- Đang online: 1
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12337
- Tổng truy cập: 3,388,820
PHẠM TỬ NGHI
- 1330 lượt xem
PHẠM TỬ NGHI
Tử Nghi người làng Vĩnh Niệm, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, sức khoẻ như thần.
Tử Nghi thường đắp một con đường dài ở trên mặt đê, đôi đầu đắp ụ cao 5 thước, rồi vác gậy chạy lên trên mặt đê, cứ đến chỗ ụ cao thì đánh một cái, ụ lại sạt xuống như đất phẳng.
Sau khi đến kinh thành Thăng Long, trông thấy hàng trăm người lính đang kéo thuyền rồng ở trên mặt đất xuống sông, mà kéo không nổi.
Tử Nghi cười nói rằng:
– Khéo những đồ bị thịt kia! Có một cái thuyền như thế, xúm xít vào kéo mà không nổi, thì làm trò gì được?
Chúng tức giận, kẻ nghiến răng, người trợn mắt, toan xúm vào đánh, thì Tử Nghi lại nói rằng:
– Vậy thì các anh để đấy, chỉ một mình ta kéo cho mà xem.
Chúng thấy nói vậy, bỏ cả đi ra, bắt Tử Nghi phải kéo thuyền, nếu kéo không xong thì sẽ hay. Tử Nghi vén tay áo, dùng hết sức bình nhật, chỉ một tay lôi tuột chiếc thuyền rồng xuống sông. Chúng ai nấy lắc đầu le lưỡi, chịu ông là người có sức khoẻ gấp nghìn người.
Bấy giờ nhà Mạc mới lên, nghe có người hùng dũng làm vậy, cử làm đại tướng, cho lên trấn thủ mặt Thượng Du. Tử Nghi ở trấn vài năm, dẹp tan đám giặc cỏ, có tiếng lừng lẫy đến cả Bắc triều. Về sau nhân dẹp giặc, phá lây đến các tỉnh bên Tàu; Tàu đưa hịch sang trách đến triều đình nước Nam. Tử Nghi đến dinh quan Tổng đốc Quảng Đông, xin nhận tội để cho yên tâm vua nước mình.
Người Tàu đem Tử Nghi ra hành tội, rồi bỏ đầu lâu và thây vào một cái hòm, che một cái lọng, thả xuống sông cho trôi về nước Nam. Trôi tự Nam Quan về mãi đến giang phận làng Vĩnh Niệm, thì đứng lại không trôi nữa, rồi đêm báo mộng cho dân làng ấy, phải ra vớt về mai táng, và phải lập đền phụng sự.
Dân làng sáng mai ra vớt, lập miếu thờ ngay bên cạnh sông, từ đấy linh ứng lắm. Về sau, lại hiển linh bảo các làng ở ven sông, cho nên tự Nam Quan về mãi đến Hải Dương, Sơn Nam, nội chỗ nào có bến, là cũng phải lập miếu thờ cả.
Lịch triều phong tặng làm Linh ứng đại vương thần.
(Phan Kế Bính: Nam Hải dị nhân liệt truyện, Nxb Trẻ-Nxb Hồng Bàng-2011, tr 158-159).
Mactoc.com xin giới thiệu thêm tài liệu trong Wikipedia để bạn đọc tiện tìm hiểu…
Phạm Tử Nghi
Phạm Tử Nghi (范子儀, 1509-1551) là tướng nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam, người làng Vinh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương – nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, Việt Nam.
Mục lục[ẩn] |
[sửa] Thiên lôi
Phạm Tử Nghi vốn có tên là Thành. Phạm Tử Nghi là người có sức khoẻ phi thường, được dân làng gọi là Thiên lôi.
Phạm Tử Nghi từng đắp con đê dài khoảng 3 dặm, lại đặt 2 ụ đất cao 5 thước ở hai đầu trên mặt đê; sau đó ông cầm gậy chạy đến chỗ ụ đất hét đánh một cái thì quét sạch đất. Đến thời Nguyễn, đê vẫn còn, hằng năm dân sở tại bồi đắp đê để ngăn nước mặn. Theo Đại Nam nhất thống chí, con đường gần chỗ Phạm Tử Nghi đắp đê xưa kia, ở địa phận hai xã An Dương và Vĩnh Niệm gọi là đường Thiên Lôi mang biệt hiệu của ông[1].
[sửa] Phò Mạc Chính Trung
Phạm Tử Nghi lớn lên giữa lúc nhà Hậu Lê đổ nát vì chính trường và loạn lạc. Năm 1527, Mạc Đăng Dung giành ngôi nhà Hậu Lê.
Nhờ tài năng xuất chúng, Phạm Tử Nghi được nhà Mạc thu dụng, dần dần được cất nhắc làm Thái uý, tước Tứ Dương hầu.
Năm 1533, Nguyễn Kim tái lập nhà Hậu Lê, tạo thành thế đối lập nam – bắc với nhà Mạc.
Tháng 6 năm 1546, Mạc Hiến Tông mất, con là Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi. Hoàng thân Mạc Kính Điển (em Hiến Tông) cùng thái sư Nguyễn Kính muốn tôn lập Mạc Phúc Nguyên nhưng Phạm Tử Nghi phản đối. Ông cho rằng[2]:
- Hiện nay trong nước đang lúc nhiều nạn [3], nên lập vua lớn tuổi. Hoằng vương Chính Trung [4] đã nhiều phen cầm quân và thường thắng trận, vậy xin dựng lên ngôi
Ý kiến đó của ông không được Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính chấp thuận, bởi thế trong triều nảy sinh mâu thuẫn. Phạm Tử Nghi bèn cùng cháu Mạc Thái Tổ là Mạc Văn Minh và các thủ hạ đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (Thái Bình) lập triều đình riêng.
Mạc Phúc Nguyên được Mạc Kính Điển lập làm vua, tức là Mạc Tuyên Tông. Trước thế mạnh của phe Tử Nghi, Tuyên Tông lo lắng bỏ Thăng Long về Kim Thành (Hải Dương), Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính hợp binh mấy lần đánh Phạm Tử Nghi đều bị thất bại.
Đẩy lui được những cuộc tấn công của Mạc Kính Điển, Phạm Tử Nghi mang quân về đánh Thăng Long nhưng đều bị Kính Điển kiên cường chống trả. Ông bị hao binh tổn tướng, không thể chiếm được thành, phải đem Mạc Chính Trung chạy ra chiếm cứ Yên Quảng (Quảng Ninh) và thường kéo về cướp phá Hải Dương.
Năm 1547, Mạc Kính Điển phối hợp với Phụng quốc công Lê Bá Ly đánh bại được Tử Nghi.
[sửa] Đánh phá Trung Quốc
Sau trận thua đó, Mạc Chính Trung và Mạc Văn Minh mang gia thuộc chạy sang Khâm châu quy phụ nhà Minh, còn Tử Nghi thu thập tàn quân trốn ra Hải Đông. Chính Trung muốn nương nhờ Trung Quốc nhưng Tử Nghi phản đối chủ trương dựa vào Trung Quốc, ông bèn nảy ý định đánh phá Lưỡng Quảng và đòi lại Chính Trung[5].
Trước tình thế Chính Trung đã ở trong tay người Minh, ông bèn phao tin rằng Mạc Phúc Nguyên đã chết và muốn đón Chính Trung về nối ngôi. Sau đó Phạm Tử Nghi mang quân đánh phá Khâm châu và Liêm châu.
Minh sử ghi nhận: “Mạn Lĩnh Hải náo động”. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: “Tử Nghi trốn vào đất Minh, thả quân đi bắt người cướp của ở Quảng Đông, Quảng Tây, người Minh không thể kìm chế được”[6]
Tổng đốc Quảng Đông là Tất Tiêu sai tham tướng Khâm châu là Đại Dư mang quân ra chống Tử Nghi. Đại Dư đến Liêm châu, Tử Nghi đánh thành rất gấp. Đại Dư thấy quân thuỷ nhà Minh chưa đến, bèn sai kỵ binh đến dụ Tử Nghi hàng và tung tin đại quân nhà Minh sắp đến. Sau đó Dư đặt phục binh ở núi Quan Dâu. Phạm Tử Nghi lại quay sang đánh Khâm châu, Đại Dư chặn đánh, cướp được nhiều thuyền, đuổi đánh quân Tử Nghi trong vài ngày và bắt sống được em ông là Phạm Tử Lưu. Trận này Tử Nghi bị thiệt hại 1200 người và chạy về Vân Đồn.
[sửa] Kết cục
Sử sách chép về cái chết của ông khá sơ lược. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, việc Phạm Tử Nghi đánh phá Trung Quốc khiến nhà Minh sai người sang trách nhà Mạc. Nhà Mạc bèn sai kẻ dưới quyền lừa bắt được Tử Nghi và đem chém. Mạc Chính Trung bỏ chạy sang Trung Quốc và bị giết. Nhà Mạc sai người mang đầu ông nộp cho nhà Minh, đi đến đâu thường phát sinh ôn dịch, người và súc vật bị chết nên người Minh bèn trả lại đầu ông cho nhà Mạc[6].
Theo Ngọc phả Nam Hải đại vương, trong khi Tử Nghi đang thắng trận thì nhà Minh dùng chước sai người bắt cóc mẹ ông và ra điều kiện cho ông phải đầu hàng. Tử Nghi bèn xin giảng hoà để tạm bãi binh nhằm cứu mẹ. Nhưng khi ông đến hội ước giảng hoà thì người Minh liền bắt ông. Sau đó quân Minh chém ông, còn xác thì đốt thành tro, rắc cho gió thổi bay. Ngọc phả cũng chép tình tiết quanh vùng Tử Nghi bị chém, phát sinh ôn dịch, người và súc vật bị chết nên nhà Minh phải hậu táng cho ông[7].
Sử sách chép không thống nhất về thời gian chết của Phạm Tử Nghi. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông bị hại vào năm 1551; theo Đại Việt thông sử thì ông mất năm 1549.
Theo Ngọc phả Nam Hải đại vương[8] thì ông mất ngày 14 tháng 9 âm lịch niên hiệu Diên Thành đời Mạc Mậu Hợp (1578-1585). Dân làng quê hương ông vẫn lấy ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ Phạm Tử Nghi[7].
[sửa] Tưởng nhớ
Dù là tướng phục vụ nhà Mạc, vương triều đối nghịch với nhà Lê thắng trận sau này và bị coi là nguỵ triều, Phạm Tử Nghi vẫn được các triều đại Lê, Nguyễn sắc phong[9].
Sắc phong đời Cảnh Trị (Lê Huyền Tông) năm 1670 ghi:
- Có công giữ nước giúp dân, có ơn đức rất mực, đã cất quân dấy nghiệp, chức Nam Dương Đông nguyên soái, tóm thâu, làm Tiết chế cả mọi dinh thuỷ bộ của hai nước ở khắp nơi, phò mã đô uý, tước Thành quốc công, phong là Nam Hải linh ứng đại vương.
Trong đền thờ Phạm Tử Nghi có câu đối đề:
- Tướng Mạc, thần Lê, danh bất hủ
- Cừu Minh, hận Hán, tiết di cao
Dịch nghĩa:
- Tướng Mạc, thần Lê, tên còn mãi
- Thù Minh ghét Hán khí tiết cao
[sửa] Chú thích
- ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 498-499
- ^ Đại Việt thông sử, truyện Mạc Phúc Nguyên
- ^ Chỉ cuộc chiến với nhà Lê
- ^ Con thứ của Mạc Đăng Dung, chú của Hiến Tông
- ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 504
- ^ a b Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 16
- ^ a b Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 505
- ^ Ngọc phả tại miếu Đôn Nghĩa, xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải, Hải Phòng
- ^ Nhiều tác giả, sách đã dẫn, tr 505-506
[sửa] Xem thêm
[sửa]
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.