- Đang online: 6
- Hôm qua: 507
- Tuần nay: 12895
- Tổng truy cập: 3,368,188
Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- 1999 lượt xem
Hoàng Lê – Nguyễn Văn Chữ
Hải Dương xưa còn là tỉnh Đông vì năm ở phía Đông kinh thành Thăng Long. Về thời Lê là một trong bốn tứ trấn (Sơn Tay, Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương). Năm 1466 gọi là Thừa truyên Nam Sách, năm 1469 đổi tên là trấn Hải Dương, năm 1831 đặt tên là tỉnh Hải Dương. Là một vùng đất cổ, có nhiều danh thắng mà nhiều người biết như: “Côn Sơn có suối nước trong. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai” nơi Nguyễn Trãi cuối đời đã lưu về ở ẩn. Có dòng Lục Giang và Kiếp Bạc sơn thuỷ hữu tình, nơi đây có đền Trần, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Có núi Phượng Hoàng (còn gọi là núi Kiệt Đặc) nơi đạo sĩ Huyền Quang đời Trần luyện thuốc và Chu Văn An ở ẩn, Trần Nguyên Đán đã đề thơ…
Mảnh đất Hải Dương là quê hương của nhiều tao nhân mặc khách: Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Nam Sách quê hương của vải thiều, ông tổ nghề bơi lặn Yết Kiêu ở Hạ Bì; nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam Bà nguyễn Thị Duệ giả trai đi thi, người làng Kiệt Đặc
Họ Mạc phát tích và khai khoa bảng cũng từ mảnh đất cổ Hải Dương này. Hậu duệ của họ Mạc sau này di đi nhiều nơi không chỉ ở các huyện trong tỉnh mà ở nhiều tỉnh trong cả nước. Thời thế thay đổi nên họ Mạc cũng đổi ra thành nhiều họ. Theo Ban liên lạc họ Mạc thống kê năm 2006 có 50 họ ở 28 tỉnh thành (xem Hợp biên thế phả họ Mạc – NXB VHTT. 2007 trang 238). Họ Đặng ở Chi Điền, An Điền, Chí Linh (nay là thôn Chi Đoan, xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách) là một trong số 50 họ đó. Thuỷ tổ họ Đặng nay là Mạc Phúc Thuật, con thứ của Hiến Tông Mạc Phúc Hải. Khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long (1592) cụ thuật đem con cái chạy vào Hà Tĩnh. Đến đời thứ 5 chút chít cụ là Mạc Phúc Thực mới trở về Hải Dương ở làng Chi Điền. Đời thứ 3 đổi ra họ Đặng và phân thành hai chi. Chi trưởng ở quê, chi thứ dời lên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Họ Đặng (gốc Mạc ) ở Chi Điền tính từ cụ Phúc Thọ (đời thứ 6) đến nay là đời thứ 12 (xem Hợp biên thế phả họ Mạc – NXB VHTT. 2007 trang 267). Dòng họ này vẫn phát huy truyền thống của tổ tiên xa xưa, coi trọng học vấn Thi – Thư – Lễ – Nghĩa tận trung với nước, tận hiếu với dân. Con cụ Phúc Thọ là Tề Danh thi Hương, thi Hội đều đỗ nhưng triều Lê – Trịnh phát hiện ra gốc họ Mạc nên bị đuổi, không được sử dụng làm một quan chức gì. Gia phả dòng họ còn ghi lại chuyện đó. Ba người con của cụ là Đặng Đức Tuấn, Đặng Đức Dung, Đặng Đắc Hồ cùng dùi mài kinh sử luyện văn, luyện võ và thành đạt. Theo bia dựng ở Gia Lương, Bắc Ninh tại năm Cảnh Thịnh 5 (1797) có ghi rõ: Văn Hội, Võ Hội ở tổng An Điền, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách có 13 vị trong đó có Đặng Đức Tuấn Võ Trưởng, Đức Dung và Đắc Hồ về văn. Đức Dung do thi không đậu về nhà dạy học. Đắc Hồ thi đỗ được bổ dụng làm quan ở huyện Kinh Môn. “Tiến vị quan, đạt vi sư” một nhà anh em người làm quan, người làm thầy giáo, như vậy thật hiếm có ở một vùng quê chuyên canh nông nghiệp.
Từ ngày cụ Phúc Thực trở lại quê hương bản quán Chi Điền, cụ chuyên dạy chữ nho. kế nghiệp cụ là Phúc Thọ rồi đến chúa là Tề Danh, chắt của Đức Dung. Cụ Đức Dung tên hiệu là Phúc Cần là một thầy dạy học nổi tiếng trong vùng, rất được bà con nhân dân kính trọng về đạo đức và trí thức uyên thâm.
Cụ sinh ra Phúc Đoàn, Phúc Đoàn kết hôn với bà Thục Hạnh, sinh ra Đặng Huy Dư năm Nhâm Dần (1782). Huy Dư từ bé đã thông minh, học đâu nhớ đấy và ngày càng tỏ ra là người có chí lớn, chiều nào cũng ra bến sông Kinh Thầy tắm và bơi thi với các bạn cùng trang lứa. Huy Dư còn giúp các bạn chăn trâu cắt cỏ hoặc cùng bạn mò cua bắt cá trên bãi bồi lầy lội, được ít nhiều cũng mang về cho mẹ cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Hàng tháng mẹ còn cho Huy Dư theo về thăm ông bà ngoại. Đi hay về đều phải qua Văn Miếu Cẩm Điền, bà thường giảng giải cho Huy Dư biết Văn Miếu thờ ai. Những ai là người trong tổng, huyện, phủ mà đỗ đạt đều được khắc danh tính (họ, tên) và quê quán vào bia đá rồi đặt ở đây nhằm tôn vinh những người hiền tài, giống như Văn Miếu Quốc tử giám ở Thăng Long. Huy Dư cứ luẩn quẩn mãi hết bia này đến bia khác, bảo mẹ đọc cho con nghe rồi cố nhập tâm để khi sang Mộ Trạch thì hỏi ông ngoại, khi về Chi Điền còn gì chưa hỏi rõ lại hỏi bố, hỏi ông nội. Không nói ra lời nhưng trong đầu Huy Dư đã ao ước sau này tên mình cũng được khắc ghi ở đây, chỉ có vậy mới thực sự là báo đáp công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Học xong Tam tự kinh thì được học tiếp Tứ Thư (Luận Ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung), Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân thu)…. Trường học của phủ Nam Sách, phủ Bình Giang, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương… vào thời điểm này chưa có mới xây dựng từ đời Minh Mệnh thứ 7, 1827 về sau) nên chủ yếu là học ở làng, ở tổng và huyện. Huy Dư có lợi thế vì dòng họ nho gia. Được ông nội kèm cặp, bố mẹ chăm sóc nên Huy Dư học rất giỏi, đã thế lại có sáng kiến nhớ chữ, nhớ sách bằng cách đố chữ, kể giai thoại của Mạc Trạng nguyên cho các bạn nghe. Ví như Chuyện chim chích, ếch ộp: “Thời gian Mạc Đĩnh Chi đi xứ nhà Nguyên chê tiếng nói của sứ bộ ta líu ríu như chim chích, mới đọc giễu một câu rằng.
Quých tập chi đầu đàm Lỗ luận, tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.
Nghĩa là: Chim chích tụ đầu cành, đọc sách Luận ngữ, biết nói là biết, không biết nói là không biết, ấy là biết.
Câu này toàn dùng trong sách Luận ngữ, Mạc Đĩnh Chi cũng dùng toàn những câu trong sách Mạnh tử để đáp lại:
Oa minh trì thượng độc Trâu thư, lạc dữ thiểu nhạc lạc, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục lạc.
Nghĩa là: Ếch kêu trên bờ ao, đọc sách Mạnh Tử, vui cùng ít người vui nhạc, vui cùng nhiều người vui nhạc, đằng nào vui?
Thế là “Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”. Người nguyên không dám tỏ vẻ chê bai bỉ báng nữa.
Hay là nhà Nguyên giở trò thách đố chữ: Họ viết 4 câu thơ thách Mạc Đĩnh Chi giải:
Nhất diện lưỡng mi
Nhất sấu nhất phì
Nhất niên nhất nguyệt
Nhất nhật tam kỳ
Nghĩa là:
Một mặt đôi mày, một gầy một béo
Một năm một tháng, một ngay ba lần.
Mạc Đĩnh Chi đưa mắt qua đã có thể giảng đó là chữ bát ( ). Vì chữ Bát là tam, mỗi năm chỉ có một tháng tám, chữ bát là tám cũng đồng âm với chữ bát đựng đồ ăn do đó mỗi ngày dùng bát ăn ba lần. Hoặc đố các bạn tam Xuyên nghĩa là ba dòng nước viết thế nào? Chữ Tam ( ) nếu dựng đứng sẽ thành chữ xuyên ( ) và tứ mục nghĩa là bốn mắt, chứ tứ ( ) nếu đem dựng ngược lên sẽ thành chữ mục ( )…
Cách kể chuyện vui và cách học chữ này khiến nhiều bạn thích thú và nhớ chữ, nhớ nghĩa lâu hơn. Các bạn phục lắm.
Đến năm Kỷ mão (1870) đời vua Gia Long, Huy Dư thi Hương ở trường Hải Dương. Năm đó các sĩ tử Yên Quảng (sau đổi là Quảng Yên) thi chung. Trường này Đề điệu là tả Tham tri bộ Công Nguyễn Ngọc Ngoạn, giám thị là Đốc học Quốc tử Giám Nguyễn Viết Ưng. Giám khảo là Đông các học sĩ Nguyễn Du. Trường lấy đỗ có 5 người, trong đó có Đặng Huy Dư (Lê Huy Triện, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Chiểu, Vũ Trọng Đĩnh). Bản tổng đã tổ chức đón rước long trọng theo luật định của triều đình. Năm đó, ông mới 25 tuổi. Tuổi tẻ có nhiều hoài bão ước mơ muốn vươn lên đỉnh cao trong học tập và để cống hiến được tài trí dựng xây đất nước sau này.
Năm sau (1808) Canh Thìn- Gia Long thứ 7 Đặng Huy Dư có chiếu vua ban cho nhận chức Tri huyện huyện Hưng Nhân. Một chức quan không phải là lớn nhưng được triều đình cấp lương bổng bằng tiền và gạo hàng tháng hàng năm. Tuy không nhiều nhặn gì, giá trị lúc bấy giờ tương đương 3 đồng phơ răng (tiền Pháp), nên phải sống thanh đạm giản dị mới đủ. Ông luôn luôn nghĩ điều quan trọng là giữ gìn đạo đức truyền thống của ông cha, đừng có hành vi bôi nhọ dù là nhỏ. Đã ra làm quan tức là phải thu tô thuế, phải xử án, phải bắt lính, phải đắp đê, đắp đường… dễ bị nhân dân ghét, dễ rơi vào tệ nạn tham quan bòn rút của dân. Thân mẫu ông vẫn thường dặn:
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
Được triều đình bổ nhiệm làm quan, trong lòng ông vui có mà buồn cũng có. Lo nhiều hơn vì dễ mang tiếng là kẻ “cướp ngày”.
Triều Nguyễn là một triều đại mới lên, khác với Vương triều Tây Sơn được thiết lập trên thắng, lợi chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, triều Nguyễn này mà vị vua đầu là Nguyễn Ánh thì nhân khi Quang Trung mất, Quang Toản còn ít tuổi chưa đủ năng lực và uy tín để tiếp tục sự nghiệp của cha, trong lúc đó, những mâu thuẫn nội bộ của triều Tây sơn lại phát triển làm cho chính quyền bị suy yếu nhanh chóng. Nhờ đó Nguyễn Anh mới thắng thế. Vì vậy mà chưa được lòng dân quy phục lắm. Có lẽ vì thế mà Gia Long không dám đóng đô ở Thăng Long, phải đời vào Huế. Phải tìm cách thâu tóm quyền lực vào tay mà không muốn chia sẽ quyền hành hoặc lấn át uy quyền của mình nên đặt ra lệ “bốn không” (không đặt Tể Tướng, không lấy đỗ Trạng, không lập Hoàng hậu, không phong tước Vương cho người ngoài hoàng tộc) ý vua được coi như ý trời! Quyền vua là vô hạn. Quan lại nhỏ ở cấp huyện như mình thì làm được gì, nói ai nghe, đa số chỉ còn biết xu phụ, nhắm mắt làm theo ý vua. Quan lại nhỏ ở cấp huyện như mình thì làm được gì, nói ai nghe, đa số chỉ còn biết xu phụ, nhắm mắt làm theo ý vua. Ông nghĩ: nếu mình không đi nhận chức thì không chỉ mình phạm tội “khi quân” mà còn liên lụy đến cả gia đình. Vả lại huyện Hưng Nhân nơi ông nhận chức cũng không xa xôi gì. Huyện chỉ có 6 tổng, 55 xã thôn trang. Là một trong bốn huyện của phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ(1). Phía Bắc giáp sông Luộc, phía Tây Nam giáp sông Hồng. Dân còn nghèo, chuyên trồng cói đay và dệt chiếu. Đặng Huy Dư rất thương dân chúng. Tháng lại năm ông vẫn cùng một tên sai nha đi xuống các tổng, các xã để thị sát nên hiểu được lòng dân
Ngày đêm ông lo nghĩ, lòng chỉ mong sao cho dân có bát ăn bát để, bớt kiện cáo nhau. Ông nghĩ đó là phép bồi bổ phong hóa, là phép đức trị, dùng lòng trung nghĩa để cố kết, tránh bớt việc xét án cho quan nha. Ông khôn am tường về nông nghiệp, thủ công nghiệp và ngư nghiệp thì giúp được gì cho dân. Ông vừa phải làm theo lệnh quan trên, vừa phải nới tay với dân bản huyện, không cho phép sai nha hành hạ, hách dịch với dân. Ông sống giản dị và nổi tiếng thanh liêm, hiền đức. Suốt 7, 8 năm làm tri huyện ông chưa từng nhận của ai một chút quà biếu, khiến bọn ô lại cũng phải dè chừng. Công việc dẫu bề bộn, ông vẫn có ý chí tự học, rất quan tâm đến chế độ giáo dục và thi cử. Tiếng lành đồn xa, nam Bính Tý (1816) ông được Triều đình nhà Nguyễn (Gia Long) đặc cách coi thi tại trận Kinh Bắc. Lần đầu vua Gia Long quản lý một nước Việt Nam thống nhất từ Bắc chí Nam, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên nên nhà vua chia cả nước làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc thành gồm 11 trấn (5 nội trấn và 6 ngoại trấn)… Bốn năm sau đó, vào năm Canh Thìn, Minh Mạng nguyên niên (1820) ngày 17 tháng 8 Đặng Huy Dư- Tri huyện Hưng Nhân được thăng lên chức Phó Đốc phủ Hoài Đức trấn Bắc thành. Vua Minh Mạng là người tinh thâm nho học, sùng đạo Khổng, Mạnh. Nhà vua rất quan tâm đến học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài, cho dựng Quốc tử giám, đặt chức Tề Tửu và Tư nghiệp, mở lại thi Hội và thi Đình, trước 6 năm một khoa thi, nay rút xuống còn 3 năm. Chính Minh Mạng đã than phiền về dạy học thời đó, nội dung vay mượn bên ngoài, người đi học và người đi thi chỉ biết chúi đầu vào sách kinh điển của Nho giáo và lịch sử các triều Hán, Đường, Tống… “Cái văn cử nghiệp chỉ câu nệ khuyên sáo hủ lậu, tâng bốc lẫn nhau… Việc học như thế chả trách gì nhân tài ngay nay càng thấp kém” (Đại Nam Thực lục- Chính biên). Trong con mắt của nhà vua, ông là người có thể góp phần cải cách nền giáo dục, nên ngày 11-9-1823 Quí Mùi lại điều ông từ trấn Bắc thành vào trấn Quảng Nam để thúc đẩy việc học hành thi cử ở miền Trung. Năm Ất Dậu (1825) do việc chỉ đạo thi cử ở địa phương này chưa chặt chẽ, để các sĩ tử ở trường thi làm huyên náo, nên 24 vị nhà gió bị hạ chức và hạ bậc lương. Đặng Huy Dư tuy không bị hạ chức nhưng cấp bậc lương cũng bị hạ, đến năm sau (1826) mới được trả lại như cũ và được bổ nhiệm làm Đốc học trấn Quảng nam. Qua thực tế, ông đã rút ra nhiều bài học sâu sắc, dốc tâm vào giảng tập và chấm thi, nâng cao trình độ sư phạm cho các giáo chức. Theo ông đó là cách tốt nhất để nâng cao dân trí, nên được mọi người quý mến tôn kính. Nhà vua càng tin yêu. Năm Mậu Tý (1828) ông đã được lộ Lại khen và nhà vua ban thưởng cho tiền vàng. Hai năm sau, vào năm Kỷ Sửu, tháng 4-1829 ông được điều về trấn Nghệ An để chỉ đạo cho tốt việc giáo dục nơi đây bởi vùng Hồng Lam này rất hiếu học:
– Cha mẹ cho ló (lúa) cho tiền
Không bằng cho bút cho nghiên học hành
– Muốn sang thì bắc cầu dâu
Muốn con hay chữ mua dầu học khuya
– Đừng thấy anh đói mà vong
Chỉ lưng bụng cữ bằng cong vàng đầy.
Lắm nhân tài nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… việc lãnh đạo thu phục được nhân tâm con người xứ Nghệ không dễ gì và không phải ai cũng làm được. Thế mà Đặng Huy Dư đã hòa đồng được với mọi người đã không ngại: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh”, không sợ cả cái nóng nung người mỗi đợt gió Lào về, ông coi đây là quê hương thứ hai vì ông đã sống trong sự cưu mang của dân xứ Nghệ suốt 23 năm liền.
Năm Tự Đức thứ 6 (1852) ông được chuyển sang Bộ Lễ giữ chức thanh tại- Tư viện ngoại lang trung (tức chuyên gia đầu ngành, đứng đầu các nhóm chuyên viên của Bộ). Bộ Lễ thừa nhận ông là một nhà giáo mẫu mực đạo đức phẩm hạnh cao. Vào năm nay ông đã 70 tuổi “thất thập cổ lai hi” xưa nay hiếm! Đến nhà vua như Gia Long cũng chỉ thọ 54 tuổi, Minh Mạng thị 51 tuổi, Thiệu Trị thọ 41 tuổi mà thôi. Tuổi đã cao, sức đã yếu, lại có bệnh, ông xin nghỉ hưu để về bản quán dưỡng lão, được triều đình chấp nhận. Về lại cố hương Chi Điền- An Điền- Chí Linh- Nam Sách- Hải Dương (nay là thôn Chi Đoan, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách) được cả tổng, cả huyện mở rộng vòng tay đón. Nhiều cố lão còn muốn ông kèm cặp thêm cho con cháu. Ông vui lòng chấp nhận tiếp tục dạy học để vui tuổi già.
Triều Nguyễn kể từ Gia Long (1802-1819) đến Minh Mệnh (1820-1840) Thiệu Trị (1841-1846) và Tự Đức (1847)… đều rất rợ nhân dân, lo lắng đề phòng các hành động lật đổ. Chính vì vậy mà đã tăng cường bộ máy đàn áp, duy trì đội quân thường trực lớn (11 vạn bộ binh, 2 vạn thủy binh), đưa ra bộ luật Gia Long (1815) thực ra là bản sao chép gần như nguyên vẹn bộ luật Nhà nước Mãn Thanh. Chế độ áp bức nặng nề: thuế má, lao dịch. Phong trào đấu tranh của nông dân bùng nổ, ngày càng phát triển với quy mô rộng lớn và mức độ quyết liệt (có đến 200 cuộc khởi nghĩa) như khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827), khởi nghĩa Nông Văn Vân (1833-1836), khởi nghĩa Lê Văn Khôi (1833-1836), khởi nghĩa Cao Bá Quát (1854-1855)…
Trong khi đó, tư bản Pháp càng ngày càng rắp tâm đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Năm 1824 và 1835 hai lần chiến hạm Pháp kéo vào Đà Nẵng thị uy. Tháng 5-1858 Pháp quyết định đánh chiếm Việt Nam. Các sĩ phu yêu nước lên tiếng phản đối triều đình nhà Nguyễn nhu nhược thỏa hiệp với thực dân Pháp. Đặng Huy Dư cũng hưởng ứng phong trào chống Pháp nhưng tiếc thay ông mất vào năm Mậu Ngọ (1858) hưởng thọ 76 tuổi.
Cuộc đời ông là một tấm gương đạo đức luôn có trọng trí- nghĩa, suốt đời giữ phẩm giá trong sạch thanh liêm, giữ danh dự cho dòng họ Đặng (gốc Mạc) và các thế hệ Việt nam. Nhân dân xã Cộng Hòa đã dựng bia, lập đền thờ ông năm 1901- Nơi đây còn lưu giữ 13 đạo sắc phong của triều đình phong tặng ông. Hàng năm vào ngày 06 tháng Giêng (ngày mất của ông) dân quanh vùng đều đến dâng hương để tưởng nhớ ông. Một con người có hiếu với dân, có lòng trung với nước và cũng là một bậc thầy đức cao vọng trọng, dạy học sinh tự nguyện đến già không mệt mỏi đấu tranh cho tiến bộ.
“Chính nhờ những bậc thầy như thế đó
Dân tộc sản sinh lớp lớp anh hùng”.
H.L-N.V.C
Chú thích:
1: Đến Năm Minh mạng (1820-1840) mới đổi làm Trấn Nam Định. Phủ Tiên Hưng đến năm 1831 thuộc tỉnh Hưng yên, năm 1890 thuộc tỉnh Thái Bình. Sau năm 1945 là huyện Tiên Hưng, ngày nay là huyện Hưng hà và Hưng Nhân.
Tham khảo:
– Hợp biên thế phả họ Mạc- NXB VHDT 2007.
– Tài liệu của ông Đặng Đức Hưởng, Nguyễn Văn Chử, Lý Phú Điền
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Gương sáng họ Bùi Đăng
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.