mặt nạ đen)
Lương Hữu Khánh:- Trình sư phụ. Con biết sư phụ là người biết nghe lẽ phải nên con mới dám thưa.
Nguyễn Bỉnh Khiêm:- Ta đang nghe .
LH Khánh:- Thưa thày. …Con trộm nghĩ thiên hạ này vẫn là của nhà Lê, cho dù Thái thượng hoàng và bệ hạ đàng ngoài đang giữ ngôi chấp chính. Nhưng lòng trăm họ, tâm triều thần vẫn hướng về bệ hạ đàng trong.
NBKhiêm:- Ta chưa rõ lòng dân, trí triều thân hướng về ai. Ta chỉ biết mọi điều tạo ra sự yên ổn đều bắt nguồn từ sự an khang của trăm họ. Điều tín nghĩa của con người. Đã là kẻ khổ công để có chữ thánh hiền thì đều muốn mang tài trí ra phò vua giúp nước.Vậy mà ta bỏ đến thập nhị cuộc thi dưới triều Lê, đầu triều Mạc để đến khi 44 tuổi mới ra ứng phó quan trường. Điều đó con đủ hiểu.
LH Khánh:- Con biết sư phụ có con mắt tinh tường để tìm minh chúa. Ngặt nỗi. (nhìn trước nhìn sau) Ngai vàng mà họ Mạc có không thuận theo lẽ trời mà do thời thế nhiễu nhương. Đen trắng khôn lường.
NB KHiêm:- Không phải vì ta đang phò tá Bệ hạ mà nói hay. Nhưng ta nghĩ vương triều nào cho dân yên lành. Có cơm ăn, áo mặc. Không lo giặc giã thảo khấu. Không dùng quyền, dùng thế mạnh áp chế thì vương triều ấy tồn tại. Nhưng thôi. Nghe nghìn ngôn không bằng thấy một hành. Con hãy đứng lui vào đây, nhìn phía trước nơi có cánh đồng đang chuẩn bị vào mùa.
LH Khánh:-Trình sư phụ có tiếng ngựa phi. Rồi cả tiếng ồn ào ..
NB Khiêm:- Đó là tiếng của nông phu đang làm việc trên cánh đồng của họ…Còn tiếng ngựa phi. …
(Dương Chấp Nhất quất roi ngựa phi ra, hai tên hầu đi theo)
L H Khánh:- Dương Chấp Nhất…Kẻ đã…sát…hại..Thái Sư ..
N B Khiêm (làm hiệu lặng lẽ):- Con cứ bình tĩnh chứng kiến. Mọi sự đều có thuỷ có chung.
Dương Chấp Nhất:- Đã hơn một canh giờ. Hai ngươi xem sức con thần mã của ta lao đi như vậy thì đủ biết đất mai kia bệ hạ phong cho ta sẽ rộng lớn thế nào.
Chấp kích1:- Trình Dương tướng quân. Mới chưa đến ngọ mà thần mã của ngài đã vượt qua hàng trăm công đất.Vậy thì khi trống thu không vang lên báo chiều xuống. Tiểu tướng tin đất bệ hạ phong cho tướng quân sẽ mênh mông, bát ngát đến tận bao la, vô tận.
Dương Chấp Nhất:- Tốt lắm. Nào ta ra roi tiếp đây. Con thần mã của ta đang cường sức. Đất bao la sẽ là của ta. Điền thổ của ta mênh mông, dân trong vùng sẽ là của ta.
( vừa vỗ vào ngựa thì tiếng hát lanh lảnh cất lên)
DC Nhất:- Tiếng hát. Chao ôi, sao lảnh lót, sao ngân nga, mát dịu làm vậy. Cuộc đời quá ham mê chinh chiến, mưu mô nên dường như đã quên hết tất cả mọi sự ngọt ngào, say đắm (Cố kìm cương ngựa)
Chấp kích2:- Kìa tướng quân, ngài cho ngựa phi đi chứ …
D C Nhất (xua tay):- Khoan để ta nghe hát đã. Một chút có là bao.
Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Lãng (mặc giả cố gái thôn quê, vừa cắt cỏ vừa hát) :- “Tay cầm bán nguyệt xênh xang. Hàng trăm quân tướng phải hàng chị đây”.
Chấp kích 1:- Sao . Mi hát câu gì vậy ?
Ngọc Lãng (vô tư hát): Tay cầm bán nguyệt xênh xang. Hàng trăm quân tướng phải hàng chị đây…
Chấp kích 2:- Láo. Quá láo. Ngông cuồng. Coi thiên hạ chẳng ra gì. Để hạ tướng trừng trị đứa con gái hỗn xược này.
DC Nhất:- Khoan. Nghe giọng hát ngênh ngang, ngạo mạn lắm. Chắc ả ta có điều gì …Để ta hỏi cho ra nhẽ rồi ngươi trừng trị cũng không muộn. (xuống ngựa đi lại gần Thái hậu) Này. Cô kia. Cô vừa hát câu gì có dám hát lại cho ta nghe không?
Chấp kích 2:- Dạ.Trình Dương tướng quân. Ả ta hát “Tay cầm bán nguyệt xêng xang. Hàng trăm quân tướng phải hàng chị đây”.
DC Nhất:- Có đúng thế không cô kia ?
NGọc Lãng:- Thưa tướng quân không sai đâu ạ .
Chấp kích 1:- Hỗn nào. Mi không biết trước mắt mi là vị tướng quân oai dũng nhất trong thiên hạ. Chỉ cần vung gươm lên thì bao đầu giặc đã rơi xuống. Vây mà mi một con bé nông phu hèn mạt, yếu đuối dám buông ra những lời vênh vang, hỗn hào. Mi có còn coi trời cao đất dầy ra sao không. Hãy nhìn lưỡi kiếm của ta đây.
Ngọc Lãng:- Ấy các vị tướng quân hãy bình tĩnh để cho kẻ mọn này xin được bày tỏ đôi lời, rồi tướng quân muốn xử lý thế nào kẻ mọn này cũng vâng.
Chấp kích 2:- Nói ngay. Không chết bây giờ.
Ngọc lãng:- Kẻ hèn này cắt cỏ từ sáng đến giờ. Nắng lên mệt mỏi đôi phần nên có cất lời câu ca, giọng hát để đỡ mệt nhọc. Đây xin các vị tướng quân hãy nhìn kĩ để tỏ tường mọi sự. Tay cầm bán nguyệt (giơ cái liềm lên). Dạ nói cho sang nhưng chỉ là cái liềm quê kiểng này thôi. Cái liềm này mà liếc một đường thì hàng trăm quân tướng ý nói là trăm nghìn cây cỏ phải đứt gốc ngã rạp bàn tay kẻ mọn này.
D C Nhất:- Hay hay lắm. Khẩu khí lắm. Chà chà. Một câu hát của một ả nông dân mà khí phách, ngang tàng làm sao.(Vỗ tay nghĩ ngợi) Mà cũng đúng đấy chứ. Hàng nghìn ngọn cỏ mà nói thành hàng nghìn quân tướng. Tuyệt. Tuyệt. Phận gái mà khẩu khí thế thì quả là giỏi giang. Thôi ta biết rồi. Đi.
Ngọc Lãng (lại ngân vang):- Tay cầm bán nguyệt xênh xang. Nửa lo việc nứơc nửa toan việc nhà .
CKích 1:- Tâu tướng quân con này lại thốt ra lời quá bậy bạ. Tướng quân oai dũng nhưng rộng lượng mới khen vài câu mi đã được đà phách lối. Mi, một ả nông dân chân lấm, tay bùn biết gì mà dám nói lo được việc nước, việc thiên hạ. Vậy là mày coi tướng quân, coi chúng ông là thứ bỏ đi hở. Láo. Láo quá. Dám coi trời như vung. Nhà mi, thật là… Hỗn hào. Ngông cuồng. Phải trị. Phải trị cho chừa thói ăn nói xàm xỡ đi.
DC Nhất:- Khoan để ả ta nói rõ xem đã. Nếu nói không hợp ý ta thì lúc đó trị cũng chưa muộn.
CKích2( quát):- Khôn hồn thì nói mau. Nói.
Ngọc Lãng :- Ấy, ấy xin các vị tướng quân đại xá. Kẻ hèn này nào có ý gì đâu mà bảo hỗn hào, phạm thượng.
CKích 1:- Thế mày là cái thá gì, tài giỏi ra sao mà dám lo việc nứơc. Đến như ông đây còn không dám nữa là… Phải ra roi để bớt cái sự ăn nói hàm hồ lộng ngôn đi.
Ngọc Lãng:- Xin các vị cứ bình tâm. Kẻ mọn này chỉ là gái thôn quê. Chân lấm tay bùn. Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nông vụ chí kì, cầy cấy. Gieo mạ cầy ải. Toàn việc nhà nông tầm thường. Nhưng để có được hạt thóc nuôi mình, nuôi thiên hạ kẻ mọn này phải chăm lo từ cây mạ trở đi. Mà để mạ thành được cây lúa thì phải nhất thì nhì thục. Mọi sự đều phải trông vào mưa thuận gió hoà. Ruộng cạn thì tát nứơc lên. Ruộng đầy thì tháo nứơc ra. Vì thế kẻ mọn nói nửa lo việc nứoc là chuyện tát nước đồng sâu lên đồng ruộng cạn. Chứ có dám nói đơn sai, động chạm gì đến quốc gia đại sự. Đấy các vị tướng quân cứ nhìn cái gầu sòng, gầu giai của kẻ mọn này để ở đầu ruộng thì khác rõ.
DC Nhất (gật gù) :- Ra thế. Ta hiểu rồi. Hiểu rồi. Có lý, có lý lắm. Thôi. Ta đi chúng bay .
Ngọc Lãng :- Ấy, ấy. Sao chư vị tướng quân lại vội vã thế ạ. Kẻ hèn này được đối đáp, hầu chuyện với tướng quân như thế là hởi lòng hởi dạ lắm rồi. Chỉ có điều. Trông tướng quân oai phong, hùng dũng quá ạ.
CKích1:- Chứ còn sao nữa. Tướng quân của ta là thiên hạ đệ nhất.
CKích 2:- Tướng quân của ta cử đỉnh ngàn cân. Oai danh khắp thiên hạ. Kẻ nào dù mạnh đến đâu chỉ nghe tiếng tướng quân vang lừng cũng đã run sợ, quỳ mọp gối đầu hàng..
Ngọc lãng :- Thế nên kẻ mọn này mới mạo muội có lời rằng (ngập ngừng) …Chẳng hay các vị tướng quân đây có muốn nghe .
DC Nhất:- Lời sao nói mau cho ta nghe.
Ngọc lãng :- Như tướng quân oai phong, lẫm liệt như vậy thì…. Xin hỏi tướng quân có biết hát không ạ ?.
DC Nhất:- Hát hả. Ta nhớ mang máng phụ mẫu của ta ngày xưa cũng từng hát …
Ngọc lãng :- Thế thì kẻ mọn này cũng tin tướng quân cũng có thể hát được đấy ạ. Vì tướng quân ngoài phong thái hùng anh, mạnh mẽ ngài còn lộ vẻ hào hoa, phong nhã.
DC Nhất:- Đúng thế. Nghe nàng nói ta cũng cảm thấy như vậy.(sửa sang mũ áo)
Ngọc Lãng :- Vậy nên kẻ mọn trộm nghĩ. Câu hát tướng quân vừa nghe. Nếu tướng quân cất lời thì sẽ hát là” tay cầm bán nguyệt xêng xang. Làm tôi vì chúa mở mang cõi bờ “ mới hợp với khẩu khí, danh vị của tướng quân đấy ạ.
Ckich 1:- Làm tôi vì chúa mở mang cõi bờ. Hay, đúng.
C Kích 2:- Mở mang cõi bờ. Quá đúng đấy. Giỏi giỏi. Tướng quân của ta đúng là thế đấy.
D C Nhất:- Tay cầm bán nguyệt xênh xang. Làm tôi vì chúa mở mang cõi bờ. Kẻ sĩ nào đặt câu hát này đúng là nói về ta đấy. Nàng quả là giỏi, quả là tài. Ở chốn nông phu quê mùa, sơn cùng thuỷ tận thế này mà nàng lại thông tuệ đến vậy sao, quả là…
Ngọc Lãng( Hát):- “thời giờ ngựa chạy tên bay. Hết trưa lại tới hết ngày lại đêm. Đông qua xuân lại đến liền. Hè về rực rỡ êm đềm thu sang. Giờ con chăm học chăm làm. Thì mai sau sẽ giỏi giang giúp đời. Nứoc non mong đợi con ơi. Hãy luôn ghi nhớ những lời ta khuyên.
DC Nhất:- Nứơc non mong đợi…ta quả là xứng với lời hát của nàng.
Ngọc Lãng (càng say sưa hát):- Đã sinh ra kíếp ở đời. Trai thời trung hiếu, đôi vai cho tròn. Gái thời trịnh tịnh lòng son. Sớm hôm gìn giữ kẻo còn khuất sai. Trai lành…
CKích1:- Bẩm Dương tướng quân… Hạ tướng dường như thấy. Mây đã xẫm mầu, nắng sắp tắt.
DC Nhất (giơ tay):- Câu hát hay quá . Để ta nghe nốt.
Ngọc Lãng (ngân nga):- Trai lành, gái tốt ra người. Khuyên con cho bấy nhiêu lời cho chuyên.
DC Nhất (ngẩn ngơ):- Nghe văng vẳng như lời mẹ ta ru …một thời.
CKich2 (cầm cương ngựa DC Nhất):- Hạ tướng nghĩ…đã đến lúc ngựa …
Ngọc Lãng (hát nồng nàn):- Thần em vất vả trăm bề. Sớm đi ruộng lúa, tối về ruộng dâu. Có lược chẳng kịp chải đầu. Có cau chẳng kịp têm trầu…( Tiếng trống thu không nổi lên)
CKích 1 (giật mình ):- Thưa Dương tướng quân. Tiếng trống thu không đã …
Ngọc Lãng (vẫn ngân nga):- Có lược chẳng kịp chải đầu. Có cau chẳng kịp têm trầu mời ai.
CKích 2 (ngửa mặt lên trời):- Chim đang bay về tổ, chiều đang xuống. Dương Tướng quân.
DC Nhất (giật mình, ngửa mặt nhìn lên):- Chiều xuống thật rồi sao (định vung roi quất ngựa) Chết rồi. Giờ ta mới nhớ.( thở dài nhìn quanh) Không kịp nữa. Không kịp… Đã hết thời khắc ngựa ta có thể tung hoành …Đất đai, điền thổ của ta …Không kịp nữa …
CKích1 và 2:- Đúng là không kịp nữa rồi .
………… Cảnh suy tư của Lương Hữu Khánh có nên về với nhà Mạc hay ở với Trịnh Kiểm
(Khói trắng toả lên mù mịt. Hai thầy trò thả bước trong làn khói. Gã thích khách bám theo).
Phòng án thư hiện ra. Lương Hữu Khánh trầm ngâm ngồi trước án thư. Không gian tĩnh mịch.Tiếng dế , tiếng côn trùng chập chờn.
Lương Hữu Khánh (ngâm một đoạn thơ của Nguyễn Bình Khiêm):
Ngán nỗi can qua mãi thế ư ?
Con dân mong được chốn an cư
Kéo nhau lũ lượt tìm nơi ẩn.
Cứu kẻ phiêu lưu có chỗ nhờ.
Chà. Thầy ta quả là danh bất hư truyền. Người đâu chỉ nhìn thấu ba cõi mà còn nhìn thấy cả gan ruột của kẻ này nữa. Đời người ai chả muốn thanh nhàn. Khổ nỗi máu còn chảy, gân còn săn thì sự thanh nhàn lại hành người nhiều nhất. Vậy nên…(chống tay lên trán im lặng nghĩ ngợi)
( Khói lan toả. Thêm một Lương Hữu Khánh xuất hiện)
LHKhánh 2:- Trót đã làm người trong trời đất
Nên phải làm gì với núi sông
LH Khánh 1( ngẩng đầu lên):- Mi là ai ?
LH Khánh2:- Ta là mi .
L H Khánh 1:- Là ta ư? Có nhẽ nào. Nghĩ ngợi. À, mà đúng rồi. Thảo nào mi nói ra đúng những điều ta đang nghĩ. Tuổi ta chưa thể xuôi tay. Không thể nhắm mắt. Làm sao có thể tìm được chốn an nhàn giữa biển ba đào này. Làm sao có thể yên ổn khi xung quanh đang chuyển động.
LHKhánh 2: – Phảỉ rồi. Không thể bình yên, làm ngơ khi trời đất đang xoay vần. Bá tính đang chao đảo xung quanh ngai vàng. Ta đâu phải kẻ nông phu ngày ngày dong trâu, vác cày ra đồng. Đổ mồ hôi. Vắt công sức ra cầy sâu cuốc bẫm mong có hạt lúa, củ khoai nuôi nuôi mình, nuôi vợ con. Ta là kẻ sĩ có đôi ba chữ thánh hiền cơ mà.
LH Khánh 1:- Càng có chữ càng không thể ngồi yên. Chao ơi là kẻ sĩ… Chính ta đã là gánh nặng của ta. Lưng luôn mỏi, vai luôn nhức nhối vì những điều mà kẻ sĩ phải mang.
LH Khánh 2:- Vậy thì vứt bỏ tất cả đi để tìm đến chữ nhàn, chữ yên.
L H Khánh 1:- Ta muốn lắm nhưng làm sao được. Cha ta Thái sư Lương Đắc Bằng tuy làm quan nhưng không ham danh lợi. Cố giữ chữ liêm giữa đời ô trọc. Lộc vua ban bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Không hà lạm không bon chen để lấy cái hơn cho mình. Cố giữ phẩm hạnh, tiết tháo cho chiếc mũ ô sa trên đầu vậy mà vẫn phải viết “thập tứ sách” dâng hoàng thượng. Nếu tiên đế dùng sách ấy thì xã tắc an tri thì ta không phải day dứt, buồn phiền thế này.
LH Khánh 2:- Tưởng thế thôi. Làm kẻ có chữ khó tịnh tâm lắm. Cha ta đem sức ra phò vua giúp nứoc. Ta cũng giống cha có chữ thánh hiền rồi muốn đem tấm thân ba thước giúp đời mà đời lại không cho giúp.
LH Khánh1:- Thiên hạ ba đào, bách tính đang trầm luân. Sao có thể chống mắt ngồi yên mà ngắm tùng thông, mai cúc.
LH Khánh2:- Ngươi thử nghĩ xem. Đã khom lưng, khuất thân cố chui lọt quan trường tìm mũ cao áo dài mong thí thố với đời. Vậy mà vẫn bị gạt ra, bỏ rơi như củ khoai hà, như mớ rau thối .
LH Khánh 1:- Đó là vì tỵ hiềm, là sự hoài nghi. Hai thứ đó như con rắn độc huỷ hoại niềm tin vào con người. Trong khi đó ta là hòn ngọc nguyên khối .
L H Khánh 2:- Đối diện với chính mình kẻ sĩ nào cũng tự phu. Kiêu hãnh. Giả Hoà có viên ngọc trong đá dâng hết vua này đến vua khác mà chẳng có vua nào tin. Không những không nhìn ra ngọc mà Già Hoà còn bị cắt chân, cắt tay vì bị nghi là nguỵ quân tử.
LH Khánh1:- Thế nên ta mới ra đi.
L H Khánh 2:- Ra đi rồi lại quay về chốn xưa. Cho dù mi là ngọc nhưng rút lại vẫn bị đẩy lăn lóc hết góc này sang góc khác của đời. Nhưng đến nay mi đã nhận ra chính tà hay chưa mà sao cứ phải đối mặt với sự băn khoăn, day dứt, u sầu. Cứ phải tự phân thân ra thành nửa mình để bàn bạc, day dứt.
LH Khánh1:- Thủa ta còn là trò, thầy ta đã chỉ cho ta còn đường sáng. (Ngâm) Non tiên ngâm tẩm nứơc trong xanh. Bầu ngọc đội nên, ngao lớn sinh. Chà. Ta cõng lều, mang ống quyển ra trường thi. Ta cũng vì muốn lập nghiệp, giúp đời. Khổ nỗi cha ta lại là trọng thần của triều Lê. Quê ta lại là nơi phát tích của Lê Thái tổ. Thôi thì kẻ sĩ là viên ngọc người này không dùng thì kẻ khác…( lắc đầu).Mắt xanh tinh tương đâu có nhiều giữa trần gian này
L H Khánh 2:- Không có thời nào kẻ sĩ có thể đứng chơ vơ giữa đời đâu. Không đứng với non này thì phải tựa vào non kia
L H Khánh 1:- Thế nên ta mới dầy vò, mới sầu não. Ta ra đi để tìm chốn dung thân. Ta trở về cũng để kiếm tìm chốn dung thân đó vẹn toàn.
LH Khánh 2:- Nhưng thầy mi đã cho mi biết đâu là chốn dung thân. Chốn dung thân của kẻ sĩ là nơi mà kẻ sĩ lao tâm khổ tứ để rồi có thể sung sướng hả hê ngửa mặt lên trời kêu to lên rằng. Sức ta, trí ta bỏ ra làm nên nghiệp lớn hợp với lòng trời, hợp với lòng bách tính. Không hổ thẹn với lương tâm mình. Với tiền nhân.
L H Khánh 1:- Ta biết rồi. Đời nào cũng hết thịnh lại suy. Suy rồi lại thịnh. Nhà Lê cũng không thoát khỏi vòng luân hồi đó. Oai danh, lừng lẫy một thủa với bao chiến công hiển hách, với bao nghiệp lớn an dân giờ đã suy. Vận đã suy nên mới gây ra bao điều nghịch đạo. Khiến giang sơn chia bảy xẻ ba. Khiến trăm họ nghi ngờ, oán thán. Nhà Mạc giờ đã thay trời hành đạo. Đã nghe được tiếng nói của trăm họ. Nhưng ngặt nỗi ta đã bỏ đi. Nay ta lại là triều thần của nhà Lê đang mạt vận.
LH Khánh2:- Những lời sáng của thầy. Sự công tâm, bao dung của kẻ có chữ…Lẽ nào.
LHKhánh 1:- Nhưng cũng còn luật, còn lễ của kẻ trung thần. Chả lẽ ta gạt bỏ, dẫm lên, đạp qua .
L Hữu Khánh 2:- Mạc Thái Tổ chả là từng là một trung thần sao. Kẻ sĩ cũng phải biết nguỵ biến tùng quyền chứ. Cứ khư khư cứng nhắc trong lề thói mòn vẹt ấy sao thoát khỏi tiếng là kẻ hủ nho tầm thường nhai chữ thánh hiền như kẻ đói nhai gạo sống. Còn sự tồn vong của giang sơn này, còn muôn dân này…
L H Khánh 1(đứng lên ôm đầu chạy quanh sân khấu):- Kìa, Kìa. Sao miệng lưỡi của mi cứ khoét sâu vào tâm can ta. Thôi ngươi đừng nói nữa. Xin hãy ngừng lời. Đầu ta đang sắp nổ tung rồi.
LH Khánh 2:- Vậy thì làm con ốc sên chui đầu vào vỏ ngủ yên đi.
LH Khánh 1:- Ta không phải là con ốc sên. Ta không thể chui đầu.Ta không thể lẩn trốn …Mi, mi tha cho ta.
(Che mắt lảo đảo đi đến ghế ngồi thụp xuống trứơc án thư. Gục đầu. Khói trắng phụt lên mờ mịt. Lương Đắc Bằng từ từ bứơc ra)
Lương Đắc Bằng :- Con trăn trở, đăm chiêu như vậy là phải thôi. Kẻ dùi mài kinh sử, đọc vỡ chữ thánh hiền thì ngay khi đang một mình cũng không thể được yên.
L H Khánh (ngẩng lên):- Cha. Đúng là cha đấy không?
LĐ Bằng :- Cha đây. Ta có thể giúp gì được con trong cơn loạn lạc của đất trời, trong nỗi băn khoăn, dày vò của trí óc.
L H Khánh:- Cha mang phẩm hàm Lại bộ thượng thư. Cha oai danh trong thiên hạ là Đông các Đại học sĩ, tước Đông Trung bá. Cha viết hịch kể tội Quỷ Vương, để phò tá Lê Tương Dực lên ngai vàng. Sự nghiệp của cha hỉển hách trong thiên hạ. Cha cho con một lời dậy, để con có thể thoát khỏi sự bức bối này.
LĐ Bằng :- Đó là một trong những sai lầm của ta. Ta viết hịch giúp thiên tử truất Quỷ vương những mong có được một thiên tử anh minh để mang lại thái bình cho bá tính, để khỏi hổ thẹn triều Lê. Và cả để ta thoả trí tang bồng phò tá. Nhưng đáng buồn thay. Lê Tương Dực lại trở thành Trư Vương ham hố thú vui tiểu nhân không xứng ngôi rồng. Một ông vua đàng điếm, chỉ ham sự tầm tục tầm thường khiến thiên hạ lại lâm vào nhiễu nhương, binh đao hỗn loạn.
LH Khánh:- Cha từng viết “trị bình thập tứ sách” dâng vua .
L Đ Bằng:- Sự đau của ta là Trư vương không dám dùng sách ấy nên kỉ cương đổ vỡ. Triều đình nguy khốn. Khi vận thịnh thì có vua hiền minh. Khi vận bĩ, mệnh suy thì ngai vàng sinh ra hư đốn. Chỉ ham thoả thất dục của mình thì hơn chi loài vật. Ta đau lắm.
L H Khánh:- Số trời đã định
LĐ Bằng :- Con trai ta. Con nên nhớ. Ta là kẻ sĩ phu nhưng không ham lộc vua. Hồi nhỏ con là con trai một trọng thần nhất phẩm triều đình nhưng con vẫn phải bám vào ruộng đồng, trông vào nông tang. Đi cầy thuê, gặt mướn để sinh sống. Bổng lộc vua ban chỉ là cái hương, cái hoa của danh vọng, chức tước.
LH Khánh:- Điều hai trong “Trị bình thập tứ sách” cha dậy. Dốc lòng hiếu đễ giữ lòng trung hậu .’
LĐ Bằng:- Ta mừng vì con còn nhớ lời cha. Ước vọng của ta không chỉ muốn con cái trong nhà đi theo lẽ cương thường mà cả thiên hạ, trăm họ đều phải hướng tới điều ngay, lẽ phải …
L H Khánh:- Cha dạy con lòng trung…
LĐ Bằng :- Ta hiểu con đang phiền muộn vì lòng ngay, đức trung với nhà Lê, với Thái sư Trịnh Kiểm. Con lại đang mang mệnh lớn muốn thầy con, trò của cha là Trình Quốc công về dưới cờ “phò Lê diệt Mạc”. Ta lại là trung thần nhà Lê nhưng ….Nay mọi sự biến đổi rồi. Trời đất không khi nào bất biến, bởi sự ngưng đọng sẽ tạo ra sự mục nát, gây hại cho cương thường. Chủ thiên hạ hôm nay khác ngày hôm qua và ngày mai cũng khác. Nên con không thể đứng một chỗ, chôn chân mà giữ lòng trung…
L H Khánh:- Thầy con cũng chỉ cho con điều như cha nói…
L Đ Bằng :- Thời thế như con thuyền trên đó nho tăng đồng hành. Duyên ai phận nấy. Làm sao cho cho thuyền về tới bến an lành. (Ngâm) ” Chuyện xưa ngươi vẫn cần Hàn Dũ. Việc trước ta vẫn oán Thuỷ Hoàng”.
L H Khánh (Ngâm theo cha):- Một hòm kinh sử, túi kim cương. Người tớ cùng sang một chuyến đường”. Đa đoan, khổ ải quá. Kiếp người.
LĐ Bằng:- Ta đi sứ có mang về sách “Thái Ất Thần Kinh” của nước người về những mong Thiên tử dùng sách của ta, đọc sách của thiên hạ để thêm trí, thêm đức trị dân. Tiếc thiên tử không nghe. Ta cáo quan về ở ẩn. May thay trò ta lại có Nguyễn Bỉnh Khiêm đọc Thái ất, nghe lý số ta mà lường được việc trọng hôm nay và cả mai sau trong trăm họ. Vậy nên con cứ nghe theo thầy con.
L H Khánh:- Cha. Nếu tuân theo lời thầy, lời cha con sẽ trở thành kẻ ăn ở hai lòng. Ngàn đời mang tiếng phản thần, bất trung, bất nghĩa ..Chỉ riêng điều đó đã là vết nhơ cho con, cho cha. Một bậc hiền nho. Cho dòng họ, cho tổ tiên.
L Đ Bằng:- Cả đời ta đi theo chữ trung chữ nghĩa. Ta cũng không dạy con vì miếng cơm mà thành kẻ bất nghĩa, bất trung. Ta chỉ muốn con hiểu. Phàm là kẻ sĩ nên hiểu trời đất luôn thăng trầm. Vật còn đổi, sao còn dời. Vậy không vịn vào sự chấp nê để u muội tuân theo điều thiên hạ đang muốn gạt bỏ. Ta già ta về ở ẩn, dậy chữ thánh hiền mong thiên hạ sáng ra. Con đang đương sức, phải ra giúp đời như ý nguyện của con, của cha.
L H Khánh:- Cha. Con nghe những lời cha dạy mà …Trời. Trước mắt con những con đường đều chia thành hai ngả…Con, con. Cha, cha…Thiên địa u minh. Càn khôn mù mịt. Nẻo đi còn quá chông gai …( Lương Đắc Bằng mờ dần rồi biến mất. LH Khánh nhìn theo chới với giơ tay vẫy, giọng thảng thốt ) Cha, cha. Làm người đứng trong trời đất. Khó quá cha ơi .. (gục đầu xuống án thư)
Thích khách (lén lút vào):- Thái sư đúng là thần sư diệu tính. Lòng dạ gã này sớm muộn sẽ ngả về sư phụ của gã. Lương Hữu Khánh là người tài trong thiên hạ. Tinh thông, đảm lược. Kinh bang tế thế như vậy nếu nghe lời thầy thì nhà Mạc sẽ thêm vây, thêm cánh…Còn đàng trong ta thì …Không thể. Không thể…(Định giơ đao chém xuống chợt nhớ. Gã lấy túi gấm ra mở đọc). Thái sư phải giữ hắn lại, mang về (nhìn quanh rồi vẫy tay gọi khẽ) Các ngươi đâu.
Tiếng dạ ran:- Có chúng tôi.
Thích khách:- Vào đây, vào đây. Nhanh lên.
Hai gã mặt nạ đen (đi vào):- Chúng tôi đã sẵn sàng. Xin ngài cứ xuống lệnh.
Thích khách:- Ấp thuốc mê vào mặt gã. Rồi đưa gã đi. (Thấy hai gã định làm) Một tên làm theo lệnh ta. Còn tên kia. Hãy bắt con gà, cắt cổ. Rẩy tiết xuống đất. (nhìn hai tên làm theo lệnh. Thích khách gật gù). Trông thấy những giọt máu đỏ rực này thì tài như Trình Quốc công cũng khó mà đoán. Đây là máu gà hay máu Lương Hữu Khánh. Ha ha ha…
(Hai tên khuân Lương Hữu Khánh đi trước. Thích khách vẻ đắc ý lom khom theo sau. Khói trắng phun ra mờ mịt. Khói tan dần. Nguyễn Bỉnh Khiêm chầm chậm bứơc ra)
…………………
Quỳnh Mai, tháng 3.2014
Nguyễn Hiếu
0913535270
Email: nguyenhieuvov@gmail.com
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.