- Đang online: 1
- Hôm qua: 771
- Tuần nay: 13974
- Tổng truy cập: 3,368,452
TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- 2760 lượt xem
TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
Xin giới thiệu với Hội đồng Mạc tộc Việt Nam (HĐMT VN) và bạn đọc dự án “TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH” năm 2020.
Chỉ đạo biên soạn: Tỉnh ủy, HĐNN và UBND tỉnh Thái Bình.
Thẩm định nội dung: Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh TB và Hội đồng Khoa học Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử Văn hoá VN.
Thực hiện dự án: Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử Văn hóa Việt Nam (LSVH VN). Nộp lưu chiểu tháng 10 năm 2020.
Trích LỜI NÓI ĐẦU của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
“Từ điển Thái Bình năm 2020 là bộ sách cập nhật thông tin về địa danh, nhân vật, sự kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thái Bình với 5.757 mục từ và trên 2.000 trang sách khổ lớn. Từ điển Thái Bình là công trình khoa học, tài liệu chào mừng, phục vụ Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX. Bộ sách Từ điển bách khoa Thái Bình dùng để tra cứu, lưu giữ những hiểu biết về Thái Bình xưa và nay, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những thuận lợi và cả những khó khăn của tỉnh để các nhà đầu tư tham khảo, tìm hiểu về Thái Bình”.
Bộ sách Từ điển Thái Bình năm 2020 có trên 20 mục từ viết về nhà Mạc và các Chi họ gốc Mạc tại Thái Bình cùng những di tích, sự kiện liên qua tới nhà Mạc và các Chi họ gốc Mạc tại đây. Xin trân trọng giới thiệu các mục từ của Từ điển Thái Bình viết về nhà Mạc. Vì nếu viết tất cả các mục trong bài viết kỳ này trong một lần thì sẽ quá dài nên chúng tôi tách ra thành nhiều bài ngắn gọn và tạm gọi bài này là Kỳ số 1. Các bài còn lại sẽ được gửi tới bạn đọc ở các Kỳ tiếp theo.
Mục 1885: HỌ MẠC và CÁC CHI HỌ gốc MẠC tại Thái Bình, Trang 575.
Nhà Mạc 莫 , thế kỷ thứ XVI (1527/1592) lãnh đạo đất nước 66 năm, kinh đô là Thăng Long với 5 đời vua. Năm 1592, sau khi thất thủ Thăng Long, nhà Mạc dời lên Cao Bằng và còn tồn tại đến năm 1677. Để bảo vệ dòng họ, tránh bị tuyệt diệt do nhà Lê Trịnh truy quét, những người họ Mạc ở lại đã thay họ, đổi tên, mai danh ẩn tích.
Thái Bình ngày đó thuộc Dương Kinh và là hậu phương của nhà Mạc. Sau 400 năm (1592 – 1992), hậu duệ nhà Mạc đã tìm thấy nhau đúng như lời Sấm tiên tri của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tặng nhà Mạc: “Tứ bách niên tiền chung phục thủy, Thập tam thế hậu dị nhi đồng”, tức là: Bốn trăm năm trước cùng đồng lòng tôn thờ một Tổ, Mười ba đời sau tuy khác họ nhưng vẫn là một gốc một nguồn. Ban liên lạc các Chi họ gốc Mạc Thái Bình, nay là Hội đồng Mạc tộc Thái Bình thành lập ngày 01 tháng 8 năm Ất Hợi (1995). Chủ tịch ban đầu là cụ Vũ Tiến Sùng: Tỉnh ủy viên, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Thái Bình là Luật sư Vũ Đình Y.
Tính tới tháng 9 năm 2020, tại Thái Bình có 18 Chi họ gốc Mạc đang cùng sinh hoạt. Trong đó, tại thành phố có Họ Nguyễn Công xã Đông Thọ, Chi họ Khổng xã Đông Mỹ, Họ Nguyễn Phúc ở xã Vũ Phúc, Họ Thái ở xã Vũ Chính, Chi họ Lê gốc Mạc ở Phúc Hạ, Họ Vũ Như ở các phường Hoàng Diệu, Kỳ Bá, Trần Lãm, ngoài ra họ Vũ Như còn có một Chi họ ở Nha Xuyên, xã Thái Phúc. Tại Thái Thuỵ có Họ Phạm Đình ở xã Thái Hòa. Tại Hưng Hà có Họ Nguyễn Quang ở xã Văn Lang. Tại Quỳnh Phụ có Họ Ngô Đăng ở làng Nhẩy. Tại huyện Đông Hưng có Họ Vũ Tiến xã Đông Xuân, họ Vũ Tiến xã Đông Dương, Họ Bùi Đăng ở Đồng Cống Đồng Phú, Họ Đỗ Quý xã Đông Cường. Tại Kiến Xương có Họ Lều ở xã Thái Công, Họ Phạm ở xã Quốc Tuấn, Họ Nguyễn Doãn ở xã Vũ Trung. Tại Tiền Hải có Họ Thái Văn và tại Vũ Thư có Chi họ Hoàng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, các Chi họ gốc Mạc Thái Bình có rất nhiều công lao đối với Tổ Quốc, trong đó nhiều liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều người là Lão thành CM, Tiền khởi nghĩa, nhiều vị là cán bộ cấp trung ương, cấp tỉnh.
Nhiều vị có công lớn như Giáo sư Vũ Đình Cự (họ Vũ Tiến gốc Mạc, xã Đông Xuân) từng là Phó Chủ tịch Quốc hội, hoặc Nguyễn Tường Lân (họ Nguyễn Doãn gốc Mạc, xã Vũ Trung) là Thứ trưởng Bộ GTVT, cụ Bùi Đăng Chí (họ Bùi Đăng gốc Mạc, Đồng Cống) ở Bộ Ngoại giao là Chánh Văn phòng UB liên lạc văn hoá với nước ngoài, cụ Vũ Tiến Liễu (họ Vũ Tiến gốc Mạc xã Đông Xuân) cử nhân, từng là Uỷ viên thường trực Uỷ ban Vật giá trung ương, thành viên UNESCO về nghiên cứu các dòng họ Việt Nam, hoặc các vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời chống Pháp như Đỗ Quý Lệ (họ Đỗ Quý gốc Mạc xã Đông Cường, Vũ Tiến Đề: Anh hùng LLVT thời chống Mỹ (họ Vũ Tiến gốc Mạc xã Đông Dương), Lều Vũ Điều: Anh hùng thời kỳ đổi mới (họ Lều gốc Mạc xã Thái Công, huyện Kiến Xương) v.v…
Nhân đây tôi cũng giới thiệu một số mục từ khác trong Từ điển Thái Bình 2020 nói về nhà Mạc và các Chi họ gốc Mạc tỉnh Thái Bình.
Mục 1878: HỌ LỀU gốc MẠC, xã THÁI CÔNG, Trang 573.
Vùng đất trù phú Đa Cốc xã Thái Công, huyện Kiến Xương có họ Lều gốc Mạc. Tập sách chữ Hán cổ “Lều gia từ phụng tổ văn sử ký” gồm 109 câu thơ thể song thất lục bát được viết vào năm Kỷ Dậu 1909 thời Duy Tân, nói về cội nguồn họ Lều ở Thái Công và công sức của họ này đối với địa phương.
Ngoài ra, cành Lều Hữu cũng sưu tầm được Phả họ Lều viết vào năm Bảo Đại thập tam niên (Mậu Dần 1938). Cả hai tập sách kể trên đều ghi Tổ tiên họ Lều là gốc Mạc, trong đó nói họ Lều gốc từ “Lũng Động, Chí Linh cổ huyện” và sự kiện năm Nhâm Thìn 1592 nhà Mạc thất thủ Thăng Long, con cháu nhà Mạc phải lui về vùng đất Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây và đất Thái Công, Kiến Xương rồi đổi sang họ Lều.
Tập sách khẳng định“Thiên giữ trạch Thái Công cư tụ, Cải tính Lều Triệu Tổ dĩ lai” tức là “Trời đã trao vùng đất Thái Công, Kiến Xương cho họ Mạc và Tổ họ Lều được bắt đầu từ đây”.
Công chúa Huệ Từ cho rằng Tổ tiên họ Mạc từng làm nghề chài lưới Vó Lều nên đã chọn chữ Lều làm họ, trong đó lấy chữ LIỄU làm gốc, thể hiện sự hiểu đời, sự việc đã xong mà Liễu cũng còn có ý là phận gái. Vậy với bộ Thảo ở trên chữ Liễu tạo thành chữ Lều thì cũng chẳng khác nào như sự gánh vác trọng trách lớn trên đôi vai Bà đối với dòng họ và có bộ Thảo của chữ Mạc để không lẫn với họ khác. Tiếng Hán, chữ Mạc có bộ thảo ở phía trên. Như vậy, việc đổi sang họ Lều bắt đầu từ Thái Công, sau đó Nhị Khê đặt theo. Sách Kiến Xương xưa nay, mục Sự hình thành khu dân cư và các dòng họ văn hiến đã ghi: Họ Lều Thái Công, Kiến Xương khởi từ công chúa Mạc Huệ Từ, trưởng nữ của vua Mạc Đăng Doanh.
Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc, Thái Công có sự đóng góp rất lớn. Họ Lều Thái Công có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều người là Lão thành Cách mạng và Tiền khởi nghĩa. Tại Thái Công có Anh hùng Lao động Lều Vũ Điều.
Mục 1934: Họ PHẠM ĐÌNH gốc MẠC xã Thái Hòa, Thái Thụy, Trang 592.
Xã Thái Hòa nay được sát nhập thành xã Hòa An. Bài diễn ca họ Phạm Đình Sơn Cao, xã Thái Hoà, huyện Thái Thuỵ ghi theo lời bài thơ cổ chữ Hán do cụ Phạm Đình Cường chép lại, trong đó nói họ Phạm Đình thôn Cao Sơn, Thái Hòa là họ Phạm gốc Mạc:
“Vốn dòng họ Mạc nghiệp ngư. Ngai vàng tạo dựng giữa từ nhà Lê. Ngôi vua ngày ấy thuộc về, Triều Mạc chủ mới thay Lê trị vì. Nhưng rồi nhà Mạc suy vi, Trả thù Lê Trịnh tức thì ra tay. Lệnh truyền khắp mọi đó đây, Ai người họ Mạc đều dây tội tình. Mạc ông rẽ sóng băng mình, Dấu tên dấu họ một mình mình hay. Rằng thuyền gặp bước không may, Cho dừng chân nghỉ tai bay hãi hùng. Có nhà họ Phạm trong vùng, Xót người hoạn nạn đã dung qua ngày”.
Cụ Phạm Đình Bân cũng có bài thơ lưu về họ Phạm Đình, Cao Sơn “Tổ Tiên ta xưa là họ Mạc, Ở Hoành Bồ, thuộc tỉnh Quảng Yên. Khi nhà Mạc bị mất chính quyền, Người trong họ lánh đi mọi ngả. Cụ Tổ ta đến trú cư nơi Hoàng Xá, tức đất Cao Sơn ta ở ngày nay. Để che thân tung tích tránh phiền rày, Dấu họ Mạc đổi sang thành họ Phạm”.
Tới nay họ Phạm Đình gốc Mạc thôn Cao Sơn, Thái Hòa, Thái Thụy có 105 hộ với 326 khẩu. Trong họ có 5 liệt sỹ, 3 người là Lão thành CM, 6 đảng viên đạt danh hiệu 50 năm tuổi Đảng, 28 người được tặng thưởng 40 Huân, Huy chương các loại, trong đó 16 người được tặng Huân chương và 12 người nhận Huy chương.
Mục 1973: HỌ VŨ gốc MẠC xã Đông Xuân, Đông Hưng, Trang 605.
Hiện có một số họ Vũ gốc Mạc sinh sống ở Thái Bình tại các xã Đông Xuân, Đông Dương (Đông Hưng), họ Vũ ở Lại Trì, Vũ Tây (Kiến Xương), Nha Xuyên, Thái Phúc (Thái Thụy) và tại Thành phố Thái Bình.
Họ Vũ Tiến xã Đông Xuân, khi tu sửa Từ đường đại tôn đã phát hiện có câu đối xưa bị lớp vôi vữa phủ kín “Phiệt duyệt gia thanh Trần triều Mạc Trạng nguyên chi hậu, Nguyên lưu thế phả Đông Hải Thanh Hà quận dĩ lai”.
Nghĩa tiếng Việt của câu đối trên: “Là dòng dõi trạng Mạc thời Trần nối tiếp. Ngọn nguồn thế phả từ Đông Hải, Thanh Hà tới đây sinh sống”.
Họ Vũ Tiến Đông Xuân thời trước có 2 người làm Tri phủ, 1 huyện thừa, 1 phó tổng trấn Châu Hoan, 1 tri phủ, 1 huyện hàm. Thời Nguyễn có người đỗ cử nhân tham gia phong trào Cần vương. Họ Vũ Tiến có Vũ Tiến Tuân đỗ cử nhân luật, Vũ Tiến Liễu, cử nhân, từng là Uỷ viên thường trực Uỷ ban Vật giá trung ương, thành viên UNESCO về nghiên cứu các dòng họ Việt Nam.
Dưới chế độ mới, họ Vũ Tiến xã Đông Xuân có nhiều người là Giáo sư, Tiến sỹ, Tiến sỹ khoa học. Nhiều người giữ các chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước, Quốc hội, trong đó có Vũ Đình Cự, Giáo sư – Tiến sỹ vật lý. Ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1966 trong nghiên cứu rà phá bom từ trường ngư lôi Mỹ và từng giữ chức vụ: Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Cụ Vũ Tiến Sùng, Tỉnh ủy viên, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân.
Mục 1975: HỌ VŨ NHƯ gốc MẠC tại Thành phố THÁI BÌNH, Trang 606.
Theo Phả thì họ Vũ Như vốn dòng họ Mạc ở Nghi Dương. Những năm cuối thế kỷ XVI, cuộc phân tranh giữa nhà Mạc với nhà Lê Trịnh đã tới hồi kết. Để tránh tai họa và bảo tồn tông tích, nhiều thành viên họ Mạc phải lánh ẩn khắp nơi, trong đó có 4 anh em cụ Mạc Thông Đạo. Người lên Cao Bằng, người về Nam Định. Riêng cụ Thông Đạo đến ẩn nhờ nhà cụ Vũ Chính Tâm ở Bói Vé, Hải Dương. Cụ Chính Tâm đã nhận cụ Thông Đạo làm con rể. Từ đây, cụ Thông Đạo xin đổi từ họ Mạc sang họ Vũ.
Sau thắng thế, nhà Trịnh Lê càng ráo riết truy lùng tung tích những người gốc Mạc, do đó cụ Thông Đạo và gia đình cụ Chính Tâm đã rời Bói Vé về Nha Xuyên, thôn Phúc Khê, nay là xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy. Cụ Thông Đạo chính là Thuỷ tổ của họ Vũ Như gốc Mạc.
Họ Vũ Như tính tới 2019 có 270 hộ, hơn 450 đinh với 2 Phái, 4 Chi. Phái 1 sinh sống chủ yếu ở Nha Xuyên xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ. Phái 2 gồm 3 Chi, trong đó Chi 1 ở phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Chi 2 ở thôn Duy Tân, nay là phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Chi 3 ở thôn Lạc Đạo, phường Trần Lãm.
Đến nay các thành viên của họ Vũ Như đã có 15 đời. Theo Phả tổng hợp thì họ Vũ Như có 13 Liệt sỹ, trên 40 người tham gia lực lượng vũ trang, trong đó 8 người cấp tá, 12 người cấp uý. Họ Vũ Như nhiều người có trình độ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trong đó 2 người là thạc sỹ. Tính tới nay, họ Vũ Như được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 5 Huân chương chiến công và 22 Huân Huy chương các loại.
Mục 1976: HỌ VŨ TIẾN gốc MẠC thôn Chàng, xã Đông Dương, Trang 606.
Họ Vũ Tiến thôn Chàng, Phương Đài, xã Đông Dương là họ Vũ Tiến gốc Mạc. Bản phả gốc 9 trang chữ Hán Nôm của dòng họ được viết cách nay 100 năm. Tới 2019, họ Vũ Tiến gốc Mạc Phương Đài đã có 15 thế hệ.
Năm Đinh Sửu 1997, Từ đường dòng họ được xây trên nền nhà thờ cũ với quy mô 3 gian tiền sảnh, 1 gian hậu cung, tổng diện tích trên 120 m2. Sau đó họ đã nhượng lại thêm 110 m2 đất ở phía trước nơi thờ tự để mở rộng sân Từ đường. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Nhà thờ Vũ Mạc tộc làng Chàng là 234,5 m2. Tại Từ đường, gian giữa thờ Tổ tiên và là nơi lưu giữ Phả tộc dòng họ, hai gian bên thờ các Liệt sỹ trong họ và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước Cách mạng tháng 8/1945, các vị chức tước trong họ có 02 Chánh tổng. Lý trưởng: 03, Phó lý: 05, Chánh hội: 02, Cai đội: 04, Tam trường: 01. Số hộ gia đình trong họ tính tới năm 2019: 125. Đảng viên: 90.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945: Cán bộ cấp tỉnh: 03 vị là Vũ Tiến Giản (tức Vũ Kim), Vũ Quý Lập và Vũ Tiến Khoái. Bí thư huyện uỷ: 02, Hoạt động trước Cách mạng: 03, Giám đốc Công ty: 12, Đại tá: 03, Cấp tá (còn lại): 15, Cấp uý: 41, Đạt 60 năm tuổi Đảng: 01. Trên 50 năm tuổi Đảng: 11, Anh hùng quân đội: 01, Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 01, Số liệt sỹ trong dòng họ: 10, Đại học, Bác sỹ, Kỹ sư: 54, Thạc sỹ: 05. Tính tới năm 2020, các thành viên trong họ đã được tặng thưởng Huân, Huy chương là 96 người gồm: 152 Huân Huy chương các loại, trong đó: 124 Huân chương và 28 Huy chương.
Mục 4060: SÔNG NHÀ MẠC, Trang 166.
Nhà Mạc cai quản đất nước 66 năm (1527-1592) với kinh thành là Thăng Long.
Cố GS. Trần Quốc Vượng mô tả rất chi tiết về sông nhà Mạc tại Thái Bình là: “Con sông này nằm ở bờ phía Nam của sông Luộc với dải đất kéo dài từ thôn Canh Nông, xã Điệp Nông thuộc huyện Hưng Hà đến thôn Đông Quynh, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, từng là thành luỹ phòng ngự “Nhất dạ thành”của nhà Mạc. Vào năm Tân Mão 1591 và đầu năm Nhâm Thìn 1592 trong thời kì chiến tranh Trịnh – Mạc: Minh nghĩa Đại vương, Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng đã nghiên cứu cùng hàng vạn quân Mạc chỉ trong một đêm đắp xong nhiều thành lũy với hào sâu, dấu tích còn lại là con sông nối từ thôn Canh Nông, xã Điệp Nông đến thôn Hà Lý (Duyên Hà), được người đời sau gọi là “sông Nhà Mạc”.
Mục 5254: TƯỢNG ĐÁ THỜI MẠC tại xã An Đồng, Quỳnh Phụ, Trang 522.
Hiện vật: 10 pho tượng đá chế tác từ thời Mạc, trong đó 8 pho đặt trên thượng tọa (Phật) và 2 pho đặt ở vị trí thấp hơn (Thần). Trong cuốn “Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm” GS. Trần Quốc Vượng đã nói tới chùa Hội Linh tự (chùa Đào Xá, An Đồng) và đánh giá 10 pho tượng đá thời Mạc tại đây được xếp vào hàng tuyệt đẹp khi ông về nghiên cứu và đọc được những dòng chữ yểm sau tượng. Theo Gs Trần Lâm Biền thì pho tượng đá ở chùa Đào Xá đầu đội mũ bình thiên, thành mũ trụ đứng có khắc chim nổi, áo long bào, viền vai áo hoa văn xoắn, cổ áo vân lá sồi bao lấy nửa bông cúc mãn khai là tượng vua Mạc Đăng Dung. GS. Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân cũng khẳng định: Bức tượng đá thời Mạc tại chùa An Đồng, Thái Bình là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung. Các tác giả Trần Lâm và Trang Thanh Hiền, Viện Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Các tượng đá thời Mạc tại An Đồng, Thái Bình là Tượng tròn thời Mạc trong “Mỹ thuật thời Mạc” và là tượng đá nguyên bản thuộc thời kỳ Thăng Long thế kỷ XVI. Đây là những tác phẩm điêu khắc đá tuyệt mỹ tại Thái Bình”.
Bức tượng đá nguyên bản Thái tổ Mạc Đăng Dung được chế tác từ Thế kỷ XVI tại chùa Hội Linh tự, thôn Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Kỳ sau: Các Chi họ gốc Mạc còn lại khác và những mục từ viết về Di tích, di sản, sự kiện liên quan tới nhà Mạc trong Từ điển Thái Bình năm 2020 và bài: Nhận thức mới về nhà Mạc.
Bài và ảnh: Vũ Tiến Thắng, Mạc tộc Thái Bình, ĐT: 0386324703.
BBT mactoc.com
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- CAO BẰNG: DI TÍCH CHỐT ĐÓNG QUÂN THỜI NHÀ MẠC TẠI XÃ LÝ QUỐC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.