- Đang online: 1
- Hôm qua: 510
- Tuần nay: 21677
- Tổng truy cập: 3,395,783
Dấu ấn cố đô Dương Kinh
- 1083 lượt xem
Dấu ấn cố đô Dương Kinh
Năm 2010, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được khánh thành, người dân thành phố Hải Phòng vui mừng không kể xiết. Di tích kinh đô Dương Kinh khi xưa, nơi vua Mạc Thái Tổ lui về ở ẩn sau khi nhường ngôi được hồi sinh…
Vùng đất thiêng
Cùng với sông Giá, sông Đa Độ ở huyện Kiến Thụy là dòng sông có nguồn nước sạch và phong cảnh sơn thủy hữu tình đẹp ở thành phố Hải Phòng. Thuở nhỏ, trong những ngày hè nóng nực, sau mỗi buổi dắt trâu ra đồng, niềm vui lớn nhất của đám thanh, thiếu niên là được đắm mình vào làn nước trong xanh, mát lạnh. Buổi tối, lại được nghe truyền thuyết đẹp như mơ về dòng sông quê nhà. Chuyện rằng, xưa có một cô thôn nữ xinh đẹp, nết na được hoàng tử đem lòng thương yêu và lấy làm vợ. Khi hoàng tử lên ngôi, bà trở thành quý phi, được nhà vua yêu mến, chiều chuộng. Nhưng do không có con, cuộc sống trong cung cấm lạnh lẽo, buồn tẻ, bà xin vua cho trở về quê. Nhà vua chiều ý và ban tặng rất nhiều của cải, châu báu, nhưng bà không nhận, chỉ xin một dải đất hoang ven biển. Vua bằng lòng và đưa tiễn bà tới tận nơi khi xưa hai người gặp gỡ mà nên duyên. Bà xin với nhà vua, khi tung dải yếm lên trời, gió thổi bay đến đâu, xin nhận đất đến đấy. Dải yếm bay mãi, từ An Lão đến Kiến Thụy, hóa thành sông Đa Độ ngày nay.
Chăm sóc cây tại khuôn viên Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.
Xưa sông Đa Độ rất rộng, dòng chảy uốn lượn, quanh co giống như chùm bầu có 9 quả, nên có tên gọi là sông Cửu Biều. Đặc biệt, ở những vùng cạnh đoạn sông phình to giống hình quả bầu, đời đời đều có những người đỗ đạt ra làm quan giúp đời hay các vị tướng tài có công bảo vệ quê hương, đất nước. Đoạn sông lớn nhất nằm cạnh làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương đàng ngoài (nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) chính là quê hương của vua Mạc Thái Tổ- Mạc Đăng Dung. Tương truyền, Mạc Đăng Dung là hậu duệ của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Thời trẻ, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng nhờ có sức khỏe phi thường và giỏi võ nghệ, ông thi đỗ Đô lực sĩ, được phong làm Đô chỉ huy sứ dưới triều vua Lê Uy Mục. Sau, ông được phong tước Vũ Xuyên Bá rồi đến Vũ Xuyên Hầu. Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Minh Đức, lập nên Vương triều nhà Mạc kéo dài 65 năm.
Chuyện lạ trên đất cố đô
Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kiến Thụy- Trưởng ban quản lý di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, Ngô Minh Khiêm tâm sự, du khách đến thăm Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, đa phần không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp cổ kính nơi Thái Miếu thâm nghiêm cùng sự linh thiêng của vùng đất địa linh, nhân kiệt. Đặc biệt, được chiêm bái thanh đại đao hơn 500 năm tuổi của Thái tổ Mạc Đăng Dung hiện được thờ ở Hậu cung. Tương truyền, sau khi nhà vua băng hà, thanh đại đao được thờ tại Thái Miếu ở Dương Kinh. Năm 1592, khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, thân vương Mạc Đăng Thận giả làm lái buôn mang theo thanh đao, giong thuyền xuống phía Nam định cư tại vùng Kiên Lao (nay là Xuân Trường, Nam Định) và đổi thành họ Phạm để tránh bị truy sát. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến ngày 15-8 âm lịch năm 2010, thanh đại đao được rước về thờ tại Khu tưởng niệm.
Quang cảnh Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.
Từ khi khánh thành Khu tưởng niệm đến nay, lưu truyền nhiều chuyện về sự linh thiêng, hiển linh của các vua nhà Mạc. Anh Mạc Như Tư, hậu duệ đời thứ 16 vua Mạc Thái Tổ, hiện là nhân viên bảo vệ Khu tưởng niệm, kể lại, cứ cách ngày, lại đến phiên trực đêm. Những hôm ở nhà thì ngủ rất ngon, nhưng buổi đêm khi ở đây, cứ rạng sáng trở đi như có người đánh thức dậy trông coi giấc ngủ cho các vua, thao thức đến sáng. Ngoài ra, còn có rất nhiều chuyện lạ như hiện tượng linh ứng “Thiên vân cảnh”- 5 đám mây ngũ sắc hình rồng kéo về chầu nơi Thái Miếu trong buổi lễ “Hô thần nhập tượng”, đàn bồ câu chao lượn vòng quanh lư hương đặt trong sân khi diễn ra những sự kiện quan trọng, lư hương trung thiên tự nhiên bùng cháy dưới trời mưa…
Phong cảnh đẹp, nhiều hiện vật quý giá, người dân thân thiện, cởi mở cùng những câu chuyện hư hư, thực thực trở thành điểm nhấn thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc. Đặc biệt, những người xa quê có dịp trở lại, ngoài sự cảm phục cùng lòng biết ơn vô hạn các bậc tiền nhân, còn thêm tự hào về một vương triều phát tích trên quê hương mình.
Thái Phan
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.