- Đang online: 3
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12771
- Tổng truy cập: 3,389,005
LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI
- 649 lượt xem
LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI
NHÀ NGOẠI GIAO KIỆT XUẤT CỦA VIỆT NAM
Tác giả: Đại tá Nguyễn Quang Tuyến
chi họ Nguyễn gốc Mạc xã Hiệp An, huyện Kinh Môn
———-@——–
Trong khoảng 27 năm gần đây ( 1994-2012) nhờ đường lối đổi mới của Đảng, đã có sự đóng góp rất to lớn của giới nghiên cứu khoa học sử học, mà đại diện là những nhà khoa học chân chính thời kỳ đổi mới đã: Không ngại chông gai, không màng danh lợi, không lụy cường quyền, dám nhìn thẳng vào sự thật, đã đánh gía đúng sự thật, về Vương Triều Mạc và Nhà Mạc đã công tâm và tương đối công bằng, để trả lại sự công minh của lịch sử và công bằng của xã hội. Trong đó có sự nỗ lực không nhỏ của cộng đồng con cháu họ Mạc, gốc Mạc cả trong nước và ở nước ngoài. Chính vì vậy họ Mạc ta đã được Đảng và Nhà nước đã quan tâm cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình để ghi nhận công lao to lớn của Vương Triều Mạc và Nhà Mạc trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là một Vương Triều Mạc một thời: dày công với nước, nặng đức với dân, những mong giang sơn Trường tồn, Quốc Thái Dân an, Vật thịnh. Trong đó năm 2004 Từ đường họ Mạc ở thôn Cổ trai, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2009 được Nhà nước cho xây dựng Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc khang trang bề thế nguy nga tráng lệ ( hiện hữu một Dương Kinh hoành tráng nguy nga thủa nào ) ở thôn Cổ trai, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy là một công trình trọng điểm của Hải Phòng đưa vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ( Khánh thành ngày 25/9/2010) .
Đền thờ “ Lưỡng quốc trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi”
Đồng thời tại quê hương gốc tổ họ Mạc ở thôn Long động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương công trình nâng cấp khu Đền thờ “ Lưỡng quốc trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ” cũng được UBND tỉnh Hải Dương và Nhà nước đầu tư nâng cấp khang trang bề thế, xứng tầm với công lao to lớn của một Danh nhân văn hóa, nhà ngoại giao kiệt xuất thời Trần. Cho đến nay công trình đền thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Thôn Long động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là quê hương gốc tổ Nhà Mạc đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 là nhà Tiền tế, Nhà thờ chính giữa thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi và nhà thờ Hậu cung thờ 3 Trạng Nguyên Nhà Mạc là các cụ Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan, Mạc Đĩnh Chi và nội thất các ngai, ỷ, võng khán, linh tượng thờ 3 Trạng Nguyên Nhà Mạc, cùng 2 nhà tả vu, hữu vu ở 2 bên và sân đường nội bộ trong khuôn viên sân đền ở giai đoạn 1 đủ để đón tiếp khách thập phương về lễ hội.
Hiện nay còn một số công trình thuộc giai đoạn 2 là Hồ bán nguyệt, cầu, hòn non bộ, cổng tam quan, sân, đường phía ngoài khu vực đền, nhà thờ anh hùng liệt sỹ Mạc Thị Bưởi cùng một số công trình phụ trợ khác như lầu hóa vàng… đang được tiếp tục đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2. Tuy nhiên đến nay phần công trình cơ bản phục vụ cho lễ hội đã hoàn thành. Năm 2013 Ban tổ chức lễ hội của xã Nam Tân đã tích cực phối hợp với HĐMT tỉnh Hải Dương, HĐMT Việt Nam làm các công tác chuẩn bị một cách chu đáo, trang nghiêm, để tỏ lòng thành kính tri ân tiên tổ của con cháu họ Mạc và gốc Mạc trên toàn quốc. Đồng thời để trăm họ bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính tri ân một danh nhân văn hóa lỗi lạc, một Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, là một nhà ngoại giao kiệt xuất, mà đầu năm 2012 Ngài còn được Bộ Ngoại giao truy tôn là ông tổ của Ngành ngoại giao Việt Nam. Theo đó hàng năm các Đại sứ Việt Nam đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài sẽ về dâng hương tiên tổ Ngành Ngoại giao tại Đền thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, các Đại sứ về dâng hương tại Đền để báo công hoàn thành nhiệm vụ với tiên tổ ngành Ngoại giao. Như vậy sự tôn vinh của Ngành Ngoại giao đối với cụ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, xuất phát từ tài năng kiệt xuất, cụ là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ. Nhưng ở cụ còn có một phẩm chất rất cao quý đặc biệt khác thường đó là : “ Tấm lòng Trung quân ái quốc, một đời thanh bạch chẳng vàng son ”. Mặc dù khi đi sứ đã đối đáp với Triều đình Nhà Nguyên và sứ thần các nước ở mức Siêu Phàm, vua Nguyên đã khâm phục tài năng xuất chúng của cụ, đã đặc cách phong Cụ Mạc Đĩnh Chi là Trạng Nguyên Trung Quốc và ban cho cụ nhiều lụa là gấm vóc, nhưng với đức độ cao quý hơn người, nên cụ không màng danh lợi, không nhận bổng cao, lộc hậu, mà cụ chỉ nhận mỗi lá cờ “ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên ”. Như vậy cụ đã mang về vinh quang tột đỉnh cho tổ quốc, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Vua trao, và mang lại vẻ vang cho non sông gấm vóc Đại việt, và tô thắm thêm truyền thống anh hùng bất khuất cho đất nước ta
Nhân dịp chuẩn bị kỵ nhật tưởng niệm 667 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa nhà ngoại giao kiệt xuất: Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi mỗi chúng ta rất cần thiết ôn lại thân thế sự nghiệp vẻ vang, cao thượng của Người. Cụ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi sinh năm ( 1272-1346) quê làng Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cụ Mạc Đĩnh Chi là cháu 7 đời của Trạng Nguyên Mạc Hiển Tích ( cụ Mạc Hiển Tích đỗ Đệ nhất giáp cập đệ nhất danh, năm 1086 đời vua Lý Nhân Tông- tương đương với Trạng Nguyên các khóa thi sau ) là Thượng thư Bộ Lại ( tương đương Bộ trưởng ngày nay ) triều Vua Lý Nhân Tông. Đồng thời cụ Mạc Đĩnh Chi còn là cháu của cụ Mạc Hiển Quan là Thượng thư Bộ Công ( cũng đỗ Đệ nhất giáp cập đệ nhất danh năm 1089- đời vua Lý Nhân Tông, nhưng ở khóa sau cụ Mạc Hiển Tích, cụ Mạc Hiển Quan là em cụ Mạc Hiển Tích ). Như vậy ngay từ thời Nhà Lý đã có 2 Trạng Nguyên họ Mạc và là 2 anh em huynh đệ đồng triều, đều đỗ đạt ở đỉnh cao nhất. Đây cũng là một sự kiện đặc biệt hiếm có của dòng họ Mạc, và có lẽ của cả nước là Huynh đệ đồng triều đều có học vị cao nhất và phẩm hàm vào bậc tam phẩm.
– Kế thừa truyền thống hiếu học của tiên tổ; cụ Mạc Đĩnh Chi từ nhỏ là con nhà nghèo, nhưng có truyền thống hiếu học, đã nổi tiếng thần đồng, thông minh hiếm có, đặc biệt là kỳ tài ứng đối. Năm Giáp thìn ( 1304- niên hiệu Hưng Long 12 ) đời Vua Trần Anh Tông, Cụ đã đỗ dầu trong số 44 người đỗ Thái Học sinh ( Tiến sỹ ). Tuy tài năng học vấn của cụ đã xứng đáng được đỗ đầu, nhưng do tướng mạo của cụ thấp bé, nhẹ cân, nên Vua Trần Anh Tông chưa muốn cho cụ đỗ đầu ( Trạng Nguyên ) bèn thử thách tài trí của cụ. Cụ Mạc Đĩnh Chi đã làm bài phú “ Ngọc tỉnh Liên phú ” ý nói Sen trong giếng ngọc để dâng lên Vua Trần, để nói nên phẩm giá thanh cao, cùng tài năng đích thực của mình. Trong đó Bài phú có hàm ý nói rằng nếu Vua biết quý trọng sử dụng hiền tài, thì cụ hết lòng hết sức phò vua, giúp nước, ích quốc, lợi dân. Sau khi Vua Trần Anh Tông xem xong bài phú, đã thấy được tài năng xuất chúng, phẩm chất thanh cao của cụ đã cho cụ đỗ đầu ( Trạng Nguyên ). Phần bài phú tôi xin trích ra đây để bà con cùng chiêm ngưỡng bài thơ thần của Cụ Mạc Đĩnh Chi như sau:
“… Phi đào lý chi thô tục; phi mai trúc chi cô hàn
Phi tăng phòng chi cẩu kỷ; phi lạc thổ chi mẫu đơn
Phi đào lệnh đông chi cúc; phi linh quân cửu uyển chi lan
Nãi thái hoa phong dầu ngọc tỉnh chi liên…”
Phần dịch nghĩa của các chuyên gia hán nôm đã dịch là
“…. Chẳng phải như đào trần, lý tục; chẳng phải như trúc cỗi, mai gầy
Cấu kỷ phòng tăng khó tránh; mẫu đơn đất lạc nào bì
Giậu đào lệnh cúc sao ví được; vườn linh quân lan xá kể gì
Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái hoa vậy…. ”
– Năm 1308 ( Mậu Thân ) cụ được cử làm chánh sứ đi sang Tàu ( nhà Nguyên ) khi đến Triều đình nhà Nguyên; Vua Nguyên đã thử tài văn chương, ứng đối của cụ; và ra cho cụ câu đối sau:
Nhật: Hỏa; vân; vân; yên; Bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ
( nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng– ở đây vế đối này Vua Nguyên tỏ rõ thái độ nước lớn, trịch thượng kẻ cả, muốn ra oai với nước láng giềng nhỏ bé, để nói lên sức mạnh của Đại Hãn Trung Hoa là như mặt trời thiêu đốt được tất cả ).
Nhưng cụ Mạc Đĩnh Chi đã rất khôn khéo, cũng đối lại vế đối rất chuẩn, về câu từ, rất chỉnh về ý tứ, lời nói rất khôn khéo khi ngoại giao, nhưng lại rất có bản lĩnh, thể hiện khí phách hiên ngang của Đại Việt. Nhưng trong phong thái thể hiện của nhà ngoại giao lại rất ôn hòa, mềm mỏng, nhưng kiên quyết, không để cho Đại Hãn Trung Hoa phải mếch lòng, không để cho Thiên Triều phải bẽ mặt, mất thể diện trước các nước nhỏ ( vì khi tiếp cụ Mạc Đĩnh Chi còn có quan quân, Triều đình Nhà Nguyên và sứ thần các nước sang bang giao vơi Nhà Nguyên ) , nhưng lại đề cao được khí phách hiên ngang anh hùng, bất khuất của quân và dân Đại Việt, nâng cao vị thế quốc thể Việt Nam. Qua vế đối của Cụ Mạc Đĩnh Chi chứng minh cho Thiên triều thấy được nước Đại Việt ta có rất nhiều nhân tài. Trong đó có những nhân tài kiệt xuất là cụ. Cụ đã đối lại bằng vế đối xuất sắc như sau:
Nguyệt: Cung; tinh; đạn; Hoàng hôn xa lạc kim ô
( nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi mặt trời ).
Trong vế đối của cụ Mạc Đĩnh Chi đã thể hiện khí phách hiên ngang của quân dân Đại Việt, không hề run sợ trước Thiên Triều, mà ngầm ý nói sẽ sẵn sàng giáng trả đích đáng các thế lực ngoại xâm, buộc chúng phải thua cuộc. Trong đó bài học nhỡn tiền của Nhà Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt Tướng sỹ một lòng phụ tử đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên, mà tính thời sự đến thời điểm đó vẫn còn nóng hổi ( lần 1 năm 1258, lần 2 năm 1285, lần 3 năm 1288. Trong đó từ chiến thắng lần thứ 3 từ cuối năm 1288 đến năm 1308 mới chỉ vẻn vẹn có 20 năm, những chiến thắng đó vẫn là nỗi khiếp sợ, kinh hoàng, là bài học nhớ đời đối vói quan quân nhà Nguyên ).
Sau đó cụ Mạc Đĩnh Chi còn thể hiện về tài năng ứng đối kỳ tài xuất chúng qua nhiều lần khác trong các hoạt động ngoại giao xuất sắc tại Trung Quốc. Đặc biệt tài ngoại giao xuất chúng của cụ đã khiến Vua Nguyên phục tài, mến đức, đã đặc cách phong Trạng Nguyên Trung Quốc cho cụ và ban mũ áo, cùng lá cờ: Lưỡng Quốc Trạng Nguyên cho cụ. Đó là bài thơ Đề Quạt, nhân có sứ thần một nước dâng cho Vua Nguyên một chiếc quạt quý; Vua Nguyên sai sứ thần các nước đề thơ; trong đó có sứ thần Triều Tiên và sứ thần Đại Việt. Trong khi sứ thần Triều Tiên viết liến thoắng, thì cụ Mạc Đĩnh Chi rất tinh và thông minh, cụ chỉ quan sát và nhìn vào quản bút của sứ thần Triều Tiên mà đoán đọc được 2 ý tứ của câu thơ của sứ thần Triều Tiên là:
“ Nóng nực oi ả; Thì như Y Doãn, Chu Công
( ý muốn nói là những người hiền tài được Vua trọng dụng, cũng như chiếc quạt khi mùa hè cần đến thì được coi là trọng thần ).
Rét buốt lạnh lùng thì như Bá Di, Thúc Tề
( ý muốn nói là những người hiền tài mà lại bị Vua ruồng bỏ , không được trọng dụng nữa thì chẳng khác nào như chiếc quạt mùa đông thì bỏ xó ).
– Nhưng sự kỳ tài xuất chúng của cụ là ở chỗ, từ ý tứ mượn của 2 câu thơ trên của sứ thần Triều Tiên, ấy thế mà cụ Mạc Đĩnh Chi đã phát triển thành một bài thơ kiệt tác, bất hủ, có một không hai; khiến Vua Nguyên cùng cả Triều đình nhà Nguyên và sứ thần các nước hết sức ngưỡng mộ, tài năng xuất chúng của cụ. Bài thơ đó như sau:
“ Chảy vàng tan đá, Trời đất như lò, Người bấy giờ là Y, Chu đại nho
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, người bấy giờ là Di, Tề đói so
Ôi được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru.”
Bài thơ của cụ Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi đã làm xong trước, bài thơ của sứ thần Triều Tiên. Sau khi Vua Nguyên xem xong bài thơ của cụ Mạc Đĩnh Chi thấy văn chương rất hay, ý tứ rất sắc sảo, nên Vua Nguyên cảm đức, phục tài năng xuất chúng của cụ, đã đặc cách truyền ban mũ, áo, cân đai và phong cụ là: “ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên ”. Như vậy cụ được vinh danh cả 2 nước và vua Nguyên ban cho lá cờ: “ Lưỡng quốc Trạng nguyên ”. Cụ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua trao, làm rạng danh nước Đại Việt và mang về niềm tự hào vinh quang tột đỉnh cho tổ quốc. Như vậy cụ được vinh danh cả về học vấn và tài năng ở mức đỉnh cao vinh quang chói lọi tột cùng của cả 2 nước.
Sau khi về nước cụ còn làm nhiều việc ích quốc, lợi dân nữa. Ban đầu cụ được Vua Trần Anh Tông bổ nhiệm làm Quan Ngự Sử. Do cụ là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ, lại thẳng thắn, cương trực hết lòng phò 3 đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông giúp nước, cứu dân, độ thế. Do có công lao đặc biệt to lớn, nên cụ được vua Trần Minh Tông bổ nhiệm làm chức quan cao nhất trong triều là: Đại Liêu Ban Tả Bộc xạ ( tương đương chức Tể tướng ). Mặc dù ở ngôi cao chức trọng, nhưng cụ vẫn một đời thanh bạch chẳng vàng son, là một vị quan thanh liêm hết lòng phò Vua giúp nước, cứu dân. Sau này cháu đời thứ 7 của cụ Mạc Đĩnh Chi là cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lập ra Triểu Mạc thì Vua Mạc Thái Tổ đã truy phong cho cụ Mạc Đĩnh Chi là: Viễn tổ Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
Đầu xuân Quý Tỵ xin kính mời bà con trăm họ, khách thập phương ( ngày 9;10;11 tháng 2 âm lịch năm Quý Tỵ sẽ tổ chức lễ hội tại Đền thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi – tức ngày 20; 21; 22 tháng 3 năm 2013 ) và con cháu Nhà Mạc, gốc Mạc ở khắp mọi miền tổ quốc, cả trong nước và nước ngoài, hãy bớt chút thời gian, thu xếp công việc, hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, để đến với Đền thờ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Nơi đó đang thờ 3 vị Trạng Nguyên họ Mạc ), mà có lẽ chưa có nơi nào có được? ( xin mạn phép được giới thiệu ở trong gian thờ Hậu Cung có 3 cụ; thì Cụ Mạc Đĩnh Chi ở chính giữa, cụ Mạc Hiển Tích ở bên phải từ trong nhìn ra ngoài, cụ Mạc Hiển quan ở phía bên tay trái từ trong nhìn ra ngoài cửa. Còn ở gian thờ phía ngoài chỉ có một tượng đồng mới đúc đó là linh tượng của cụ Mạc Đĩnh Chi để bà con họ Mạc, gốc Mạc và du khách thập phương nắm được. Còn gian tiền tế mé ngoài cùng thờ Ban công Đồng của Đền thờ và phía tay phải nhìn vào trong là ban thờ bà Mạc Thị Bưởi là con gái họ Mạc, một anh hùng liệt sỹ tiêu biểu đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp)
Như vậy hậu duệ chúng ta đặc biệt trân trọng và vô cùng phấn khởi tự hào về vùng đất tổ họ Mạc ở thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là một trong những vùng đất địa linh, nhân kiệt. Nơi địa linh nhân kiệt ấy rất cần thiết được sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước trong giai đoạn 2, của Tỉnh Hải Dương và địa phương sở tại để nó phát huy hiệu quả tổng hợp của công trình . ĐỒNg thời nó sẽ góp phần phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Hải Dương nằm trong tổng thể năm du lịch văn hóa quốc gia vùng đồng bằng sông Hồng . Chính đó là ngành công nghiệp không khói, thu lợi nhuận không nhỏ, nó sẽ cùng với các tua du lịch văn hóa tâm linh khác trong tỉnh như: Kiếp Bạc, Côn Sơn, Đền thờ Chu Văn An, Đền thờ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ ( cách khoảng 15-20 km ); và các tua du lịnh Động Kính Chủ, Đền Cao Yên Phụ thờ An sinh Vương Trần liễu ( 15-20km ) hoặc khu Văn Miếu Mao Điền ( Cẩm Giàng ), Làng Tiến Sỹ Mộ Trạch ( Bình Giang ), Đền thờ Khúc Thừa Dụ ( Ninh Giang cách khoảng 35-40 km ). Tất cả những khu du lịch văn hóa tâm linh này sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Mặt khác chính nó đã góp phần tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế văn hóa xã hội cho tỉnh Hải Dương nói riêng và vùng châu thổ đồng bằng Sông Hồng nói chung làm cho các địa phương ngày càng phát triển bền vững. Long Động nơi đây là cội nguồn tổ tiên của dòng họ Mạc chúng ta đã có từ hàng ngàn năm trước đây trên đất nước Đại Việt. Chính nơi đây họ Mạc chúng ta đã được vinh danh trong sử sách từ 927 năm nay từ khi Cụ Mạc Hiển Tích, đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ ( tương đương Trạng nguyên ở các khóa thi sau ) khóa thi năm 1086 từ thời Vua Lý Nhân Tông. Khi cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua Nhà Mạc, đã truy phong cụ Mạc Hiển Tích là: Thủy Tổ Hồng Phúc Đại vương. Sau cụ Mạc Hiển Tích còn có cụ Mạc Kiến Quan là em cùng đỗ Đệ nhất giápTiến sỹ cập đệ nhất danh.Cụ được bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Công, huynh đệ đồng triều đỗ đạt ở đỉnh cao nhất. Đây là một sự kiện đặc biệt hiếm có của dòng họ Mạc và của cả nước, cũng ngay tại gốc tổ nơi đây trong Đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi chúng ta đang thờ 3 vị trạng nguyên Họ Mạc. Khi cụ Mạc Thái Tổ lên ngôi Vua Nhà Mạc; đã truy phong cụ Mạc Đĩnh Chi là: “ Viễn tổ Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế ”
Do đó là hậu duệ của “ Các Cụ Tiên Tổ hiển vinh ” chúng ta hoàn toàn có quyền vinh dự và tự hào về truyền thống vinh hiển anh hùng, đã làm vinh danh cho dòng họ Mạc cả trong nước và quốc tế như cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặc biệt ngợi ca về dòng họ Mạc ta như sau:
“ Lũng Động Văn chương Quang Nhật nguyệt
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà ”
Người viết bài này là con cháu hậu duệ chi họ Nguyễn gốc Mạc coi đây là một nén tâm hương, thành kính của con cháu hậu duệ nhà Mạc kính dâng lên tiên tổ hiển linh, nhân ngày húy nhật lần thứ 667 năm ngày băng hà của Cụ Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi – “Viễn tổ Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế ”.
Kính mong tiên tổ hiển linh phù hộ độ trì cho Đại gia đình con cháu dòng tộc Mạc, gốc Mạc ở mọi miền của tổ quốc được mạnh khỏe, bình an, gia đình hạnh phúc đoàn kết thuậ hòa trên dưới, gia cảnh được hưng long thịnh vượng, sự nghiệp được vận đáo hanh thông, may mắn cát tường. Trong đó tiếp tục xây dựng cộng đồng Mạc tộc theo phương châm: Đoàn kết chặt chẽ, nề nếp kỷ cương, phát triển bền vững, Vinh hiển trường thịnh. Đồng thời con cháu hậu duệ của tiên tổ xin hứa với tiên tổ sẽ tiếp tục phấn đấu, chung tay góp sức, xây dựng cộng đồng Mạc tộc vững mạnh toàn diện, làm cho dòng họ Mạc kế thừa và xứng đáng với truyền thống văn hóa và vinh hiển của tiên tổ, làm cho họ ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, đoàn kết cùng với muôn dân, bách tính, xây dựng đất nước ta vững mạnh hùng cường, làm cho dòng họ Mạc phấn đấu mạnh mẽ, phát triển không ngừng, con cháu được đoàn kết sum họp một nhà, sánh vai ngang hàng với các dòng họ mạnh trên toàn quốc.
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.