- Đang online: 1
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 11976
- Tổng truy cập: 3,388,232
CÁC SĂC PHONG THẦN TÍCH VỀ ĐỀN TIÊN ĐÔ
- 986 lượt xem
Đào Tam Tỉnh |
Biết Thư viện tỉnh và câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An đang tổ chức sưu tầm, dịch thuật các sắc phong, ông Hoàng Trần Hòa ở Hà Nội (nguyên quán ở Đô Lương) đã liên lạc và chuyển về cho chúng tôi các sắc phong, văn bia, thần tích ở đền Tiên Đô. Đây là những tài liệu Hán Nôm rất qúy viết về các vị thần được thờ ở đền Tiên Đô từ xa xưa mà dòng họ Hoàng Trần còn lưu giữ được. Xin được giới thiệu cùng quý vị bạn đọc. Đền Tiên Đô ở làng Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nằm ở một địa thế đẹp bên bờ hữu ngạn sông Lam, đối diện các xã Ngọc – Lam – Bồi, nơi có di tích lịch sử văn hóa đền Quả Sơn thế Uy Minh Vương Lý Nhật Quang nổi tiếng. Đây là vùng đất rất màu mỡ, cây cối tốt tươi, sông Lam đến đây uốn khúc cong tạo nên một danh thắng trên núi, dưới sông. Đền được dựng từ xa xưa và được trùng tu vào năm Thiệu Trị (1841-1842) gồm có 3 tòa, lợp ngói khang trang, thờ thần Bản cảnh Thành hoàng Mạc Đăng Lượng và các vị Hoàng Công tự Đăng Ích, Hoàng Công tự Bá Kỳ. Bia thờ phụng các tôn thần ở đền Tiên Đô ghi (phần dịch): Kính xét: Tiền triều sắc ban cho dân làng Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ trước đến nay, miếu Tiên Đô vẫn thờ phụng các thần đã có công cứu nước, giúp dân rất là linh ứng. Mạc Công Đăng Lượng, tự Cát Giang Tự. Tiền triều Tam giáp Tiến sĩ, tước Quốc công. Mạc triều Phó Quốc công, gia phong Thái Quốc công, tặng Hiển công Vương, gia tặng Minh Nghĩa đại vương, thăng Tiên Đô miếu, Thần quang linh ứng uy đức tôn thần, bao phong Phu cách Hồng hiến anh dũng Thành Hoàng, tặng phong Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Bản cảnh danh tướng Hoàng Quận công Thượng Thượng, Thượng đẳng thần. Hoàng Công tự Đăng Ích, Tiền triều bản phủ Phủ Sinh, bổ thụ Đồng tri phủ phủ Hoài Nhân. Phụng hán thụ quả Nghị Tướng quân, Trung Thành môn Vệ úy, Bình nhung Đại tướng anh linh tôn thần linh ứng. Gia phong Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, Thượng đẳng thần. Hoàng Công tự Bá Kỳ, Tiền triều ban tặng Dực bảo Trung hưng linh phù Bản cảnh bỉnh Văn Dũng vũ đại vương tôn thần anh linh chi thần, gia phong đoan túc tôn thần… Bia có bài Minh rằng: “Núi Đại Huệ ngút cao mây lành bao phủ Sông Lam giang biếc xanh này, chung đúc tinh anh Miếu Tiên Đô cổ kính này, thần linh hội tụ Làng Đặng Lâm nhân nghĩa này, con cháu hiển vinh”. Sắc phong triều Nguyễn cho thần Mạc Đăng Lượng như sau: Sắc Nghệ An tỉnh, Anh Sơn phủ, Đặng Sơn xã, Đặng Lâm thôn tòng tiền phụng sự nguyên tặng Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Bản cảnh danh tướng Hoàng Quận công phù cách Hồng hiến anh dũng Thành hoàng Thượng đẳng thần. Hộ quốc tí dân nẫm trước linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai! Tạm dịch: Sắc cho thôn Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An phụng thờ thần nguyên tặng Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Bản cảnh danh tướng Hoàng Quận công phù cách Hồng hiến anh dũng Thành Hoàng Thượng đẳng thần. Thần linh ứng phù trợ đất nước, bảo vệ nhân dân, trước đã chuẩn ban sắc phong phụng thờ. Nay thần vẫn chính trực, nhân dịp mừng thọ Trẫm 40 tuổi, chiếu theo ân lễ long trọng thăng cấp. Đặc chuẩn như trước phụng thờ như ghi trong điển lễ của nhà nước. Hãy noi theo! Theo Thần tích, thần là cháu đời thứ 11 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1280-1326), là bậc chú của Thái tổ Mạc Đăng Dung (1527-1529). Ngài là con trưởng của ông Mạc Đăng Trác và bà Đậu Thị Minh. Năm 17 tuổi, thần đậu Tiến sĩ (triều hậu Lê), được phong tước Quốc công. Dưới triều Mạc, thần được phong Phó Quốc vương. Năm 1535, ngài cùng em là Mạc Tuấn Ngạn phụng mệnh Thái Tông – Mạc Đăng Doanh (1530-1540) vào làm trấn thủ đất Nghệ An, đóng bản doanh ở vùng Đô Đặng (nay là các xã Nam – Bắc – Đặng, huyện Đô Lương). Do có công lớn nên được thăng Minh Nghĩa Đại Vương. Do nhà Mạc thất thế, để trốn tránh triều Lê – Trịnh, ngài đổi tên là Hoàng Đăng Quang, ẩn ở Thạch Thành (Thanh Hóa) sau chuyển vào vùng Nộn Hồ (Nam Đàn) ẩn dật, chiêu dân lập ấp, dạy học, làm thuốc. Ngài cũng có công lập ấp ở tổng Đặng Sơn với 137 hộ. Ngài sinh hạ 8 con trai, 5 con lấy họ Hoàng Trần, Hoàng Bá, Hoàng Văn, Hoàng Sĩ, 3 con sau đổi sang họ Lê (Đăng Lương, Đăng Tưởng, Đăng Thân). Ngài hưởng thọ 108 tuổi, được nhân dân tổng Đặng Sơn thờ và được các triều Vua sắc phong là Bản cảnh Thành hoàng. Ngài cũng được nhân dân xã Xuân Hòa (Nam Đàn) lập đền thờ là Thành hoàng ở dưới chân núi Tán Sơn, thuộc dãy Đại Huệ. Đền đã được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử văn hóa. Như vậy, dòng Hoàng Trần, Hoàng Sĩ, Hoàng Bá, Hoàng Văn gốc Mạc phát tích ở Đô Lương. Nhà thờ họ Hoàng Trần ở Đặng Sơn, nơi thờ Hoàng Trần Thâm, chiến sĩ kiên cường trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đây còn là điểm tập trung lực lượng cách mạng chống chế độ thực dân, phong kiến. Còn dòng Lê Đăng phát tích ở Nam Đàn (di duệ Nam Đàn, xã Xuân Hòa có Lê Hồng Sơn là chiến sĩ cộng sản bị Pháp bắt xử tử hình tại quê hương, mộ Lê Hồng Sơn đã được Nhà nước xây dựng khang trang ở thị trấn Nam Đàn, là nơi, nhân dân, học sinh và con cháu thường niên dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đối với một chiến sỹ cộng sản tiền bối của Đảng). Sắc phong cho thần Hoàng Công tự Đăng Ích (thần có tới 6 sắc phong) tiêu biểu như: Sắc Hoàng Công Quả nghị Tướng quân Bình nhung Đại tướng tôn thần hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng kinh cai tỉnh thần vựng thượng. Tứ kim phi thừa, cảnh mệnh diến niệm thần hưu, trứ phong vi Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Chuẩn Nghệ An tỉnh, Lương Sơn huyện, Đặng Sơn xã, Đặng Lâm thôn y cựu phụng sự. Thần kú tướng hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai ! Thành Thái lục niên, thập nhất nguyệt, nhị thập ngũ nhật. Tạm dịch: Sắc cho vị thần là Hoàng công quả nghị Tướng quân Bình nhung Đại tướng đã linh ứng phù hộ đất nước, cứu giúp nhân dân, giúp cai quản yên ổn cả một vùng. Nay thừa lệnh trên, xét công lao của thần, phong là: Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho thôn Đặng lâm, xã Đặng Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An theo như trước phụng thờ. Thần hãy ra sức bảo vệ, phù hộ cho dân. Hãy nghe theo! Ngày 25 tháng 11 năm Thành Thái thứ 6 (1894). Theo Thần tích của đền: Thần nguyên họ Hoàng, húy Ích, thi đỗ Hương cống triều Lê. Làm quan đến Tri phủ Hoài Nhân, lĩnh chức Quả nghị Tướng quân, xa giá vua đi chinh phạt Trấn Ninh (triều vua Lê Hiển Tông), được ban thăng Bình nhung Đại tướng. Tuổi già ngài mất ở quê (giỗ ngày 19/7 âm lịch), an táng tại Đồng Cao (Đặng Sơn). Tương truyền linh hồn ngài không tan nên dân tôn thờ rất linh thiêng, thường ngầm che chở giúp dân qua khỏi tai ương. Các vua triều Nguyễn gia phong cho Thần là Trác Vĩ Dực bảo Trung hưng, Thượng đẳng thần. Dân mtrong vùng thường gọi Ngài là Hầu Vệ. Vị thần là Hoàng Công tự Bá Kỳ theo Thần tích là con thứ 3 Thần tổ Mạc Đăng Lượng, văn võ kiêm toàn, đi làm quan có nhiều công lao giúp nước, giúp dân, nhất là đóng góp, giúp ích nhiều cho làng Đặng Lâm, nên được dân tôn thờ chung ở trong đền Tiên Đô. Các triều vua nhà Nguyễn phong Thần là Bản cảnh, gia tặng là Đoan túc tôn thần. Như vậy, qua văn bia, sắc phong, Thần tích thì họ Hoàng (gốc Mạc) có 3 nhân vật được tôn thờ ở đền Tiên Đô. Thần Hoàng Đăng Quang, Hoàng Đăng Ích và Hoàng Bá Kỳ là các vị thần linh thiêng, thường che chở cho nhân dân, nên được các triều vua Nguyễn phong là Thượng đẳng thần, Bản cảnh, Thành Hoàng và các mĩ tự cao quí khác. Tại đền Tiên Đô có ghi đôi câu đối cổ ca ngợi thần linh như: “Trúc duẩn tái sinh thiên cổ miếu Cam đường dí ái ức dân từ” Tạm dịch: “Măng trúc tái sinh ngàn năm miếu cổ Cam đường để lại vạn đại dân thờ”. Để tưởng nhớ biết ơn các vị thần linh ở đền Tiên Đô, hàng năm nhân dân đã tổ chức các lễ hội rất long trọng. Ngoài lễ tiết sóc, vọng (mồng một và rằm), còn có các lễ lớn vào ngày khai hạ (mồng 7 tháng giêng âm lịch) và ngày lục ngoạt (rằm tháng 6). Dân làng tổ chức lễ hội, lễ rước kiệu (do 8 thanh niên lực lưỡng thực hiện), kiệu linh ngai đón các thần và Thành hoàng rất trang trọng từ đền về đình làng trong đoàn người đông vui rộn rã, có trống chiêng, nhạc dân gian và bát bửu, cờ quạt phù vệ suốt dọc đường đi… Phần hội có các trò chơi: đánh đu, cờ người, vật, đua thuyền, thả vịt, chọi gà, thi gói bánh, dâng cỗ và hát dân ca ví dặm… Lễ hội đền Tiên Đô đã thu hút đông đảo bà con trong xã và nhân dân các làng xã trong tổng, trong huyện cùng tham gia. Đền Tiên Đô là nơi thờ các vị thần linh thiêng có công với đất nước, với nhân dân, lại ở vào nơi có vị trí cảnh quan tuyệt đẹp, cần thiết được phục dựng để gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa của các thế hệ cha ông đời trước để lại./. (Thông tin khoa học Công nghệ Nghệ An số 08/2010) |
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.