- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19542
- Tổng truy cập: 3,370,190
Phạm Văn Sênh – Người nối tiếp bàn tay họ hàng
- 1415 lượt xem
Ông sinh năm 1917 trong một gia đình nông dân ở làng Xuân Đán xã Xuân Phú huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Nơi có dòng sông Thương (tên chữ là sông Nhật Đức) bao quanh. Ca dao Việt Nam từng có câu:
Vì sao sông gọi là Thương?
Để cho lòng em nhớ!
Theo truyền thuyết thì xưa kia các sứ thần của ta đi sang Trung Quốc, gia đình và bạn bè đều tiễn đến bờ sông này. Kể cả binh lính lên trấn ải biên giới thì gia đình cũng chỉ đưa tiễn đến đây thôi rồi phải từ biệt nhau và họ tỏ tình quyến luyến. Những cuộc tiễn biệt ấy đã để lại nhiều câu ca dao ai oán. Có một sông Thương, có cả một làng Thương. Nỗi thương nhớ của bao thế kỷ trước còn để lại trong tên sông, tên làng. Sông Thương nước chảy đôi dòng: bên trong, bên đục. Đục vì có nước ngòi Đa Mai mang nặng phù sa đổ vào và bồi đắp cho ruộng đồng được dễ dàng.
Ngô Thời Nhậm – một nhà trí thức lỗi lạc của nước ta cuối thế kỷ thứ XVIII và là cây bút tiêu biểu của nền văn học rực rỡ thời Tây Sơn đã tả cảnh thơ mộng đó như sau:
Bốn mặt làng thôn, bức hoạ đồ
Mênh mông đồng nước một con đò
Dòng Ngân sáng nổi, gương ngời loá
Mặt sông bìa nhô, đá lập lờ
Cờ ruỗi, chính vì vâng ngự chiếu
Xe đi, luống tưởng cuộc vân du
Lên cao, chống kiếm nhìn xa tít
Muôn ngọn tràn mây, ấy thượng du.
(Ngô Linh Ngọc dịch)
Hơn bốn trăm năm trước cụ Mạc Đăng Gia đã tới đây trú ngụ và đổi từ họ Mạc ra họ Phạm (kể từ đời thứ 4) đền nay đã là 17 đời. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Phạm Văn Sênh mới là chàng thanh niên ngoài hai mươi tuổi. Thấy đất nước phải chịu dồn dập bao cơn bão táp: nào giặc ngoại xâm, nào giặc đói, và giặc đất. Ở miền Bắc, quân Tưởng vào, kéo theo đuôi một đoàn phản động Việt Quốc, Việt Cách. ở miền Nam thực dân Pháp núp sau quân Anh vào giải giáp lính Nhật. Thù trong giặc ngoài đều ra sức phá hoại cách mạng.
Phạm Văn Sênh với lòng yêu nước cháy bỏng đã tình nguyện vào Vệ Quốc đoàn năm 1946, ở đơn vị E59, D143, A đặc biệt.
Đến năm 1948 đánh đồn Cẩm Lý bị thương, ông vẫn bền gan chiến đấu cùng đồng đội lăn lộn gian khổ trên các chiến trường. Năm 1955, được xuất ngũ về địa phương. Được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất. Vừa mới về làng còn “chân ướt chân rá” đã được nhân dân tín nhiệm cử làm Trưởng thôn. Năm 1956 tiếp tục đợt 3 cải cách ruộng đất, gia đình bị quy oan là địa chủ. Ông phải đình chỉ công tác Trưởng thôn và còn bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến cuối năm 1957 hoàn thành cải cách ruộng đất, phát hiện sai lầm và chỉ đạo sửa sai, gia đình ông được sửa là trung nông và ông được phục hồi Đảng tịch. Ông lại tiếp tục các công tác khác của địa phương, nhưng ông giành nhiều thời gian nhất cho việc tìm họ hàng. Điều mà cụ thân sinh ra ông từng trăn trở và giao lại trọng trách cho ông. Vẫn tác phong “Bộ đội cụ Hồ” ông đi hết nơi này tới nơi khác, gặp tàu hoả đi tàu hoả, gặp ô tô đi ô tô mà ô tô đâu có nhiều, không thì cuốc bộ vì cũng chưa sắm nổi chiếc xe đạp, cơm hàng, cháo chợ, ngủ nhờ nhà dân… cứ ngày này qua tháng khác ông đi. Đến đâu hỏi thăm đấy. Ông về Phù Khê thuộc huyện Từ Sơn Bắc Ninh gặp chi họ Lê Đăng gốc Mạc. Bà con trong họ này rất mến khách, cảm kích trước việc đi tìm họ của ông nên lại mách chỉ cho ông về Phù Ninh thuộc xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm Bắc Ninh. Năm ấy Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm chưa nhập về Hà Nội. Đến đây ông và ông Phạm Văn Hiến gặp được họ Thạch Văn cũng gốc Mạc, thật là xúc động. Cụ Thạch Văn Đĩnh rất thông hiểu chữ Hán đã nồng nhiệt đón tiếp và chỉ bảo cho nhiều điều bổ ích. Ông ở lại nhà cụ và hôm sau cả hai lại sang Công Đình là một trong hai thôn của xã Đình Xuyên giáp với xã Ninh Hiệp, gặp gỡ bà con chi thứ hai họ Thạch; nghe cụ Thạch Văn Quỳ người đã phụng khảo về họ Thạch kể chuyện hai chi biết nhau từ năm 1919 do cùng đến đắp điếm mộ cụ Thuỷ Tổ và gốc gác từ Hải Dương lên, trong gia phả có nói đến chi tiết đó và ở nhà thờ họ tại Phù Ninh còn câu đối chỉ địa điểm dời đi và đến. ở đấy mấy ngày liền trò chuyện gần xa và hẹn nhau một ngày khác đến Nhị Khê thuộc huyện Thường Tín đình Hà Tây. Chuyến đi này ông Thạch Văn Vĩnh ở Ninh Hiệp là người dân đường. Đó là vào dịp đầu năm 1958, ông chuẩn bị cơm đùm, cơm nắm đến Hà Tây và được biết nơi đây có nghề thủ công truyền thống với đội ngũ thợ, nghệ nhân lành nghề với những “bàn tay vàng” khéo léo làm hàng xuất khẩu sang nhiều nước bạn. Cũng là lần đầu ông biết Nhị Khê quê của Nguyễn Phi Khanh người cha đáng kính của nhà tư tưởng, nhà ngoại giao, nhà văn hoá, nhà thơ lớn Nguyễn Trãi. ở đây các ông được ông Lều Thọ Vực đón tiếp rất chân tình và cởi mở, mặc dầu không được báo trước. Ông Vực sống ở phố Khâm Thiên – Hà Nội nhưng tuần nào ông bà ấy cũng về quê, gắn bó với quê hương lắm. Ông Trưởng họ Lều này trân trọng thắp hương khấn ở từ đường rồi giở Gia phả viết trên lụa cho mọi người xem. Thì ra cụ tổ là Mạc Phúc Trì, con cháu Mạc Mục Tông (tức Mạc Mậu Hợp) đã về đây từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Để dấu tung tích, tránh sự truy sát của chúa Trịnh, cụ tổ đã đổi ra họ Lều giữ bộ thảo dầu của họ gốc để thông điệp cho con cháu về sau. Tại nhà thờ này có câu đối tương truyền là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho, đó là lời tiên tri mách bảo 13 đời sau của con cháu họ Mạc lại gặp nhau tuy khác họ mà chung cội nguồn.
Tứ bách niên tiền, chung phục thuỷ
Thập tam thê hậu, dị nhi đồng.
Hôm sau ông Thạch Văn Vĩnh trở về, còn ông Phạm Văn Sênh lại tiếp tục cuộc hành trình “vấn tổ tầm tông”. Ông sang Quất Động cũng cùng trong huyện Thường Tín này. Thì ra gốc gác nghề thêu là ở đây. Cụ Bùi Trần Tiền và cả họ Bùi Trần hân hoan đón khách như đón một người con đi xa lâu ngày, nay mới về. Cụ dẫn ông Sênh ra xem đình thờ ông Tổ nghề là Trần Quốc Khái (1609- 1661) và nói: “Tổ tiên ông vốn họ Mạc, sợ nhà Lê trả thù, ông đổi sang họ mẹ là họ Trần, lúc làm con nuôi họ Bùi rên có tên họ là Bùi Trần, sau được vua ban quốc tính nên gọi là Lê Công Hành”. Cụ đưa ông Sênh ra thăm mộ ngôi mộ hơn 300 năm vẫn được bảo tồn, rồi lại về nhà thờ. Nghỉ một đêm ở đó, ngày hôm sau thăm một số nhà bà con khác, xem những người thợ thêu tài hoa với chỉ mầu ngũ sắc và chỉ kim tuyến, thêu điểm vào các tấm gấm vóc hoặc trang phục cho vua quan, đồ thờ cúng, cờ phướn… Sau đến túi thuốc, túi trầu, mặt khăn, mặt gối… Họ thêu cả tranh chân dung tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật trông xa khác nào bức vẽ của hoạ sĩ, càng xem càng mê. Cuộc vui nào thì cũng phải đến hồi kết thúc. Ông Sênh tạm biệt họ Bùi Trần và hẹn gặp lại nhau vào mùa xuân năm sau ở Ninh Hiệp nơi có nhà thờ họ Thạch. Ông về một thời gian, sau lại tìm đường đến Xuân Trường và Giao Thuỷ ở Nam Định. ở đây có ba chi họ Phạm. Cụ thuỷ tổ là Mạc Đăng Thận vốn là một thân vương nhà Mạc, coi giữ lăng miếu Cổ Trai ở Dương Kinh. Năm 1625 cụ cải trang làm một đoàn thuyền buôn từ Đồ Sơn giong buồm ra khơi, mang theo thanh long đao của thái tổ Mạc Đăng Dung cùng hài cốt một số vị Vương. Lênh đênh trên biển nhiều ngày và đoàn thuyền của ngài đã đến vùng Ba Lạt Thiên Trường. Ngài sai người dò xét tình hình, khu địa thế và quyết định dừng chân ở đấy. Ngài đổi tên là Đình Trú và đổi họ Mạc ra họ Phạm, bắt tay vào khai khẩn đất đai, đựng nhà lập ấp, mở mang việc nông trang. Tính đến nay đã được 18 đời, trải qua bao thăng trầm lịch sử, con cháu trong đòng họ vẫn truyền đời gìn giữ nề nếp gia phong và cất cách thiêng liêng. Từ đường hương hoả, tộc phả cùng kỷ vật của tiền nhân được giữ gìn nghiêm túc. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Có đi tìm họ hàng, ông mới biết nhiều điểu về lịch sử mà thuở hé cắp sách đến trường đâu được học. Đầu óc ông được khai sáng, ông càng tích cực đi, bất chấp’ đường trường, không ngại gian khó của thời bao cấp. Sau chuyến đi Nam Định ông quyết tâm về Cổ Trai-Kiến Thụy-Hải Phòng. Năm 1959, ông Phạm Văn Sênh kể lại: “Tôi hỏi thăm mãi vào được nhà ông Mạc Như Soàn là trưởng họ Mạc ở Cổ Trai. Ông Soạn không biết chữ Hán, ông liền đưa tôi đến gặp cụ Mạc Như Ngôn. Năm ấy cụ Ngôn đã 83 tuổi, cụ là người thông hiểu chữ Hán. Cụ xem cuốn Gia phả của tôi xong, cụ liền ôm tôi và nói: “Ông năm nay đã ngoài 80 mới được gặp cháu ở tận Bắc Giang tìm về, thật là quý quá”. Cụ liền bảo ông Soạn cho họp cả 5 chi họ Cổ Trai lại để mọi người biết con cháu họ Mạc từ Bắc Giang tìm về với cội nguồn. Thật là cảm động, thật là đông vui như ngày hội. Tôi ở lại đúng 5 ngày để được gặp mặt cả 5 chi họ ở Cổ Trai. Sau đó xin phép bà con để trở về. Cụ Ngôn còn cho tôi địa chỉ để đi Thuỷ Nguyên-Hải Phòng, đặc biệt là địa chỉ đi Cao Bằng. Cụ dặn đi dặn lại: “Cháu cứ đến xóm Nà Rát, xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên là thế nào cũng gặp được họ hàng ta đấy”. Tôi vâng và hứa năm sau cháu sẽ lên Cao Bằng rồi thông tin lại cho cụ.
Năm ngày đêm ở Cổ Trai tưởng là dài thực ra vô cùng ngắn ngủi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Hết gặp người này lại gập người khác, ông không nhớ hết tên người đã gặp, ngoài cụ Ngôn, ông Soạn, ông Viên, ông Ngọc… Không có cả thời giờ đi ngắm cảnh vùng đất Dương Kinh – Kiến Thuỷ nơi có cả biển rộng, sông sâu, núi đồi đột khởi. Chưa có dịp lên Núi Đối, Núi Chè (Trà Sơn), chưa thăm được các chùa Trà Phương, Nhân Trai, Lan Niễu, Bạch Đa, Thiên Phúc, Minh Phúc… nghe nói ở đấy có tượng đức Mạc Đăng Dung, Mạc Mậu Hợp, Vũ Thị Ngọc Toản… Cũng chưa biết bãi biển Đồ Sơn ra sao, chắc nơi đó thơ mộng lắm, nhất là khi mặt trời nhô lên hay lúc chiều tà nắng tắt, chỉ có sao trời, gió biển ào ạt đạp tung sóng bạc đầu lên vách đá viền bờ… Sẽ còn nhiều dịp trở lại Cổ Trai, ông thầm nghĩ vậy.
Năm 1960, năm có nhiều sự kiện đáng nhớ: Mở đầu Tết trồng cây, điều tra dân số toàn miền Bắc, bầu cử Quốc hội khoá II, mở đầu phong trào “Ba nhất” trong quân đội, đại hội III Đảng lao động Việt Nam, kết nghĩa Hà Nội – Huế – Sài Gòn, Bến Tre đồng khởi và thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam … Công việc ở địa phương khá bận rộn nhưng ông vẫn sắp xếp để đi Cao Bằng một chuyến như đã hứa ở Cổ Trai năm trước. Đường xa hay gần chưa rõ lắm có lẽ phải vài ba trăm cây số cũng nên. ô tô thì cả tháng mới có một hai chuyến đi. Đường núi trập trùng gian nan lắm, qua đèo Mây, đèo Gió… dốc cao cao mà nhìn xuống vực sâu thăm thẳm, dễ sợ vô cùng. Đã đi là đến, đến huyện Quảng Uyên rồi hỏi đường về xã Chí Thảo, đến xã là bắt đầu hỏi thăm đường đến thôn Co Cóc, xóm Nà Rát và hỏi ai là trưởng họ Ma Kiên. ở đây toàn là dân tộc Tày rất chất phác thật thà. Họ đưa ông đến nhà ông Lường. Ông trình bày động cơ đi tìm họ của ông và được các chi họ khác mách bảo cho thế nào. Nghe xong, ông Lường liền nói: “Ma Kiên Lường chính là tôi. Tôi là con cháu của Đôn Hậu Vương Mạc Kính Cung đây đến nay đã 14 đời, tạo thành nhiều chi, mỗi chi mang thêm một tên đệm khác nhau như Ma Thế, Ma Vành, Ma Đình, Ma Công, Ma Quý, Ma Khánh, Ma Nhân, Ma Văn, Ma Phúc, Ma Kiên…”
Thế rồi ông Ma Kiên Lường đi vận động chi họ Ma đến nhà ông họp có 11 gia đình và sai con trai là Ma Kiên Bồng đem rượu ra mời khách. Ông Sênh đã để lại địa chỉ của chi họ mình và chỉ vẽ cả đường cho chi họ Ma tìm về lễ tổ ở Phù Ninh – Ninh Hiệp – Gia Lâm – Hà Nội.
Mỗi năm ông đi vài nơi để chắp nối bàn tay họ hàng, và hướng cho bà con tìm về cội nguồn. Năm 1961, ông lại đi Lạng Sơn, mảnh đất lịch sử của đất rừng phương Bắc, tìm đến huyện Hữu Lũng, xã Đô Lương gập được ông Mạc Văn Sần là trưởng họ. Trong tỉnh Bắc Giang ông lần lượt đến các huyện. Huyện ông đến nhiều nhất là Lạng Giang. Hồi năm 1955 khi mới được phục viên, ông lên xã Dương Đức để tìm họ hàng, mới đến thôn Tân Quang ở đó có trạm gác của dân quân du kích. Bị hỏi giấy tờ, ông bảo: Tôi đi tìm người nhà, tôi chẳng có giấy tờ gì cả. Thế là ông bị lục soát, thấy trong túi có cuốn Gia phả viết bằng chữ Hán, họ không đọc được và bảo đó là sách cúng, ông này là phù thuỷ đây. Ông cãi: “Tôi không phải là thầy cúng, thầy bói, hay phù thuỷ gì cả, mà sách đó không phải là sách cúng”. Họ không tin, bảo với ông rằng: “Ông không có giấy tờ đi đường, ông hãy tạm vào đây để thượng cấp xét sau”. Thế là họ bắt ông vào bốt của Tây cũ giữ ở đó 3 ngày.
Nghe ông Sênh kể một kỷ niệm nhỏ trong những chuyến đi tìm họ hàng, tôi (HL) liên tưởng đến một câu chuyện tương tự đối với các cụ họ Thạch ở làng Nành (tên nôm của Ninh Hiệp) đi về Lũng Động – Nam Tân – Nam Sách – Hải Dương vấn tổ tông. Theo lời cụ Thạch Văn Vĩnh cũng vào thời điểm sau cải cách ruộng đất. Cụ và mấy người nữa đi xe đạp hơn 70 cây số mang theo cuốn Tộc phả. Đến nơi gặp được hậu duệ của Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, chuyện trò chưa được mấy. Đêm ấy không may trong làng có đám cháy. Dân quân địa phương chưa xác định được nguyên nhân cháy nhưng thấy trong làng có người lạ nên mời các vị khách ra điếm canh, giữ lại xét hỏi và báo cáo lên huyện. Huyện về, sau khi xem xét đã tha cho các vị khách đi về nhưng giữ lại cuốn Tộc phả để nghiên cứu. ít lâu sau mới trả lại. Không thể chê trách tinh thần cảnh giác cao đó được nhưng cũng hơi buồn cho dân trí lúc đó!
Lần đi năm 1961 này thì “thuận buồm xuôi gió” hơn ông đã gặp được trưởng họ Mạc Văn Tuân. Rồi ông lại đến làng Hiển ở xã Hoàng Sơn (hay Hương Sơn tôi không nhớ rõ), dẫn dắt cho chi họ Hoàng ở đấy về gặp gỡ họ Thạch. Năm sau ông lại đến huyện Lục Nam gặp ông Nguyễn Đoan Quế trưởng chi họ Nguyễn gốc Mạc. Có lần chỉ vẻn vẹn một hai ngày nhưng để lại ấn tượng khá sâu đậm.
Từ ấy tới nay ông vẫn duy trì được việc thăm hỏi các chi họ gốc Mạc ở những nơi ông từng đến hoặc gián tiếp biên thư cho những chi họ gốc Mạc mà ông chưa đến được
Chúng tôi gặp ông ở Ninh Hiệp, ở Long Động, ở Cổ Trai… Vào các dịp giỗ tổ, thấy lưng ông hơi còng, tóc đã bạc nhưng hai mắt còn tinh tường và nhanh nhẹn mặc dù tuổi ông đã 86. Ông bắt tay chúng tôi và nói: “Tôi thật tự hào với dòng họ Mạc ta trong lịch sử dân tộc. Càng tự hào hơn khi thấy sách vở báo chí nói nhiều đến các thế hệ con cháu của nhà Mạc đã đóng góp tâm – trí – lực cho công cuộc cách mạng dân tộc và phát huy cao truyền thống lâu đời của dòng họ. Việc chắp nối mở rộng vòng tay họ hàng của tôi suốt gần nửa thế kỷ qua là làm theo tiếng gọi của trái tim mình và nỗi trăn trở của cha ông. Việc làm đó đúng đắn nhưng đâu phải chỉ có mình tôi làm. Trước và sau tôi đã từng có người khác làm mà ta chưa biết đó thôi. Tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả.
Lâu nay đã có nhiều người có tâm có trình độ và làm tốt hơn như cố Bùi Trần Chuyên, TS Hoàng Lê, Đại tá Hoàng Cao Quý, Thạch Văn Quế, Thạch Văn Thụ, cố Hoàng Trần Trực và nhiều người khác nữa mà tôi chưa biết hết. “Quỹ thời gian” của tôi không còn nhiều nữa nên tôi mong con cháu chúng ta “uống nước nhớ nguồn” làm được gì tất đẹp cho dòng họ thì hãy cố lên. Đừng chạy theo hay chữ “Lợi danh”.
TS HOÀNG LÊ
(Ghi theo lời kể và thư từ của cụ Phạm Văn Sênh)
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.