(phần 1)
Phan Bội Châu (Phan Sào Nam, 1867 – 1940) người làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo.
Sinh ra ở một vùng “địa linh nhân kiệt”, ngay từ thuở nhỏ Phan Bội Châu đã được ngâm mình trong bầu không khí nóng bỏng, sục sôi của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp như phong trào Văn thân (1874) do Trần Tấn và Đỗ Mai lãnh đạo, phong trào Cần Vương khởi đầu với “Hịch Cần vương” của Tôn Thất Thuyết (1885), giai đoạn sau do Nguyễn Xuân Ôn và Phan Đình Phùng lãnh đạo. Với lòng yêu nước nồng cháy, với ý chí sắt đá đưa dân tộc thoát vòng nô lệ, với trí tuệ ở đỉnh cao của thời đại, và với tài năng văn chương được nhân dân cả nước ngưỡng mộ, Phan Bội Châu trở thành người cầm cờ của cách mạng Việt Nam suốt một phần tư thế kỉ (1905 – 1930).
Phan Bội Châu là nhân vật kiệt xuất của giai đoạn lịch sử ấy, xét về nhiều phương diện.
Đối với những người con chân chính của một dân tộc không may phải rơi vào thảm hoạ mất nước, dù là bậc sĩ phu hay người dân thường, cái cao nhất của lương tri chính là tinh thần quật khởi để giành lại tự do cho tổ quốc. Không có tự do nghĩa là mất quyền làm người, nghĩa là không có gì hết! Phan Bội Châu chính là tượng trưng vô cùng rực rỡ cho tinh thần yêu nước, ý chí quật khởi ấy của dân tộc ta. Ông là tấm gương hi sinh trọn vẹn cả cuộc đời cho công cuộc cứu nước cứu nòi. Ông mang sứ mạng của một lãnh tụ dân tộc trong giai đoạn mới – giai đoạn mà đế quốc Pháp đã áp đặt xong ách thống trị lên toàn bộ đất nước ta. Ông đã đau lòng nhức óc tìm cách vạch ra chiến lược và chiến thuật cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị đó và đưa đất nước ta tiến theo con đường phát triển chung như các quốc gia khác: Nhật Bản, Trung Hoa, Xiêm La… Mặc dù những chủ trương chính trị của ông có thể chưa chuẩn xác do những hạn chế về nhận thức ở ông hoặc do tình trạng bế tắc của lịch sử khiến ông phải chuốc lấy “toàn là thất bại” (như ông đã tự thú), nhưng lịch sử đã ghi nhận những suy nghĩ sâu sắc, những khát vọng cao cả và những cống hiến không biết mệt mỏi của ông cho đất nước, cho dân tộc. Trên bình diện này, ông xứng đáng là bậc quốc sĩ lỗi lạc của dân tộc ta trong nửa đầu thế kỉ XX.
Nhưng không chỉ là bậc quốc sĩ, về bản chất, Phan Bội Châu có đầy đủ tố chất của một văn thi sĩ xuất chúng: đa cảm, nhạy bén, và có cả chất “lãng tử”, “cuồng phóng” kiểu Lí Bạch, Cao Bá Quát, Tú Xương, Tản Đà…
Trên thực tế, suốt cả cuộc đời, Phan Bội Châu không một giây phút nào xa rời mục tiêu chuyên nhất của đời ông là đấu tranh giải phóng dân tộc, và đồng thời cũng không lúc nào ngừng sáng tác văn chương. Giống hệt như trường hợp của Cao Bá Quát mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên, ông rất xứng đáng với lời nhận định của nhà nho Nguyễn Năng Tĩnh: “Những người có tài trí lỗi lạc, đức độ bao la, hành động của họ là sự nghiệp, lời lẽ của họ là văn chương”.
Toàn bộ văn chương của Phan Bội Châu toát lên một sự thật lớn lao: chính tinh thần yêu nước thương nòi và cuộc đấu tranh trường kì cho nền độc lập của tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, đã làm nên cả một thế giới Phan Bội Châu, trong đó ông được sinh ra, được sáng tạo đến mức hoàn thiện cả về thể chất, tâm hồn, cá tính, trí tuệ, tài năng, và để lại trong lịch sử dân tộc một tấm gương vĩ nhân sừng sững.
Cảm hứng chủ đạo trong thơ văn của ông là cảm hứng yêu nước được biểu hiện ra trên rất nhiều phương diện với những màu sắc, cung bậc phong phú. Và bởi vì cảm hứng yêu nước là cảm hứng thiêng liêng, cao cả, lại kí thác ở một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại nên văn chương sinh ra từ cảm hứng ấy đã tỏ rõ sự ưu việt của nó cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.
Trước hết, văn thơ Phan Bội Châu cho chúng ta được chiêm ngưỡng bức chân dung lẫm liệt của bản thân ông, một người con hào kiệt của xứ Nghệ, của non sông Việt Nam. Bản chất ông chính là sự kế thừa truyền thống anh hùng của dân tộc ta từ thời dựng nước, hay gần hơn, từ những nhân cách lớn như Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng…
Cái “chí khí anh hùng” ở Phan Bội Châu luôn biểu hiện thông qua một cái tôi hết sức sắc nét, như hình tượng một con người kì vĩ giữa cõi đời. Rõ ràng Phan Bội Châu tự nhận thức được chân giá trị của hình tượng ấy và có ý thức khắc hoạ hình tượng ấy. Ông đã đi vào chân lí của văn học: văn học thiếu vắng hình ảnh của con người cụ thể, nhất là những nhân vật anh hùng, mà chỉ đầy rẫy những cái trừu tượng, giáo điều hoặc những cái tầm thường, là thứ văn học không sinh khí, do dó không thể để lại ấn tượng gì. Tuy nhiên ở bất kì hoàn cảnh nào, cái tôi của Phan Bội Châu cũng gắn chặt với tinh thần xả thân vị nghĩa, với trách vụ lớn lao cứu nước cứu nòi khiến ông vẫn có cốt cách của một đấng “chí nhân vô kỉ”, khác với Nguyễn Công Trứ là mẫu người anh hùng nhưng còn nhiều nét vị kỉ. Một cái tôi rất ta: đó là sự đặc sắc ở con người Phan Bội Châu, đối lập với mẫu “cái tôi thuần tuý… tôi” cũng như mẫu “cái ta không tôi” ở nhiều người hành nghề văn khác.
Đây là hình ảnh Phan thời trai tráng:
Xuất dương lưu biệt
Sinh vi nam tử yếu hi, kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di?
Ư bách niên trung, tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu, cánh vô thùy?
Giang sơn tử hĩ, sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên, tụng diệc si!
Nguyện trực trường phong Đông Hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi!
Dịch:
Lưu biệt khi xuất dương
Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời?
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở há không ai?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, đọc cũng hoài!
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
(Tôn Quang Phiệt)
Còn đây là hình ảnh của Phan Bội Châu khi ở tuổi lão niên:
Thân vừa đúng mực hơn năm thước,
Tuổi hãy còn son ngoại sáu mươi.
Miệng tựa chuông đồng vang dậy đất,
Râu ria sao chổi quét ngang trời.
(Bán mình)
Mắt xanh dường biển thêm sâu hoáy,
Râu bạc hơn sương lại khí dài.
Cồn má đen thui trồi núi sắt,
Lông mày trắng toát vạch đường vôi.
Gan vàng một khối nghe sôi mãi,
Biết đã sờn chưa, sẽ hỏi trời.
(Xem guơng trong lúc bệnh)
Thật là những bức chân dung đáng giá ngàn vàng của một người anh hùng, một vị lãnh tụ dân tộc hồi nửa đầu thế kỉ XX!
Người anh hùng ấy đã nhiều phen đối diện với cái chết và đã tỏ rõ cốt cách của một chí sĩ uy vũ bất năng khuất:
Nếu chết xong đi cái cũng hay,
Còn ta ta lại tính cho mày.
Trời đâu có ngục chôn thần thánh?
Đất há không đường ruổi gió mây?
Tát cạn bể Đông chèo tấc lưỡi,
Mở quang ngàn Bắc vẫy đôi tay.
(Thơ viết trong tù)
Hơn ai hết, Phan Bội Châu thấu hiểu chân lí “hiền tài – quốc gia chi nguyên khí”, hiểu thấu rằng tinh anh của một dân tộc kết tinh ở những bậc anh hùng hào kiệt. Chính vì vậy, ông đã dành cho những người anh hùng ấy sự ngưỡng mộ đặc biệt lớn lao và sâu sắc. Ngòi bút ông đã viết không mệt mỏi về biết bao anh hùng, liệt sĩ, liệt nữ… hữu danh và vô danh của cả một thời đại đấu tranh một mất một còn với chính quyền chuyên chế và kẻ thù cướp nước: các nghĩa quân chống giặc Minh thời Hậu Trần (Trùng Quang tâm sử), Cao Bá Quát, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Phạm Hồng Thái, Lê Thị Đàn, Nguyễn Cao… Người đọc thấy rõ mồn một ông đã viết về họ với lòng cảm phục sâu xa và trái tim rớm máu.
Đây là bài thơ ông viết về người anh hùng “hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám:
Khốc Chân tướng quân
Dị chủng sài lang mãn địa tinh,
Độc tương chích thủ dữ cừu tranh.
Trấp niên thương kiếm sơn hà khí,
Bách chiến phong vân phụ tử binh.
Quốc thế dĩ trầm, quân thượng phấn,
Tướng đầu vị đoạn, tặc do kinh.
Anh hùng bản sắc chung năng hiện,
Vạn lí thời văn hổ khiếu thanh.
Dịch:
Khóc Chân tướng quân (Đề Thám)
Lang sói giống gì tanh lợm đất,
Đấu cùng lũ giặc – cánh tay đơn.
Súng gươm hai chục năm hồn nước,
Mây gió trăm phen, lính bố con.
Thế nước đắm chìm, lòng chẳng nhụt,
Đầu ông chưa rụng, giặc kinh hồn.
Anh hùng chân tướng bao rạng rỡ,
Ngàn dặm tiếng hùm vọng nước non.
(Kiều Văn)
Phan Bội Châu là người suốt đời khắc khoải đi tìm hồn nước. Ông ra công đào sâu đến tận gốc rễ của tinh thần yêu nước và khắc hoạ nó cho cả quốc dân đồng bào ông cùng chiêm ngưỡng:
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà,
Ông cha ta để cho ta lọ vàng.
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở,
Bốn nghìn năm dãi gió dầm mưa,
Biết bao công của người xưa,
Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm.
Hào Đại hải âm thầm trước mặt,
Dải Cửu Long quanh quất miền tây.
Một toà san sát xinh thay,
Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn…
(Ái quốc)
Ông đã vạch ra thực trạng thảm hoạ của đất nước trong kiếp vong nô:
Hai mươi triệu dân cùng của hết,
Bốn mươi năm nước mất quyền không.
Thương ôi công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao!
(Ái quốc)
Ông xác định nghĩa vụ thiêng liêng và lớn lao nhất của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước là phải chiến đấu giành lại tự do độc lập cho tổ quốc:
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế…
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà.
(Chơi xuân)
Ông tha thiết gọi kêu, nhắn nhủ đồng bào mình:
Thôi chẳng kể sự trăm năm trước,
Xin từ đây cả nước một niềm:
Người kiếm củi, kẻ đun cơm,
Này anh xẻ gỗ, này em đắp đường,
Việc dầu nặng chia mang cũng nổi,
Xúm tay vào kéo lại non sông…
(Hải ngoại huyết thư) – Lê Đại dịch
Thơ văn Phan Bội Châu chứng minh hùng hồn cho chân lí “tác dụng lớn lao của văn học với cuộc sống” mà từ xưa nhà hiền triết Khổng Tử đã xác nhận: “Thi khả dĩ hưng, thi khả dĩ quan, thi khả dĩ quần, thi khả dĩ oán” (Thơ có thể làm hứng khởi, có thể giúp nhìn nhận, có thể đoàn kết, có thể oán thán).