- Đang online: 2
- Hôm qua: 703
- Tuần nay: 16959
- Tổng truy cập: 3,412,925
DÒNG HỌ TÂY KỲ VƯƠNG NGUYỄN KÍNH TỔ CHỨC LỄ GIỖ 422 NĂM NGÀY MẤT CỦA THÁI BẢO ĐÀ QUỐC CÔNG MẠC NGỌC LIỄN
- 1236 lượt xem
DÒNG HỌ TÂY KỲ VƯƠNG NGUYỄN KÍNH TỔ CHỨC LỄ GIỖ 422 NĂM NGÀY MẤT CỦA THÁI BẢO ĐÀ QUỐC CÔNG MẠC NGỌC LIỄN
( Ngày 02 tháng 7 năm Giáp Ngọ 1594 – 02/7/ Bính Thân -2016)
Ngày 04 tháng 8 năm 2016 tức là ngày 02 tháng Bảy năm Bính Thân tại Chùa Bảo Quang tự thuộc xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, dòng họ Trung thành Tây Kỳ vương Nguyễn Kính đã long trọng tổ chức lễ cúng giỗ lần thứ 422 năm ngày mất của Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn (1594-2016). Về dự lễ cúng giỗ có Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam – Thái Khắc Việt, Phó Chủ tịch thường trực HĐMTVN Hoàng Trần Hòa. Tiến sỹ Phan Đăng Long –Trưởng ban, ông Nguyễn Trọng Tuấn và ông Phạm Quốc Toàn – Phó Trưởng ban Liên lạc Mạc tộc Hà Nội. Ông Phạm Hải – Dịch giả Trung tâm nghiên cứu Phả học Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Dị Nậu cùng đông đảo con cháu trong các chi họ ở Hà Nội và các tỉnh đã về dự. Sau lễ tế của các Đoàn đại biểu và con cháu các chi trong dòng họ và bài phát biểu ghi nhận công đức của cụ Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, mọi người đã nghe các lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam – Thái Khắc Việt và Trưởng ban Liên lạc Mạc tộc Hà Nội – Tiến sỹ Phan Đăng Long. Các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết, ghi nhận công lao, sự đóng góp to lớn của cha con cụ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính và Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn với sự nghiệp của nhà Mạc và đất nước Đại Việt ở thế kỷ XVI – XVII tại kinh đô Thăng Long và vùng đất Cao Bằng. Trong đó cụ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính người con của mảnh đất Dị Nậu được coi là một trong những vị “Khai quốc, công thần” của nhà Mạc. Cụ Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn được coi là trọng thần số 1 có liên quan đến vận mệnh của nhà Mạc sau khi rời Thăng Long về đất Cao Bằng. Buổi lễ đã diễn ra trong không khí mát mẻ của ngày đầu thu trong sáng, tạo nên sự gắn kết anh em trong dòng họ và mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa hai dòng họ Mạc – Nguyễn. Sau buổi lễ, ai cũng cảm thấy phấn khởi và tự hào về các cụ tổ, những danh nhân văn hóa của quê hương, cùng nhau đoàn kết đóng góp công sức, trí tuệ phát triển dòng họ cùng quê hương ngày càng lớn mạnh góp phần xây dựng và đi lên cùng đất nước.
BÀI PHÁT BIỂU CỦA KS- NHÀ BÁO NGUYỄN QUANG TÌNH. VIỄN DUỆ DÒNG HỌ MẠC NGỌC LIỄN VÀO NGÀY KỶ NIỆM 422 NĂM (1594 -2016) NGÀY GIỖ CỤ ĐÀ QUỐC CÔNG
(Mồng 2 tháng 7 năm Bính Thân tại quê hương xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất)
– Kính thưa các quý vị khách quý và quý vị đại biểu!
– Kính thưa toàn thể bà con nhân dân xã Dị Nậu, quê hương của Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn
– Thưa các quý bà, quý ông…
Hôm nay là một ngày đầu thu trong sáng, vượng khí mát lành quê hương tiên tổ. Đàn cháu, con hậu duệ, viễn duệ của Thái bảo Quốc công Mạc Ngọc Liễn trong đó có chi họ Nguyễn Tuấn xã Dị Nậu thuộc dòng họ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính ở nhiều nơi trong cả nước cùng nhau tụ tập về chốn tổ để vui mừng được đón tiếp các quý vị và bà con nhân dân trong xã Dị Nậu về chung vui kỷ niệm và tưởng nhớ 422 năm ngày giỗ cụ Thái bảo Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn. Mồng 2 tháng bảy âm lịch năm Giáp Ngọ (1594) – mồng 2 tháng bảy năm Bính Thân (2016).
Kính thưa các quý vị!
Cụ Mạc Ngọc Liễn tên thật là Nguyễn Ngọc Liễn. Là con trai thứ 2 của cụ thủy tổ Tây Kỳ vương Nguyễn Kính. Cụ Liễn được sinh ra tại làng Cổ Nậu, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội) vào năm Mậu Tý -1528. Cụ được nuôi dưỡng tại quê hương và sau đó lớn lên, học hành và trưởng thành tại kinh đô Thăng Long.
Khoảng hơn 20 tuổi cụ Liễn đã giữ chức Đô uý ngạn Quận công Chưởng phù tây vệ. Cụ lấy con gái trưởng của vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) là Thái trưởng công chúa Phúc thành Mạc Thị Ngọc Lâm nên gọi là phò mã Ngạn quận công. Được vua Mạc ban quốc tính họ vua nên gọi là Mạc Ngọc Liễn.
Là một danh tướng kiệt xuất, văn võ song toàn và lại là người thân thiết của nhà Mạc, cụ đã hết lòng phò tá cho nhà Mạc, được các triều vua Mạc rất quý trọng và tin cậy, đã từng được phong chức tước cao cả và gánh vác những trọng trách lớn nhất với các triều nhà Mạc .
Vào năm Giáp thân (1584) niên hiệu Diên thành thứ bảy nhà Mạc được cụ được phong tước Đà Quốc công. Năm Bính tuất (1586). Niên hiệu thứ nhất Đoan thái nhà Mạc, phong Cẩn lễ công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Trung quân đô đốc phủ, tả đô đốc, Chưởng phụ sự kiêm Tôn nhân phủ hữu tôn chính, phò mã đô uý Thái bảo Đà quốc công Thượng trụ quốc. Sau lại được phong Khai phủ phụ quốc công thần, tu nghị triều chính kiêm tôn nhân phủ, tôn nhân lệnh Thái phó Đà Quốc công.
Là người thân tín, có nhiều công lao đối với nhà Mạc. Năm (1592) khi nhà Mạc thất thế, cụ đã là tổng chỉ huy cuộc rút lui đưa tôn thất nhà Mạc về vùng đất Cao Bằng. Trong đó có những vùng như ở châu Vạn yên (Lạng sơn) và Châu yên (Bắc giang )… Năm Quý Tỵ (1593) cụ Liễn đã tìm con trai của Khiêm vương Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung lên làm vua, cụ Liễn làm phụ quốc chính, đặt niên hiệu Càn thống năm thứ nhất. Khi việc lập vua và ổn định được nhà Mạc ở Cao Bằng. Năm Giáp Ngọ (1594) cụ Liễn rời về châu Vạn ninh (tỉnh Quảng Yên nay là tỉnh Quảng Ninh) để chỉ huy việc xây dựng thành, lũy và các căn cứ phòng thủ, huấn luyện quân sỹ. Khu vực quân sự và hệ thống bảo vệ dần dần đi vào ổn định. Do việc đi lại và chỉ huy cùng với biết bao nhiêu công việc quan trọng khác cho một vương triều mới được thành lập tại phía bắc của nhà Mạc. Thời tiết cũng rất khắc nghiệt đã làm cụ Liễn bị ốm nặng rồi tạ thế vào ngày 02 tháng 7 tại đây ( năm Giáp ngọ ) thọ 67 tuổi .
Trước khi qua đời cụ Nguyễn Ngọc Liễn đã có thư để lại khuyên vua Mạc Kính Cung ” Khi số nhà Mạc đã hết, nhà Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta vô tội mà để cho mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế. Ta nên lánh mình ngoài cõi, dấu tiết đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, nếu hai hổ đánh nhau tất phải một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến ta nên tránh, chớ có đánh nhau, cốt phải giữ cẩn thận là hơn. Lại nên nhớ kỹ chớ có mời người Minh vào trong nước ta, để đến nỗi dân ta phải chịu lầm than, thì đó là một tội không gì nặng bằng”.
Bức thư này được ghi trong gia phả (bản dịch gốc chính của dòng họ có khác một vài dòng đã được công bố trên trang mactoc.com cùng các phương tiện thông tin đại chúng vào đầu năm 2015), và các sử sách Việt Nam qua các triều đại cho đến ngày nay (sách Đại Việt sử ký toàn thư trang 723 – tập II, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin năm 2004) . Những lời tâm huyết đó đã nói rõ sự hiểu biết về thời thế, lòng yêu nước thương dân, ý thức tự tôn dân tộc rất cao của cụ Liễn. Các nhà sử học đã nhận định “ Mạc Ngọc Liễn xứng đáng là con của danh tướng Nguyễn Kính. Hai đời cha con ông phò tá cả 5 đời vua Mạc, từ khi bắt đầu sự nghiệp đến khi kết thúc một triều đại. Sau Khiêm vương Mạc Kính Điển, có lẽ Mạc Ngọc Liễn là chỗ dựa lớn nhất của nhà Mạc. Mạc Ngọc Liễn một đời tận trung với nhà Mạc, dù vật đổi sao dời vẫn không thay đổi lòng trung. Các sử gia ngày nay vẫn đánh giá rất cao lời di chúc có một không hai trong lịch sử. Về mặt chiến thuật đó là phải tránh thế mạnh khi kẻ địch đang mạnh. Sự tài tình và am hiểu binh pháp tường tận của cụ lúc đó rất hợp lý đối với phe yếu như tương quan lực lượng giữa Lê và Mạc thời kỳ sau. Vua tôi nhà Mạc nhờ theo kế sách của cụ Liễn đã giữ được đất Cao bằng trong gần 10 đời với gần 100 năm nữa sau khi cụ mất. Nhìn lại quá trình lịch sử cho thấy hậu quả của sự đô hộ của nước ngoài thật vô cùng thảm khốc, cụ Liễn hơn ai hết rất thấm thía bài học và nỗi đau của dân tộc về chiến tranh. Trước đó dù chỉ 20 năm đô hộ của nhà Minh(1407-1427) đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho đất nước. Suốt gần 200 binh hỏa liên miên, các nhân vật cao cấp của các chính quyền cai trị chỉ say sưa với chiến trận và bảo vệ quyền lợi của riêng mình, nhưng trong đó đã lóe sáng lời dặn của Mạc Ngọc Liễn. Kể từ khi Nguyễn Trãi mất, trong một khoảng thời gian dài của lịch sử đến khi nhà Mạc mất mới lại có một vị quan đại thần biết lo đến nỗi thống khổ của nhân dân Đại Việt về nạn binh đao và họa ngoại xâm, biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của mình. Nhà Mạc sau Thái Tổ và Thái Tông không có thêm vua giỏi, vua Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp lên ngôi khi còn rất trẻ nên kinh nghiệm điều hành đất nước chưa có nhiều, nhưng có bầy tôi giỏi như Khiêm vương Mạc Kính Điển, Quốc công Mạc Ngọc Liễn đã cứu vãn hình ảnh của nhà Mạc suốt thời kỳ nhà Mạc trị vì tại Thăng long.Trong lịch sử rất nhiều vua và đại diện một số triều đại khi bị mất ngôi thì lại ra nước ngoài cầu cứu mượn viện binh về đánh người trong nước, gây nên bao cảnh huynh đệ tương tàn, đầu rơi, máu chảy. Riêng nhà Mạc khi bị mất ngôi, đã biết nghe theo lời dặn của cụ Liễn, biết cách rút lui khỏi chính trường và theo đó không để lại sự oán thoán, chê trách của hậu thế. Giáo sư Trần Gia Phụng là tác giả đã viết trong bài “ Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử” có bình về lời lẽ trong chúc thư của cụ Liễn “Đây không phải là lời nói suông trong cảnh trà dư, tửu hậu, nhưng đây là lời tâm huyết của một con người sắp nằm xuống trong cơn hoạn nạn cùng cực vì mất nước. Suốt trong lịch sử Việt Nam, chúng ta thường được nghe những lời nói của Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Đặng Dung, hào hùng như vó ngựa tổ tiên, nhưng ít khi được đọc những lời dặn dò như Mạc Ngọc Liễn – Nhân bản, đầy tính tự tôn dân tộc không khác gì lời ru êm ái trong những câu ca dao mộc mạc”. Sử sách của Ngô Sỹ Liên và Lê Quý Đôn mặc dù trong quan điểm nhìn nhận về nhà Mạc còn có nhiều điểm hạn chế do tư tưởng trung quân gò bó gọi nhà Mạc là ngụy triều hoặc cướp ngôi nhà Lê … nhưng đều phải ghi nhận và khen ngợi một lời di chúc vô cùng đôn hậu và chứa chan tình yêu nước thương dân của một đại thần nhà Mạc là Phò mã Đô uý Thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn.
Kính thưa toàn thể các quý vị, các quý bà, quý ông…!
Cụ Liễn làm quan tới chức Quốc công là vị quan đầu triều. Chức quốc công được hiểu tương đương như Thủ tướng ngày nay. Cụ cùng các con trai, con gái đều được phong tước “ Công” như Quốc công, quận công. Con gái được gọi là quận chúa.(Công- hầu- bá- tử- nam)
Tuy làm quan đại thần, dưới một người, trên muôn vạn người, ngày đêm lo việc nước, việc quân giúp cho nhà Mạc “an dân- trị quốc” cùng biết bao nhiêu nỗi lo khác cho quê hương, đất nước. Cha con cụ Liễn đã hết lòng quan tâm xây dựng và để lại cho hậu thế nhiều công trình, đặc biệt trong vai trò trọng thần số 1 của triều Mạc, cụ Liễn đã để lại những công trình tiêu biểu như:
1- Chùa Bảo Quang tự – xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất quê hương của cụ với số tiền, vàng, ruộng còn ghi rõ tại văn bia nhà chùa bao gồm: 3 thửa đất các xứ An Trạch, Đồng Mai, Đồng Hòa, 01 thửa ao ở An Trạch xứ. Vàng, bạc là 10 cân để làm nơi thờ tự, cúng tế của dân làng. Bia công đức lập năm 1637.
2- Năm 1544 – Giáp Thìn cụ Liễn đã cùng vợ là Thái trưởng công chúa Phúc thành Mạc thị Ngọc Lâm đã đại tu và xây dựng lại chùa Linh tiên quán ( làng Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) ngoài số của cải để xây dựng còn có 10 mẫu ruộng cúng làm vật tam bảo quán Linh Tiên để lo đèn nhang lưu truyền mãi mãi. Đây là một di tích gắn liền với tể tướng Lữ Gia nhà Triệu nước Nam Việt, trước đó Linh tiên Quán đã nhiều lần được tu sửa nhưng tới lần vợ chồng cụ tu sửa mới để lại cho hậu thế một công trình văn hóa với quy mô bề thế bằng gỗ như ngày nay. Vợ chồng cụ Liễn còn có một tác phẩm nghệ thuật vô giá là đôi chân đèn men ngọc lam dòng gốm Chu Đậu thế kỷ XVI có ghi rõ tên, chức tước, sắc phong của các cụ cúng tiến vào Chùa Linh tiên. Hiện nay còn một chiếc đang lưu giữ ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.
3- Gia đình cụ Liễn còn tu bổ đền Lũng Dâu ( huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Sỹ Nhiếp là ông tổ Hán học ở Việt Nam. Đền Lũng được xây dựng với quy mô to lớn từ khi cụ Liễn thực hiện, với 5 tòa nhà liền nhau, hai bên tả hữu có lầu, phía trước là hồ có cầu đá bắc qua, bên ngoài dựng môn lâu, ngoài nữa sát sông là Dâu là Vọng Giang Lâu.
4- Khi còn đương chức tại Thăng Long, cụ Liễn cùng vợ là Thái trưởng công chúa Phúc Thành Mạc Thị Ngọc Lâm đã về tại chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định) hai cụ đã cúng tiến rất nhiều của cải để xây dựng lại ngôi chùa. Trong đó sử sách còn ghi rõ là 36 cây gỗ tứ thiết (gỗ lim) toàn bộ số xà gồ trên mái vẫn ghi rõ tên tuổi của các cụ. Hiện nay các dòng chữ Hán vẫn còn rất rõ và sắc nét để đọc được.
Ngoài các điểm di tích chính đã nêu trên, các cụ còn có rất nhiều công lao xây dựng tôn tạo các công trình thờ tự như: Am Động Tiên ở Sài Sơn, Chùa Hưng Khánh ở Tây Tựu – Từ Liêm. Chùa Thiên Niên Cổ tự ở Trích Sài, phường Bưởi, hiện giờ chùa nằm ở trung tâm đường phố Lạc Long quân, quận Tây Hồ, đình Trích Sài thuộc phường Bưởi, quận Ba Đình, quán Hội Tiên ở Phượng Trì… và còn rất nhiều điểm di tích còn lại mà chúng tôi chưa thể thống kê hết được. Bên cạnh việc xây dựng, tu bổ các Đình, chùa, quán… các cụ còn đầu tư nhiều tiền của xây dựng cầu, cống, đường, xá đi lại cho dân.Trong các cầu lớn còn lại mà nhân dân vẫn gọi là cầu Cự Thạch ở huyện Thạch Thất. Hiện nay tại các xã Chàng Sơn, Thạch xá, Dị nậu … nhân dân vẫn thường thấy các tấm đá xanh rất lớn dùng đề làm cầu đi lại, nhân dân vẫn tôn kính gọi là đá Cụ Đà. Ngoài ra phải kể đến khi cụ Liễn đưa nhà Mạc về Cao Bằng, cụ đã hết lòng quan tâm giúp dân chăm lo xây dựng cuộc sống. Nhớ ơn cụ một làng ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã mang tên Đà Quận, tức là đặt theo chức Đà Quận công. Dân làng đã lập một ngôi chùa để tưởng nhớ cụ. Hội chùa diễn ra vào ngày 9 tháng giêng hàng năm. Hiện nay ngôi chùa này là Di tích quốc gia nằm tại phường Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng.
Lịch sử kể từ khi cha con cụ khởi tổ Tây Kỳ Vương Nguyễn Kính xuất thân từ ngôi làng Cổ Nậu đến cụ Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn đến nay đã đi qua hơn 5 thế kỷ, biết bao thăng trầm mà dân tộc và các thế hệ được chứng kiến. Chúng ta những thế hệ con, cháu, các hậu duệ, viễn duệ… được thừa hưởng những công lao và thành quả của các cụ để lại và cả những lời căn dặn của cụ Liễn khi qua đời làm bài học về tính nhân văn cao cả để càng thêm tự hào về người con của quê hương, xây dựng mối đoàn kết, tình thân ái, cố gắng làm được nhiều điều tốt, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp để mãi mãi xứng đáng với quê hương xứ Đoài nổi tiếng địa linh, nhân kiệt. Chúng tôi cũng thiết tha mong muốn, trải qua thời gian lịch sử sẽ phải được xem xét một cách nghiêm túc, định rõ công lao to lớn của các cụ đã để lại cho quê hương và hậu thế, để khỏi buồn lòng các thế hệ cháu, con và quê hương qua hơn 500 năm vẫn chưa làm được cái việc “ Danh phải chính, ngôn phải thuận” để góp một phần làm đẹp lòng người xưa đã cả đời hy sinh vì dân vì nước như cụ Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn. Để tưởng nhớ cụ tôi xin có lời thơ rằng:
Cứ mỗi năm vào ngày hai tháng Bảy,
Dòng họ cháu, con lại tưởng nhớ cụ Đà.
Mang họ vua, tên gọi là Ngọc Liễn,
Hơn bốn trăm năm cuộc đời dâu, biển.
Cùng bao nhiêu bão táp, can qua…
Đất Dị Nậu là nơi phát tích của ông, cha.
Chức Quốc công, phò mã vua nhà Mạc,
Công trạng lẫy lừng, kính vua, yêu nước.
Hai cha, con phò tá cả năm đời vua Mạc,
Từ Thăng Long rồi về đất Cao bằng.
Trong chiến đấu cụ mạnh mẽ, vô song,
Về đời thường cụ thương dân, thờ Phật.
Gia tài có bao nhiêu bạc, vàng, tiền tài, vật chất…
Cụ xây dựng đền, chùa và cầu cống cho dân.
Mảnh đất Xứ Đoài là chỗ dựa tinh thần,
Cả cho Vua với dân cùng tồn tại.
Chùa Dị Nậu, Phổ Minh, Quán Linh Tiên, đền Lũng Dâu… sẽ còn lưu truyền mãi mãi!
Với thời gian và các thời đại sẽ đi qua,
Trong cuộc đời giúp Vua giữ vững được sơn hà.
Khi hấp hối còn dặn Vua chớ mời người Minh vào trong nước,
Đó là tội không có gì sánh được.
Lời di chúc nặng ân tình non nước.
Sáng mãi dấu son trong lịch sử ngàn đời!
Thời nhà Mạc vững biên cương phên dậu, núi đồi…
Không có ngoại xâm, mọi nhà yên vui no đủ,
Cho đến hôm nay thời gian tuy xưa cũ.
Hơn bốn trăm năm cũng đủ để đánh giá ghi công
Một thời đại các vua Nhà Mạc
Hơn thế kỷ từ Thăng Long nối tiếp đến Cao Bằng
Bao dấu tích và lòng dân ghi nhớ
Lịch sử sáng dần, lịch sử sẽ ghi công…
Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn còn sống mãi với lịch sử và thời gian.
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe quý vị!
Tác giả: KS Nhà báo: Nguyễn Quang Tình
viễn duệ chi họ Nguyễn dòng Mạc Ngọc Liễn
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ CỦA HĐMT HẢI PHÒNG NĂM GIÁP THÌN 2024
- HẢI PHÒNG HỌP BÁO HỘI THI VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC, XUÂN ẤT TỴ 2025
- HẢI PHÒNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ LẦN THỨ 351 THỦY TỔ HỌ MẠC CỔ TRAI
- HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA THÔNG QUA ĐỀ ÁN VINH DANH CỤM DI TÍCH NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- HỘI KIẾN SONG PHƯƠNG HĐMT HẢI PHÒNG – CÁC DOANH NHÂN TRONG ĐOÀN KHÁCH DL TRUNG QUỐC VỀ THĂM ĐỀN THỜ CÁC VUA TRIỀU MẠC (TỪ ĐƯỜNG HỌ MẠC) TẠI NGŨ ĐOAN, KIẾN THỤY, HP 29.12.2023.
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ ĐỨC MẠC THÁI TỔ QUÝ MÃO 2023
- ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ THÁNH MẪU MẠC TRIỀU
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC