- Đang online: 5
- Hôm qua: 434
- Tuần nay: 14136
- Tổng truy cập: 3,368,172
Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- 3937 lượt xem
Hoàng Cao Quý
Hoàng Công Chất (chưa rõ ngày sinh, năm sinh), tên là Hoàng Công Thư, xuất thân trong một gia đình nghèo (gốc họ Mạc) người làng Hoàng Xá, huyện Thư trì, trấn Nam sơn hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ thư, tỉnh Thái Bình. Ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê Trịnh cứu dân nghèo vì nghĩa lớn “Bảo Quốc an dân” diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xoá bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước thống nhất giang sơn, thái bình muôn thưở.
Từ năm 1739, Hoàng Công Chất – người anh hùng áo nâu đã tập hợp nông dân nghèo nổi dậy hoạt động ở vùng Sơn Nam. Nghĩa quân có sở trường về thuật đánh du kích “Khi tan, khi hợp”. Để tăng cường lực lượng và binh chống lại triều đình họ Trịnh thời Lê mạt, từ năm 1739 đến 1741, Hoàng Công Chất luôn liên kết với các lãnh tụ khởi nghĩa nông dân khác như: Vũ Đình Dung, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ(1) hoạt động chiến thuyền khắp vùng hạ lưu sông Hồng. Năm 1739, viên đốc lãnh Sơn Nam Hoàng Kim Tào tiến đánh nghĩa quân nhiều lần không được. Năm 1740, Trịnh Doanh chia quân ra làm 3 đạo và cử Cao Quận công Trịnh Kinh tiến đánh theo đường bộ, Trịnh quận công Hoàng Công Kỳ và Nhạc thọ hầu Phạm Trần Công cầm đầu đánh hai cánh thuỷ binh, tiến dọc hai bờ sông Hồng; về sau họ Trịnh lại cử Nguyễn Trọng Cảnh thống lĩnh cả đạo quân đóng đồn ở huyện Thượng Nguyên (nay thuộc tỉnh Nam Định) để chế ngự các mặt. Cùng năm ấy, Trịnh Doanh lại phái đốc trán Vũ Tà Liên và Đõ Doãn Thành hợp binh đánh vào Đông An, huyện Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) nhưng không thắng nổi nghĩa quân.
Đến năm 1743, Trịnh Doanh sai thống lĩnh Trương Nhiêu tập trung quân đánh vào nghĩa quân, nhưng không thành. Cuối năm ấy (1743), Hoàng Công Chất trá hàng, tạo thời cơ chấn chỉnh lực lượng. Trịnh Doanh bằng lòng ban quân tước cho Hoàng Công Chất quản lĩnh một khu vực Sơn Nam nhưng với điều kiện Chất phải giải binh và về triều yết bái. Tuy nhiên, Hoàng Công Chất không nghe và chiếm lấy Khoái Châu, tiếp tục chống chúa Trịnh.
Hoàng Công Chất vẫn chiếm giữ Khoái Châu suốt hai năm 1744 – 1745. Cuối năm 1745, Hoàng Công Chất cho quân tập kích bắt sống Hoàng Công Kỳ. Chiến thắng này cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống chúa Trịnh của nông dân Sơn Nam. Từ năm 1746- 1748, Hoàng Công Chất phối hợp với Nguyễn Hữu Cầu(2) (tức quận He) hoạt động ở vùng Sơn Nam, có lần đã bao vây chiếm phủ Ngự Thiên (tức huyện Hưng Nhân sau này, thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đến cuối năm 1748, sau khi tấn công vào thành Thăng Long bị thất bại, Nguyễn Hữu Cầu về Sơn Nam hợp lực với nghĩa quân Hoàng Công Chất cùng chiến đấu. Chúa Trịnh tập trung quân đánh vào Sơn Nam. Trước sự tấn công mạnh mẽ của triều đình, nghĩa quân bị thất bại. Hoàng Công Chất phải chạy vào Thanh Hoá, liên kết với phong trào Lê Duy Mật (một hoàng thân của nhà lê bất mãn với chúa Trịnh chống lại Triều đình), còn Nguyễn Hữu Cầu thì vào Nghệ An. Đến năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương(3) bị quân triều đình bắt được và bị tử hình, phong trào nông dân tạm lắng xuống. Cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật ở vào thế khó khăn, buộc phải chuyển địa bàn lên miền Trung du và Thượng Du. Hoàng Công Chất từ miền Thượng Du Thanh Hoá tiến lên hoạt động ở Tây Bắc.
Nghĩa quân Hoàng Công Chất đang từ dưới xuôi rút lên đã phối hợp với quân của thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải, tướng Khanh (Cương mụ có chép Chất liênkết với thủ lĩnh Thành. Có lẽ là một trong hai người này) đánh giặc Pháp cứu dân, bảo vệ miền biên giới tổ quốc.
Sau khi giải phóng được Mường Thanh, Hoàng Công Chất tính đường cố thủ lâu dài để chống lại triều đình dưới xuôi và chống ngoại xâm. Lúc đầu, Hoàng Công Chất đóng quân ở thành Tam Vạn. Sau đó, nhận thấy thành tuy rộng nhưng cách bố phòng quá sơ sài, không hợp với các vũ khí mới xuất hiện thời đó như súng thần công, súng hoả mai… lại không hợp với sự phòng thủ từ mặt Lào sang cũng như từ xuôi đánh lên. Hoàng Công Chất quyết định xây đền Chiềng Lề (nay gọi là thành Bản Phủ thuộc xã Mong Hẹt, Điện Biên). Thành này là một kỳ công của Hoàng Công Chất. Thành rộng 80 mẫu, dựa lưng vào dòng sông Nậm Rốn, có đường thành đắp bằng đất trồng tre gai đem từ Thanh Hoá lên vây kín, bên ngoài có hào rộng 4-5m, sâu 10m. Thành cao 5m, mặt thành rộng từ 4-6m, trên đó voi ngựa đi lại được. Thành có bốn cửa tiền, hậu, tả, hữu, ở mỗi cửa có đắp đồn cao, có vọng tiêu và lính gác. Trong thành có khu ngoại vi là nơi lính đóng. Ở đây, Hoàng Công Chất cho đào tới 133 giếng và ao hình dạng khác nhau: vuông, tròn, tam giác, lục giác, bát giác để trữ nước cho quân lính dùng. Hiện còn thấy di tích nơi nhà ở của quân lính, nơi làm kho lương, kho vũ khí, nơi chăn ngựa, giữ voi. Giữa thành có phủ là nơi các thủ lĩnh nghĩa quân đóng.
Trong khoảng thời gian từ 1754-1769, Hoàng Công Chất một mặt củng cố miền Mường Thanh, mặt khác mở rộng thế lực ra toàn sông Mã, sông Đà, sông Hồng. Từ Mường Thanh, Hoàng Công Chất đánh chiếm lại miền Thập Châu thuộc An Tây xưa đã bị bọn quan lại trung Quốc, tỉnh Vân Nam cướp đoạt từ trước, tức các châu: Chiêu tấn (vùng Sìn Hồ hiện nay): châu Quỳnh Nhai; Châu Lai (Mường Lay, Mường Tè, Mường Xo tức Phong Thổ hiện nay). Luân Châu (một phần huyện Tuần Giáo hiện nay và khu vực Mường Mùn) thuộc tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên) và các đất Quảng Lãnh, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Toàn, Tuy Phụ, Khiếm Châu nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nghĩa quân còn lập thế ỷ dốc với nghĩa quân của Lê Duy Mật lúc đó lập căn cứ ở núi Trình Quang, thuộc tỉnh Trấn Ninh. Sử sách cũ chép có nhiều lần hai toán nghĩa quân này với nhau khống chế suốt một dải miền Thượng Thanh Hoá, Nghệ An đến miền Hưng Hoá tức miền Tây Bắc ngày nay, Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật lại uy hiếp triều đình bằng những cuộc tập kích vào vùng sông Thao, mạn Sơn Tây. Hoàng Công Chất chiếm toàn bộ 12 Châu Thái, tức miền Sơn La, Nghĩa Lộ và Bắc Hoà Bình. Các tù trưởng Thái như: Bun Phanh, Hà Công Ứng và tù trưởng Mường như Đinh Công Hồ chống lại nhưng đều bị thua.
Thế là toàn thể các chúa đất cả một dải sông Đà, sông Thao, sông Mã đều thuần phục Hoàng Công Chất và không chịu cống nạp về triều đình nữa. Mường Thanh trở nên khu trung tâm văn hoá, chính trị của đất Tây Bắc.
Trong thời gian ở Mường Thanh, công to nhất của Hoàng Công Chất là giữ yên bờ cõi Tổ quốc, tránh được nạn xâm lăng của người Miến vào năm 1753-1765 đô hộ toàn vương quốc Luông Pha Băng và uy hiếp an ninh của vài nước xung quanh trên bán đảo Đông Dương. Hoàng Công Chất lại khống chế được những cuộc nhũng nhiều, lấn đất, cướp bóc của bọn giặc cỏ từ phương Bắc với sự dung túng của bọn quan lại phong kiến Trung Quốc, đồng thời hoạt động rất mạnh chống lại triều đình Lê Trịnh đã thối ruỗng. Ông thường liên kết với nghĩa quân Lê Duy Mật tiến đánh những miền Thanh Hoá, Sơn Tây… cuối năm 1767, ông đem tới hơn một vạn quân vượt qua Mộc Châu, Mai Châu tiến sâu vào vùng miền Trung du Thanh Hoá. Nghĩa quân đến đâu đều được nhân dân địa phương nhất tề nổi dậy hưởng ứng, làm cho quan quân Lê trịnh vô cùng hoảng sợ. Cuối năm 1767, Hoàng Công Chất mất. Tiếp tục sự nghiệp của Hoàng Công Chất, con ông là Hoàng Công Toản lên thay, tự xưng là Quốc Công và duy trì đến 1769 mới dứt… Mường Thanh lại thuộc về triều đình Lê Trịnh.
Sách Lịch sử Việt Nam (tập 1) NXB KHXH 1971 trang 329 có ghi “…Nghĩa quân của Hoàng Công Chất từ Sơn Nam tiến dần lên miền Hưng Hoá. Tại đây, Hoàng Công Chất được các dân tộc thiểu số Tây Bắc hết lòng ủng hộ. Hoàng Công Chất không những lãnh đạo nhân dân tiếp tục đấu tranh chống chế độ phong kiến mà còn kiên quyết đánh lùi các cuộc xâm lấn, cướp bóc của nước ngoài, làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương phía Tây của tổ quốc. Phong trào nông dân từ chỗ đánh đổ trật tự phong kiến đã vươn lên đảm đương lấy nhiệm vụ bảo vệ đất nước, xây dựng cuộc sống cho nhân dân. Do những thành tích xuất sắc đó, Hoàng Công Chất được các dân tộc tây Bắc khâm phục và quý mến. Cuộc khởi nghĩa nhờ vậy mà kéo dài đến năm 1769”.
Cho đến nay dân tộc Thái ở Tây Bắc còn lưu truyền một bài hát ca ngợi người anh hùng Hoàng Công Chất, trong đó có câu
Đâu dưới xuôi có vua
Trên này có chúa
… Chúa thật lòng yên dân
Chúa dựng bản mường
mọi người mới được yên ổn làm ăn
… Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ
Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la
Tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo nâu Hoàng Công Chất và Tướng Lò Ngải, Lò Khanh, nhân dân trong vùng đã xây đền đúc tượng để tôn thờ và hàng năm đều mở hội cúng tế, tưởng nhớ đến vị lãnh tụ khởi nghĩa Hoàng Công Chất. Ngày nay, tại làng Hoàng Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình quê hương ông, nhân dân đã tạc tượng dựng đền thờ phụng. Vào ngày 12/4 hàng năm chính quyền, nhân dân địa phương và bà con thân thuộc đến dâng hương tưởng niệm.
Ngày 12/4/2007 vừa rồi, Ban liên lạc họ Mạc tỉnh Thái Bình và Ban liên lạc họ Mạc hà Nội có đoàn về dự lễ kỷ niệm 240 năm ngày mất của thủ lĩnh Hoàng Công Chất và thắp nén tâm nhang tưởng niệm. Tên ông đã đi vào lịch sử và sống mãi trong lòng nhân dân Thái Bình, nhân dân Điện Biên và nhân dân cả nước và là niềm tự hào của họ Mạc tộc chúng ta.
Chú thích:
1: Vũ Đình Dung ở Sơn Nam, Nguyễn Tuyền ở Hải Dương, Nguyễn Cừ ở Chí Linh đã nổi lên cùng một lúc với Hoàng Công Chất. Hoạt động ở miền đồng bằng nhiều sông lạch, đầm lầy thường dùng thuyền nhỏ ra vào, chiến đấu rất linh hoạt
2: Nguyễn Hữu Cầu quê ở xã Lôi Đồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
3: Nguyễn Danh Phương (tức Quận Hẻo) quê ở xã Tiên Sơn, huyện Yên lạc, tỉnh Vĩnh Phú
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Gương sáng họ Bùi Đăng
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.