- Đang online: 3
- Hôm qua: 972
- Tuần nay: 20802
- Tổng truy cập: 3,371,606
36 GIAI THOẠI VỀ NGUYỄN CÔNG TRỨ (Tiếp theo)
- 307 lượt xem
23. BẤT ĐẮC DĨ DỤNG QUÝ ÔNG
Hà Tôn Quyền (1790-1848) quê ở Thanh Oai, Hà Đông, đỗ Tiến sĩ năm 1822, là người nổi tiếng thời bấy giờ về văn tài và học lực, được ba triều vua là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trọng vọng, tác giả của các tập sách Tôn phủ Thi văn tập và Mộng dương thi tập được đương thời lưu hành rộng rãi. Tuy hơn Hà Tôn Quyền gần hai chục tuổi, nhưng Nguyễn Công Trứ mãi ngoài 40 tuổi mới đậu Giải nguyên, còn Hà Tôn Quyền thì 25 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, vì vậy hai người trở thành bạn đồng liêu, và cũng là bạn văn thơ với nhau. Người ta nói, bình thường, hai người vẫn giao du xướng họa cùng nhau, đều có mặt trong Hương Bình Thi Xã, vẫn vừa phục văn tài, học lực của nhau, nhưng vẫn vừa ngầm đua tài với nhau. Hơn nữa, Nguyễn Công Trứ không ưa Hà Tôn Quyền về chỗ miệng lưỡi khéo léo, nịnh hót lấy lòng nhà vua của ông ta.
Nhân một bữa, sau lúc bãi triều Hà Tôn Quyền vừa gặp Nguyễn Công Trứ, liền đọc một vế đối hóc hiểm:
Quân tử ố kì văn chi Cụ lớn.
Nguyên đây là một câu cổ văn trong sách Trung Dung “Quân tử ố kì văn chi trứ”, nghĩa là “Người quân tử ghét lối vănchương loè loẹt bề ngoài” (Trứ tiếng Hán nghĩa là nổi trội, loè loẹt), nhưng ông Quyền lại thay tên “Trứ” thành “Cụ lớn”, vừa tỏ vẻ kính trọng, vừa hóm hỉnh thách đối, nhưng kì thực thâm ý của ông ta muốn nói: nhà vua ghét văn chương phù hoa của cụ lớn/Trứ. Nhưng thật bất ngờ đối với Hà Tôn Quyền, không cần phải nghĩ ngợi lâu, Nguyễn Công Trứ đọc liền một câu đối lại:
Thánh nhân bất đắc dĩ dụng Quý ông.
Đây cũng là một câu cổ văn Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền, nghĩa là “Đức Thánh nhân bắt đắc dĩ phải dùng quyền biến”. Nguyễn Công Trứ cũng thật tài tình thay tên “Quyền” thành “Quý ông”, cũng vừa lịch sự và vô cùng thâm thuý: nhà vua bất đắc dĩ mới phải dùng ông đấy thôi!
Người đời còn tán rằng vế đối của cụ Trứ không chỉ là đòn nhằm vào Hà Tôn Quyền, mà còn ngụ cả ý chê nhà vua nữa. “Ý tại ngôn ngoại” của câu này là phê phán nhà vua dùng người không đúng, bởi vì lúc thường thì nên dùng “kinh”, lúc biến mới phải dùng “quyền”; nay đang thời bình trị mà nhà vua dùng “quyền” thì không phải là đấng minh quân!
24. VỊNH CÂY VÔNG
Nhân đà đối đáp, Nguyễn Công Trứ lại đọc thêm một câu cổ văn nữa:
– Cùng, thông, đắc, táng, bỉ thương mặc phó kì quyền.
Nghĩa là: Cùng,thông, thua, được, trời xanh giao phó quyền hành.
Câu này cũng có chữ “quyền” ở sau cùng, và cũng để thách thức Hà Tôn Quyền đối lại, nhưng Nguyễn Công Trứ còn có thâm ý nói rằng Hà Tôn Quyền khéo nịnh nên mới được nhà vua giao phó cho quyền hành.
Không tìm được câu cổ văn nào có chữ “trứ” sau cùng để đối lại, Hà Tôn Quyền đành ấm ức chịu một phen “lấm lưng trắng bụng”, chờ dịp phục thù.
Nhân có con vừa thi đậu Cử nhân, Hà Tôn Quyền mở tiệc ăn mừng, có mời cả Nguyễn Công Trứ cùng dự. Giữa bữa tiệc, mượn hơi rượu, Hà Tôn Quyền chỉ ra cây vông đang nở hoa ngoài sân, ra một đề thơ “Vịnh cây vông” yêu cầu các quan khách cùng vịnh chơi, tất nhiên người mà ông chủ nhắm vào đầu tiên là Cụ Trứ. Để bắt bí, ông ta lại hạn bài thơ phải lấy vần “ông/bông”.
Trong số quan khách không thiếu những người hay chữ, nhiều người đã tham gia cuộc chơi, nhưng rốt cuộc bài của Nguyễn Công Trứ được mọi người công nhận là hay nhất.
VỊNH CÂY VÔNG
Biền, nam, khởi tử chẳng vun trồng
Cao lớn làm chi những thứ vông.
Tuổi tác càng già, già xốp xáp
Ruột gan không có, có gai chông.
Ra tài lương đống không nên mặt
Dựa chốn phiên li chút đỡ lòng.
Đã biết nòi nào thì giống nấy
Khen cho rứa cũng trổ ra bông!
Bài thơ đúng là một cái tát vào mặt chủ nhân! Nguyễn Công Trứ vịnh cây vông, nhưng cả tám câu thơ đều nhằm vào công kích ông Quyền. Hai câu luận 5 và câu 6 chỉ rõ Hà Tôn Quyền không phải là lương đống quốc gia mà chỉ là hạng người nương tựa uy thế nhà vua mà thôi. Nhưng đặc biệt nặng đòn và hợp cảnh là hai câu kết “Đã biết nòi nào thì giống nấy / Khen cho rứa cũng trổ ra bông!”
25. TÂM SỰ QUA NHỮNG CÂU CA DAO
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ thật lắm phen lên voi xuống chó, mà thật ra không phải ông là người có thực lỗi, chủ yếu là do lòng ganh ghét và cái nhìn thiển cận của triều đình và người đời, trước hết là của những ông vua đầy nghi kị, hẹp hòi. Chẳng hạn, năm Minh Mệnh thứ 17, chỉ vì việc một tên trọng tù vượt ngục, nhà vua hạ chiếu giáng ông bốn cấp, sau được phục ba cấp, rồi vài năm sau lại phải giáng xuống Binh bộ Hữu tham tri và đổi về Kinh. Một hôm ông vào trực trong thành Nội, vua trông thấy, hỏi:
– Khanh thường đi tuần hành các chốn dân gian, có nghe được việc gì hay không?
Nguyễn Công Trứ thuận miệng tâu:
– Tâu bệ hạ, thần chỉ nghe những câu da dao, dân ca thường hát ở chốn nhà quê là hay nhất, chẳng hạn như câu này:
Một ngọn đèn chong, hai ngọn đèn chong,
Quốc sĩ vô song là người Hàn Tín,
Anh chẳng thương em, anh đến chi đây,
Tứ bề rồng ấp lấy mây.
Câu ấy tuy ca dao thực, song khi thuật lại, Nguyễn cũng ngụ ý mình là một kẻ có tài như Hàn Tín thuở xưa, và có ý trách nhà vua hay nghi ngờ, rày thăng mai giáng, mà hình như không biết như con rồng kia còn biết ấp yêu lấy mây.
Lại có chuyện kể rằng, sau một thời gian dài gian truân lặn lội dẹp loạn nơi biên ải, cụ Thượng Trứ lai kinh, nhìn thấy mấy viên quan “bảnh bao nhẵn nhụi” ngựa xe võng lọng chơi rong trong triều, liền đặt ra mấy câu đồng dao dạy cho trẻ con hát khắp nơi:
Con mèo nằm bếp lo xo,
Ít ăn thì lại ít lo ít làm.
Con ngựa đi bắc về nam,
Hay ăn thì lại hay làm hay lo!
26. NGAY LÒNG Ở VỚI NƯỚC NHÀ
Khi cụ Trứ đã về hưu nhưng vẫn được nhân dân hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn nhớ ơn khẩn điền cho họ làng quê, việc làm nên lập sinh từ Cụ rồi rước Cụ từ quê Hà Tĩnh ra chơi. Có một viên Thị vệ thấy thế, bèn bịa đặt mật tâu về Kinh là cụ Trứ đang tìm cách thu phục nhân tâm, có ý mưu đồ làm phản. Nhà vua vội vàng cho triệu cụ vào Kinh để tìm cớ trừ “hậu hoạ”. Tuy nhiên, khi tỉnh táo lại suy xét, triều đình cũng hiểu được rằng đó chỉ là những lời đồn xằng bậy,xấu xa. Tương truyền, lúc cụ đã vượt hàng ngàn dặm đường đất về Kinh, vua Tự Đức vời Cụ vào bệ kiến để Cụ giãi bày tâm sự cho rõ thực hư. Nhân nhà vua hỏi Cụ: “Ở hạt Tiền Hải và Kim Sơn dân tình làm ăn thế nào?”, Cụ mới tâu rằng:
– Thưa bệ hạ, dân hai huyện ấy làm ăn rất là vui vẻ, ngày thì chăm lo cày cấy, tối về đập lúa ca hát, thật đúng là cảnh “Muôn dân trăm họ, thái bình âu ca”. Họ thường đặt ra những câu hát đố rất là thú vị để hát đối đáp với nhau.
Nhà vua hỏi:
– Như những câu gì, có thể đọc cho trẫm nghe được không?
– Tâu Bệ hạ, chẳng hạn như câu này:
Đem thân cho thế gian ngồi,
Rồi ra lại nói những lời bất trung.
Vua hỏi là cái gì, cụ Trứ đáp:
– Tâu Bệ hạ, họ bảo đấy là cái phản.
Tự Đức lại hỏi:
– Còn câu gì hay nữa không?
– Tâu Bệ hạ: còn câu này cũng hay lắm:
Ngay lòng ở với nước nhà,
Người dù không biết trời đà biết cho.
Vua hỏi: Là cái gì?
– Tâu Bệ hạ, họ giảng đấy là cái máng nước.
Tự Đức biết ý Cụ ám chỉ việc Cụ bị vu oan và trách triều đình không biết xét việc minh bạch có trước có sau, nên tìm lời an ủi cụ rồi cho cụ trở về nguyên quán ở Hà Tĩnh.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.