(phần 2)
Gặp phải buổi quốc gia đa nạn, lực bất tòng tâm, rốt cuộc Phan Bội Châu đã không thực hiện được chí vọng giải phóng đất nước. Ông đã khiêm nhường tự thú rằng trong cả cuộc đời ông, ông hoàn toàn thất bại. Đó chính là tấn bi kịch lớn nhất của ông. Bi kịch ấy đã tạo ra tâm sự yêu nước, một mạch nguồn dường như vô tận cho thơ văn ông.
Suốt đời ông canh cánh niềm lo nước:
Cương ngựa, ách trâu: cười một giống,
Tiếng gà, máu cuốc: khách năm canh.
Ngán cho kìa chiếc thuyền con cỏn,
Chở nổi bao nhiêu nỗi bất bình!
(Vô đề)
Nhiều lúc ông rơi vào tâm trạng u uất y hệt Khuất Nguyên xưa:
Một mình ngồi tựa canh tà,
Sớm mai tỉnh giấc thẩn thơ lặng lời.
Hát vang cuồng loạn từng hồi,
Thét lên những tiếng như sôi giận hờn.
Ra đi hai chục năm tròn,
Tình quê hương để tâm hồn khôn nguôi.
Bạn bè kể mấy trăm người,
Tử sinh bỗng chốc chia phôi đau lòng.
Cờ tàn đương gặp thế cùng,
Rắp tâm định lấy tay không chống trời…
(Bài từ năm mới)
Bị giam lỏng ở Huế, ngay khi đã gần kề miệng lỗ mà niềm u uất, đau nước đau nòi vẫn không hề rời khỏi tâm hồn ông:
Không ăn không nói cũng không làm,
Khóc ngấm cười thầm trước gió nam.
Còn dính mùi đời nên nuốt gắng,
Chưa xong mở miệng phải phô thàm (nói xược).
Ba chung rượu cạn, tiên pha quỷ,
Một cuộc cờ xoay, thánh lẫn phàm.
Mua nước không tiền đành chịu khát,
Khát xong toan dốc cả sông Lam.
(Than thở một mình tính không ngủ được)
Tâm sự Phan Bội Châu càng thống thiết hơn bao giờ hết khi ông sắp từ giã cuộc đời:
Những ước anh em đầy bốn biển,
Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.
Sống xác thừa mà chết cũng xương tàn,
Câu tâm sự gửi chim ngàn cá biển…
Nay đương lúc tử thần chờ trước cửa,
Có vài lời ghi nhớ về sau.
Chúc phường hậu tử tiến mau!
(Từ giã bạn bè lần cuối cùng)
Tâm sự yêu nước vốn gắn chặt với nội dung chính trị thời sự, thường dễ gây nơi người đọc cảm giác khô khan. Nhưng ở thơ văn Phan Bội Châu, kì diệu thay, những tâm sự ấy lại mang tính trữ tình đậm đặc làm sao, khiến ngày nay đọc lại chúng ta còn không khỏi thấy lòng tê tái xót đau. Có lẽ cái bí quyết của Phan Bội Châu cũng giống như Cao Bá Quát trước kia, chỉ cầm đến cây bút khi tâm hồn ứ đầy huyết lệ.
Một đặc điểm nổi bật trong thơ văn Phan Bội Châu là sự xuất hiện những nhân vật bình dân, nằm trong cảm hứng yêu nước của ông. Đó là cô gánh nước, phu quét đường, người lượm phân, nhà nông, người bán bánh rao, phu xe, cu li, trẻ con nhà quê, cô gái bơi xuồng, chiến sĩ cách mạng và… nhà văn:
Việc này khó nhất ở trần gian,
Ta gánh làm chơi chẳng khó khăn.
Báu quý ngọc trời bôi cội lúa,
Yêu vì hương nước, dưỡng chồi lan…
Thả cuốc buông cào trông bốn bể,
Ai làm lúa tốt cả nhân gian?
(Người lượm phân)
Qủa là Phan Bội Châu có khả năng nghị luận phi thường (có thể so sánh với thơ khẩu khí của Lê Thánh Tông xưa): bằng việc chứng minh ý nghĩa những đóng góp vĩ đại của một hạng người vẫn bị đời coi rẻ (người lượm phân), ông đã đánh đổ hoàn toàn một quan niệm cũ kĩ, sai lầm, táo bạo dựng nên một cách nhìn mới vô cùng biện chứng và xác đáng, gây được một cảm hứng rất “cách mạng”, rất sâu sắc!
Tại sao Phan Bội Châu suốt đời lận đận bôn ba hải ngoại hoạt động cách mạng không một phút ngơi nghỉ, luôn luôn phải đối đầu với muôn vàn nguy hiểm, đoạn cuối đời lại bị giặc giam giữ ở Huế cho đến chết, vậy mà ông lại vẫn lập được một sự nghiệp văn chương vừa hoành tráng vừa sâu sắc đến thế?
Để giải đáp điều đó, đương nhiên phải kể đến việc ông vốn là một con người “văn chương nết đất, thông minh tính trời”, thuở nhỏ từng ba lần đỗ “đầu xứ”, năm 1900 đỗ thủ khoa thi Hương ở Nghệ An. Nhưng chắc chắn rằng chính cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, lí tưởng cao cả, tầm vóc vĩ nhân và vốn sống vô cùng giàu có đã tạo nên nội dung phong phú, kì vĩ và sâu sắc lạ thường của thơ văn Phan Bội Châu.
Cho nên chúng ta có thể rút ra một chân lí: chỉ ở những tâm hồn tuyệt đẹp hoặc lớn lao, những trí tuệ sắc bén, những tài năng lớn, những nhân cách cao thượng hoặc những cuộc đời vĩ đại mới có thể sản sinh ra được thứ văn chương hoành tráng, sâu sắc. Ngược lại, ở một kẻ tầm thường, một nhân cách hèn kém, nhất là ở những kẻ biển lận thì đào đâu ra được thứ văn chương như thế? Chính vì vậy mà người xưa mới có câu nói bất hủ: “văn là người”.
Chúng tôi xin đi sâu tìm hiểu chất lượng nghệ thuật thơ của Phan Bội Châu.
Mặc dù tự xác định mình chỉ quen làm có một nghề là nghề “cách” (cách mạng) nhưng thực ra Phan Bội Châu đã chứng tỏ rằng ông dư sức làm một nhà văn nhà thơ đích thực. Ông có đầy đủ phẩm chất của một cây bút Hán và Nôm cự phách, hoàn toàn có thể sánh ngang với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà. Riêng về cái “hùng khí” trong văn chương và chất “trữ tình cuồng phóng” thì họ Phan còn tỏ ra trội hơn cả các thi nhân kia nữa.
Nhìn chung thơ văn Phan Bội Châu luôn có sự hoà quyện nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố: tư tưởng chính trị và tình cảm yêu nước nồng cháy của một con người có cốt cách anh hùng. Nếu như ở Nam Bộ có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (thuộc thế hệ trước Phan Bội Châu) là cha đẻ của dòng văn chương yêu nước và cách mạng, thì ở phía Bắc, Phan Bội Châu chính là cha đẻ của dòng văn chương chính trị – trữ tình kiểu Pushkin, Lermontov, Pêtöfi, Tagor, Nazim Hikmet, Lỗ Tấn…
Kì diệu thay sự gặp gỡ, đồng điệu giữa thơ yêu nước trữ tình cuồng phóng của Phan Bội Châu với thơ của các nhà thơ lớn của nhân loại, bất luận Đông hay Tây. Phan Bội Châu đã tô đậm thêm cái khí phách của những người yêu nước Việt Nam mọi thời đại bằng một chất liệu mới mẻ, đó là “cái ngông cách mạng”:
Vóc hạc xương mai tuyết nặng nề,
Hồn thơ như tỉnh lại như mê.
Trong đau dòng giống mây tan tác,
Ngoài cảm non sông bụi bốn bề.
Thần thánh mơ màng trời giấc mớ,
Ma tà lồng loạt nguyệt canh khuya…
(Ngâm trong khi ốm)
Một xó nằm co một lão ngông,
Mắt lòng soi khắp nỗi dân cùng.
Ước thân này hoá ngàn muôn nước
Dạo bắc rồi nam, tây rồi đông.
(Vô đề)
Phan Bội Châu phản ánh vào thơ cái hào khí của các chí sĩ và của phong trào cách mạng Việt Nam đương thời diễn ra trên cả mặt trận quân sự lẫn mặt trận chính trị và văn hoá. Những vần thơ hùng hồn, sảng khoái của ông – đã vắng bặt trên văn đàn từ sau Ngô Thì Nhậm ở cuối thế kỉ XIX – đột ngột xuất hiện tựa một luồng gió mới, đã thay thế cho những giọng thơ trào phúng, mỉa mai chua chát hay u uất buồn rầu của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà…
Sau đây là một áng thơ cuồng phóng viết theo thể Ca trù (hát nói) có thể coi là một điểm son chưa từng thấy trong lịch sử của thể loại thơ này:
Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ
Đã chơi xuân đừng quản nghĩ chi chi.
Khi ngâm nga xáo trộn cổ kim đi
Tùa (vơ) tám cõi thu về trong một túi!
Thơ rằng:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,
Mặt mũi anh hùng há chịu ri!
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế.
Phùng xuân hội may ra ừ cũng dễ
Nắm địa cầu vừa một tí con con.
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà.
Hai vai gánh vác sơn hà,
Đã chơi chơi nốt, ố chà chà xuân!
(Chơi xuân)
Nhiều bài thơ đạt tới đỉnh cao của thơ trữ tình bởi tác giả – giống như Tản Đà – lặn sâu xuống đáy của tâm hồn mình để lắng nghe và khai thác triệt để cái thế giới nội tâm đó:
Một ngọn đèn xanh giỡn bóng chơi,
Toan đem câu chuyện hỏi cùng trời.
Năm canh chuông mõ nghe đâu Phật,
Bốn mặt non sông vắng ngắt người.
Tiếng ngáy xung quanh e sấm thở,
Hồn thơ lơ lửng tưởng trăng cười.
Không đi chẳng lẽ ngồi ngồi mãi,
Đông lại xuân qua, tối lại mai…
(Đêm ngồi một mình)
Dường như để hoàn thiện bức tranh “tứ bình” về thơ của mình, Phan Bội Châu không quên đầu tư cho mảng thơ trào phúng. Nhưng ngay cả trong chủng loại thơ này, style (văn phong) cuồng phóng của họ Phan cũng vẫn thể hiện đầy đủ. Đây là bài thơ cụ Phan đùa giỡn với cái chết sắp đến (lúc sắp “toát dương”):
Xuất dương rồi sẽ xuất dương hoài1
Địa phủ, thiên đường dạo khắp nơi.
Chẹt họng Diêm vương tra tổ quỷ,
Bắt tay Thượng Đế hỏi thù trời.
Thây ai dẫn độ, ba tuồng láo,
Mặc chú du hành bốn bể khơi.
Sẵn dịp vui chân vào Quảng Nguyệt
Ngó xuôi trần thế vuốt râu cười.
(Sắp xuất dương)
Khen cho tài ngủ dân mình nhỉ:
Reo đã bao lâu cũng kệ thây!
(Đồng hồ báo thức)
Không chỉ là một cây bút thơ Hán – Nôm xuất sắc như trên đã phân tích, Phan Bội Châu còn là một cây bút văn xuôi. Ông đã viết nhiều tác phẩm văn xuôi bằng chữ Hán gồm truyện kí, tiểu thuyết, tuồng… mô tả những gương nghĩa liệt cổ kim của dân tộc, đặc biệt mô tả những hoạt động cách mạng cứu nước sôi nổi của các chí sĩ, chiến sĩ yêu nước đương thời. Ông sáng tác những bài phú và văn tế tiếng Việt rất điêu luyện:
Dọc ngang trời đất rực vẻ văn minh,
Tức tối nước nhà cam đường hủ bại…
Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền nghe gió cũng gai ghê,
Một ngòi lông mà trống mà chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói.
(Văn tế Phan Chu Trinh)
Chiêm ngưỡng toàn bộ trước tác chữ Hán và chữ Nôm của Phan Bội Châu, chúng ta có đủ căn cứ để nói rằng: ông coi văn chương chỉ là một lợi khí trong hoạt động cách mạng cứu nước. Thế nhưng trên thực tế, văn chương của ông đã thành cả một sự nghiệp lớn lao. Nếu ông dồn hết năng lực cống hiến cho văn chương, chắc chắn ông sẽ là một bậc văn thi hào của dân tộc ta.
Phan Bội Châu – cũng như Tú Xương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… – không hề có ý nghĩ tranh ngôi “thi bá”, “văn bá” trên văn đàn. Ông là một minh chứng hùng hồn cho những tư tưởng siêu việt của nhà hiền triết Phương Đông Lão Tử: “Thánh nhân không có lòng riêng tư, lòng họ tức là lòng nhân dân; Thánh nhân đặt mình ở sau người khác mà họ lại đứng trước; Thánh nhân không tranh với người nên trong thiên hạ không ai tranh nổi với họ”.
Trọn cuộc đời, Phan Bội Châu mang gan óc cống hiến cho non sông đất nước nhằm cứu vớt nhân dân ra khỏi cảnh nô lệ. Cũng trọn cuộc đời ông xối nước mắt và máu nóng vào những trang thơ trang văn ông viết không phải để phụng sự nghệ thuật mà chỉ để miêu tả, ngợi ca khí phách oanh liệt của những anh hùng, nghĩa sĩ xả thân vì nước, để khắc hoạ hình ảnh bi tráng của cả dân tộc trong đó có bản thân ông. Thế rồi trên thực tế, ông đã trở thành lãnh tụ vĩ đại bậc nhất của dân tộc ta trong giai đoạn lịch sử 1900 – 1930. Đồng thời cũng chính ông trở thành tác gia văn học lớn nhất của dòng văn chương yêu nước, cách mạng giai đoạn đó. Nếu xét riêng chủng loại văn học yêu nước thì thơ văn Phan Bội Châu khác nào một cây đình liệu (loại đuốc lớn thời xưa) bùng cháy sáng rực cả một phương trời xứ Đông Á. Thơ văn của ông không những vang dội ở Việt Nam mà còn ở Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm La… Thậm chí nhiều chính khách và trí thức người Pháp cũng vô cùng khâm phục ông, ca ngợi ông là “một con người thuần khiết nhất trong những người thuần khiết”.
Phan Bội Châu là nhà thơ nhà văn thực hiện được điều kì diệu “đem lời nói đốt cháy lòng thiên hạ” mà thi hào Nga Pushkin đã viết để ca ngợi sứ mạng cao cả của một nhà thơ chân chính (bài thơ “Nhà tiên tri”). Đó chính là chân tướng sự vĩ đại của con người cũng như của văn chương Phan Bội Châu.
1 Tác giả chơi chữ đồng âm dị nghĩa. Nghĩa 1: “toát dương”, dương khí trong người xuất hết ra ngoài khi bắt đầu chết. Nghĩa 2: vượt biển ra nước ngoài, du hành khắp chốn.