- Đang online: 3
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21494
- Tổng truy cập: 3,371,378
36 giai thoại về NGUYỄN CÔNG TRỨ
- 337 lượt xem
Huyền Li (Biên soạn)
Lời người biên soạn: Về Nguyễn Công Trứ có rất nhiều giai thoại. Trong số 81 câu chuyện vừa kịp sưu tầm trong dịp này, chúng tôi xin chọn lọc biên soạn lại để đưa vào tập sách 36 giai thoại tiêu biểu, với mong muốn dựng lên một chân dung Nguyễn Công Trứ qua cái nhìn “dân gian” – từ góc độ khác với những lí giải, nghiên cứu hàn lâm – của hậu thế về con người của cụ Thượng Uy Viễn.
1. NGÔNG NGAY TỪ LÚC CHÀO ĐỜI…
CHO ĐẾN TẬN KHI CHẾT!
Ngày mồng Một tháng Mười một năm Mậu Tuất (1778), tại tư gia của viên quan Tri huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, bà huyện họ Nguyễn, sau cuộc vượt cạn kinh hoàng đã sinh hạ được một cậu con trai thân dài, trán rộng, mũi cao.
Các cụ xưa nói “Trai mồng một, gái ngày rằm” quả không sai – vừa mới lọt ra khỏi lòng mẹ, cậu bé đã tỏ ngay sự ngông bướng của mình bằng cách không chịu mở mắt nhòm và không thèm mở miệng khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác. Người nhà và hàng xóm đưa hết nồi đồng, mâm thau đến khua gõ liên hồi, cậu cũng điềm nhiên mặc! Chỉ đến khi cả đám người lớn đã mỏi rã rời, xuôi tay lắc đầu thì cậu mới dõng dạc cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng!
Người cha của đứa bé mừng khôn xiết, vì ông vốn hiếm muộn, năm đó đã ngót nghét lục tuần mới có được cậu con trai nối dõi(1). Là một nhà Nho hay chữ, nghĩ đây cũng là một điềm triệu báo điều hỉ, ông bèn ra thư phòng lấy giấy bút đặt tên cho con trai. Ông chọn cho cậu quý tử bướng bỉnh tên huý là Củng – theo chữ Nho có nghĩa là bền chặt, vững vàng; còn tên chữ là Trứ – nghĩa là rõ ràng, nổi trội.
Cậu bé đó chính là Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ tương lai, và cũng là nhà thơ trác việt kiêm tay chơi số một một thời. Cả cuộc đời của cậu Củng – Trứ về sau quả đúng như những quan sát dân gian và ước vọng thầm kín của người cha già – bền gan vững chí và lẫy lừng sáng tỏ!
Nhưng đó chỉ mới là cái ngông khởi đầu. Tới tận khi đón cái chết, Nguyễn Công Trứ vẫn ngông.
Theo lời truyền, trước khi sang thế giới bên kia – chắc là cũng sẽ tiếp tục cái cuộc chơi bất tuyệt – Cụ dặn con cháu không nên bày cuộc tang lễ để khỏi tốn kém, làm khổ dân làng, mà cứ để Cụ nằm nguyên trên chõng như khi đang ngủ, thả xuống huyệt là xong! Nhưng không biết là các con cháu có dám nghe theo lời Cụ hay không? Xưa nay người đời sau vốn coi trọng cái “lễ” của mình hơn là hiểu và tuân theo được cái lí, cái lòng giản dị và khoáng đạt, không chấp nê của những bậc vĩ nhân vừa khuất.
Cụ mất, theo Niên biểu ghi là ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858), nhưng chính trong Gia phả lại chép là ngày Rằm. Nếu như vậy, thì quả là Cụ lại “chơi ngông” quả chót: lựa đúng ngày Sóc (mồng một) để đến nhập cuộc tang bồng, rồi chọn đúng ngày Vọng trăng tròn (15 Âm lịch) để vĩnh viễn rũ trường danh lợi ra đi(2).
Đúng là… đến cả chết cũng ngông!
2. NGOÀI VƯỜN – TRONG BUỒNG!
Thuở nhỏ, cậu bé Củng học rất giỏi, thông minh dĩnh ngộ hơn thiên hạ, lại tinh nghịch, lém lỉnh chẳng ai bì, nổi tiếng “Thần đồng”. Tài cao trí sắc, đọc rộng nhớ nhiều, những câu đối đáp lỗi lạc của cậu bé Củng gây cho mọi người nỗi kinh ngạc và thú vị.
Khoang 10 tuổi, Củng theo cha trở về Hà Tĩnh, sống tại làng Uy Viễn, Nghi Xuân quê nội. Trong làng có ông Đồ Trung là một người có máu mặt; ông đứng ra mời thầy đồ về nuôi trong nhà để trẻ con của làng tới học. Và trong đám học trò đó có cậu bé Củng.
Một hôm, khi cả lớp đang ngồi học, ông chủ nhà chợt nổi hứng đi vào và xin thầy cho phép ông ra cho các trò một vế đối. Được thầy đồng ý, ông Đồ Trung nói:
– Ta có câu đối này, trò nào đối hay và đối nhanh trước sẽ được thưởng một quan tiền!
Rồi ông ta chỉ về phía cây đại đứng ngoài vườn, đọc vế đối:“Ngoài vườn cây đại nở hoa đại”.
Các học trò ngồi nhìn nhau, mặc dù rất thèm quan tiền (với các cậu đó là một giấc mơ lớn), nhưng không ai tìm được vế đối lại để lấy.
Thấy cả lớp im lặng, thầy học lên tiếng giục, thì chỉ có cậu bé Củng ra vẻ ngập ngừng khó nói. Thầy hỏi:
– Trò Củng, sao không đối đi?
Củng khép nép thưa:
– Thưa, con sợ bị quở phạt ạ.
– Trò cứ đối, – ông chủ nhà khuyến khích ra vẻ rộng lượng, – nếu hay thì ta sẽ thưởng cho, còn nếu có điều gì sơ suất thì ta và thầy cũng không bắt lỗi trò đâu.
Được lời, Củng nghiêm chỉnh đứng dậy đọc:
– Thưa, con xin đối là“Trong buồng ông Trung ấp bà Trung” ạ!
– Hay quá! Chuẩn quá! Trong đối với ngoài, Đại đối với Trung, và nở thì tất nhiên phải đối với ấp rồi!
Thầy và trò cả lớp được một trận cười nghiêng ngả, còn ông chủ nhà Đồ Trung thì đỏ mặt im lặng, và tất nhiên, phải trao cho Củng một quan tiền!
3. TƯỞNG MẦN BA TRỰ…
Nhận được quan tiền thưởng, tan buổi học trên đường về Củng gặp một đám trẻ con đang tụ nhau đánh đáo ăn tiền. Như những đứa trẻ ham chơi khác, Củng liền nhập bọn; và cũng như những đứa trẻ mải chơi khác, cậu say sưa đánh cho tới khi bị thua hết sạch cả quan tiền mới thôi. Nhưng cái khác của Củng là ở chỗ, mọi đứa trẻ khi thua bạc sẽ tiếc đứt ruột, hậm hực bỏ về, thậm chí cả khóc nữa, còn Củng thì vừa đi về nhà vừa đọc:
Tưởng mần ba trự mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đạ sướng chưa?!(3)
Thật ra, đây có thể chỉ là một câu nói buột miệng, lúc đó cậu trò Củng chắc không cố ý làm thơ; nhưng nó đã bộc lộ tính cách ngang tàng, phóng túng, “tay chơi” của Nguyễn Công Trứ, mà người đời sẽ gọi là thơ văn khẩu khí; và câu nói đó được truyền tụng khắp làng, rồi đi vào sách vở, lan ra khắp thiên hạ… thành giai thoại, thành thơ.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.