- Đang online: 1
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12886
- Tổng truy cập: 3,389,053
Mộ hai Quận công của nhà Mạc tại thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình
- 1216 lượt xem
Mộ hai Quận công của nhà Mạc
tại thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình
Vũ Tiến Thắng
Ban liên lạc họ Mạc và gốc Mạc tỉnh Thái Bình.
Họ Nguyễn Quang xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là một dòng họ gốc Mạc. Qua tư liệu tìm hiểu về dòng họ này thì Tổ của họ Nguyễn Quang xã Văn Lang là các cụ Quận công Mạc Vạn (tức Vạn Quận công), Quận công Mạc Lập (tức Lập Quận công) và Đô úy Mạc Sơn Đông (tức Sơn Đông hầu). Cả ba vị trên là con trai của Đà Quốc công Thái phó Mạc Ngọc Liễn.
Theo tư liệu mà Hội đồng họ Nguyễn Quang sưu tầm về những điều viết trong Đại Việt sử ký toàn thư tập III của Giáo sư Hoàng Văn Lân và Ngô Thế Long cùng sự hiệu đính của Giáo sư Sử học Hà Văn Tấn thì: “Sự nghiệp các vị Tổ của dòng họ Nguyễn Quang xã Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình là cụ Vạn Quận công, Lập Quận công và cụ Sơn Đông hầu cùng cha là Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn đã được chép lại bằng những dòng Oanh oanh liệt liệt, đẹp tựa vàng son, thơm như trầm quế”. Mộ phần của các cụ Vạn Quận công và Lập Quận công hiện an táng tại thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang. Hai ngôi này là mộ Tổ của dòng họ Nguyễn Quang gốc Mạc, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà. Riêng cụ Sơn Đông hầu mất tại Cao Bằng nên không rõ mộ phần. Sự nghiệp của ba vị kể trên, chúng tôi xin tổng hợp lại như sau:
1. Cụ Quận công Mạc Vạn, tức Đô đốc Vạn Quận công.
Cụ Vạn Quận công tướng mạo uy nghi, tài nămg dũng lược. Người luôn ở bên phụ thân và có công cùng Nghĩa Quốc công đắp thành ở phủ Tiên Hưng từ Duyên Hà, Vũ Tiên xuống huyện Trực Định phủ Kiến Xương. Người đã cùng Kiến Quốc công đánh chiếm huyện Thanh Lan, chiếm Quỳnh Côi, Phụ Dực, Hưng Nhân, Duyên Hà và cửa Vường. Tháng 5 năm Quý Tỵ 1593, Nguyễn Hoàng thống lĩnh thuỷ quân đánh Sơn Nam Hạ tại vùng Bắc Thái Bình ngày nay. Cụ Vạn Quận công khi ấy cố thủ ở Thần Hậu. Trận đánh quyết tử khiến quân Lê Trịnh đổ nhiều xương máu. Khi vào được trận địa, Hoàng cho giết sạch cả làng, chỉ còn vài người đi làm xa may mắn thoát chết, sau trở về quê xây dựng lại và lấy tên làng là Hậu Tái. Cụ Vạn Quận công phải mở đường máu rút về hội quân với phụ thân ở An Quảng, lập căn cứ ở huyện An Bắc, cùng Vạn Ninh vương và Nghiêm Quốc công làm chủ vùng Đông Bắc.
Tháng 02 năm Giáp Ngọ 1594, quân Lê Trịnh tấn công An Bắc, Vạn Ninh vương bị bắt. Vạn Quận công trở về Vạn Ninh, tức Móng Cái ngày nay xây dựng căn cứ, đồng thời bảo vệ phụ thân Đà Quốc công. Ngày 02 tháng 7 năm Giáp Ngọ, Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn mất, sau đó Vạn Quận công cùng cụ Sơn Đông hầu đi Long Châu trình vua Càn Thống rồi từng bước về lấy lại Cao Bằng, Thái Nguyên.
Giữa năm Canh Tý 1600, tức năm Càn Thống thứ 8, nhà Trịnh có biến. Đó là: Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng ngầm sai Phạm Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê làm phản nhà Lê, nhưng Phạm Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê lại theo nhà Mạc. Thế là Bình An vương Trịnh Tùng phải cùng vua Lê chạy vào Thanh Hoá.
Nhân cơ hội này, Uy Vũ hầu chiếm được Hải Dương, Mạc Kỳ Huệ vương mộ quân ở Sơn Nam xưng là Nam thổ Tiết chế. Thái mẫu của vua Mạc Mậu Hợp được trở về Thăng Long và cho người đón vua Mạc Càn Thông về. Tuy nhiên, ngay trong tháng 8 năm Canh Tý ấy (1600), Trịnh Tùng đã củng cố được lực lượng và từ Thanh Hoá kéo quân ra Bắc. Phạm Ngạn tức Quỳnh Quận công sợ thanh thế quân Trịnh nên đã đầu hàng. Vua Càn Thống liền cử tướng Tây đạo là Nhai Quận công giữ cửa Nhật Chiêu (Hà Nội) nhưng quân Trịnh vẫn chiếm được Nhật Chiêu, Nhai Quận công đành bỏ chạy. Vua Mạc Càn Thống lại một lần nữa phải bôn tẩu lên Cao Bằng. Tháng 11 năm Canh Tý 1600, Trịnh Tùng đưa vua Lê Kính tông về Thăng Long.
Vạn Quận công trở về Kiến Xương và Tiên Hưng gặp được Nam Dương hầu và cùng nhau củng cố chiến luỹ. Sau đó Người theo sông Hồng bí mật lên phía Bắc để yết kiến vua Càn Thống. Tuy nhiên, tháng 12 năm ấy, khi đến khu vực Gia Lâm thì Người bị sa vào tay giặc. Trịnh Tùng tra tấn tàn khốc nhưng không khai thác được gì liền giết ông ở bãi Thảo Tân và vứt xác xuống sông. Được tin Vạn Quận công bị hại, Nam Dương hầu cử nghĩa binh đón xuôi dòng sông Hồng và ngày 12 tháng Giêng năm Tân Sửu 1601, binh sỹ vớt được thi thể của Người đưa về an táng tại đất cánh đồng Quàn, mặt quay ra phía đồng Triều. Hiện nay, phần mộ của cụ Vạn Quận công là đất thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà. Đây là ngôi mộ Tổ thứ nhất của họ Nguyễn Quang gốc Mạc, xã Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình.
2. Cụ Quận công Mạc Lập, tức Lập Quận công.
Trong gia đình, cụ Lập Quận công là người kế thừa được võ nghệ của phụ thân Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, tuy nhiên mưu thuật thì chưa thể bằng cha. Suốt thời gian khi Trịnh Tùng vây hãm thành Thăng Long, Người luôn ở bên cạnh phụ thân, giữ ô Cầu Dền, Cầu Đuống, đốc thúc binh sỹ xây thành luỹ phòng tuyến Bắc Giang, vâng lệnh phụ thân giúp Nghĩa Quốc công đắp thành ở Tiên Hưng và Thư Trì. Tin vào lòng trung dũng, Người được vua Càn Thống (Vua Mạc Kính Cung 1593 – 1625) cho về trá hàng nhà Trịnh. Việc bại lộ, Người thản nhiên bước ra pháp trường. Trước khi bị chém, Người còn thét lớn “Chỉ hiềm một nỗi là ta chưa giết được giặc Tùng”.
Ngày 15/7 năm Quý Tỵ 1593, được tin Lập Quận công bị hại, thi hài trôi sông, thân quyến xuôi dòng sông Hồng tìm được thi thể của Người tại ngã ba Tuần Vường, tức Ngã ba sông Hồng với sông Trà Lý và rước linh cữu Người về an táng tại cánh đồng Triều, làng Thường Xuyên, tổng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, nay là đất huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tương truyền trước đây mộ của cụ có quan tài bằng ngọc am, quách bằng đá quý. Đó là cái trạch di phúc cho đời sau. Cụ Lập Quận công giỗ ngày 15/7. Phần mộ của cụ Lập Quận công nay nẳm trên đất cánh đông Triều, thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang. Đây là ngôi mộ Tổ thứ hai của dòng họ Nguyễn Quang gốc Mạc, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
3. Cụ Đô úy Mạc Sơn Đông, tức Sơn Đông hầu.
Cụ Đô úy Mạc Sơn Đông, tức Sơn Đông hầu là em trai của cụ Quận công Mạc Lập (Lập Quận công). Cụ là người thông minh, kiêm tài văn võ nhưng văn chương sâu sát hơn nhiều nên thường được phụ thân uỷ thác những việc quan trọng.
Sau trận càn lớn vào cuối năm Nhâm Thìn 1592 và đầu năm Quý Tỵ 1593, vâng lệnh phụ thân, ông và anh trai là Mạc Lập về trá hàng nhà Lê. Chúa Trịnh biết hai anh em ông là con của Thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, là linh hồn quyết định sự tồn vong của nhà Mạc, của vua Càn Thống, nên Bình An vương Trịnh Tùng thu nhận ngay và để nguyên chức tước, bổng lộc nhưng ngầm cho kẻ hầu người hạ tháp tùng theo dõi, đề phòng như vụ Trung Hậu hầu nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng để đánh thuốc độc Thái tử Nguyễn Kim. Mặt khác Trịnh Tùng cũng tìm mọi cách ve vãn, lôi kéo để thuyết phục phụ thân của các ông là Đà Quốc công Thái phó Mạc Ngọc Liễn về hàng.
Mộ phần các cụ Vạn Quận công và Lập Quận công
tại thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Cụ Sơn Đông hầu luôn tìm mọi kế làm đẹp lòng Bình An vương, đồng thời bí mật liên hệ với Nam Quận công Nguyễn Quyện (Cũng được vua Mạc giao nhiệm vụ trá hàng) chờ thời cơ làm nội ứng giúp nhà Mạc phục dựng lại cơ đồ. Tuy nhiên sau đó việc bị phát giác. Tháng 7 năm Quý Tỵ 1593 cụ Lập Quận công bị giết, Nam Quận công bị tống ngục, đầy đoạ tra tấn và đến ngày 04 tháng 11 đã anh dũng hy sinh. Cụ Sơn Đông hầu và Mạc tướng Phù Cao hầu trốn thoát.
Từ Thăng Long, cụ Sơn Đông hầu bí mật tìm về gặp được phụ thân đang đóng quân ở châu Vạn Ninh (tức Móng Cái, Quảng Ninh ngày nay). Năm Giáp Ngọ 1594 cụ cùng phụ thân đi sang Long Châu gặp vua Càn Thống. Sau đó cụ về xây dựng căn cứ ở Cao Bằng, chiêu binh luyện võ phò nhà Mạc. Khi vua Càn Thống băng hà, cụ tiếp tục phò vua Long Thái (tức vua Mạc Kính Khoan 1625 – 1638) và sau đó mất tại Cao Bằng. Hiện nay vẫn chưa biết ngày giỗ và phần mộ của Người.
Vâng theo chỉ dụ của vua Càn Thống, con trai cụ Vạn Quận công là Mạc Chi Hưởng đã bí mật đổi sang họ Nguyễn Quang, về ngụ tại trang Thường Duyên, nay là thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình để trông nom mộ phần Nhị Tổ là Vạn Quận công và Lập Quận công, còn cụ Sơn Đông Hầu ở lại Cao Bằng phù tá vua. Như vậy cụ Mạc Chi Hưởng là Tổ đầu tiên của họ Nguyễn Quang gốc Mạc xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Cụ Hưởng mất ngày 13 tháng 7 năm Ất Mùi 1655. Mộ phần cụ Mạc Chi Hưởng, tức Nguyễn Quang Hưởng táng tại cánh đồng Triều, xã Văn Lang, Hưng Hà, gần mộ cụ Lập Quận công.
Vũ Tiến Thắng.
426 Trần Thánh tông, Phường Quang Trung
Thành phố Thái Bình.
Tel: 01.686.324.703.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.