- Đang online: 1
- Hôm qua: 648
- Tuần nay: 13322
- Tổng truy cập: 3,368,329
MẠC ĐĨNH CHI HÌNH TƯỢNG ĐẶC SẮC VỀ MỘT TRẠNG NGUYÊN ĐẤT VIỆT
- 5402 lượt xem
PGS. TS. NGUYỄN MINH TƯỜNG
Dưới thời phong kiến, trong tâm thức của dân tộc Việt, vị Trạng nguyên – tức người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh – được xem như người có phẩm chất siêu việt, thông minh tuyệt đỉnh. Chẳng thế mà trong dân gian, từ lâu, đã truyền tụng những câu thành ngữ như: “Giỏi như Trạng”, “Ăn nói như Trạng” v.v…
Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, kể từ khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông cho tới khoa thi cuối cùng, năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919), Nhà nước quân chủ chỉ lấy đỗ được tất cả 46 vị Trạng nguyên. Theo các tác giả sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, thì tổng số người đỗ đại khoa – tính từ Phó bảng, Tiến sĩ trở lên – trong thời gian kể trên là 2.898 vị(1). Có 46 Trạng nguyên trên tổng số 2.898 người đỗ đại khoa, thì đủ biết để đỗ được Trạng nguyên khó biết chừng nào. Cái điều khó “thiên nan, vạn nan” này, càng được minh chứng trong lịch sử nếu như chúng ta biết rằng những con người nổi tiếng tài ba, thông minh xuất chúng, dạng như: Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan… chẳng hạn, cũng chỉ đỗ Bảng nhãn và Hoàng giáp mà thôi.
Có thể nói, trong số 46 Trạng nguyên của Việt Nam thì Mạc Đĩnh Chi là một trong số ít người được dân chúng xưa nay khâm phục và ca tụng nhất. Có lẽ, cũng không có vị Trạng nguyên nào, được người đời thêu dệt nên nhiều câu chuyện giai thoại giầu chất trí tuệ như Mạc Đĩnh Chi. Vấn đề đặt ra là: Vì sao Mạc Đĩnh Chi lại có được sức hấp dẫn như vậy đối với trí tuệ dân gian? Theo chúng tôi, rõ ràng ở Mạc Đĩnh Chi có những phẩm chất đặc biệt, những nét đặc sắc mà các vị Trạng nguyên khác không có được. Chúng tôi thiết nghĩ, những nét đặc biệt ở Mạc Đĩnh Chi, đó là:
- Sự tương phản giữa vẻ bề ngoài thấp bé, xấu xí với một trí tuệ hết sức sắc sảo và một sự thông minh tuyệt vời.
Xưa nay, xem xét, đánh giá về con người, thường tình người ta đều nhìn vẻ bên ngoài để phán đoán về người đó: tài hay kém, tốt hay xấu… Vì thế, ngạn ngữ từng nói: “Trông mặt mà bắt hình dung, con lợn có béo thì lòng mới ngon!”. Đáng buồn thay, cái vẻ ngoài ấy, không mấy ai có thể tự quyết định được mà một phần lớn là do ngẫu nhiên của sinh đẻ! Mạc Đĩnh Chi là người phải gánh chịu sự thiệt thòi có tính chất tiên thiên ấy. Ông sinh ra vừa thấp bé lại vừa xấu trai. Thậm chí, một số người hiếu kỳ còn tưởng tượng ra nguyên nhân dẫn đến cái hình thức kỳ dị đặc biệt của họ Mạc là vì thân mẫu của ông đã có mang với loài khỉ (!).
Mạc Đĩnh Chi có thân hình thấp lùn và xấu xí là một sự thực, và ông cũng trở thành một trường hợp ngoại lệ, khi sử cũ đã miêu tả vẻ bề ngoài của hình thể cho hậu thế biết! Sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sỹ chép rõ: “Tháng 3 năm Giáp Thìn (1304)… thi học trò trong nước. Cho Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên… Đĩnh Chi thông minh tuyệt vời nhưng dáng người vừa thấp vừa xấu. Đã thi đỗ, nhưng vua hiềm vì nét mặt xấu, ông bèn làm bài Ngọc tỉnh liên phú để tự ví mình…”(1). Thực ra, vua Trần Anh Tông tỏ ra đắn đo trong việc lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên là có những lý do nhất định. Bởi vì, vào thời bấy giờ, đời Trần phải tới 7 năm, hoặc hơn nữa mới tổ chức được một khoa thi Hội. Mỗi kỳ thi lại có tới hàng nghìn sĩ tử, nên việc chọn được một vị Trạng nguyên, phải là người tiêu biểu cho tài năng, phong thái cho cả giới kẻ sĩ. Chưa nói, sau này, vị Trạng nguyên ấy, còn phải gánh vác trọng trách thay mặt quốc gia đi sứ Trung Quốc. Do vậy, lựa chọn được một người vừa có tài năng vừa đẹp đẽ vẫn tốt hơn! Như vậy, chúng ta thấy cái sự đắn đo “hiềm vì…” của vua Trần Anh Tông chỉ là sự thường tình, không phải là điều gì đáng chê trách! Vả lại, sau này, trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Mậu Thân (1308), chính dáng người nhỏ bé đã gây cho Mạc Đĩnh Chi không ít phiền toái, càng chứng minh cho sự e dè của ông vua Trần là có cơ sở.Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng 11 năm Hưng Long thứ 16 (1308)… Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên. Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông…”(2).
Tuy nhiên, chính cái vẻ bề ngoài xấu xí, bé nhỏ ấy đã khiến cho Mạc Đĩnh Chi trở thành một vị Trạng nguyên thuộc loại độc đáo, đặc biệt nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến. Trước hết, bằng khá nhiều câu chuyện, nhất là các giai thoại trong hai chuyến đi sứ Nguyên, người ta đã xây dựng Mạc Đĩnh Chi trở thành một hình tượng tiêu biểu cho vị sứ thần có kiến thức uyên bác, thâm thúy và vô cùng mẫn tiệp. Ở đây, người trí thức dân gian đã ngầm so sánh ông với một nhân vật tài năng xuất chúng của Trung Hoa dưới thời Xuân Thu (770 tr Cn – 480 tr Cn), cũng có tạng người thấp lùn như họ Mạc. Đó là Tướng quốc Án Anh dưới thời Tề Cảnh Công, người đồng thời với Khổng Tử (551 tr Cn – 479 tr Cn). Sử Trung Quốc cho biết Án Anh, tên tự là Bình Trọng, mình cao không đầy năm thước(1), lại có thói quen ăn vận tềnh toàng “mặc áo cừu rách, đi cái xe xấu và con ngựa gầy…”. Nhưng Án Anh được tất cả các nước chư hầu đều khen là người giỏi. Bấy giờ, vua thiên tử nhà Chu đã suy yếu, vua Sở là Linh vương, tự xưng vương muốn tranh giành ngôi thiên tử với nhà Chu. Trước sự cường thịnh của nước Sở, các nước chư hầu đều có ý sợ hãi, phải sai sứ đến Sính Đô – kinh đô nước Sở – triều cống. Trước hoàn cảnh ấy, vua Tề là Cảnh Công đã cử Án Anh sang sứ nước Sở để kết mối tình hòa hiếu. Trong khi đó, Sở Linh vương lại muốn nhân cơ hội sứ giả nước Tề sang, định sỉ nhục “để nâng cao cái uy của nước Sở”. Án Anh đi sứ nước Sở trong một tình thế như vậy. Vua Sở và số quần thần đã bầy mưu, tính kế, giăng trước bao cạm bẫy định sỉ nhục ông. Linh vương sắp xếp hàng chục viên quan đại phu tài giỏi của nước Sở từ: quan Thái tể Viễn Khải Cương, quan Đại phu Dương Mang, chức Giao doãn Đấu Thành Nhiên đến viên Xa Hữu Nang Ngõa… cùng xúm lại đấu khẩu, bắt bẻ Án Anh. Nhưng trước tài ứng đối, biện bác sắc bén của Án Anh, Sở Linh vương bẽ mặt đành phải thú nhận với ông: “Ta định chế nhạo nhà ngươi, chẳng ngờ lại bị nhà ngươi chế nhạo!”.
Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ nhà Nguyên, Trung Quốc cũng ở vào tình thế khó khăn như Án Anh sang nước Sở. Nguyên – Mông bấy giờ là một đế quốc lớn mạnh, còn Đại Việt là một quốc gia nhỏ bé. Các quan đại thần triều Nguyên phần lớn đều cao lớn (tạng người Mông Cổ thạo cưỡi ngựa, bắn tên, ăn nhiều sữa, đạm động vật từ nhỏ), bên cạnh đó Mạc Đĩnh Chi lại quá nhỏ bé. Như trên đã nói: Bọn quan đại thần nhà Nguyên nhìn thấy dáng người Mạc Đĩnh Chi như vậy, cho nên tỏ thái độ rất khinh ông. Ý thức được vẻ kỳ thị đối với mình của quan lại Trung Quốc, Mạc Đĩnh Chi chủ động tấn công. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ là chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên đều cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:
“- Tôi nghe người xưa vẽ cành mai chim sẻ, chứ chưa thấy chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tưởng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của người quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Mọi người đều phục tài của ông”(1). Rõ ràng, ở đây, chúng ta thấy Mạc Đĩnh Chi cố tình dạy có lũ quan lại Trung Quốc vốn tự phụ là hiểu biết, một bài học về thẩm mỹ và đạo học!. Ngoài câu chuyện trên, Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại bài Phiến minh (bài minh về cái quạt) Mạc Đĩnh Chi làm theo yêu cầu của vua Nguyên. Bài Phiến minh này, là một trong những bài “minh” hay nhất từ trước đến nay của nước ta, và hầu như những người biết chữ Hán xưa nay, ai cũng thuộc lòng bài ấy.
Nhưng để làm nổi bật một con người thông minh mẫn tiệp tuyệt đỉnh, có tài xuất khẩu thành chương, trí tuệ dân gian đã tạo ra hàng chục câu đối gắn cho Mạc Đĩnh Chi. Trần Quý Nha trong Công dư tiệp ký tục biên, có lẽ là người đầu tiên ghi lại những giai thoại về chuyện đối đáp giữa một bên là một đám quan đại thần triều Nguyên ngạo mạn với một bên là Mạc Đĩnh Chi “đơn phương độc mã”. Đọc kỹ những câu thách đối của các viên quan nhà Nguyên, cho thấy đều rất khó. Đó là:
– Có câu cố ý dùng “điệp từ”, như: Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan).
– Có câu lại dẫn điển, từ các chữ có sẵn trong sách vở thánh hiền Trung Hoa, như: Xúc ngã kỵ mã, Đông Di chi nhân giả? Tây Di chi nhân giả? (Chạm ngựa ta cưỡi là người Đông Di, hay là người Tây Di? – câu này ở sách Mạnh tử). Hoặc như câu: Quách khiếu tường đầu, đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri (Chim chào mào kêu ở đầu tường, học sách Luận ngữ. Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, ấy là biết – câu này ở sách Luận ngữ).
– Có câu lại sử dụng cách “chiết tự” của chữ Hán, như:
An, nữ khứ; thỉ nhập vi gia (chữ an , bỏ chữ nữ , cho chữ thỉ vào thì là chữ gia). Hoặc như: Lị, mị, võng, lạng tứ tiểu quỷ (Bốn chữ Hán: Lị – Mị – Võng – Lạng đều có 4 chữ quỷ nhỏ ở bên).
– Có câu lại dùng lối nói bóng gió, như: Nhật hỏa vân yên, bạch trú thiêu tàn ngọc thỏ (Lửa mặt trời, khói đám mây, ngày trắng đốt tàn con thỏ ngọc).
…
Tất cả những câu thách đối đã được nhiều viên quan hay chữ nhà Nguyên chuẩn bị trước đều bị Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đối lại ngay tức khắc mà câu nào cũng đối rất chỉnh, hơn nữa, có câu còn xuất sắc hơn cả câu xuất đối. Thí dụ như câu ra: Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan – đã dẫn ở trên – mà được ông Trạng họ Mạc đối lại là: Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối(Ra đối dễ, đối lại khó, mời tiên sinh đối trước), thì thật vừa hay vừa tài tình, lại nói lên được một chân lý không ai có thể bác bỏ được!.
Mặc dù, câu chuyện Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang nhà Nguyên trên đây, được người nghệ sĩ nhân dân tạo nên có ý so sánh với việc đi sứ nước Sở của Tướng quốc nước Tề, Án Anh, nhưng khẩu khí của hai nhân vật có nhiều điểm khác nhau. Vì Án Anh hoàn toàn là một chính trị gia, một nhà tư tưởng cổ đại của Trung Hoa, nên trong cuộc khẩu chiến giữa ông với đám quan đại thần nước Sở, nặng về tính chất thuyết lý, vận dụng sự nắm bắt thời thế để khuất phục đối phương. Ngược lại, Mạc Đĩnh Chi là người đỗ đầu kỳ thi Đình, lại nổi tiếng hay chữ, nên cuộc đối đáp giữa ông với đám triều thần triều Nguyên cũng diễn ra xung quanh câu chuyện văn chương, sử sách, khoe tài thông kim bác cổ. Nhưng dù thế nào đi nữa, câu chuyện đi sứ của hai nhân vật vừa nói trên, mãi mãi vẫn là những giai thoại đẹp, những viên ngọc óng ánh trong kho tàng các câu chuyện đi sứ từ xưa đến nay.
2. Sự đối lập giữa vai trò một vị đại thần trụ cột của triều đình với cuộc sống thanh bần của một kẻ sĩ.
Xưa kia, học giỏi thi đỗ, rồi ra làm quan là con đường chính đáng (Chính đồ) của giới kẻ sĩ. Nếu có đức cao, vọng trọng, hoạn lộ hanh thông để trở thành một trong vài viên quan đứng đầu triều đình, thì đó không chỉ là ước mơ của cả dòng họ mà còn là niềm tự hào của quê hương làng xã mà kẻ sĩ ấy sinh thành. Nếu quan cao, chức lớn mà cuộc sống lại sang quý thì sẽ còn trở thành sự ngưỡng mộ của nhiều người. Những cái “quy luật của muôn đời” nói trên, xét cho cùng lại là sự thường tình của con người, thậm chí quá thường tình! Ai mà chẳng muốn làm được như vậy?
Nhưng những bậc kỳ nhân, cao sĩ như Án Anh của Trung Hoa hay Mạc Đĩnh Chi của Đại Việt chẳng hạn không bao giờ đi theo lối mòn đó. Vì sao thế? Chỉ vì họ là những con người có tư duy vượt lên trên thói thường, hành vi ứng xử của họ thường có tính uốn nắn một tệ đoan nào đó của xã hội đương thời, nếu không thì ít nhất cũng định nêu gương cho người đời hướng tới một phong tục mới tốt đẹp nào đó.
Sử Trung Quốc cho thấy từ cách ăn vận cho đến cuộc sống của Án Anh thực quá khác đời. Ngày nay, hậu thế biết rõ được điều đó, chính nhờ câu nói có tính chất chê bai, dè bỉu của viên Thái tể nước Sở Viễn Khải Cương trong cuộc đấu khẩu với Án Anh nói ở trên. Viễn Khải Cương nói rằng: “… Tôi nghe nói cái áo cừu của ngài, may từ thuở bé, đã ba mươi năm nay không thay; mà mỗi khi tế lễ, ngài dùng con lợn nhỏ quá, đến nỗi vai lợn không chật mâm, như thế không phải bỉ lậu (tức quê mùa, bủn xỉn – NMT) là gì!”. Án Anh bèn vỗ tay cười lên mà nói rằng: “Sao kiến thức ngài lại thiển cận như vậy! Từ khi tôi làm Tướng quốc đến giờ, suốt trong họ hàng nhà tôi đều được mặc áo đẹp, ăn miếng ngon, không ai phải đói rét; những người hàn sĩ nhờ tôi được no ấm, cả thảy đến hơn bảy mươi nhà, thế thì muốn tỏ cái ân huệ của vua, còn gì bằng điều ấy!”. Thực ra, cách sống và lối hành xử của Án Anh, mọi người đều biết rằng, ông cố tình tạo nên hình ảnh một vị Tể tướng đứng đầu triều đình trái ngược hoàn toàn với phong cách sống quá xa hoa, tiếm lễ của Quản Trọng, viên Tể tướng dưới triều Tề Hoàn Công, sống trước ông hơn một trăm năm. Hơn nữa, Án Anh cũng còn muốn uốn nắn thói tham nhũng, xa xỉ của bọn triều thần nước Tề đương thời.
Mạc Đĩnh Chi cũng sống một cuộc sống bình dị và kiệm ước như Án Anh. Nếu Án Anh làm chức Tướng quốc (tức Tể tướng) dưới triều Tề Cảnh Công, thì Mạc Đĩnh Chi cũng từng giữ chức Nhập nội Hành khiển, Tả bộc xạ, cũng tương đương với Tể tướng, như vậy rõ ràng cả hai ông đều có quá đủ điều kiện để có thể hưởng một cuộc sống vừa giầu vừa sang, nếu như muốn thế. Nhưng, cũng như Án Anh, Mạc Đĩnh Chi cả đời sống rất thanh bần.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại một sự kiện khá điển hình phản ánh nhân cách của ông, như sau: “Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền (thời bấy giờ khoảng 4 – 5 quan mua được 1 con trâu – NMT) bỏ vào nhà ông. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”(1).
Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua Trần: Anh Tông (1293-1314), Minh Tông (1314-1329), Hiến Tông (1329-1341). Đây đều là các ông vua khá giỏi và có nhân cách đàng hoàng, cho nên “bấy giờ quan trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy (Duy người xã Cổ Định, huyện Nông Cống), Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân nối nhau vào triều, nhân tài rộ nở”(2). Như vậy, chúng ta thấy cách sống thanh bần của Mạc Đĩnh Chi không có chủ định uốn nắn hay phủ nhận người nào thời trước cũng như cùng thời với ông.
Theo chúng tôi, tính liêm khiết và ưa sống đạm bạc của Mạc Đĩnh Chi là bắt nguồn từ ba nguyên nhân dưới đây:
Trước hết, mặc dù tổ tiên là Mạc Hiển Tích đã từng làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại dưới triều Lý Nhân Tông (1072-1128), nhưng theo Tộc phả họ Mạc cho biết đến đời Mạc Đĩnh Chi: “Nhà ngài rất nghèo, bà mẹ thường đi lượm củi bán lấy tiền đong gạo nuôi con”(1), do vậy, bản tính giản dị, đạm bạc của ông chắc chắn hình thành từ đó. Tuy nhiên, xuất thân từ một gia đình bần hàn không thể đảm bảo rằng, sau này đỗ đạt, ra làm quan thì sẽ giữ mãi được bản chất thuở ban đầu.
Do vậy, nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn, có tính quyết định tới nhân cách thanh liêm của Mạc Đĩnh Chi. Đó là, Mạc Đĩnh Chi đã thấm nhuần cách ứng xử của một kẻ sĩ chân chính, làm tròn bổn phận của một vị quan tài đức theo hình mẫu người quân tử Nho giáo. Những vị lương quan thuở xưa, khi đương chức, họ đều ghi nhớ 3 quy tắc làm quan (gọi là Tam quy) là Thanh – Thận – Cần (Thanh liêm – Thận trọng – Cần mẫn). Có nhiều người còn khắc ba chữ ấy, đặt bên chỗ ngồi, như một lời “châm” (răn dạy) mình, để luôn nhớ tới nó. Đó là điều rất minh triết của người xưa, vì họ thấu hiểu “cái đạo làm quan” và kể cả “cái đạo làm người”, theo họ, cái “đạo ấy” không phải ở chỗ quá chăm chú vào việc tích trữ của cái làm giầu, để truyền tài sản lại cho con cháu!. Vả lại, người xưa còn quan niệm, làm quan có giữ được “thanh, thận, cần”, mới bền lâu, mới tạo nên “âm đức” cho đời sau. Trần Quý Nha đã nhận định về nguyên nhân thành đạt của con cháu Mạc Đĩnh Chi như sau: “Ông tuy được hiển quý, nhưng vẫn giữ được nếp thanh bần, cho nên ông để lại phúc trạch cho con cháu, đời đời là hào hữu ở miền Đông”. Ôi! Học vấn của ông đứng đầu quần nho, danh tiếng của ông lừng lẫy hai nước. Từ thời Trần đến nay hơn 500 năm (bấy giờ là khoảng giữa thế kỷ XVIII – NMT), mà nam phụ lão ấu, ai ai cũng đều biết tên ông”(2).
Nguyên nhân cuối cùng, theo chúng tôi, đó là cách sống liêm khiết của Mạc Đĩnh Chi, phải chăng chịu ảnh hưởng từ phong cách thanh cao đượm màu nghệ sĩ của chính ông vua Trần Minh Tông. Trần Minh Tông lên ngôi từ năm 1314, nhường ngôi cho Trần Hiến Tông năm 1329 lên làm Thái thượng hoàng cho đến năm 1357 mới qua đời, tức ông cầm quyền tới 43 năm. Đó cũng chính là thời gian Mạc Đĩnh Chi thi đỗ, làm quan và qua đời (1304-1346). Đọc sử nhà Trần, tôi có được cái cảm giác sảng khoái và thích thú hơn là đọc sử các triều đại Lê, Nguyễn sau này. Có được điều ấy, do nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi nguyên nhân chủ yếu là bởi các vua triều Trần đã thấm nhuần tinh thần “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã” của Phật giáo Thiền tông. Tôi đặc biệt tâm đắc trước những lời dạy của các vua Trần bảo ban con cái của mình mà sử cũ, rất may mắn đã ghi lại được. Trong những lời hay đẹp ấy, chúng tôi nghĩ, chắc chắn Mạc Đĩnh Chi từng được nghe lời Trần Minh Tông dạy bảo các hoàng tử dưới đây: “Con nào mà dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sản mà làm giàu thì không phải là con ta. Nếu quả làm chuyện đó, thì chẳng thà phân tán hết của cải cho nghèo đi còn hơn. Vì như vậy, dẫu không tránh khỏi túng thiếu, vẫn còn là hành vi của bậc quý nhân”(1). Người xưa từng nói bên cạnh hôn quân nhất định sẽ có một bọn nịnh thần và tham quan, còn trợ giúp cho minh quân sẽ có những lương thần, tài cao đức trọng. Dưới sự trị vì của Trần Minh Tông, một ông vua coi thường vinh hoa phú quý, thì ắt sẽ có một Mạc Đĩnh Chi liêm khiết “thanh như thủy” (trong như nước) là điều chẳng có gì lạ!
Có thể nói bằng tấm lòng yêu quý và khâm phục của mình, người dân đất Việt từ xưa đã tạo nên hình tượng Mạc Đĩnh Chi – một ông Trạng độc đáo có tài năng lớn, đức độ cao và trí thông minh siêu việt, trên cơ sở một mẫu hình Mạc Đĩnh Chi đích thực trong lịch sử. Ở đây có một điều thật lý thú, đó là nhiều nhà văn hóa lớn, nhân cách lớn cổ kim, đông tây, đôi khi chỉ bằng một tác phẩm của mình, đã phác họa nên bức chân dung hình tượng và thần thái của chính họ cho hậu thế. Người ta hiểu được hình tượng trong trẻo, cao khiết của Khuất Nguyên qua Ly Tao, hình tượng tiên cốt, ngạo nghễ của Lý Bạch qua Tương tiến tửu, hình tượng siêu phàm, thoát tục của Tô Đông Pha qua Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, và chúng ta càng hiểu rõ hơn hình tượng thanh quý, phi phàm của Mạc Đĩnh Chi qua Ngọc tỉnh liên phú.
Và đúng như lời nhận xét của vua Trần Minh Tông đã nói ở trên, cho dù Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cả đời có sống thanh bần đi chăng nữa, thì ông vẫn là một bậc quý nhân cao sang, một đóa hoa sen vàng luôn tỏa hương thơm ngát trong tòa giếng Ngọc – non sông Đại Việt./.
THÁNG 8 NĂM 2004
(1) Ngô Đức Thọ (chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam. Nxb Văn học, Hà Nội – 1993, tr. 972. Trong sách này, các tác giả, có lẽ căn cứ vào Khoa mục chí của Phan Huy Chú, nên ghi số Trạng nguyên là 47 vị. Thực ra, Lê Quảng Chí, theo Toàn thư, chỉ đỗ Bảng nhãn khoa Mậu Tuất (1478) đời Lê Thánh Tông.
(1) Đại Việt sử ký tiền biên. Nxb KHXH, H. 1997, tr. 402, 403.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH, H. 1998, tập 2, tr. 93.
(1) Một thước ngày xưa của Trung Quốc khoảng 27 cm.
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập II, tr. 93.
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập II, tr. 109.
(2) Như trên, tr. 108.
(1) Hợp biên thế phả họ Mạc. Nxb Văn hóa Dân tộc, H. 2001, tr. 47.
(2) Công dư tiệp ký. Sđd, tr. 208.
(1) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập II, tr. 137.
PGS. TS. NGUYỄN MINH TƯỜNG
Viết bình luận
Tin liên quan
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA.
- TÂM TÌNH NGƯỜI HẢI DƯƠNG VỀ MỘT MIỀN QUÊ ĐỊA LINH NHÂN KIỆT !
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
- Mạc Đăng Dung đã cứu đất nước khỏi họa xâm lăng, đẩy lùi cuộc chiến tranh của nhà Minh năm 1540
- VIỄN TỔ KIẾN THỦY KHÂM MINH VĂN HOÀNG ĐẾ LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI (1272 – 1346)
- THỦY TỔ HỒNG PHÚC ĐẠI VƯƠNG MẠC HIỂN TÍCH
- TRIỀU MẠC – NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ VÀ ĐANG DẦN DẦN SÁNG TỎ (Tường thuật tọa đàm chiều 12-12-2015 tại Cà phê Chiều thứ bảy – ThS. Đào Tiến Thi) –
- Về niên hiệu Càn Thống của vua Mạc hiện còn trên chuông chùa Viên Minh ở Cao Bằng – Chu Xuân Giao
- Về niên hiệu Càn Thống của vua Mạc hiện còn trên chuông chùa Viên Minh ở Cao Bằng/About Càn Thống reign of the Mạc King on the existing bell of Viên Minh Pagoda in Cao Bằng Province
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.