- Đang online: 7
- Hôm qua: 754
- Tuần nay: 13842
- Tổng truy cập: 3,368,435
Cha tài, con giỏi – Vang bóng một thời
- 1471 lượt xem
Ở Đô Hoàng xã Phú Khê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có một nhà nổi tiếng văn võ toàn tài, được nhân dân vẫn thường ca tụng. Đó là họ Hoàng vốn gốc họ Mạc Đăng, thuỷ tổ là cụ Phúc Sinh. Đến đời thứ 3 thì chia ra làm 3 chi. Chi nào cũng có người học hành đỗ đạt nổi tiếng văn chương và yêu nước. Đặc biệt nhất là nhiều đời nối tiếp nhau tạo thành một truyền thống rất đáng tự hào. Cụ thể như gia đình cụ Hoàng Văn Trung.
Từ thuở ấu thơ cụ đã được tắm mình trong không khí cửa Khổng sân Trình. Cụ có giọng nói sang sảng hùng hồn nên được vua Tự Đức đặt cho hiệu là Kim Chung (chuông vàng).
Cụ đậu cử nhân ở trường thi Nam Định khoa Mậu Thân năm đầu thời Tự Đức (1848), sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục có ghi chú là “cho con cùng thi đậu”. Phải chăng con là Hoàng Văn Cận thi Hội trúng nhị trường lấy con gái ông Tam nguyên Vị Xuyên Trần Hy Tăng. Cũng sách đã dẫn trên còn chú thích “chú cháu cùng đậu khoa” (tức cháu Hoàng Cận- chú Hoàng Văn Tuấn còn gọi là Văn Liêm đậu giải nguyên trường Thanh Hoá khoa Bính Tý thời Tự Đức 24 (1876)”.
Cụ được bổ nhiệm làm Huấn đạo, sau thăng Đốc học tỉnh Hải Dương. Thấy thời cục rối ren, thực dân Pháp tiến hành những vụ khiên khích về quân sự, xúi giục giáo dân vi phạm luật lệ triều đình, tạo ra những vụ mất an ninh trật tự, rồi nổ súng xâm lược Việt Nam, bắt đầu từ đánh chiếm Đà Nẵng (8-1858), rồi Gia Định…, trong khi đó triều đình Huế thì có phái chủ hoà, có phái chủ chiến, có phái không hoà, không chiến, phái chủ chiến yếu ớt, phái chủ hoà chiếm ưu thế. Tự Đức và đa sống triều thần nhượng bộ, chủ hoà đi tới chịu khuất phục. Cụ Hoàng Kim Chung biết mình chỉ là nhà nho “trói gà không nổi”, chẳng thể làm gì hơn cho thời cuộc lúc bấy giờ nên cáo bệnh về quê nhà mở trường dạy học. Sĩ tử đông, nhiều người thành công đạt như Tam nguyên Yên Đổ (tức Nguyễn Khuyến)(2).
Cháu nội cụ Kim Chung là Hoàng Hồ, thuở nhỏ chơi đùa với trẻ hay hò reo, khi lớn thường tuyên truyền cách mạng và hô hào trường kỳ chống Pháp, lại đậu Tú tài rất sớm nên trong vùng quen gọi yêu là cậu Tú Hò. Hoàng Hồ vốn thông minh, lại được nhờ cha chú dậy bảo nên làm 12, 13 tuổi đã am hiểu kinh, truyện, chiếu, chế, biểu, thơ phú…
Một hôm ông mền Lê Văn Sĩ (đố 3 khoa Tú tài) và tú Lê Trác Lập, người xã Kim Lũ, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đến thăm trường ông Huấn Kim Chung, gặp ngay lúc đang tập văn nhật khắc.
Trong khi ba ông đang trò chuyện, bỗng thấy cậu học trò nhỏ đệ quyển sớm nhất trường, ông Tú tay đỡ lấy quyển đưa trình ông mền, mắt liếc ra bóng nắng ngoài hiên nói:
– À cháu Hò mới dầu giờ mùi, sao nộp quyển vội thế.
Rồi xoa đầu cậu và trỏ lên bức tranh tam đa treo trên tường, bảo:
– Cháu Hò hãy vịnh tranh tam đa này thử coi; dùng luật ngũ ngôn cho phóng vận.
Bé Hò khoanh tay đứng nghĩ một lúc rồi xin đọc:
Vô tâm đồ phú quý
Hữu phúc khán nhi tôn
Tuế nguyệt tràng như thử
Đắc ý phục hà ngôn!
Dịch là:
Vô tâm mưu phú quý (Phúc)
Có phúc, con cháu con (Lộc)
Năm tháng dài là thế (Thọ)
Đắc ý nói gì hơn.
Ông mền nghe xong, đặt quyển xuống chiếu nhìn thẳng vào bé Hò khen:
– Thơ cháu viết cũng thông: ba câu trên vẽ rõ được ba ông Phúc, Lộc, Thọ, đắc thể lắm! Câu kết khéo mượn ý ba câu t rên tô điểm cho thành bài, dùng lối tiểu xảo để buộc quan trường phải khuyên: “đắc ý” kiếm một “khuyên”, “phục hà ngôn” ít nhất là ba “khuyên”, văn trường thế là thừa đỗ. Xem ra sức học cháu ngang với cháu Vị bên nhà: văn viết xuôi, chữ sáng sủa. Khoa thi tới này, nếu cháu đi thi, bác cũng bảo em Vị đi theo, có anh có em cho vui. Có điều cháu đáng phải khiển trách: mới đầu giờ mùi đã nộp quyển, sớm quá thế là khinh xuất, không nên. Phép vào trường lúc nào cũng phải cẩn trọng, sau khi biên đầu đề, hãy tìm xem có mẹo lừa gì không, soát lại từng chữ cho khỏi có sai quyển, trông ra thấy lác đác có người nộp quyển, mình vẫn điềm nhiên kiểm lại quyển mình. Chính bác mấy khoa trước cũng vì hấp tấp vào trường viết văn cho chóng xong, nộp quyển đầu tiên, nên mấy khoa phải ra bảng con. Mấy khoa sau cẩn thận hơn, mới đậu liền ba lần Tú tài.
Quả nhiên ra thi hạch, Hồ đỗ Tỉnh nguyên tỉnh Nam Định, Vị đỗ Tỉnh nguyên tỉnh Hà Nam và hai bên cùng nhau xuống thi Hương ở trường Nam.
Thi xong, về nhà (quê Hồ và quê Vị Tuy khác tỉnh nhưng chỉ cách nhau vài cánh đồng), một hôm chiều mát, hai cậu cùng lũ trẻ câu nhái ở bờ ao, bỗng có người học trò đi xem bảng về báo tin:
– Hai cậu đều đỗ Tú tài, cậu Vị đỗ thứ hai, cậu Hồ đỗ thứ ba. Canh sĩ tử trường Nam đồn: đáng lẽ hai cậu đổ Cử nhân kia đấy, song vì còn ít tuổi quá, nên quan trường đánh xuống Tú tài để hạ bớt khí kiêu căng. Và họ lại ca tụng văn hoá cậu đanh thép lắm!
Hồ mỉm cười, ngâm:
Phù Khê văn thép, Kim Lũ văn vàng
Hai tú, một tí(3) thiên hạ ai dương
Sau Hồ và Vị nuôi chí đi Đông du cầu học, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Chaâ. Như ta đã biết họ Hoàng ở vùng này đã có người từng ấp ủ chút “lòng trinh bạch” mà không ai giúp việc cho “quan Tây”, còn mộ nghĩa quân chống lại triều dình chủ hoà với giặc như cụ Hoàng Văn Tuấn, cụ của nhà văn Chu Thiên… nên con cháu họ đều liệt vào hàng “cừu gia đệ tử” (con em gia dình thù địch), vào lá sổ “tình nghi” và luôn luôn bị theo dõi, đặt dưới sự quản thúc của bọn tổng, lý… Đó là chưa nói chế độ “hào quyền” dồn ép cả một lớp người xưa, các nhà nho khí tiết vào một cảnh ngộ eo hẹp, tối tăm, không lối thoát. Các cậu đồ với nghề cũ sách đèn phải sống quá chật vật. Hai người ngặt vì nhà nghèo quá nên khí không toại, phải ngầm lên châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình , mưu với quan lang Quách Vị lập ra hội kín là “Hoà Bình Hiệp hội” (nguyên trước là Hoà Đồng Hiệp hội), tới khi Quách Vị lãnh chức Chánh lang thăng Tuần phủ Hoà Bình, hội khuyếch trương thanh thế. Vị có người cháu là Hiệu trưởng trường Đông Lỗ, Vĩnh Yên, gặp Nguyễn Thái Học ở Giã Bàng (cầu Lác) nơi giáp giới phủ Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, đưa Nguyễn lên Hoà Bình giới thiệu với Quách, lập ra Việt Nam Quốc dân Đảng để hoạt động ở miền Trung châu; phối hợp với Hoà Bình Hiệp hội trên thượng du.
Con trai cụ Hoàng Hồ tức chắt cụ Kim Chung là Hoàng Phạm Trân (1904-1949)(4). Hoàng Phạm Trân là ghép tên chính tên đệm của con với họ của cha tạo thành một chuỗi họ. Cách đặt tên này khá phổ biến khi Hán học còn thịnh hay còn ảnh hưởng mạnh. Ví như Lê Cao Phan, Bùi Đăng Hà Phan, Trần Lê Nguyễn. Giống như cha và ông nội. Hoàng Phạm Trân rất sáng dạ, thông minh tuấn tú, chịu khó dùi mài kinh sử, học giỏi cả chữ Hán và chữ Pháp, có năng khiếu văn chương. Ông ra trường đi dạy học và viết báo, viết truyện, làm thơ, dịch thơ… Ông từng viết cho các báo Nam Thành, Hồn Cách mạng, Thực nghiệp dân báo… lấy bút danh là Nhượng Tống, Mạc Bảo Thần.
Thời kỳ đi dạy học này Hoàng Phạm Trân hoặc Hiệu trưởng trường Đông Lỗ (là cháu của ông Vị, bạn thân của bố) giới thiệu với Nguyễn Thái Học.
Ông thấy như “cá gặp nước”, hào hứng gia nhập tổ chức VNQDĐ của Nguyễn Thái Học. Nhưng tổ chức đảng này lỏng lẻo, thành phần phức tạp, không có cơ sở quần chúng, nội bộ có lúc xảy ra bè phái mất cảnh giác để cho bọn chỉ điểm của Pháp chui vào nội bộ nên thực dân Pháp đã mở một đợt khủng bố dữ dội. Hàng loạt đảng viên VNQDĐ sa vào lưới giặc, nhất là sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2-1930) thất bại. Khi Yên Bái, Hưng Hoá, Lâm Thao thất bại, ở Hà Nội một số thanh niên của VNQDĐ đã ném bom vào sở mật thám, sở sen đầm và mấy bốt cảnh sát nhằm gây ảnh hưởng cho cuộc khởi nghĩa, không cho địch ứng cứu các nơi, nhưng “những tiếng bom này chỉ còn dội lại một tiếng vang” (Trần Huy Liệu). Hoàng Phạm Trân bị Pháp bắt với chú là Hoàng Trác và bị đày ở Côn Đảo, hơn 3 năm mới được tha về. Ra tù rồi ông sống ở Hà Nội, làm báo, viết văn, viết tiểu thuyết Lan Hữu (NXB Tân Việt phát hành năm 1940), viết hồi ký Nguyễn Thái Học xuất bản 1946. Ông giành nhiều thì giờ để dịch các tác phẩm Ly tao của Khuất Nguyên, Hồng Lâu mộng của Tào Tuyết Cần, Tây Sương ký của Vương Thực Phủ, Sử ký của Tư Mã Thiên, Thơ Đỗ Phủ, Nam Hoa kinh của Trang Tử, Đạo Đức kinh… Đương thời nhiều người ca tụng Nhượng Tống là cây bút dịch thuật tài hoa, đến nay vẫn chưa có dịch giả nào vượt ông được và không ít người nghĩ rằng: không phải ngẫu nhiên hay vô tình, ông chọn dịch các tác phẩm cổ điển của Trung Hoa đâu, mà có ít nhiều gửi gắm cả hoài bão mình trong đó. Ví như dịch Sử ký tác phẩm lớn ghi chép những sự việc lịch sử suốt 3.000 năm từ Hoàng đế đến Hán Vũ đê, một tác phẩm có nội dung hiện thực cao, một quan điểm lịch sử tiến bộ, biết yêu ghét, dám nói những điều suy nghĩ hấp thụ được tinh hoa của người xưa, như vạch trần bộ mặt gian ác tàn bạo, xảo trá của giai cấp thống trị, ca tụng cuộc khởi nghĩa nông dân, ca tụng những lãnh tụ khởi nghĩa, ca tụng những anh hùng yêu nước như Lạn Tương Như…
Hay việc ông dịch Thơ Đỗ Phủ, trong thơ của Đỗ Phủ có cái nhìn hiện thực, thể hiện lòng quan tâm đối với nhân dân, lòng yêu nước dâng tràn, có những cảnh ngộ đau xót của nước, của dân tộc, của cá nhân và có lúc thoáng hiện niềm vui nhưng rất ngắn ngủi, giống tâm trạng Nhượng Tống.
Nhượng Tống cũng có làm thơ, phần nhiều thơ Đường luật. Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết về thơ và văn xuôi của Nhượng Tống “… Làm cho tôi bái phục. Học thuộc lòng chưa đủ, tôi còn phải cắt ra dán vào một quyển sách để gối đầu giường” (Bốn mươi năm nói láo. NXBVHTT.HN.2001).
Một thời gian dài ông không hoạt động chính trị mà chuyên về hoạt động văn hoá. Từ năm 1945 ông lại tham gia chính trị, vẫn là VNQDĐ hoạt dộng ở Hà Nội và ông bắt đầu cảm nhận thấy VNQDĐ lúc này khác với tôn chỉ mục đích của đảng thời Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, và có ý định chuyển hướng như Trần Huy Liệu. Ánh sáng mới loé lên trong đầu óc ông thì ông đã bị chính người của VNQDĐ ám sát vào cuối năm 1948, khi còn trẻ và tài năng đang độ chín. Cái chết của ông cho đến nay vẫn chưa được làm rõ nên có thể còn ý kiến khác nhau. Nếu như trên lĩnh vực chính trị ông “không thành công thì thành nhân” theo khẩu hiệu mà các lãnh tụ VNQDĐ nêu ra, và nếu như trên lĩnh vực chính trị ông chưa thành côn thì trên mặt trận văn hoá ông đã ghi được dấu ấn đậm đà, mốc son quan trọng. Điều đó làm cho dưới “cửa tuyền”, tâm hồn ông cũng có phần thư thái mài tiêu dao noơ cực lạc, không hổ thẹn với cha ông, với dòng họ có truyền thống yêu nước.
Hoàng Lê & Minh Anh
Chú thích:
1: Viết bản này chúng tôi có sử dụng tài liệu của nhà văn Hoài Anh.
2: Theo gia phả họ Hoàng ở Đô Hoàng ghi. Như vậy là Nguyễn Khuyến về sau lại học với Hoàng giáp Phạm Văn Nghị
3: Một tí: Một ít tuổi đầu.
4: Lược truyện các tác giả Việt Nam của Trần Văn Giáp ghi ông sinh năm 1897.
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.