- Đang online: 1
- Hôm qua: 785
- Tuần nay: 17142
- Tổng truy cập: 3,413,007
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG TỔ CHỨC CÚNG GIỖ THÁI HOÀNG THÁI HẬU MẠC TRIỀU
- 254 lượt xem
HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG TỔ CHỨC CÚNG GIỖ THÁI HOÀNG THÁI HẬU MẠC TRIỀU
Ngày 13 và 14/6 Bính Thân – 2016, Hội đồng Mạc tộc TP. Hải Phòng đã long trọng tổ chức Lễ cúng giỗ Thái Hoàng Thái Hậu Mạc triều tại đền Thánh mẫu Mạc triều, trong khuôn viên Từ đường họ Mạc, Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng.
Về dự lễ có các đoàn khách của Huyện ủy, UBND, HĐND, MTTQVN huyện Kiến Thụy; Đảng ủy, UBND, HĐND, MTTQVN xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành thuộc huyện, xã. Đoàn Ban Quản lý Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc; Đoàn Ban Quản lý Di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai.
Các đoàn con cháu dòng họ Vũ – Võ TP. Hải Phòng, huyện Kiến Thụy, Hội đồng Vũ tộc Trà Phương, quê hương Thái Hoàng Thái Hậu.
Con cháu dòng họ có các đoàn: Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương, Ban Liên lạc họ Mạc thành phố Hà Nội, Ban Liên lạc họ Mạc tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Mạc tộc tỉnh Thái Bình, cùng đầy đủ các thành viên Hội đồng Mạc tộc TP. Hải Phòng, bà con cô bác dòng họ trong thành phố và các địa phương trên cả nước đã về dự đông vui.
DIỄN VĂN
Kỷ niệm ngày mất của Thái Hoàng Thái Hậu Bính Thân – 2016
Kính lạy Anh linh Thái Tổ, Thái Tông, các tiên đế, tiên vương Vương triều Mạc;
Kính lạy Anh linh Thái Hoàng Thái Hậu, các hoàng hậu, hoàng phi, công chúa Mạc triều;
Kính thưa các quý vị đại biểu, con cháu hai họ Mạc – Vũ; Quý khách thập phương và toàn thể nhân dân.
Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn sinh khoảng cuối thể kỷ XV, người làng Trà Hương, phủ Nghi Dương, xứ Hải Dương xưa (nay là thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Ngay từ nhỏ Bà đã nổi danh “chim sa cá lặn”, mặt hoa da phấn, tiếng nói trong, nhẹ như chim hót, đôi mắt sắc như dao cau, đôi má luôn ửng hồng như cánh sen mới nở. Không chỉ có nhan sắc trời cho, Bà còn nổi tiếng thông minh, cầm kỳ thi họa, ứng đối tuệ minh. Vậy mà Vũ Thị Ngọc Toàn đã chọn Mạc Đăng Dung làm người bạn đời trăm năm cho mình. Huyền thoại về đôi trai tài, gái sắc được người đời ca tụng đúc rút thành vần thơ, câu đố tuyệt mỹ, để đời, truyền tụng tới hôm nay “Cổ Trai đế vương; Trà Phương công chúa”.
Hai mươi năm về làm dâu họ Mạc, Vũ Bà không chỉ giúp chồng lập công danh, làm quan đầu triều, mà còn trợ giúp hai em ruột chồng là Mạc Đăng Đốc và Mạc Đăng Quyết cùng đích tử Mạc Đăng Doanh học hành thành đạt, được vua Lê phong tước Từ Quận công, Tín Quận công. Khoảng đầu thời Quang Thiệu, Mạc Đăng Doanh được phong tước Dục Mỹ hầu, coi điện Kim Quang. Năm Canh Dần (1530) được nối ngôi cha, mười năm ở ngôi, xây dựng quốc gia thịnh trị, yên bình, được các sử gia ca ngợi là bậc vua hiền. Khi chồng làm quan tại triều, Hoàng Thái Hậu Ngọc Toàn đã tranh thủ người đồng tộc, đồng hương là Vũ Hộ, quê làng Thù Du, nay thuộc xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, một tướng tài, làm chức Đô đốc, Tổng trấn xứ Sơn Tây; Thượng thư bộ Lễ là Phạm Gia Mô, quê làng Lê Xá; Thái úy Nguyễn Như Quế, quê làng Đại Trà, đều thuộc phủ Nghi Dương; thầy Nguyễn Chuyên Mỹ, quê làng Thạch Lựu, huyện An Lão, một nhà giáo tài đức, đông học trò … đồng tâm giúp chồng.
Mạc Đăng Dung dựng nghiệp đế vương nhờ có công đóng góp rất lớn của người vợ họ Vũ. Khi chồng làm vua 3 năm (1527 – 1529), rồi truyền ngôi cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng, nhưng vẫn định đoạt việc triều chính suốt 12 năm nữa. Chính cung hoàng hậu Vũ Bà cai quản nội cung, với tính nghiêm minh, chính trực, sáng suốt, lại nhân từ, cung nữ đều kính tin, mến phục: các hoàng tử, công chúa, hoàng thân quốc thích tất thẩy đều ra sức phụng sự vương triều, thượng tôn pháp chế. Thời con, cháu, chắt Bà làm vua, việc cai quản nội cung Bà đều giao để các hoàng hậu đảm đương theo phép nước.
Những đóng góp của Bà thông qua các việc làm cụ thể như khuyến khích việc tập hợp dân chúng khai hoang mở rộng diện tích cấy trồng; bỏ tiền mua và ban ruộng đất cho nông dân, tá điền; đứng ra quyên góp để xây mới, sửa chữa chùa chiền, cầu, quán, chợ… Số tiền, số ruộng nhiều, nhưng quan trọng là đã lôi cuốn được các hoàng thân, quốc thích, đại thần, bá quan văn võ trong triều, những người giàu trong xã hội tham gia, tạo thành một nét văn hóa ứng xử, nêu cao thuyết: “Vì dân” để tập hợp dân chúng ủng hộ vương triều. Bà còn là người khởi xướng, đặt nền móng cho tục thề, đã trở thành lễ hội dân gian, được nhân dân địa phương lưu truyền đến ngày hôm nay đó là Lễ hội Minh Thề, thề trước thần linh liêm, minh, chính, trực, không lấy của công làm của riêng. Tư tưởng, lẽ sống của Bà thông qua tục thề này được người đời thực hiện càng có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn hiện nay. Đó là tham nhũng, lãng phí đã trở thành quốc nạn, chống tham nhũng, lãng phí đã trở thành nhiệm vụ sống còn của chế độ của chúng ta. Công đức của Bà đã được người đời tôn vinh, ca tụng là Mẫu nghi thiên hạ, Phật sống trần gian.
Ở ngôi mẫu nghi thiên hạ, trăm công ngàn việc, song, Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không quên ân nghĩa quê cha đất tổ. Bà ân lệnh từ quan quân cho chí dân chúng nhất tề kéo nhau về đất Trà Phương, phong hầu kiến ấp, sinh cơ lập nghiệp, từ đó dựa vào phong thủy trời ban để sản sinh nhiều mỹ nhân cho đời như: Bảo Gia thái trưởng công chúa, Phúc Nghi thái trưởng công chúa, Phúc Thành trưởng công chúa, Thọ Phương thái trưởng công chúa, rồi Vinh quốc thái phu nhân, Tĩnh quốc thái phu nhân… Khi Thái tổ Mạc Đăng Dung băng hà, với tiết hạnh và đức độ của mình, Thái Hoàng Thái Hậu vào quy ẩn trong chùa Trà Phương. Cũng từ đó, Bà dốc toàn bộ tâm lực vào việc mở quán, xây cầu, lập chợ và hưng công trùng tu tôn taọ chùa chiền. Bia ký còn ghi lại, Đức Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ đã cúng tiến 6.000 lá vàng, 30 mẫu ruộng, hàng vạn quan tiền cùng không biết cơ man nào là cột, kèo, gạch, ngói để trùng tu các ngôi cổ tự, suốt dọc từ Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương cho đến Bắc Ninh ngày nay.
Với những đóng góp to lớn cho Vương triều và xã tắc, Bà được người đương thời tôn vinh, phụng thờ, tạc tượng tại nhiều đền, chùa trên khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và nhất là trên quê hương Bà. Công đức của Thái Hoàng Thái Hậu để lại tấm gương sáng cho giới nữ muôn đời về tu tâm tích đức, xây dựng gia đình, tề gia, trợ quốc. Để ghi nhớ công đức của Thái hoàng Thái hậu, con cháu dòng họ đã có nhiều hoạt động thiết thực như tham gia Hội thảo Khoa học về thân thế, sự nghiệp của Thái hoàng Thái hậu năm 2012; xây dựng đền thờ Thánh mẫu Mạc triều trong khuôn viên từ đường họ Mạc. Đầu Thu năm Quý Tỵ – 2013, con cháu hai họ Mạc – Vũ nhất tâm, lòng dân ưng thuận, đền thờ Thánh Mẫu trên đất Cổ Trai phát đế được hưng công. Gian khó thử tâm, lòng người cố kết, người hiến của, kẻ góp công, gỗ tốt mua về, thợ tài tuyển chọn, đầu Hạ năm Giáp Ngọ – 2014, đền được cáo thành. Thờ tự uy linh, chân linh thần tượng Đức Thánh Mẫu Mạc triều, cùng các Chính cung Hoàng hậu được về đoàn tụ, phụng thờ cùng Thái Tổ, Thái Tông nơi đất tổ và đây cũng là nơi phụng thờ các hoàng phi, công chúa vương triều Mạc, đồng thời cũng là nơi vinh danh những phụ nữ của dòng họ, của địa phương tài đức nổi bật, có nhiều đóng góp to lớn cho dân, cho nước, cho dòng họ qua các thời đại – một hạng mục công trình có ý nghĩa đặc biệt trong quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia: Từ đường họ Mạc Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng. Tiếp theo chỉ dẫn của Tiên Tổ và Thái Hoàng Thái Hậu, đầu xuân Bính Thân vừa qua vào giờ Tý, canh Ba, ngày 18 tháng 02 Bính Thân con cháu trong họ đã khai thiên, động thổ khơi lại Giếng thiêng. Trong quá trình thi công giếng Thái Hoàng Thái Hậu Anh linh cũng đã hiện về ngợi khen, động viên con cháu và Ngài đã bỏ những viên ngọc trắng trong, tinh khiết. Thánh mẫu đã đặt tên cho giếng thiêng là Giếng Ngọc – Mắt Rồng. Quả đúng như Tiên Tổ và các bậc thánh hiền đã dạy bảo khơi lại giếng xưa nơi đất tổ linh thiêng, long mạch đã được bồi hoàn, hấp thu được linh khí của trời đất cho dòng nước mát, hội tụ chảy về Từ đường, cũng là dẫn lối, chỉ đường cho con cháu muôn phương tìm về đất tổ. Bởi vậy sức mạnh về tinh thần và vật chất sẽ được phát huy, việc họ sẽ được hanh thông, thuận lợi. Điều ứng báo đó quả thật linh nghiệm. Sau gần 4 năm ách tắc, chờ đợi thủ tục cho phép tu bổ tôn tạo, mở rộng Từ đường có lúc tưởng chừng vô vọng, con cháu phải chịu tội với Thái Tổ, Thái Tông, Thái Hoàng Thái Hậu, thì vừa qua ngày 7 tháng 7 năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố có cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì tháo gỡ vướng mắc cho dự án này. Việc quan trọng trước tiên là thành phố đã chỉ đạo, quán triệt các cấp, các ngành ủng hộ, tạo điều kiện các thủ tục để dự án có thể thực hiện được. Hy vọng trước Ngày đại giỗ của Thái Tổ, thủ tục cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố sẽ xong để con cháu hoan hỷ, bước đầu tri ân báo công với các Tiên đế, Tiên vương, Thái Hoàng Thái Hậu và các Hoàng hậu, hoàng phi, công chúa Vương triều.
Kính lạy Thái Hoàng Thái Hậu!
Ngày hôm nay con cháu hai họ Mạc – Vũ cùng các quý vị đại biểu; quý khách thập phương, nhân dân địa phương hội tụ về đây nhất tâm, nhất cầu, lễ bạc lòng thành, thắp nén hương thơm tưởng nhớ công đức Thánh mẫu như trời cao, biển rộng, cầu mong cho Đức Thánh Bà nơi bồng lai, tiên cảnh mở lòng bác ái, phù hộ độ trì cho con cháu trăm họ sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt, tích đức, tu tâm, làm nhiều việc họ và hoàn thành trách nhiệm với xã hội, đất nước.
Cháu con dòng họ thành tâm cúi đầu cẩn cáo, cẩn cáo, cẩn cáo !
Một số hình ảnh trong buổi lễ:
1. Tế lễ Tiên tổ
2. Qúy khách cùng con cháu dòng họ nghiêm trang trong lễ Mạc tộc ca
3. Ô. Hoàng Văn Kể, Chủ tịch HĐMT Hải Phòng khai lễ, trình diễn văn kỷ niệm ngày Thái Hoàng Thái Hậu băng hà.
4. Ô. Thái Khắc Việt, Chủ tịch HĐMT Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
5. Đoàn Lãnh đạo xã Ngũ Đoan, dâng hương.
6. Đoàn Hội đồng Vũ tộc Trà Phương dâng hương
7. Đoàn HĐMT Việt Nam dâng hương
8. Đoàn HĐMT Hải Phòng dâng hương
9. Đoàn HĐMT Hải Dương dâng hương
10. Đoàn BLL họ Mạc Hà Nội dâng hương
11. Đoàn BLL họ Mạc Quảng Ninh dâng hương
12. Đoàn Tuổi trẻ Mạc tộc Việt Nam dâng hương
13. Đoàn Mạc tộc huyện Thủy Nguyên, dâng hương
14. Đoàn HĐMT huyện Tiên Lãng, dâng hương.
15. Đoàn họ Hoàng gốc Mạc thôn Trâm Khê, Tiên Lãng, dâng hương
16. Đoàn họ Hoàng gốc Mạc quận Dương Kinh, dâng hương
17. Bà con cô bác dự lễ giỗ Tổ nhận nước từ Giếng Ngọc về dùng cho con cháu dòng họ.
Do dung lượng bản tin có hạn, không đăng hết các lễ dâng hương, BBT xin thành tâm cáo lỗi cùng bà con cô bác dòng họ.
Tin: Hoàng Sơn Hiền – CVP HĐMT Hải Phòng
Viết bình luận
Tin liên quan
-
10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ CỦA HĐMT HẢI PHÒNG NĂM GIÁP THÌN 2024
-
HẢI PHÒNG HỌP BÁO HỘI THI VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
-
HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC, XUÂN ẤT TỴ 2025
-
HẢI PHÒNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
-
LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ LẦN THỨ 351 THỦY TỔ HỌ MẠC CỔ TRAI
-
HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA THÔNG QUA ĐỀ ÁN VINH DANH CỤM DI TÍCH NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG
-
10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
-
HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
-
ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
-
ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ THÁNH MẪU MẠC TRIỀU
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC