- Đang online: 4
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19675
- Tổng truy cập: 3,370,221
Thái Công Trình hết mình vì dân vì nước
- 1321 lượt xem
Cụ là con trai thứ 3 của cụ tổ Thái Công Trì ở làng Ngọc Lâm, xã Đức Lâm huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh thuộc về Chi thứ 3, đời thứ 13. Thuỷ tổ họ Thái là Mạc Đăng Bình (thế tử của Mạc Tuyên Tông- Mạc Phúc Nguyên).
Cụ Thái Công Trình lúc nhỏ không được đi học vì gia đình phải dành cho hai anh theo đuổi học hành và việc quan trường. Còn cụ Trình tự nguyện ở nhà lo việc sản xuất và phụng dưỡng cha mẹ. Cụ đã gần tam tuần mà chưa có vợ vì nhà nghèo.
Cụ Thái Công Trình vốn có tư chất thông minh, sức lực khoẻ mạnh, diện mạo như hổ tướng- May nhờ các bạn của cha là cụ Cử Quyên và cụ Tứ Khải hết lòng giúp đỡ, làm mai mối tác thành cưới được vợ là cụ bà Lê Thị Thiết con gái đầu của cụ Bố Lê Khanh ở làng Trung Lệ (xã Đức Trung). Các cụ tâm đầu ý hợp cùng nhau xây dựng gia đình thật hạnh phúc và giúp việc xã hội, có công to lớn.
Thời ấy ở quê nhà hàng năm đến mùa thu, năm nào cũng bị lũ lụt, nước quét trôi hết, không sản xuất được nhân dân khắp vùng rất đói khổ. Trước cảnh ấy cụ Thái Công Trình có sáng kiến là khi bị lụt, cụ lội tìm khắp các cánh đồng, gò bãi, các đồng bỏ hoang của làng khác… Biết được nơi nào có nhiều bùn đất xốp do phù sa đọng lại thì đánh dấu. Đồng thời cụ chọn các gò đất cao lụt không ngập tới, làm đất gieo mạ thật nhiều chờ sẵn. Khi nước lũ vừa rút dần ra liền cho cày bừa, đắp bờ giữ nước rồi cấy lũa, cùng vận động dân làng cày cấy hết các nơi đã làm dấu… Quả nhiên vài tháng sau lúc tốt, được mùa to thu hoạch rất nhiều lúa cho gia đình, cho dân làng mình, còn giúp được một phần cho dân làng lân cận, nhờ vậy nhiều năm liền đã cứu nhiều người thoát khỏi nạn đói khổ, còn khai phá thêm nhiều đồi bãi thành ruộng vườn màu mỡ. Địa phận của làng thêm mở rộng, núi đồi bãi hoang bị đẩy lùi, nhân dân ấm no, nhiều người lại đến tiếp tục cư trú thêm đông, nhờ vậy mà xây được đền, miếu, nhà thờ, trường học vững chắc to đẹp hơn. Đường sá giao thông hàng tổng được bồi bổ to rộng hơn…
Đồng thời gia đình cụ Thái Công Trình trở nên giầu có, họ Thái lớn mạnh thêm. Khi hai người anh trở về quê, cụ đã đem một phần ruộng vườn cho các anh xây dựng tổ ấm. Cụ Thái Công Trình còn mời thầy chọn đất, đặt hướng nhà ở, xây nhà thờ Trung Tôn để thờ phụng tổ tiên được trang nghiêm, cụ đặt các phần ruộng hương hoả của nhà thờ để hương khói tổ tiên, can cố ông bà cha mẹ… Đặt ruộng khoa điền để khuyến khích các cháu chắt học giỏi đỗ đạt cao. Đặt ruộng binh điền cho con cháu ai phải sung vào lính của triều đình thì được cày cấy để gia đình khỏi khổ. Ngoài ra còn cúng ruộng cho làng để tế lễ hàng năm.v.v…
Kết quả ấy là do tài trí thông minh sáng tạo, do lao động cần cù và đoàn kết được dân làng mà thành công lớn.
Các cụ sinh hạ được 5 người con trai và sáu người con gái, đã chăm lo nuôi dưỡng, rèn luyện giáo dục thành người hữu ích, cho học hành đỗ đạt cao, đạo đức trong sáng biết phục vụ Tổ quốc và quê hương.
Cụ Thái Công Trình tự bỏ công sức tiền của để cùng dân cả làng kiện lên quan phủ, đấu tranh giành thắng lợi to lớn cho nhân dân thoát khỏi nạn áp bức bóc lột của bọn cường hào làng trên. Chính thức có ranh giới của địa phận, thực sự làm chủ động đất của làng mình. Nên càng phấn khởi làm ăn xây cuộc sống đi lên đoàn kết, xây dựng làng ngày càng lớn mạnh.
Sau khi giành thắng lợi vẻ vang cho dân làng, cụ Thái Công Trình tổ chức với dân cả làng mừng thọ bảy mươi tuổi. Các họ tộc làng Ngọc Lâm ghi nhớ công lao, tài trí, đức độ của cụ, đã tôn kính gọi là Can Cụ của cả làng, coi cụ như một vị thánh sống, hàng năm đến lễ Lục ngoạt (15-6 âm lịch) đều đưa kiệu rước cụ về đền làng để chiêm bái. Còn ghi lại được mấy bài thơ ca ngợi công đức của cụ Thái Công Trình như sau:
Bài thứ nhất:
Họ Thái xưa kia có Cụ Hoà
Tiếng tăm lừng lẫy khắp gần xa
Giúp dân mở rộng thêm bờ cõi
Trừ bạo hy sinh cả cửa nhà
Dân ấm dân no nhờ có Cụ
Làng trên xóm dưới mến như Cha
Trong dân được mấy người như Cụ?
Họ Thái xưa kia có Cụ Hoà (Hoà là tên con đầu)
(Do Cụ Thái Quang Diệu đọc ghi lại)
Bài thứ hai:
Đứng nhìn lên dãy đất Tương Thanh
Càng nhớ công ơn Cụ Thái Trình
Xuất của xuất công giành địa giới
Đêm tài đem sức mở dân sinh
Ra tay tiêu diệt phường hung bạo
Quyết chí dập tan nỗi bất bình
Nhờ Cụ xóm làng thêm mở rộng
Ngàn năm tên Cụ đáng bia xanh
Tác giả: Cụ Đậu Phá Hanh
Bài thứ ba:
Thông minh vốn có tự làng ra
Không học mà thông có Cụ ta
Bồi đắp giang san thu lại nước
Mở mang địa giới quan chí nha
Sinh con phúc hậu, hai quan lớn
Hưởng thọ trời cho chín chục già
Con cháu càng ngày càng thịnh vượng
Ai ơi uống nước nhớ nguồn xa.
Tác giả: cụ Thái Ngọc Bội
Bài thứ tư:
Nhớ Can cụ lúc nhỏ
Đã vất vả lại nghèo
Nhờ lao động cần cù
Sau trở nên giàu có
Can xuất công, xuất của
Chăm lo việc ích chung
Can một dạ một lòng
Lo xây đắp làng xóm
Can không nài tốn kém
Lại chẳng ngại hy sinh
Quyết đứng dậy một mình
Đánh nhau cùng lũ cướp
Đánh ngã phường kẻ cướp
Với mục đích chính nghĩa
Giành thắng lợi hoàn toàn
Can giành lại cho dân
Ruộng trên năm chục mẫu
Ngoài năm sáu chục mẫu
Ruộng không mất tiền tạo
Đất chẳng mất tiền mua
Dân cày cấy tự do
Sống ngày càng sung túc
Cả làng đều mến phục
Họ tôn trọng như thần
Lễ Lục ngoạt hàng năm
Dân thắp hương cúng bái
Rước xuống đền Chiêm Bái
Đức Can như non Thái
Phúc Can tựa biển Đông
Ơn Can rộng mênh mông
Sự nghiệp thật cao cả
Công lao càng cao cả
Nay ghi vào gia phả
Để lưu lại đời sau
Cho con cháu học theo
Học đạo đức Can Cụ
Học Đức tài Can Cụ
Là một bậc lãnh tụ
Làm rạng rõ làng ta
Can trẻ mãi không già
Sống đời đời không chế
Trước khi tôi dừng bút
Tôi xin có một lời:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Uống nước nhớ người đào giếng”.
Tác giả: Thái Cảnh
Làng Ngọc Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là một cơ sở của nghĩa quân Văn Thân chống Pháp. Dân làng Ngọc Lâm và con cháu họ Thái có nhiều người tham gia nghĩa quân: như cụ Thái Công Trình tức Can Cụ đã tự xuất tiền của, lương thực cung cấp cho nghĩa quân của cụ Lê Ninh (tức cụ Ấm Ninh). Ở làng Trung Lệ, đã tổ chức lực lượng đóng đồn ở Núi Thành bên bờ sông La chống Pháp xâm lược từ ngày đầu chúng mới sang.
Cụ Thái Công Trình còn tổ chức bảo vệ, nuôi dưỡng nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng có căn cứ ở Vụ Quang, Đức Thọ. Cụ đã cho con trai trưởng là Thái Tính đang làm chánh tổng Văn Lâm dưới thời nhà Nguyễn- Vua Hàm Nghi, cùng hào lý tổ chức cho dân rào làng chỉ để một đường độc đạo từ quốc lộ số 15 chạy xuyên qua làng, cho tuần đinh canh gác lấy danh nghĩa công khai là chống trộm cướp… khi có quân Pháp kéo đến từ xa đã báo động để nghĩa quân và dân làng ẩn tránh…
Cụ Trình đã cho con trai thứ hai là Thái Hữu Soạn che dấu cụ Phan Đình Phùng ở trong nhà, cho con trai Thái Hữu Mười vào nghĩa quân làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí về căn cứ Vụ Quang. Một lần khi thuyền đi qua huyện lị Đức Thọ bị quân Pháp phát hiện, cụ Mười đã tổ chức chiến đấu đến cùng không để rơi vào tay giặc Pháp. Và cụ Mười đã anh dũng hy sinh.
Cụ Trình cho con trai thứ ba là Thái Hữu Thường lúc ấy đang làm bố chính tỉnh Hà Tĩnh, cùng phối hợp với cụ Lê Ninh đánh Pháp. Cụ Thường đã tổ chức lực lượng của tỉnh, tiêu diệt hai đồn lính Pháp đóng án ngữ trên quốc lộ số 1 thuộc huyện Kỳ Anh, là đồn Triệu Tượng và đồn Vọng Liệu.
Con cháu họ Thái và dân làng Ngọc Lâm đã canh gác bảo vệ và che dấu nghĩa quân, vận động dân làng tham gia nghĩa quân, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân và có đường dây liên lạc qua đồi núi các làng Hữu Chế, Mỹ Xuyên lên Vụ Quang.v.v…
Quân Pháp cùng bọn phản động nhiều lần càn quét, bắt bớ, đốt phá, giết hại dân lành. Cả nhà cụ Thái Công Trình và nhà thờ trung tôn của họ Thái cũng bị giặc Pháp đốt cháy hết, các tài sản đều bị chúng cướp sạch.
Tội ác của giặc Pháp càng nung nấu chí căm thù của dân làng Ngọc Lâm và con cháu họ Thái âm ỉ chờ thời bốc cao hơn.
Biết ơn to lớn của cụ tổ Thái Công Trình, con cháu họ Thái đã và đang chăm lo xây dựng quê hương, họ tộc. Vừa qua đã xây lại nhà thờ đại tôn, tôn tạo lại nhà thờ trung tôn. Các mộ phần của tổ tiên Can cố, ông bà cha mẹ các bậc tiền bối của dòng họ đều được chuyển vào nghĩa trang xây thành lăng mộ chu đáo. Riêng lăng Can cụ và các Can bà đã xây vững chắc thành một lăng to đẹp chính giữa nghĩa trang họ Thái, khánh thành vào mùa xuân 1995. Trước hai cột quyết ở cổng lăng có đôi câu đối là:
Tổ Công Tông đức hậu
Thiên Kính Địa nghĩa trường
Các cháu chắt của cụ đã và đang tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dòng họ.
Thái Hồng Lâm
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.