- Đang online: 3
- Hôm qua: 457
- Tuần nay: 13307
- Tổng truy cập: 3,376,944
HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- 7841 lượt xem
HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
Vũ Tiến Thắng
Ban liên lạc họ Mạc và gốc Mạc tỉnh Thái Bình.
Bạch Đằng, vùng đất nằm ở phía bên Tả dòng sông Trà Lý là một trong 43 xã của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vùng đất xã Bạch Đằng trước đây từng có tên là Thần Hậu, sau là Hậu Tái. Ngày nay, vùng đất này là các thôn Hậu Thượng và Hậu Trung 1, Hậu Trung 2, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Từ xa xưa, Thần Hậu thuộc hương Mần Để. Mần Để gồm hai khu Đông Để và Tây Để. Tây Để là đất của xã Hiệp Hoà huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày nay, còn Đông Để là đất của xã Bạch Đằng, nay thuộc huyện Đông Hưng.Bạch Đằng xưa thuộc tổng Vị Sỹ, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ, tiếp đó là trấn Nam Định, sau là tỉnh Nam Định và cuối cùng thuộc tỉnh Thái Bình. Rất nhiều truyền thuyết và các di tích lịch sử liên quan tới Lý Bí cùng cuộc khởi nghĩa của Người mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc vẫn còn in đậm không chỉ trên đất Thần Hậu (Bạch Đằng) mà còn ở các địa danh khác của Thái Bình như Vũ Thư, Thái Thuỵ, Hưng Hà v.v … .
Nhiều tư liệu lịch sử đã ghi Đồn chính của Lý Bí nằm ở Tây Để tức xã Hiệp Hoà, huyện Vũ Thư. Hiện ở Hiệp Hoà có đền thờ Tiền Lý Nam Đế. Tại các thôn Hậu Trung và Hậu Thượng của xã Bạch Đằng ngày nay cũng có nhiều đình, miếu, đền đẹp nổi tiếng, là nơi thờ Lý Nam Đế và các tướng lĩnh của Người. Các đền, đình, miếu này đều được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Khi Lý Bí ngắm nhìn vùng đất Đông Để, tức đất xã Bạch Đằng ngày nay thì Người đã phán răng: Đất đai nơi đây mầu mỡ, cây cối xanh tươi, nhân dân thành đạt, tuy mạch Đế vương không nhiều nhưng đây là miền đất hiểm, có thế xây dựng đồn bốt và thành luỹ:
“Mạc khán hoa thảo tổng đan thanh,
Hương ấp nhân dân đạt tiến thành
Linh địa đế vương tuy tiểu mạch,
Hàn lai khả dĩ kiến cung thành”.
Đình làng Hậu Trung xã Bạch Đằng (Thần Hậu xưa), nơi thờ Lý Nam Đế
và Đài tưởng niệm Tổ Quôc Ghi Công các anh hùng Liệt sỹ xã Bạch Đằng
Cụ Đỗ Công Cẩn, bố đẻ của cụ bà Đỗ Thị Khương đã theo Lý Bí chống lại giặc Lương trong cuộc khởi nghĩa vào đầu năm 542 tại vùng đất Thái Bình. Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thắng lợi. Mùa Xuân năm Giáp Tý 544, Lý Bí lên ngôi thành lập Nhà nước Vạn Xuân, xưng là Lý Nam Đế. Sau chiến thắng, Vua đã phong sắc cho vùng đất Mần Để, trong đó Tây Để là “Quốc Trượng” (Bố vợ vua) còn Đông Để là “Thần Hậu”, vì thế mà người dân nơi đây được miễn mọi thứ thuế. Cái tên Thần Hậu cũng bắt đầu có từ thời gian này. Cũng cần lưu ý thêm là chữ Hậu 厚 trong chữ Thần Hậu 臣 厚 được phong ở đây có nghĩa là “Phúc Hậu” chứ không phải Hậu 後 có nghĩa là Sau. Vùng đất “Kiến cung thành” ngày ấy, tức vùng đất nơi Lý Bí chọn xây dựng đồn luỹ, kho dự trữ lương thảo đến nay vẫn còn rất nhiều chứng tích liên quan tới cuộc khởi nghĩa của Người.
Cái tên “Thần Hậu” mà sau đổi thành “Hậu Tái” cũng có nguyên do của nó. Vào năm Tân Mão 1591 và đầu năm Nhâm Thìn 1592 trong thời kỳ chiến tranh Trịnh Mạc, Minh Nghĩa đại vương Mạc Đăng Lượng đã nghiên cứu đắp nhiều thành luỹ phòng ngự ở vùng đât Duyên Hà, Tân Hưng, Thư Trì mà điển hình là “Nhất dạ thành”. Cái tên “Nhất Dạ thành” có là do hàng vạn quân Mạc chỉ trong một đêm đã đắp xong thành từ thôn Canh Nông, xã Điệp Nông (Hưng Hà) đến tận thôn Đông Quỳnh xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ), dấu tích còn lại là con sông nối từ thôn Canh Nông đến thôn Hà Lý (Duyên Hà) vẫn được người đời sau gọi là sông Nhà Mạc. Cũng xin lưu ý thêm là, trước đây Tiên Hưng được gọi là Tân Hưng. Tên phủ Tân Hưng có từ cuối nhà Trần và giữ nguyên không đổi đến đầu thời Hậu Lê. Tuy nhiên vào niên hiệu Thuận Đức triều Lê Kính tông (1600/1619) vì kiêng tên huý vua Lê Kính tông là Lê Duy Tân nên đã đổi chữ Tân của phủ Tân Hưng thành chữ Tiên và từ đó Phủ Tân Hưng được đổi thành Phủ Tiên Hưng. Vào thời kỳ nhà Mạc, theo Từ điển Thái Bình thì đất của Thái Bình ngày nay khi đó lại thuộc về Dương Kinh. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Các tướng nhà Mạc như Uy Quốc công, Dũng Quốc công, Nghĩa Quốc công trấn giữ thành chạy dài suốt từ vùng đất Hưng Hà, Hưng Nhân đến tận Thư Trì, Kiến Xương”. Các Đạo quân của các phủ ở Trấn Sơn Nam như Thiện Thi, Tân Hưng, Thái Bình, Kiến Xương v.v… đều phải dựa vào nhau mà phòng ngự. Tại vùng đất Thần Hậu, tức xã Bạch Đằng huyện Đông Hưng ngày nay thành luỹ cũng được xây dựng mà tiền đồn nằm ở khu vực gần gốc cây gạo nên gọi là “Tiền đồn gốc gạo”. Các thành luỹ được đắp bằng đất, bên trong trồng nhiều tre gai. Tướng giữ thành ở vùng Thần Hậu là cụ Nghĩa Quốc công và cụ Vạn Quận công.
Sau khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long vào năm Nhâm Thìn 1592, một số vùng đất khác ở Trấn Sơn Nam vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của nhà Mạc, trong đó có vùng Hưng Hà, Quỳnh Côi và Thần Hậu thuộc đất Thái Bình ngày nay. Đầu năm Quý Tỵ 1593, Tiết chế Trịnh Tùng sai tướng chỉ huy Nam đạo Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên đánh vào các phòng tuyến còn lại của nhà Mạc tại Trấn Sơn Nam mà phòng tuyến chính là “Nhất dạ thành” ở Hưng Hà, Quỳnh Côi và thành ở vùng “Thần Hậu” tức xã Bạch Đằng ngày nay. Cuộc chiến xẩy ra rất ác liệt nhưng quân Trịnh vẫn không phá nổi. Sau đó Tiết chế Trịnh Tùng phải sai Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đem thuỷ quân thuỷ binh Thuận Quảng đi đánh.
Quân Trịnh Nguyễn đi đường thủy theo sông Hồng, trong đó một cánh quân vòng vào sông Luộc để đánh “Nhất Dạ Thành” ở vùng đất xã Điệp Nông (Hưng Hà) và xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Phụ ngày nay). Cánh quân khác thì vào sông Trà Lý rồi tấn công các thành nhà Mạc tại Thần Hậu (Bạch Đằng ngày nay). Tại Thần Hậu, trận đánh xảy ra vô cùng ác liệt. Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng phải sử dụng nhiều súng thần công bắn phá nhưng vẫn không vào được mà lại bị tổn thất lớn, trong đó con của Nguyễn Hoàng cũng bị tử nạn. Nguyễn Hoàng đành cho quân lui, tìm kế bao vây để những ngày sau đánh tiếp.
Sau những ngày chiến đấu đầy gay go và ác liệt, các tướng chỉ huy thành ở Thần Hậu biết không thể chống cự lâu dài được vì ngoài một số binh sỹ đã hy sinh mà quân địch ngày càng được tăng cường. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, trong một đêm, do quen thuộc địa hình vùng đất Thần Hậu nên các cụ đã cho quân bí mật rút ra khỏi thành, tản vào các làng xóm xung quanh để mưu kế lâu dài. Những ngày sau đó, Nguyễn Hoàng đem quân tấn công và chiếm được thành. Vì bị tổn thất nhiều từ những ngày đầu mà khi chiếm được thành thì quân của đối phương lại đã rút đi nên Nguyễn Hoàng ra lệnh phá huỷ toàn bộ các thành luỹ và cho quân bắt tất cả già trẻ gái trai trong làng giết hết không sót một ai, vì người dân nơi đây đã ủng hộ nhà Mạc. Sách Khâm định Việt sử chép: “Quân Trịnh Nguyễn trong trận Quý Tỵ 1593 đã giết nhiều ngàn người, cắt hàng vạn cái tai để làm chứng”, còn Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 2 năm Quý Tỵ 1593 các tướng chia quân đi đánh phá, chém mấy ngàn nghịch đảng”. Thực chất đây không phải tất cả là các binh lính mà còn nhiều người dân vô tội như ở Thần Hậu đã bị chết oan. Cuộc thảm sát đẫm máu tại làng Thần Hậu đến nay vẫn còn truyền lại không thể nào quên. Rất may là vẫn có một số người dân của làng khi đó vắng không ở nhà nên đã may mắn thoát chết, sau này về quê xây dựng lại và lấy tên là làng “Thần Hậu Tái Lập” lâu dần gọi tắt là làng “Hậu Tái”, trong đó chữ Tái với nghĩa là“Trọng hậu, Ghi chép lại” để ghi nhớ về cuộc thảm sát đẫm máu kể trên.
Cụ Nguyễn Công Nhẫn người làng Hậu Trung, hậu duệ của 1 trong số 4
dòng họ Trần, Nguyễn, Đỗ, Đào của làng Hậu Tái nói chuyện với chúng tôi
và Khu đất từng là nơi an táng những oan hồn tử nạn của làng Hậu Tái năm xưa.
Hiện ở vùng đất Hậu Tái xưa, tức xã Bạch Đằng ngày nay vẫn còn một khu ruộng ven bờ sông Trà Lý mà người dân nơi đây gọi là “Xứ đồng mộ Tổ”, nơi từng chôn hàng trăm người dân vô tội của làng Thần Hậu. Khu đất đó nằm ở cạnh bờ đê, gần phía đầu dốc đi vào UBND xã Bạch Đằng. Tại vùng đất Hậu Tái xưa từng có một lầu thờ nhỏ nhưng hiện nay không còn vì đã bị hư hỏng theo thời gian. Theo một số nghiên cứu mới đây thì Nơi này là lầu thờ tướng nhà Mạc cũng như thờ những oan hồn của người dân nơi đây bị tử nạn trong trận Quý Tỵ 1593 của làng Hậu Tái năm xưa. Tuy nhiên, người dân nơi đây khi ấy phải dấu, không dám gọi tên công khai là Lầu thờ tướng nhà Mạc mà phải gọi chệch là lầu thờ họ Chu để có nơi thờ tự. Anh Phạm Huy Khang, người Hà Nội khi về thăm Hậu Trung đứng cạnh khu đất từng là nơi an táng những oan hồn tử nạn của làng Hậu Tái năm xưa bên dòng Trà Lý đã rưng rưng lệ:
“Nhẹ êm sóng nhỏ ru bờ, Cỏ rau che lấp nấm mồ chôn chung.
Buốt lòng cơn gió cuối Đông, Nhạt nhoà sương lạnh cánh đồng ven đê.
Hôm nay con đã được về, Cúi đầu kính cẩn làng quê anh hùng.
Tổ tiên sinh gốc Hậu Trung, Ngàn người sát cánh Quận công ba Ngài.
Phò nhà Mạc rạng thanh oai, Đánh cho địch khiếp võ trai đất này.
Lỡ cơ một trận dằng dây, Giặc kia bắt được xâu mây tay người.
Bi thương xẩm tối đất trời, Chúng đem chôn sống ngàn đời truyền ghi.
Sông như Mẹ khóc biệt ly, Phù sa ôm những con đi không về.
Bể dâu đảo lộn bốn bề, Mấy trăm năm đến bây giờ sang trang.
Hậu Trung tiết liệt gương vàng, Dầy thêm cuốn sử Việt Nam sáng ngời”.
(Phạm Huy Khang, phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ văn hóa truyền thống, kiêm ủy viên ban nghiên cứu lịch sử họ Mạc)
Cụ Nguyễn Công Nhẫn, nguyên Giảng viên Trường Đoàn Thanh niên Trung ương, người làng Hậu Trung năm 2012 tròn 85 tuổi cho chúng tôi biết: Cụ là hậu duệ của 1 trong số 4 dòng họ Trần, Nguyễn, Đỗ, Đào làng Hậu Tái thoát nạn trong cuộc thảm sát kể trên, còn 4 họ khác của làng là Đặng, Ngô, Tống, Vũ thì không còn ai.
Mới đây, Hậu duệ của làng đã tìm được Thư sách bằng chữ Hán, viết từ khi Hậu Tái còn thuộc đất Thư Trì, tỉnh Nam Định do cụ Tú tài người làng Hậu Tái là Nguyễn Khí viết. Chữ Khí ở đây có nghĩa là Tài năng, Độ lượng. Người dân nơi này gọi chệch là cụ Khới, cụ Tổ bề trên của họ Nguyễn Xuân. Cụ Tú tài đã ghi khá rõ và chi tiết về sự kiện thảm sát kể trên, trong đó có câu: Tổ tiên làng Hậu Tái lấy ngày 12 tháng Giêng và 12 tháng 7 hàng năm làm ngày Giỗ trận vong.
“Hậu Tái thư sách” do cụ Tú tài Nguyễn Khí, người làng Hậu Tái viết năm 1835.
Hậu Tái là cái tên được gọi chung của vùng đất xã Bạch Đằng ngày nay với 3 thôn mới là Hậu Thượng, Hậu Trung 1 và Hậu Trung 2. Trong thời kỳ xây dựng cộng đồng và bảo vệ đất nước thì người dân Hậu Tái, tức nhân dân Bạch Đằng cũng có rất nhiều chiến tích, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trước năm 1945, xã có nhiều người hoạt động Cách mạng. Lịch sử Đảng bộ Thái Bình đã ghi nhận: “Các tổ chức quần chúng phát triển mạnh, nhất là ở tổng Vị Sỹ của huyện Duyên Hà; Phú Khê của huyện Tiên Hưng”. Thời gian sau đó, nhiều cụ đã tham gia các đoàn thể cứu quốc, gia nhập Việt Minh và trở thành những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tổng Vị Sỹ. Có một câu chuyện vui còn truyền mãi đến tận ngày nay, đó là những người tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 1/5 năm 1930 đã treo một lá cờ đỏ búa liềm vào đường dây điện thoại vắt qua sông Trà Lý. Khi trèo lên cột thép để buộc lá cờ vào đường dây điện, do dây có độ võng nên lá cờ đã tự tụt ra vị trí ở giữa sông. Bọn Pháp và lính nguỵ không làm cách nào hạ được lá cờ xuống mà bắn thì sợ đứt dây điện. Thế là lá cờ đỏ cứ phần phật tung bay ngạo nghễ trước mắt quân thù suốt một thời gian dài. Bọn giặc vô cùng tức tối nhưng không làm gì được.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau này là chiến tranh biên giới, nhân dân Bạch đằng đã có rất nhiều công lao đối với Tổ quốc, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Trong công cuộc kháng chiến ấy, những mất mát mà người dân trong xã chịu đựng không phải là nhỏ. Số liệt sỹ trong xã lên đến 196 người. Số thương binh là 47. Có gia đình 3 người con là liệt sỹ như gia đình mẹ Đặng Thị Thái. Có gia đình 2 con là liệt sỹ như gia đình mẹ Nguyễn Thị Tý. Tính đến nay Bạch Đằng có 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 người được công nhận là Lão thành Cách mạng và 3 người là Tiền khởi nghĩa. Đặc biệt Bạch Đằng có Anh hùng LLVT Nguyễn Kim Quy. Tính đến nay Bạch Đằng có 878 cán bộ nhân dân được tặng thưởng Huân Huy chương các loại. Tại Bạch Đằng cũng có nhiều người giữ các cương vị cao trong chính quyền nhân dân, trong đó một vị ở cấp Trung ương và nhiều vị là cán bộ cấp tỉnh.
Bạch Đằng ngày nay ngoài các dòng họ như Trần, Nguyễn, Đỗ, Đào, Đặng, Ngô, Tống, Vũ là hậu duệ của người làng Hậu Tái năm xưa còn có thêm các họ như Bùi, Phạm, Trịnh, Hoàng v.v … từ nhiều nơi khác mới về. Ngày nay, người dân Bạch Đằng đã và đang phát huy truyền thông ông cha, cùng phấn đấu đi lên xây dựng nông thôn mới. Có thể nói: Mảnh đất và con người xã Bạch Đằng đã có một bề dầy về lịch sử, một chiều dài về thời gian và một chiều cao về truyền thống bảo vệ Tổ quốc. Tất cả, tất cả mảnh đất và những con người ấy, những tấm gương điển hình trong xã đã và đang viết tiếp trang sử truyền thống anh dũng của cha ông và làm rạng danh, vẻ vang thêm cho quê hương xã Bạch Đằng thân yêu.
Vũ Tiến Thắng.
426 Trần Thánh tông, Phường Quang Trung
Thành phố Thái Bình.
Tel: 01.686.324.703.
Năm 1592, nhà Mạc thất thủ Thăng Long, tuy nhiên tinh thần chiến đấu ủng hộ nhà Mạccòn manh mẽ, quân dân các vùng khắp phía Bắc nổi dậy rầm rộ , một trường hợp tiêu biểu là nhân dân làng
Thần Hậu, sau đôỉ là Hậu Tái. Quân Trịnh không đánh được tiền đồn Gốc Gạo, hằn học, đang đêm cho quân lính vây đốt làng , giết sạch già trẻ trai gái. Sử nhà Lê ghi là tháng hai năm Quý Tỵ (1593) “đã giết và cắt hàng vạn tai ”, “chặt một lúc hai nghìn đầu” kể cả dân thường. (Mời xem thêm bài” Hậu Tái, một địa danh có từ thời Mạc” cuả Vũ Mạc Tiến Thắng, kèm đây). Ngày 1-4-2013, tức 26-7-Quý Tỵ, Hội đồng Mạc tộc Viêt Nam đã tổ chức cầu siêu tại T/P Thái Bình, cho tướng sỹ nghĩa quân, đồng bào tử nạn nói trên. Bà Lương Khánh Phượng đã vận động tổ chức cung tiến tài chính. Hòa thượng Khoa Mạc Năng Trình viết văn tế. Sau đây là toàn bản văn tế.
P.Đ.N.
VĂN TẾ TRẬN VONG
Tướng sỹ, nghĩa quân , hương thôn, đồng bào tử nạn vị quốc vong thân
Duy: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuế thứ: Lục thập thất niên.Thiên vận: Qúy Tỵ niên, Kỷ Mùi nguyệt, Kỷ Hợi nhật, Hoàng Đạo thời.
Tấu vi: Thái Bình tỉnh, Đông Hưng huyện, Bạch Đằng xã, Cựu Hậu tái, Hậu Trung thôn. Y vu linh Đàn tràng Miếu Xứ Phụng.
Hậu duệ: Phan Mạc Đăng Nhật, Chủ tịch HĐMTVN đồng hậu duệ, viễn duệ Mạc tộc gốc Mạc, Chu nhân đẳng, nam phụ lão ấu.
Cẩn dĩ: Tu thiết hương, đăng, hoa, quả, phù lang thanh trước, kim ngân tài mã, kê xuy lễ phẩm, tạp bàn thứ nghi, cung trầm bạc tế, thức biển thành tâm, tinh sảng hữu thức, ngưỡng duy lai lâm, cảm chiêu cáo vu.
-Cung thỉnh: Mạc triều Thập nhị vị Tiên đế Ngọc bệ hạ.
-Cung thỉnh: Mạc triều Đại vương Tướng quân Mạc Văn Minh vị tiền.
-Cung thỉnh: *Mạc Lập Quận công húy Ngọc Tung vị tiền
*Mạc Vạn quận công húy Ngọc Tựng vị tiền
*Sơn Đông hầu
Đồng cung thỉnh: Tả Văn, hữu Võ vạn vạn tinh binh, trận vong tướng sỹ, nghĩa quân, các tộc phái nhân dân Hương Thôn phù trợ anh quân, đồng bào tử nạn, vị Quốc vong thân, đồng lai hâm hưởng!
Tiết mùa Thu ảm đạm hắt hiu
Đàn độ vong hương, bạc lòng vương vấn.
Mây sầu che phủ bốn phương
Hồn thiêng phảng phất tâm thường quặn đau.
Đâu nghĩa quân vó câu, yên ngựa?
Đâu những ngời kiếm gỗ, gươm thề?
Não nùng thay, phút chia ly
Nấm mồ chung số phủ sương bia mờ.
Văn tài, võ tướng anh hào
Vì dân, vì nước cùng nhau giữ gìn.
Giúp Vua hiền, bao phen bao bọc
Nào ngờ đâu quân Trịnh sát thù
12 tháng 7 mịt mù thảm thương.
Dân làng tử nạn xót thương,
Đốt làng, sát hại không vương ngời nào.
Dù bốn trăm năm đi vào dĩ vãng,
Những oan khiên lãng đãng nhiều phương
Tấm gương trung nghĩa, kiên cường
Nghìn thu bất hủ, thiên trường lưu danh.
Hôm nay thiết lập Đàn tràng
Cầu siêu phả độ dẫn hồn vãng sinh.
Truớc án tiền khói hương nghi ngút
Hậu duệ dâng oản, quả, trà, hương
Giải tỏ tấm lòng thành kính tri ân.
Kính cẩn dâng bài tế Chúc văn
Tuởng niệm công đức tiền nhân.
Nền xa, chốn cũ Hậu Tái, Tiền Đồn, Gốc Gạo.
Vẫn làng mạc thanh bình an lạc
Cùng trường tồn trời đất, non sông.
Tiết mùa Thu trăng sáng một vùng
Ngày Đại lễ cầu siêu Tiên liệt
Cùng hậu thế khắc mảnh đan tâm
Trước anh linh kính lạy Tiền nhân.
Ngọn kim phong hiu hắt
Cỏ cây dường thấu tấm lòng thành
Chốn Hương Thôn mơ màng hương khói.
Như khơi lòng luyến mộ.
Dám xin lấy lượng xét soi
Mở lòng phù trợ.
Anh linh hóa sinh về với đất trời
Khí thiêng còn dìu dắt cháu con
Đuốc sáng mong soi đường tiến bộ.
Cầu mong cho: Nước mạnh dân giầu,
Mây hòa, gió thuận, quốc thái, dân an.
Hậu duệ khẩn thiết kiền thành bái tạ.
Kính cáo: Thành Hoàng Bản Thổ, Thổ Công, Táo Quân, Thần Kỳ Long Mạch đồng lai chứng giám.
Cẩn cáo!
Mạc Khoa Năng Trình. Pháp danh Tự Quang.
Trụ tri Thiền Hoàng Thiên
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.