- Đang online: 4
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 20050
- Tổng truy cập: 3,370,333
BÀI TỰA THẾ PHẢ HỌ MẠC
- 2473 lượt xem
Xưa Trịnh Tiều viết Thông Chí lược có ghi rõ dòng họ. Ta ngờ họ Mạc bắt nguồn từ họ Mạc ( ), khởi đầu từ con cháu “cửu quan” thời Đường Ngu, hỏi thì không có căn cứ nào để khảo được.
Nay là tháng 9 mùa thu năm Quý Sửu, niên hiệu Vạn Lịch năm thứ 41 (1613), các ông họ Mạc là Ứng Dương, Hồng Trinh, Long Tích, Tuấn Minh đều là người nổi tiếng trong huyện, họp người trong họ, tu sửa phần mộ tổ tiên, kể lại thế thứ, rồi đem cho ta xem. Ta nghĩ họ Mạc vốn là họ Cơ. Cuối đời Chu bị ly tán đến đời Tần, Hán có người dời đến Cự Lộc làm quan đến Chấp kích, ăn thực ấp ở đất Mạc nên lấy tên đất là tên họ là Mạc(1). Nay huyện Nhiệm Khâu, phủ Hà Giản là huyện Mạc ngày xưa vậy, cũng gọi là Mạc Châu, dấu tích xưa vẫn còn, họ Mạc bắt đầu từ đó. Đến năm Đại Lịch, Mạc Tang làm Bắc bộ Viên ngoại lang, sau dời đến ngõ Châu Cơ, thôn Kim Lũ đất Phong Châu.
Đến năm Đại Trung thứ năm đời Đường (660) thì có ngài Trạng nguyên Mạc Tuyên Khanh là người đỗ đạt đầu tiên ở đất Lĩnh Nam. Kế đó có Tấn thứ sử rồi đến Như Tùng. Năm Thiên Thành thứ 3 đời Đường Minh Tông vì có tài văn học được vời làm Trung thư kiêm Thị giảng học sĩ. Kế đó có Hữu Hoài, quan biệt giá bắt đầu ra ở đất Lăng Thủy thuộc Nam Hùng.
Đến đời Cảnh Hựu (1038) triều Tống Nhân Tông thì có cụ Vĩnh Xương đỗ Tiến sĩ làm Học huấn Quảng Châu, do đó làm nhà ở cầu Thanh Phong, thành Quảng Châu, sinh được 3 con trai: con cả là Ngu, con thứ là Lỗ, con thứ ba là Độn. Cụ Ngu làm trực giảng ở Vương phủ. Con cháu dời đến đất Vĩ Tụng thuộc Phiên Ngung (nay là tỉnh Quảng Châu)(2). Còn con cháu cụ Lỗ vì có Dương hầu tàn ngược nên nhà cửa bị tàn phá đổ nát. Cụ Độn ra Thất An và cụ Lỗ do đó dời đến ở thôn Lỗ. Con của cụ Độn là Mạc Vi dời đến ở thôn Tiều Lợi, huyện Đông Hoãn, khi ấy cụ dâng thư hiến kế sách góp thóc giúp việc biên cương, được phong là Phụng nghị đại phu, lấy bà Nghi nhân Trần Thị Nam. Cụ mất năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Thiệu Hưng thứ 22 đời Tống Cao Tông. Chôn ở gò Thánh Nương, Trà Linh huyện Đông Hoãn, hợp táng với cụ bà Trần thị. Đó là Thủy tổ họ Mạc dời đến trong ấp.
Sau này, 7 người con chia thành 7 chi. Con cả ở Tiều Lợi. Con thứ ở thôn Đại Đao thuộc cửa khẩu Thạch Thủy. Con thứ ba từ Tiều Lợi dời đến ở gò Long Vĩ thuộc Lỗ Thành, vợ là Chu thị, sinh được 2 con trai, con cả là Văn Hoán, con thứ là Văn Quang. Vợ Quang là Lý thị sinh ra Tổng Cán. Dời đến ở Quan Điền, vợ là Tiết thị, sinh được 3 con: con cả là Thượng Tuấn, con thứ là Thượng Đạt, con thứ ba làThượng Hiền. Tuấn vẫn ở Quan Điền, Hiền dời đến đất Cổ Thiệp, Đạt dời đến ở Thạch Vĩ, tức thôn Mạc ốc. Vợ cụ Thượng Đạt là Dương thị, sinh được 2 con. Con trưởng là Khắc Xương, con thứ là Khắc Phát. Vợ cụ Khắc Phát là Hà thị sinh được 2 con. Con trưởng là Bản Trinh, con thứ là Bản Tường. Cụ Tường sinh được 4 con: Kính Hoà, Kính Đức, Kính Nghiệp, Kính Hiền.
Nay ghi bài tựa này để con cháu đời đời chớ có thay đổi, để biết ngọn ngành nguồn gốc của họ Mạc vậy.
– Thủy tổ cụ Tuyên Khanh đỗ Trạng nguyên năm Đại Trung thứ 5 đời Đường.
– Tổ đời thứ hai là cụ Tấn làm quan Biệt giá Hoài Châu.
– Tổ đời thứ ba là cụ Như Tùng làm Đoạn Minh điện đại học sĩ Đường Minh Tông.
Truyền đến đời thứ 22 thì đến cụ tổ là Đại Luân, tự là Đôn Nhân, dời sang ở Hà Nội nước Đại Nam.(3)
TS Hoàng Văn Lâu
Dịch
Chú thích:
(1) Việc này có từ thời thượng cổ cách nay trên 4000 năm, như vua Nghiêu được phong đất Đào huyện (thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay) rồi sau rời sang đất Đường huyện (thuộc tỉnh Hà Bắc) nên được gọi là Đào Đường thị – Con cháu vua nghiêu người thì lấy họ Đào, người thì lấy họ Đường.
Cho nên việc họ Cơ đổi sang họ Mạc cũng là việc bình thường. Sau này phái hệ họ Mạc ở Nghệ An có chi đổi ra họ Thái cũng theo tiền lệ đó.
(2) Theo Thi Nham Đinh Gia Thuyết thì con cháu cụ Mạc Ngu sau dời sang Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), đến cụ Mạc Hiển Tích đỗ Nhất giáp Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Quảng Hựu triều Lý (1086), tức là Thủy Tổ nhà Mạc ở nước Nam.
(3) Bài tựa thế phả họ Mạc này được chép trong cuốn Mạc thị thế phả hợp biên. Cuốn MTTPHB gồm 48 tờ giấy khổ 13 x 24cm. Bìa ngoài phết cậy, bìa trong là giáy hồng điều. Sách viêt chữ Hán chân phương đẹp. Sách đã bị mối xông lỗ chỗ, một số dòng bị xóa và sửa bổ sung. Sách do một người cháu xa là Ngọc Thu ghi chép vào năm Thành Thái, tháng 7 Kỷ Hợi (1899) trong đó có các bài tựa phả của họ Mạc ở Lũng Động, họ Lều ở Nhị Khê… và các bài ký, câu đối, liệt vị tiên linh.
TS Hoàng Văn Lâu
Viết bình luận
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.