- Đang online: 3
- Hôm qua: 474
- Tuần nay: 13426
- Tổng truy cập: 3,377,006
TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- 1993 lượt xem
TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020
Bộ sách Từ điển Thái Bình 2020 ra mắt bạn đọc tháng 10/2020, có trên 30 mục từ viết về nhà Mạc và các Chi họ gốc Mạc Thái Bình cùng những Di tích, Sự kiện liên qua tới nhà Mạc và các Chi họ gốc Mạc tại đây. Kỳ 1 (Ngày 04/12/2020) chúng tôi đã giới thiệu về các Chi họ gốc Mạc tại Thái Bình gồm Họ Lều Thái Công, Họ Phạm Đình Thái Hoà, Họ Vũ gốc Mạc Đông Xuân, Họ Vũ Như, Họ Vũ Tiến thôn Chàng, Sông Nhà Mạc, Tượng đá thời Mạc tại An Đồng. Kỳ 2 này chúng tôi giới thiệu tiếp các mục từ khác của Từ điển viết về nhà Mạc và các Chi họ gốc Mạc tại Thái Bình như Chi họ Lê gốc Mạc làng Phúc Hạ, Họ Đỗ Quý gốc Mạc xã Đông Cường, Họ Ngô Đăng làng Nhẩy, Họ Nguyễn Công xã Đông Thọ, Họ Nguyễn Doãn xã Vũ Trung, Bát hương gốm, Chân đèn sứ, Tượng đồng và Nghê gốm thời Mạc tại Thái Bình.
Kỳ 2.
- Mục 672: CHI HỌ LÊ PHÚC gốc MẠC, làng PHÚC HẠ, Vũ Phúc.
-
Theo phả Chi họ Lê ở Phúc Hạ, xã Vũ Phúc thì Tổ của Chi họ Lê tại đây có gốc từ họ Mạc Cổ Trai.
Thời chiến tranh Trịnh Mạc, có bà cô dẫn 2 người cháu lạnh nạn về Phúc Hạ, trong đó người anh được cụ họ Đặng nhận nuôi, sau cụ gả con gái là Đặng Thị Sai cho. Khi ấy, Tổ lấy Phúc Khánh Hạ là nơi ra đời và đổi từ họ Mạc sang họ Lê, trong đó đặt lót chữ Phúc 福 từ tên đệm vua Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên để làm dấu hiệu cho con cháu, tránh sự truy diệt của nhà Lê Trịnh.
Từ đường đại tôn họ Lê trước đây có bức đại tự sơn son thiếp vàng “MẠC NHƯ THIẾT”, tức “Nhà Mạc bền chắc như sắt thép”. (Thời xưa con người coi Sắt thép bền chắc nhất vì Sắt thép dù có nung đỏ vẫn không thể cháy) và câu đối chữ Hán: “Trữ trục Lê gia truyền cửu thế, Nguyên liên quả điệt vạn tư Xuân“, tức “Chi họ Lê này tích tâm lâu bền nhiều thế hệ, Dòng dõi mình khởi nghiệp sẽ phồn thịnh vạn mùa Xuân”. Cụ tổ Lê Phúc Chiếu có 5 con trai nên tách thành 5 cành như ngày nay.
Họ Lê Phúc gốc Mạc ở Phúc Hạ hiện có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 24 liệt sỹ. Trong họ có Lê Quốc Dung là Phó Chủ nhiệm UB kinh tế Quốc hội. Ông Lê Thành Đô là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Tính đến nay họ Lê Phúc, làng Phúc Hạ có 13 thế hệ với 500 đinh. Các cụ cao niên trong dòng họ vẫn truyền lại: Trước đây, các bậc tiền nhân của họ Lê ta đều về Cổ Trai, Hải Phòng nhận họ giỗ Tổ nhà Mạc. Riêng từ năm 1945 trở lại đây, do biến cố của lịch sử nên có phần sao nhãng.
Mục 1860: HỌ ĐỖ QUÝ gốc MẠC, xã Đông Cường.
Bản phả chữ Hán Nôm do cụ Đỗ Quý Nga, người làng Xuân Thọ, xã Đông Cường, Đông Hưng lưu, được Tổ tiên họ Đỗ Quý truyền lại. Bài thơ phả này được viết cách nay nhiều trăm năm, vì trong bài thơ đó có các từ cổ như Sai nha, Phủ v.v… .
Nội dung bài thơ “Chuyện rằng: Từ thuở xa xưa, Mạc – Lê nội chiến ganh đua một thời. Cụ Tổ ta: Chính người họ Mạc, Vì thế thời đi khắp một phen. Khi đi có năm anh em, “Trôi, Mè, Trắm, Chép, Rói” quên tên ngoài. Tên chính thức không ai dám gọi, Bởi Sai nha lục lọi tuần tra. Chắc rằng các cụ nhà ta, Đều là Tước vị đều là Danh nhân. Đường lắm lúc gian truân vất vả, Chí anh hùng cao cả xông pha. Thế rồi một buổi chiều tà, Mỗi người một ngả vậy là chia tay. Một Cụ về ở ngay Gia Viễn, Một Cụ thời thẳng tiến làng Hà. Còn riêng cụ Tổ nhà ta, Về phủ Nam Định đất là làng Xuân. Còn một Cụ xuống gần vùng biển, Đất Thần Đầu – Thần Huống ngày nay. Một Cụ đi khắp đó đây, Hải Dương dừng lại cấy cày làm ăn”.
Họ Đỗ Quý gốc Mạc làng Xuân Thọ, Đông Cường tính tới năm 2019 có 94 hộ với 352 khẩu, có Anh hùng llvt Đỗ Quý Lệ, 13 liệt sỹ, 3 bà mẹ VNAH, 1 Thiếu tướng, 4 Đại tá, 1 pGs – Tiến sĩ và nhiều người được tặng thưởng Huân Huy chương các loại.
- Mục 1895: HỌ NGÔ ĐĂNG gốc Mạc làng Nhẩy.
Làng Nhẩy là làng cổ ở xã Hiệp Lực, tổng Đào Xá. Nơi đây có chùa Hội Linh tự (Đào Xá) xây cách nay gần 500 năm. Đây là ngôi chùa chung thờ phật và vua triều Mạc của 5 xã xưa thuộc tổng Đào Xá, huyện Phụ Dực. Đó là: Đào Xá, Đồng Tâm (nay thuộc xã An Đồng), Lộng Khê, Hiệp Lực, An Quý (nay thuộc xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ).
Sau khi nhà Mạc thất thủ Thăng Long năm 1592, nhà Trịnh Lê tìm mọi cách trả thù những người họ Mạc. Để tránh nguy cơ bị tuyệt diệt, nhà Mạc chủ trương thay họ đổi tên Mai danh ẩn tích nhưng có quy ước trong việc đổi họ là “Khử túc bất khử thủ”, tức khi đổi họ thì giữ lại bộ Thảo đầu của chữ Mạc, hoặc lấy chữ Đăng登từ tên cụ Mạc Đăng Dung, hoặc lấy chữ Phúc 福 từ tên cụ Mạc Phúc Hải làm đệm. Khi đổi họ, họ Ngô làng Nhẩy đã đặt lót chữ Đăng và chữ Phúc để làm dấu hiệu cho con cháu sau này. Bài văn khấn cúng Tổ tiên mà cụ Ngô Đăng Tấn dịch theo phả gốc thì họ Ngô Đăng “Tắc tộ thị Hoàng tiên hữu tắc, thành Ngô gia chi súy tổ rã”, tức Tổ tiên họ Ngô Đăng là dòng dõi Hoàng tộc, là dòng dõi vua (thị Hoàng tiên) đã đổi thành họ Ngô.
Tính đến nay họ Ngô Đăng làng Nhẩy có trên 60 hộ gia đình. Tại Nhà thờ họ, thờ 2 bức tượng cổ. Ban trị sự dòng họ chủ yếu là đời thứ 13 cho biết: Các cụ tiền bối xưa truyền khẩu về bức tượng cụ Tổ, thờ tại
Nhà thờ họ là “Nếu giặc đến thì phải dấu bức tượng đi, dấu xuống ao, vì nếu giặc thấy thì sẽ đốt bức tượng và đốt cả nhà thờ họ”. Lịch sử Việt Nam có 2 sự kiện: Một là sau khi nhà Mạc thất thủ Thăng Long rồi bị nhà Trịnh Lê truy đuổi, hai Nguyễn Ánh truy quét nhà Tây Sơn. Sự kiện trên trùng với sự kiện nhà Mạc (Vì hậu duệ họ Ngô Đăng tới năm 2020 đã là đời thứ 14, tức đã trên 400 năm). Điều đó chứng tỏ cụ Tổ họ Ngô Đăng là vị có chức vụ cao của nhà Mạc, nhưng khi nhà Mạc thất thủ Thăng Long vào năm 1592, mới phải dấu diếm như vậy.
Bức tượng cụ Thuỷ tổ đầu đội mũ khoa bảng, chân đi hài, mặc áo quan có thêu chim hạc là quan Nghè. Bức tượng thứ hai là một phụ nữ. Theo phả gốc chữ Hán, cụ tổ họ Ngô Đăng là Ngô Công, tự Phúc Sỹ, mất 21/10, mộ táng tại Đào Xá, cạnh khu đầu Rồng (cận Long hình) tức ở gần bên hình vua. Cụ tổ bà là Nguyễn Thị Phương, mất 14/4. Trước đây mộ Tổ họ Ngô Đăng là ngôi mộ duy nhất táng cạnh chùa Hội Linh tự, nơi thờ 10 pho tượng đá thời Mạc, trong đó có tượng vua Mạc Đăng Dung.
- Mục 1904: HỌ NGUYỄN CÔNG gốc Mạc, xã Đông Thọ.
Khi nhà Mạc thất thủ Thăng Long vào năm 1592, con cháu nhà Mạc phải ly tán, thay họ đổi tên, tránh sự truy diệt của nhà Lê Trịnh. Cuộc hành trình của Tiên công họ Nguyễn Công xã Đông Thọ từ cụ Tam
Lang ở Nghệ An ra. Ngoài bố Hoàng Phúc Hải (Tại Nghệ An đã đổi từ họ Mạc sang họ Hoàng) với mẹ thứ Đinh Thị Lự còn có cậu Vũ Thuần và người em của cụ Tam Lang tên là Thanh cũng ra Thái Bình.
Tiên công Tam Lang theo cậu là cụ Vũ Thuần về lập ấp tại làng Nam Đông xưa, nay là xã Đông Thọ, tp Thái Bình, còn em của cụ Tam Lang cùng bố về lập nghiệp tại xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, khai sinh ra dòng họ Nguyễn Doãn ngày nay. Khi ấy cụ Vũ Thuần cải vị đổi thành Nguyễn Công Khoa, khai sinh ra dòng họ Nguyễn Đông, còn cụ Tam Lang thì khai sinh ra dòng họ Nguyễn Công ở xã Đông Thọ.
Như vậy, cụ Hoàng Phúc Hải (Đời thứ nhất, cháu nội của vua Mạc Phúc Hải) là cụ Tổ đầu tiên của họ Nguyễn Công gốc Mạc xã Đông Thọ và họ Nguyễn Doãn ở xã Vũ Trung, Kiến Xương, còn cụ Tam Lang (Đời thứ hai) là cụ Tổ đầu tiên của họ Nguyễn Công gốc Mạc, Đông Thọ. Nhà thờ họ họ Nguyễn Công hiện được xây dựng tại đúng vị trí đất thôn Nam Thọ, nay là thôn Thống Nhất xã Đông Thọ, Tp Thái Bình.
- Mục 1905: HỌ NGUYỄN DOÃN gốc Mạc,Vũ Trung.
Họ Nguyễn đệm chữ Doãn để phân biệt với các họ Nguyễn khác trong làng. Họ Nguyễn Doãn Vũ Trung, Kiến Xương là họ gốc Mạc, là con cháu Hiển tông Mạc Phúc Hải (1541/1546), vị tổ xa đời của trạng nguyên Mạc Hiển tích, Trạng nguyên khoa Bính Dần (1086), tiếp đến Lưỡng quốc Trạng nguyên
Mạc Đĩnh Chi (1272/1346). Từ Mạc Đĩnh Chi đến Mạc Đăng Dung trải qua mấy thế kỷ. Triều Mạc trị vì đất nước 66 năm (1527/1592) với kinh thành là Thăng Long, sau đó dời lên Cao Bằng và còn tồn tại đến năm 1677. Thời Lê Trung Hưng nhà Mạc bị coi là ngụy triều. Khi nhà Mạc thất thế, cháu nội của vua Mạc Phúc Hải (1540/1546) chuyển cư về huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đổi ra họ Hoàng nhưng vẫn lấy tên như ông nội, gọi là Hoàng Phúc Hải. Khi chạy về Thái Bình (thời ấy Thái Bình thuộc phủ Nam Định) đổi sang họ Nguyễn Doãn và giữ tên họ đó cho đến nay.
Chuyện kể rằng, có ba anh em con cụ Hoàng Phúc Hải đang ngồi đánh cờ ở phố huyện Đô Lương, được tin quân triều vây gấp, mỗi người cầm một quân cờ trong cụm Xe, Pháo, Mã lấy đó làm tín hiệu nhận ra nhau sau này. Người cầm quân Xe chạy về xã Đông Thọ, Đông Hưng ngày nay. Người cầm quân Pháo không rõ đi đâu. Người cầm quân Mã tên là Thanh, là con thứ hai của Hoàng Phúc Hải cùng cha chạy về đất xóm Đường Nam, thôn Hương Vinh, làng Động Trung (nay là thôn 8, xã Vũ Trung). Khi mất, mộ cụ Hoàng Phúc Hải táng ở thôn Đường Vịnh (nay là thôn Đông Vịnh, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư), hiện đã chuyển về Nghĩa trang thôn 10, xã Vũ Trung, khu mộ họ Nguyễn Doãn. Tính từ cụ Hoàng Phúc Hải đến nay họ Nguyễn Doãn gốc Mạc đã phát triển lên 17 đời.
Họ có nhiều người giữ các chức vụ như chánh tổng, lý trưởng, hương hội. Sau năm 1945 có người là Phó Chủ tịch huyện như cụ Nguyễn Doãn Diễm, còn cụ Nguyễn Tường Lân là Thứ trưởng Bộ GTVT. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, họ Nguyễn Doãn có 9 liệt sỹ. Các con cháu ngày nay nhiều người có học hàm, học vị cao đang công tác ở mọi miền đất nước.
- Mục 243: BÁT HƯƠNG GỐM THỜI MẠC.
Cổ vật gồm 4 bát hương thiết diện tròn và 4 bát hương thiết diện hình chữ nhật. Đây là những hiện vật sưu tầm tại chùa Keo (Thái Bình), tại miếu Viềng xã Đông Phương, huyện Đông Hưng và 2 bát hương thiết diện tròn tại chùa Đào Xá, xã An Đồng, Quỳnh Phụ. Các bát hương kể trên chất liệu sứ phủ men ngà hoặc lam. Miệng, thân, đế đều trang trí hoa văn đắp nổi với các họa tiết đao mác, rồng, hoa lá. Loại thiết diện hình chữ nhật, phần đế thể hiện dạng sập chân quỳ dạ cá, cổ rối, ô sa. Loại thiết diện tròn, chân thường có 4 đế cao. Niên đại thế kỷ XVI thơi Mạc.
- Mục 621: CHÂN ĐÈN SỨ THỜI MẠC.
Cổ vật gồm chân đèn có bình hoa sứ, cổ cao loe, thân phình thon, đế thiết diện tròn cao 70 cm, thân 35 cm, đường kính đế 20 cm. Đây là chân đèn sứ thời Mạc tại chùa Keo. Toàn bộ chân đèn phủ men trắng ngà rạn, hoa văn xanh lam đậm với các hoạ tiết mây tán, hoá đao, cánh sen vuông kép. Trên thân có dòng chữ Hán khắc chìm khi cốt gốm còn ướt “Diên Thành vạn vạn niên chi tứ” tức là: Diên Thành năm thứ tư (1581). Phần cổ chân đèn đắp trổ thủng họa tiết Rồng, trên phần thân đắp nổi dải băng cánh sen kép. Xung quanh thân chân đèn đắp đôi Rồng đuổi nhau (để mộc). Các họa tiết đao, mác từ mũi Rồng, chân, mào Rồng tạo ra một tác phẩm đắp nổi tài hoa tinh luyện trên nền gốm phủ men rạn. Niên đại chân đèn chùa Keo, thời Mạc: Thế kỷ XVI, hiện được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình.
- Mục 2308: TƯỢNG ĐỒNG THỜI MẠC TẠI CHÙA KEO.
Theo Việt sử diễn âm (viết vào thời Mạc) và Hành thiện xã chí của Ts Đặng Xuân Bảng thì chùa Keo có từ thời Đinh. Cũng trong mục từ này Từ điển Thái Bình năm 2020 đã nhắc tới Tượng đồng thời Mạc. Từ điển viết “Tượng thờ tại chùa Keo đều là các tượng quý, trong đó Tượng đồng Cửu Long được chế tác từ thời Mạc, Thế kỷ XVI”.
- Mục 3037: NGHÊ GỐM THỜI MẠC.
Hiện vật: 6 con Nghê gốm được sưu tầm tại chùa An Đề, xã Hiệp Hoà, Vũ Thư. Nghê là loài linh thú thường được dân gian coi là hộ vệ của các vị thần. Thường người ta dùng hình tượng Nghê chầu cửa Thánh
để biểu thị danh uy tối thượng của Thần linh đón chào thần dân tới dâng lễ. Nghê dù ở đâu nhưng đều có nét chung là cười ngộ nghĩnh (Cười như nghê). Bộ sưu tập Nghê sứ thời Mạc trưng bày tại Bảo tàng Thái Bình, con cao nhất 60 cm, con thấp nhất 15 cm đều ở tư thế ngồi, hai chi trước chống, mắt nhìn thẳng, thè lưỡi, cười rất tươi. Trên thân, đầu và các chi đều có họa tiết đắp nổi, được phủ men trắng ngà xanh lam. Niên đại thế kỷ thứ XVI, thời Mạc.
Bức tượng đá nguyên bản Thái tổ Mạc Đăng Dung được chế tác từ Thế kỷ XVI tại chùa Hội Linh tự, thôn Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Bài và ảnh: Vũ Tiến Thắng, Mạc tộc Thái Bình,
ĐT: 0386324703.
BBT mactoc.com
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- CAO BẰNG: DI TÍCH CHỐT ĐÓNG QUÂN THỜI NHÀ MẠC TẠI XÃ LÝ QUỐC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.