- Đang online: 3
- Hôm qua: 743
- Tuần nay: 13759
- Tổng truy cập: 3,368,424
Cụ Hoàng Trần Đài và hai người con trai
- 1361 lượt xem
Đầu cầu Đô Lương, phía hữu ngạn, là xã Đặng Sơn một miền quê tươi đẹp, bình dị, hiền hoà với cánh đồng bãi bồi màu mỡ va dòng sông Lam êm đềm trôi…
Đây là vùng đất cổ của xứ Ái châu thời bắc thuộc, nằm trong địa danh Đô Đặng từ thời Lý, Trần, rồi Anh Đô thời Hậu Lê. Đối ngạn phía Tây Bắc chừng 2 km là đến Quả Sơn, một danh thắng, thời Lý Nhật Quang, hoàng tử thứ 6 của Lý Thái Tổ. Hoàng tử là người có công giữ yên bờ cõi phía Tây- Tây Nam thời ấy. Trên đường đánh giặc trở về, Ngài đã mất ở Rú Mượu. Đời sau lập đền thờ. Đền Quả Sơn là niềm tự hào của nhân dân cả vùng Hoan Diễn xưa, là nơi hàng năm triều đình tổ chức quốc tế, Xa hơn nữa, về phía Tây là Bồ Lư, Trà Lân, nơi từng diễn ra những trận thư hùng làm mờ nhật nguyệt, góp phần rất quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước đầu thứ kỷ XV, do Bình định Vương Lê Lợi lãnh đạo:
“Trận Bồ Đằng sắm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”.
(Nguyễn Trãi: “Bình Ngô đại cáo”)
Làng Đặng Lâm, một trong ba làng của xã Đặng Sơn nay, có bãi cát rộng bên bờ sông Lam, là nơi Đảng tổ chức tập hợp lực lượng quần chúng cách mạng biểu tình, đấu tranh giành chính quyền mùa hè năm 1930 trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Họ Hoàng Trần, do những biến thiên của lịch sử, là hậu duệ của Triệu thế tổ Mạc Đăng Lượng tức Hoàng Đăng Quang, Phó vương triều Mạc, định cư tại Đặng Lâm từ thế kỷ XVI.
Cụ Hoàng Trần Đài, sinh năm 1884 là một người thông minh, nghĩa hiệp và giàu lòng yêu nước. Hồi trẻ, cụ biết rõ và từng tiếp xúc với những người tham gia khởi nghĩa Hương Khê, thân tín của cụ Phan Đĩnh Phùng, như Đội Quân, Đội Phấn, Đội Quảng. Sau khi khởi nghĩa Hương Khê thất bại, cụ đã lặn lội ra Yên Thế, tìm cách đến với người anh hùng Hoàng Hoa Thám, để được đứng dưới cờ cứu nước. Sau khi cụ Đề Thám bị sát hại, cụ Đài bị giặc bắt, bị tra tấn cực kỳ dã man bằng những hình thức thời trung cổ, và bị kẻ thù đầy ải 3 năm trong tù.
Trước khi đến Yên Thế, cụ từng tham gia Đông kinh nghĩa thục. Là học trò và cộng sự trẻ tuổi của cụ Lương Văn Can, cụ rất nhiệt tình cổ động cho các phong trào yêu nước như cắt tóc ngắn, học quốc ngữ…
Chuyện kể rằng:
Cụ từ Bắc về quê, đang ngồi chờ đò phía làng Tràng Thịnh, một gã Tây đoan thấy cụ, lúc ấy đang là một người trẻ, tóc cắt ngắn, hắn đá vào lưng, cụ quay lại, nắm chân quật ngã hắn và lôi tuột xuống dốc. Vừa may gặp lúc đò cập bến, cụ nhảy xuống và cùng người chèo đò đưa đò vượt sông, thoát hiểm.
Cụ có học vấn uyên thâm nho học và tinh thông Đông y, đã từng đảm nhiệm Chủ tịch Hội Đông y kháng chiến tỉnh Nghệ An trong chống Pháp, cứu chữa cho hàng ngàn cán bộ, bộ đội và nhân dân thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, được nhân dân rất yêu mến và tôn kính. Là một đảng viên lão thành, trọn đời tận tuỵ hy sinh cho nước, cho dân, cho Đảng.
Cụ Đài có hai người con trai Hoàng Trần Liễn và Hoàng Trần Thâm.
Ông Liễn sinh năm 1905, một người có chí khí. Khi học Quốc học Huế, ông kết bạn thân giao với các ông Nguyễn Duy Trinh, Tôn Quang Duyệt và một số người khác. Ông có nhiều dịp được gần gũi cụ Phan Bội Châu. Năm 1925, cùng những học sinh yêu nước, ông tham gia bãi khoá, để tang và truy điệu cụ Phan Chu Trinh bị đuổi học. Khoảng 1927-1928, ông gia nhập “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” nhóm Anh Thanh (Anh Sơn và Thanh Chương) cùng các ông Nguyễn Sĩ Sách, Trần Lê Hữu, Tôn Quang Duyệt, Phan Hoàng Tiêm, Hoàng Đậu…, sớm trở thành đảng viên từ 1930 và là Bí thư Chi bộ đầu tiên của tổng Đặng Sơn (gồm 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An hiện nay). Là người yêu nước và rất nhạy bén, ông bị thực dân Pháp bắt tù nhiều lần. Ông là người tình nghĩa và thuỷ chung tình đồng chí. Hơn 60 năm sau, Thượng tướng Trần Văn Quang xúc động nhớ đến người đồng chí cũ, rất trung thành với cách mạng, đã cùng ông chịu đựng gian khổ, hy sinh để hoạt động cách mạng, hay đã vắng bóng. Trong thư chúc mừng xã Đặng Sơn được Chính phủ phong tặng xã Anh hùng Thượng tướng viết:
“… Tôi bồi hồi nhớ đến đồng chí Trần Sĩ Nghinh, đồng chí Hoàng Trần Liễn và nhiều người khác đã cùng tôi hoạt động cách mạng, xây dựng và phát triển phong trào…”.
Người con trai thứ của cụ Đài, anh Hoàng Trần Thâm, sinh năm 1909. Cụ Đài đặc biệt yêu quý và kỳ vọng người con trai giầu lòng yêu nước, đầy nghị lực và thông minh này. Tuổi thiếu niên của anh trôi qua trong những năm tháng khó khăn của gia đình nhưng bù lại anh nhận được một sự giáo dục rất chu đáo. Mới 21 tuổi anh đã trở thành một cán bộ lãnh đạo của Đảng: Bí thư Phủ uỷ Anh Sơn (Phủ Anh Sơn thời 1930 gồm huyện Anh Sơn và Đô Lương hiện nay), rồi Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An, phụ trách công tác tuyên truyền và kinh tài của Tỉnh uỷ. Được trực tiếp làm việc với các đồng hí lãnh đạo cấp trên, các đồng chí Uỷ viên Trung ương như Nguyễn Phong Sắc và một số đồng chí khác, năng lực lãnh đạo và trình độ hiểu biết của anh không ngừng được nâng cao.
Anh được cha cho phép bán 3 sào ruộng tốt để mua một chiếc thuyền lớn (tư liệu: thuyền nằm ngang được), với danh nghĩa “hưng nghiệp xã hội” để vận chuyển nông- lâm sản, nhưng thực chất là phương tiện giao thông và tạo nguồn tài chính cho Đảng. Trên chiếc thuyền lớn ấy, các tài liệu của Đảng được giấu lẫn với ngô, lạc, đỗ, chè xanh đã được chuyển cho các cơ sở Đảng từ Đô Lương đi Thanh Chương, xuống Nam Đàn, rồi về Vinh- Bến Thuỷ.
Cao Trào xô viết càng lên cao thì con thuyền “hưng nghiệp xã hội” càng bận rộn với những chuyến đi về trên sông Lam, và người chủ của nó càng ít dịp thăm nhà thăm quê, càng ít cơ hội gặp cha, mẹ. Cụ Đài rất thương và rất tin con. Cụ theo dõi sự lắng nổi của phong trào cách mạng với nỗi lo âu khi ngày một thư vắng những chuyến thuyền của con.
Kẻ thù khủng bố trắng. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên, hàng vạn quần chúng cách mạng bị giặc bắt và bị giết. Anh Thâm rút vào bí mật, trốn tránh sự khủng bố của kẻ thù, tiếp tục hoạt động tại vùng hiểm trở ở miền Tây Nghệ An, là nơi các tổ chức Đảng còn đứng được.
Đêm 12 tháng 4 năm 1931, anh đang sôi nổi diễn thuyết, kêu gọi quần chúng đấu tranh chống giặc khủng bố, bảo vệ cách mạng trước hàng mấy ngàn người ở Hạnh Lâm (Tây Thanh Chương), thì bị kẻ thù bắn ngã.
Anh hy sinh khi tuổi đời mới 22, trong sự xót xa thương tiếc của đồng bào, đồng chí, trong nỗi đau xé lòng và niềm tự hào của người cha, người mẹ mà anh rất mực thương yêu.
Báo “Cờ giải phóng” của Phủ uỷ Anh Sơn có bài viết tưởng nhớ anh: “Đồng chí Hàng Trần Thâm tức công, tức Hứa, đã vì cách mạng mà hy sinh. Vĩnh biệt đồng chí, những người cách mạng sẽ trả thù cho đồng chí và noi gương đồng chí”(1).
Tấm gương dũng liệt hy sinh trọn đời cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, mãi mãi trở thành huyền thoại của quê hương.
Khắc khoải khôn nguôi về sự mất mát, cách mạng tháng 8 vừa thành công, ông Liễn vào Toà sứ ở Vinh, thật may sao tìm được tấm ảnh duy nhất mà mật thám Pháp lưu giữ để thờ và cho con cháu biết hình ảnh thân thương của ông Thâm.
Một gia đình với những con người như thế, dễ hiểu vì sao là nơi thân quen, nơi che chở các vị tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam từ những năm cuối 1920, đến những năm 1940, như Nguyễn Sỹ Sách, Hà Huy Tập, Nguyễn Phong Sắc, Trần Tố Chấn, Trần Văn Cung, Trần Văn Quang…
Viết những dòng này, tôi vẫn như thấy cụ Đài, dáng nhẹ nhõm, chòm râu thưa, trong mất đường như vương vấn một làn sương buồn nhưng vẫn ánh lên vẻ lịch lãm, sự thông minh và trong sáng kỳ lạ, ẩn chứa bao nỗi niềm thẳm sâu theo thời cuộc.
Tôi ngước nhìn tấm bằng: “Công văn với nước” mà Tổ quốc, nhân dân truy tặng Cụ và thầm hiểu: mấy dòng chữ tôn vinh kia đã thấm bao nước mắt, mồ hôi và máy của những con người cao quý, những con người mà suốt cuộc đời, tâm trí luôn nặng “nỗi nước non”(2).
Hà Nội, tháng 2/2001
Trần Tiến Anh
Chú thích:
1: Dẫn theo Trương Quế Phương: Báo Nghệ An, số ra ngày 11/9/1994.
2: Lời trong thơ Cụ Đài.
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.