- Đang online: 4
- Hôm qua: 501
- Tuần nay: 12880
- Tổng truy cập: 3,368,182
Lão thành Cách mạng Nông Văn Quang (tức Lý Công)
- 2307 lượt xem
VỚI CON ĐƯỜNG NAM TIẾN
Ông tên thật là Mạc Văn úc, bí danh Lý Công, dân tộc Tày, thuộc thế hệ thứ 6 của Mạc Nhã Tâm. Sinh năm 1919 ở Thom Phát, xã Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm) huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Quê hương ông là một miền đất cổ, có địa hình phong phú: 90% diện tích là rừng núi. Núi có nhiều ngọn cao như Phia Dạ (1986m), Phía Oắc (1930m). Nhiều đèo đốc như đèo Lê A (1362m), đèo Mã Phục (620m). Lắm sông nhiều suối, tổng cộng có tới 3000 km sông suối nên cũng lắm thác nhiều ghềnh, hứa hẹn một tiềm năng thuỷ điện không nhỏ. Cao Bằng ở địa đầu tổ quốc, có đường biên giới giáp Trung Quốc dài trên 3000 km ở phía đông và phía bắc, nam giáp tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn; tây giáp tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang nên có tầm quan trọng về các mặt quốc phòng, chính trí kinh tế… Người ta biết đến một Cao Bằng “gạo trắng nước trong” còn vì một lẽ Cao Bằng là đất cội nguồn Cách mạng. Nơi Bác Hồ sau 30 nạm bôn ba hải ngoại, lần đầu tiên (1941) trở về đất mẹ – Tổ Quốc, Bác đã hôn lên nắm đất Pắc Bó; là nơi Bác chọn làm căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiến tới Cách mạng tháng 8 năm 19451 nơi có tới 74 điểm Bác đã đặt chân… Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản tháng 1 năm 1930, Bác đã nhận định rằng: “Cao Bằng là một trong những vị trí quan trọng về chiến lược của nước ta từ những năm 1924- 1925 đến sau này”.
Nông Văn Quang lớn lên và cả cuộc đời gắn bó với cái nôi cách mạng đó. Ông sớm được giác ngộ cách mạng. Xã Gia Bằng nơi ông sinh ra, từ năm 1934 đã có đảng viên và năm 1985 đã có chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên lúc đó ông mới có 17 tuổi. Ông vào Hội thanh niên phản đế (1935), vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1937).
Từ những năm 1938-1939 và 1940, Pắc Bó, một xã nằm sát biên giới Việt – Trung đã là khu trung tâm giữa hai cơ sở cách mạng Nà Sắc và Lục Khu châu Hà Quảng là một trong những cơ sở có phong trào cách mạng vững chắc của Cao Bằng. Núi rừng Pắc Bó hiểm trở nhưng lại có nhiều đường thuận lợi đi khắp tỉnh, về căn cứ địa Việt Bắc, xuống miền xuôi và liên lạc với quốc tế, nên tháng 1 năm 1941 Bác đã cùng một số đồng chí cán bộ của Đảng trực tiếp đến kiểm tra các mặt ở khu vực này nói chung và hang Cốc Bó nói riêng. Bác nhất trí với đồng chí Vũ Anh và Lê Quảng Ba lấy hang đó làm cơ quan để Bác làm việc. Địa thế và lòng dân Pắc Bó ấy rất xứng đáng được đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng. ở Pắc Bó (tiếng Tày có nghĩa là nguồn nước). Bác đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện về tổ chức mặt trận Việt Minh cho cán bộ người Cao Bằng, đồng thời Bác bắt tay vào thực hiện chương trình thí điểm Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc tại châu Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Sau ba tháng số hội viên ở ba châu này đã lên đến 2000, thuộc đủ các thành phần dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông… đủ các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, nông đần. Công tác thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng thành công có một ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng chung cả nước.
Tháng 4 năm 1941, nội dung công tác thí điểm bắt đầu triển khai ở Gia Bằng, Kỳ Chỉ. Trước hết, về tổ chức Hội thanh niên phản đế được chuyển sang Thanh niên cứu quốc hội. Đồng thời các giới khác cũng được xúc tiến như Phụ nữ cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội…
Tháng 6 năm ấy có chủ trương chấn chỉnh Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Ghép các chi bộ xã Gia Bằng, Kì Chỉ, Linh Mai thành lập châu uỷ Lâm Sơn (Nguyên Bình), đồng chí Xích Thắng làm bí thư, Lý Công (tức Nông Văn Quang) là Châu uỷ viên cùng với đồng chí Hồng Mỹ, Quang Hưng. Công tác phát triển Hội tiếp tục được đẩy mạnh, mỗi người đều có nhiệm vụ hoạt động như điều tra tuyên truyền kết nạp hội viên mới. Hướng và cách phát triển là thông qua các tổ chức: Hội tương tế đội bóng, anh em họ hàng thân thích và bạn đồng canh tốt Nội dung tuyên truyền là chính sách của Việt Minh, cụ thể đưa vào những phần chính: Vào Hội là đoàn kết nhau lại, có sức mạnh nhằm đánh đổ chế độ cai trị của Pháp và Nhật để giành tự do dân chủ và độc lập cho đất nước Việt Nam, cách mạng sẽ xây dựng chế độ mới các dân tộc đều bình đẳng, nam nữ bình quyền trong việc nước cũng như việc nhà, xoá bỏ các thứ thuế không hợp lý của thực đần Pháp, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và tay sai, thực hiện người cày có ruộng công nhân làm việc 8 giờ, có chế độ bảo hiểm xã hội…
Ban đầu quần chúng hội viên có nhiều thắc mắc như: Pháp, Nhật có quân đội, có súng ống mọi thứ ta còn đang hai bàn tay trắng làm sao thắng nổi… Phải giải thích từng bước, từng vấn đề mọi người mới hiểu: đoàn kết là sức mạnh, muốn vậy phải có tổ chức. Đã có Hội Việt Minh có tổ chức, có sự đoàn kết rồi sẽ có nhiều thứ mà ta cần. Hoạt động của Hội phải được giữ bí mật thì kẻ địch có tai cũng như điếc, có mắt cũng như mù. Cần theo dõi hoạt động của bọn mật thám tay sai Pháp để đề phòng.
Qua đợt thí điểm trên, phong trào khá mạnh về nhiều mặt. Đặc biệt mọi người đều tỏ niềm tin cách mạng sẽ thắng lợi đù rằng chưa phải ngày hôm nay. Đồng chí Hoàng Văn Thụ và Vũ Anh thay mặt Trung ương đã chủ trì cuộc họp tổng kết về công tác thí điểm thực hiện chương trình của Mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở đó, hội nghị Trung ương VIII đã thảo luận và chính thức ra nghị quyết thành lập một tổ chức mới: Việt Nam độc lập đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh.
Sang năm 1942, phong trào cách mạng ở châu Nguyên Bình phát triển mạnh cả bề rộng và bề sâu. Các xóm Tày, Nùng đến làng bản các dân tộc Mông, Dao đã có các cơ sở cách mạng, tạo ra nhũng điều kiện “dựa vào nhau”, mỗi khi địch khủng bố ở vùng thấp, các cán bộ hoạt động bí mật tránh lên vùng cao và ngược lại.
Đồng chí Văn và đồng chí Đinh đến châu Nguyên Bình mở liên tục ba lớp tập luyện.
Tháng 4 năm 1942 Bác Hồ (bấy giờ lấy tên là đồng chí Thu) đến Gia Bằng Kì Chỉ, ở hang Kéo Quảng núi Tổng Ngần kiểm tra phong trào ở châu và mở lớp huấn luyện về Đảng, Bác trực tiếp giảng dạy cho các thường vụ tỉnh uỷ và cán bộ cất cán. Nông Văn Quang cùng với Bằng Giang, Xích Thắng (tức Dương Mạc Cam), Hoàng Sâm, Bình Dương, Lê Tòng, Quang Hưng đã dự lớp đó. Ban Châu uỷ các châu Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình mới thành lập. Ban Châu uỷ Hoà An do Lê Tòng làm Bí thư, ban Châu uỷ Hà Quảng do Lê Quảng Ba làm Bí thư, ban Châu uỷ Nguyên Bình do Dương Mạc Thạch làm Bí thư, Nông Văn Quang là Châu uỷ viên.
Tháng 6 năm đó, đồng chí Dương Mạc Thạch lúc này đã ở trong Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ Cao Bằng giao cho Nông Văn Quang thư từ của Tỉnh uỷ đưa vào chỗ Bác. Ông đến nhà đồng chí Hồng Trị ở xóm Lũng Lừa là trạm liên lạc, sau khi làm mọi thủ tục qui định, ông được vào tận cơ quan của Bác. Lán của Bác được dựng dưới tán một cây cổ thụ trong khu rừng phần nhiều là những cây nghiến già, mái lợp bằng vỏ cây. Trong lán có giường nhỏ bằng những cây gỗ không đều nhau, trên có trải một manh chiếu. ở đây với Bác có đồng chí Vân Trình, đồng chí ấy đang mài đá lên báo Việt Nam Độc Lập. Ông được Bác vui vẻ hỏi chuyện. Bác lại bảo đồng chí Vân Trình thổi cơm để đãi ông. Gọi là cơm, thực ra là cháo bẹ chấm muối ớt với rau rừng. Gói cơm nắm mà ông mang theo được rang lại cho nóng để ăn độn. Bác ở đây thuộc Lũng Dẽ, xã Linh Mai, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình cho đến tháng 7 thì dời ra dãy núi Lam Sơn. Hôm di chuyển, đồng chí Xích Thắng báo ông ra đón Bác ở giữa đường. Ông chờ đến tối không thấy bèn vào trong lán xem thì chỉ thấy đồng chí Tắc Kè ở đây coi ngô, đồng chí Xích Thắng đã đưa Bác đi lối khác ra cơ quan Tỉnh uỷ rồi (1).
Ngày 4 tháng 8 năm 1942, bọn Pháp mở đầu cuộc khủng bố vào hai xã Gia Bằng, Kì Chỉ. Bốn giờ chiều chúng kéo đến vây xóm Thám Phát xã Gia Bằng. Tốp lính đi đầu vây kín xóm, chúng chỉ cho phép người từ ngoài vào mà cấm không ai được ra. Một khẩu trung liên đặt trên gò cao ngay phía sau xóm nhằm khống chế cả ba mặt. Bọn chúng có viên tri châu, đội lệ và tổng, xã đoàn đi cùng một trung đội toàn lính Pháp. Mỗi tên lính, ngoài súng đạn còn đeo ở xanh tuya một cuộn dây thừng. Do có mật thám chỉ điểm, khi đến nơi thì một toán đầu xỏ do tên Tri châu cầm đầu xông ngay lên nhà đồng chí Dương Mạc Thạch và nhà anh Dương Mạc Hiếu rồi vào luôn nhà Mạc Văn Phác. Chúng bắt người dồn vào một chỗ, lục soát các buồng ngủ, trên gác và cả dưới bếp, tháo cạy tung hết các nắp hòm, lật tung cả chăn chiếu, lộn ngược cả từng cái chum vò. Trẻ già, trai gái cả xóm bị chúng bắt dồn về một nơi. Đến tối, chúng điểm danh từng người một kiểu gạn lọc này nhằm bật các anh Dương Mạc Thạch, Dương Mạc Ly, Mạc Văn úc (tức Lý Công, Nông Văn Quang). Nhưng cái lưới tung ra mà không chụp được những con cá chúng định bắt. Cả ba người trên đều lọt lưới.
Dương Mạc Thạch từ sáng sớm đã sang Kim Mã, Tam Lọng gặp các đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp), Đinh. Dương Mạc Ly đi chợ Pác Mặn còn Mạc Văn úc thì lên nương bẻ ngô, đang gánh ngô trên đường về cách làng nửa cây số đã có người đón đường đưa tin, ông bèn nhảy lên rừng. Vậy là cả ba đều an toàn. Riêng thân nhân của ba anh cùng các gia đình khác có người đi hoạt động, đêm hôm ấy chúng bắt dồn về nhà tên chánh tổng. Sáng hôm sau chúng điểm danh phân loại và bắt lên nha để lục vấn tra hỏi để tìm ra manh mối của “hội kín”.
Chúng vừa đe doạ vừa dụ dỗ nhưng quần chúng đã được người cách mạng tuyên truyền nên đã biết cảnh giác, đã có cái đầu biết suy nghĩ, đã phân biệt được chính tà… chẳng ai chịu khai báo. Hai ngày sau, chúng ập đến Tam Lọng, Kim Mã và sục thẳng đến vây xóm Phai Khắt. Trong khi đó, đồng chí Văn, và Đinh đang giảng bài ở một lớp tập huấn luyện tại Nà Dự xã Kim Mã cách Phai Khắt 3 cây số theo đường mòn. Được quần chúng đến báo, lớp học kịp thời tản lên rừng. Hôm ấy trời mưa to, sông suối từ các ngọn nguồn nước đổ về và dâng cao, chảy xiết. Vậy là “ông trời” cũng biết thương người làm cách mạng, làm cho địch không thể lội qua sông suối đi lùng sục được.
Địch khủng bố ngày càng gắt gao, tư tưởng một số đảng viên cán bộ và hội viên có lúc diễn biến phức tạp. Ban chấp hành Châu uỷ Lâm Sơn phải khẩn trương họp bàn và đề ra một số chủ trương…, phân công nhau đi nắm các cơ sở. Đồng chí Xích Thắng phụ trách Gia Bằng, đồng chí Hồng My phụ trách xã Kì Chỉ. Lý Công phụ trách 2 xã Kế Môn và Lang Trà, còn 2 xã Tam Lọng, Kim Mã đã phân công cho hai đồng chí Tán Thuật và Trọng Khánh phụ trách. Nhiệm vụ là phải sát cơ sở, công việc cấp thiết là giải thích những thuận lợi và khó khăn của cách mạng, phân tích thế yếu của địch, mỗi hội viên cần vững lòng tin để vượt qua khó khăn trước mắt.
Trải qua hơn một tháng chống khủng bố quyết liệt. Hai đồng chí Tán Thuật, Trọng Khánh thực sự được thử thách, cả hai đều được kết nạp vào Đảng. Ban chấp hành Châu uỷ họp có sự phân công lại để thích ứng với tình hình đang diễn biến phức tạp. Lý Công được rút về bổ sung phụ trách các xã Tam Lọng, Kim Mã. Quang Hưng phân công thêm cùng Xích Thắng ở Gia Bằng. Hồng My phụ trách thêm xã Kế Môn và Lang Trà. Chỗ ở của các đồng chí đã đi hoạt động bí mật, chỉ có người được giao trách nhiệm liên hệ mới được biết nơi liên lạc. Mọi hoạt động đi lại đều phải xoá hết dấu vết, từ một tàu lá một sợi lạt gói xôi đều phải phi tang. Thông thường ban ngày tranh thủ chợp mắt giấc ngắn để ban đêm đi xuống cơ sở. Vô vàn khó khản gian khổ song khó khăn nhất có lẽ là việc tiếp tế lương thực. Hàng ngày phải chạy lo từng ống gạo, ống ngô cho đến hạt muối, que diêm. Còn chất đốt khỏi phải lo, đã ở rừng có bao giờ hiếm củi. Nếu có hết diêm chỉ cần bùi nhùi chẳng cần xăng hay dầu mới phát ra lửa. Thức ăn nói chung không thiếu, sẵn các loại măng, nấm… Đôi khi còn có bữa cải thiện thịt gà rừng, gà lôi, cày hương, hươu, nai, do đánh bẫy được.
Vào năm 1943, tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng có lợi cho cách mạng. Chiến tranh thế giới thứ 2 được đánh dấu bằng chiến thắng vang dội tại Xtalingrat, Hồng quân Liên Xô bắt đầu cuộc phản công chiến lược tại các mặt trận, buộc phát xít Đức lùi dần về hang ổ của chúng. ở trong nước, từ sau hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 phong trào Việt Minh lan rộng ra cả nước. Riêng Cao Bằng phong trào dâng lên cao mạnh mẽ, vững chắc; việc luyện tập quân sự trong các đoàn thể cứu quốc trở nên rầm rộ, sôi nổi; việc mua sắm vũ khí tự trang bị được gấp rút đẩy mạnh chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong bối cảnh lịch sử đó, Trung ương Đảng và Bác đề ra chắp nối phong trào cách mạng Cao Bằng với phong trào toàn quốc, trước hết là với khu du kích Bắc Sơn – Võ Nhai. Tháng 2 năm 1943 thành lập các đội xung phong Nam Tiến. Vào mùa hè năm 1943 cuộc Nam Tiến được thực hiện. Tuyến thứ nhất do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Kim Mã (thuộc châu Nguyên Bình) vượt qua Ngân Sơn (thuộc tỉnh Bắc Cạn) nhằm thẳng hướng nam mà đi đến Nghĩa Tá (thuộc châu Chợ Đồn. Bắc Cạn) gặp cánh quân của cứu quốc quân Bắc Sơn. Tuyến thứ 2 nhằm hướng đông nam tiến qua châu Thạch An xuống Tràng Định, Bình Gia (thuộc Lạng Sơn) để chắp nối với căn cứ Bắc Sơn- Võ Nhai. Còn tuyến Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách nhanh chóng vượt qua Bảo Lạc sang Bắc Mê (thuộc Hà Giang) Na Hang (thuộc Tuyên Quang). Tính đến 11 năm 1943 đã tổ chức được 19 đội xung phong Nam Tiến và đã thực hiện chủ trương đó có một cách thành công rực rỡ, không chỉ nối liền căn cứ địa Cao Bằng với khu du kích Bắc Sơn – Võ Nhai mà còn mở rộng ra xa hơn nữa tới các tỉnh trung du và đồng bằng, gắn được phong trào cách mạng của Cao-Bắc-Lạng với phong trào toàn quốc.
Ở tuyến thứ nhất nói trên, chi bộ Nam Tiến được thành lập trong tháng 9-1942 lúc bấy giờ có 5 đảng viên gồm các đồng chí Văn, Đinh, Lý Công, Tán Thuật và Trọng Khánh.
Hai đồng chí Văn, Đinh, phụ trách toàn diện, trọng tâm là công việc huấn luyện chính trị và quân sự nhằm đào tạo cán bộ các dân tộc. Đồng chí Tán Thuật phụ trách 2 xã Kim Mã, Tam Lọng; Lý Công làm thư ký chi bộ, cùng Trọng Khánh có nhiệm vụ chắp nối lại các đầu mối giữa các cơ sở vùng Dao với vùng Tày để sớm tạo ra đường dây tiến sang phía Bắc Cạn. Đồng chí Văn nói thạo tiếng Dao và đã từng dịch bài Việt Minh ngũ tự kinh ra tiếng Dao, Tày, Mông để dạy trong các lớp văn hoá. Đồng chí Lý Công đi tìm hiểu sâu hơn và rộng hơn về phong trào ở các cơ sở vùng Dao, kết nạp thêm hội viên người Dao và báo cáo với đồng chí Văn dành riêng một lớp huấn luyện cho các hội viên người Dao. Một hôm ở Phja Chang xã Hà Hiệu huyện chợ Rã, Lý Công phóng tầm mắt nhìn sang phía tây nam thấy một dãy núi cao ngất, mây mù bao phủ, ông hỏi chủ nhà các dãy núi xa tít kia thuộc về đâu? Chủ nhà kho biết đấy là Phja Bjoóc, núi này chạy dài từ phía nam Bảo Lạc xuống đến đây nổi lên nhiều ngọn trập trùng. Chân núi giáp với ba châu: Chợ Rả, chợ Đồn và Bạch Thông, còn ngọn Phía Dạ giáp châu Nguyên Bình. Một nhánh của ngọn núi này có mỏ thiếc Thin Tốc. Quan sát địa thế núi tạo thành ba chân kiềng nằm ở phía bắc tỉnh Bắc Cạn, thật có lợi cho phong trào cách mạng. Lý Công tìm hiểu biết xung quanh núi là này phần lớn dân tộc Dao đỏ sống du canh du cư “chặt gốc ăn ngọn” ngoài ra còn có dân tộc Dao tiền cùng cư trú. Ông liền bàn với đồng chí Bàn Văn Hoan tìm cách phát triển cơ sở hội Việt Minh sang vùng Phja Bjoóc. Qua con đường bạn đồng canh, anh Hoan và ông đã đưa người anh em Dao đỏ tham gia hội Việt Minh, người Dao lúc này như được ánh sáng mặt trời dọi tới, họ đã tìm thấy con đường đi của cuộc đời mình và nguyện đi theo cách mạng đến cùng. Họ đi tìm gặp và đón cán bộ về làng bản. mang theo cả khăn đội, khăn mặt và quần áo Dao đỏ để cán bộ cải trang đi đường. Cẩn thận hơn họ cử hai đôi trai gái cùng đi, đề phòng dọn đường gặp các nhà chức trách thì người ta cho là họ đi thăm anh em bạn bè theo phong tục người Dao đỏ. Lý Công và Nguyễn Tài nhờ vậy ngày 15-9-1943 sang núi Phja Bjoóc đã qua các xã Phúc Lộc, Bành Trạch, Thượng Giáo, Yến Linh tới được Khuối Nặm trong đêm tối, vào nhà Triệu Hữu Châu lúc tờ mờ sáng. Chủ nhà rất hoan hỉ và trân trọng, sai con luộc trứng gà để bồi dưỡng sức khoẻ cho cán bộ, sau đó triệu tập anh em đã được tuyên truyền đến làm lễ ăn thề vào hội. Ông Châu cầm nén hương trịnh trọng vái bốn phương rồi quay vào cuộc họp nói lời thề: “Hôm nay chúng ta cùng vào hội Việt Minh, chúng ta đoàn kết một lòng đánh Tây, Nhật để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột, giành độc lập cho nước Việt Nam, thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, nam nữ bình quyền. Vào hội, chúng ta phải giữ bí mật, ai phản bội sẽ bị xử như con gà này”. Ông cắt đầu gà và chúc xuống giữa bát rượu để sẵn. Mọi người cùng thò đầu ngón tay trỏ xuống bát rượu và đưa lên miệng. Lễ ăn thề vào hội xong, mọi người ăn cơm liên hoan. Lý Công được họ bố trí ở một cái chòi nơi bãi ngô nương lúa. Họ bảo muốn ăn cứ bẻ tự nhiên, cả dưa nữa… song ông giữ tư cách người cán bộ cách mạng không dám lấy. Hai hôm sau ông mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho các hội viên mới. Thế rồi bên Năm Tốc lại cho người đến đón sang đó tổ chức hội. Ông vừa mừng vừa lo. Đường không dễ đi, phải qua xóm người Dao chưa có cơ sở, nếu qua vùng người Tày thì mất quá nửa ngày dễ lộ. Ông Triệu Hữu Châu dẫn qua núi theo lối người đi săn gấu, săn nai. Đến nơi mọi việc đều khẩn trương triển khai tương tự như ở Khuối Nặm.
Sau đợt ấy, Lý Công về Năm Lạ tìm gặp đồng chí Văn để báo cáo kết quả. Nghe xong, đồng chí Văn tỏ ý vui mừng đã động viên cổ vũ. Đồng chí còn đặt tên môi cho Phja Bjoóc là “núi cứu quốc”, đó là vào tháng 9 năm 1943. Cơ sở cách mạng ở vùng dân tộc Dao đỏ và Dao tiền đã tạo ra được mối liên lạc giữa các châu Chợ Đồn, Chợ Rã và Bạch Thông (Bắc Cạn) với châu Na Hang (Tuyên Quang).
Kế hoạch Nam tiến bước vào đợt hai. Lý Công đến Vằng Kheo rời sang Pích Cáy tuyên truyền tổ chức vào hội được cả chánh phó Mán đến nhân dân lao động. Động trưởng xã Bằng Phúc cử người đến đón. Ông qua ngay, không bỏ lỡ thời cơ phát triển phong trào. Đến nơi thấy khá đông người, họ đến để xem mặt cán bộ thế nào. Họ thấy ông nói năng đúng đắn, vui vẻ chân tình, mặt mũi khôi ngô nên tin tưởng và họ tình nguyện vào hội. Thủ tục kết nạp làm luôn, từ lễ ăn thề rồi qua liên hoan. Anh em người Dao đón nhận cái từ “đồng chí” từ đó chào nhau, hỏi nhau đều biểu hiện rõ một lòng một chí đánh Pháp đuổi Nhật. Người Dao ở đây mong chờ cán bộ cách mạng tới địa phương mình. Phó quản Trìu ở Cốc Phường xã Quảng Bạch tìm đến rồi lại đưa tin cho chánh quản Mán là Triệu Duy Nhuận ở xã Lương Yên. Vị chánh quản này nhiều vùng Dao biết ông là người thông cảm với nỗi khổ của người dân lao động, luôn bênh vực quyền lợi dân chúng, vẫn mong cán bộ đến sớm, làm sao giải phóng cho dân tộc ông. Lý Công mừng vì công việc khá thuận lợi song cũng lo không khéo sa vào cạm bẫy của Pháp, nhưng ông vẫn hạ quyết tâm tiếp tục hoạt động ở vùng này dẫu biết có nhiều khó khăn thử thách ở phía trước. Ông nghĩ rằng mình nắm được các chánh phó quản, các thôn trưởng, động trưởng sẽ là chỗ dựa để tranh thủ các tầng lớp, cố nhiên cần đề phòng trường hợp cá biệt có sự dao động phản bội, Hội viên mới dẫn đường cho ông qua Bản Ty, vào Bản Cậu, xuống Khuối Nặm, sang Khau Tầm thuộc châu Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Hết đêm này qua đêm khác, ông đi ngược lên Nà Nhàm, bản Lác rồi xuống Nà Buốp, xuống Khau Ngặm xổm Nà Đang xã Lương Yên… đường đi ngoắt ngoéo đến Bản Bảng xã Nghĩa Tá rồi gặp đồng chí Hoàng Thượng, và như vậy là hai mũi Nam tiến và Bắc tiến đã gặp nhau. Hai lực lượng cách mạng ở Bắc Sơn, Võ Nhai đã nối liền với lực lượng Việt Minh ở Cao Bằng. Từ đây căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Sau lần gặp gỡ đó, Hoàng Thượng quay về báo cáo với đồng chí Tân Hồng (bí danh của đồng chí Chu Văn Tấn) còn Lý Công thì trở lại Cao Bằng. Trên đường đi chỗ nào thuận tiện, ông tranh thủ tổ chức phát triển hội. Đến Pích Cáy lại tiếp đến Ngân Sơn gặp đồng chí Văn. Một tháng trời (từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 năm 1943) yêu cầu mở đường Nam tiến đã trót tọt. Với trách nhiệm đội trưởng đội xung phong Nam tiến mang tên Trần Phú, Lý Công đã có nhiều đóng góp được đồng chí Văn khen ngợi.
Hội nghị tổng kết Nam tiến được tiến hành thuận lợi và kết thúc tất đẹp. Lý Công được đồng chí Văn mời đến bàn và giao nhiệm vụ mới. Cần mở 2 hướng: một hướng từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn Tây đến Hoà Bình, Thanh Hoá; một hướng nữa là Tuyên Quang, Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá. Nay giao Lý Công quản lý một tiểu đội đi trước.
Đội của ông gồm Hải Quỳnh, Vũ Yến, Duy Tiến, Tiên Phong, Minh, Trần Hổ, ái, Thiết Lượng… ông phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Bốn nhóm mỗi nhóm một hướng, độc lập công tác, tìm hiểu thận trọng thực hiện đúng các tập quán dân tộc từng vùng, phải tự bảo vệ, giữ bí mật và luôn giữ mối liên lạc với nhau. Ông đi xuống phía nam châu Sơn Dương và huyện Lập Thạch. Tháng 6-1944 đồng chí Tân Hồng gọi ông về xã La Bằng huyện Đại Từ giao nhiệm vụ mới: chỉ đạo phục hồi mũi Bắc tiến qua núi Phja Bjoóc từ khu vực này ngang qua huyện Định Hoá, sang Chợ Mới vào chân Na Rì lên Thạch An nối với căn cứ Cao Bằng. Một nhánh từ Na Rì xuống Vũ Nhai tỉnh Thái Nguyên.
Sang năm 1944 thực dân Pháp và quân phiệt Nhật càng hung hăng ra tay khủng bố phong trào cách mạng. Riêng trên con đường Nam tiến, chúng mở đầu các đợt khủng bố sát hại. Người bị giết, người bị tra tấn, người bị giam ở nhà lao… nhiều gia đình người Dao chỉ chịu bán trâu bò, bạc trắng, vòng cổ, vòng tay lấy tiền đi “chuộc tội” chứ nhất định không chịu khai báo làm hại phong trào. Tuyến đường Nam tiến tạm thời bị cắt nhiều đoạn bởi chòm xóm là cơ sở đã bị dồn đi tập trung. Sau mấy vụ truy lùng bắt bớ, viên Công sứ Bắc Cạn thực sự lo lắng, y nói: “Tuyên truyền bí mật của cộng sản vẫn còn sức hấp dẫn dân chúng khổ nghèo ở 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn”. Chúng bắt được báo Việt Nam độc lập, bắt được sách binh vận Việt Minh kêu gọi binh lính đứng lên đánh Tây, Nhật.
1-4-1944 xảy ra cuộc khủng bố của Pháp ở xã Đồng Phúc, huyện Chợ Rã, vùng núi Phja Bjoóc dân tộc Dao bị dồn xuống vùng dân tộc Tày. Tháng 8 năm 1944, Ban liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng họp ở Lũng Sa thảo luận phân tích tình hình diễn biền nhiều khó khăn phức tạp, cuối cùng quyết định cho khởi nghĩa từng phần.
Mọi người nô nức, hăm hở chuẩn bị khởi nghĩa thì Bác Hồ từ Trung Quốc về nước, Bác đến Cao Bằng nghe ban liên tình báo cáo. Bác phân tích? “Chủ trương mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình địa phương trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục…”
Vậy là việc đang chuẩn bị phải hoãn lại. Bác chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Hoàng Đức Thạc (tức Lã) nghiên cứu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập gồm 34 chiến sĩ (trong đó có 3 nữ) tại Sam Cao xã Tam Lọng thuộc khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc Châu Nguyên Bình – Cao Bằng) do đồng chí Giáp chỉ huy.
Vừa mới ra đời, đội đã lập ngay chiến công vang dội tiêu diệt 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngằn trong 2 ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944. Chiến thắng đó làm sáng rực ý chí bách chiến bách thắng của quân đội cách mạng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quần chúng thúc đẩy mọi mặt hoạt động, gấp rút chuẩn bị đón thời cơ vùng lên đạp đổ mọi xiềng xích, giành chính quyền.
Cuối tháng 3 năm 1945, Lý Công và Duy Tiến được triệu về vùng Tân Trào châu Ngân Sơn nhận nhiệm vụ mới là tổ chức thêm và củng cố các tổ đội võ trang để khởi nghĩa từng phần ở châu Chợ Đồn, đồng thời lên phía Cao Bằng đón các đơn vị mới từ trên đó đang tiến xuống vùng thấp, toả ra đồng bằng.
Con đường Nam tiến cũng như Tây tiến đều thông suất góp phần với cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945. Cũng cần nói thêm rằng, cách mạng thắng lợi nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt tài ba của Bác, của Đảng Cộng sản Việt Nam, còn do công sức, của cải và xương máu của tất cả dân tộc trong cả nước đóng góp, trong đó yếu tố quan trọng: Sự cưu mang đùm bọc của cán bộ và quần chúng nhân dân các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng…
Lý Công (tức Nông Văn Quang, Mạc Văn Úc)(2) là một hạt giống “cách mạng” đã sớm được gieo xuống, nẩy mầm và phát triển, tiêu biểu cho các dân tộc sớm được giác ngộ cách mạng, tiếp bước truyền thống của các anh Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong… Từ năm 1946 đến năm 1982 – năm nghỉ hưu – ông đã kinh qua nhiều công tác: Bí thư tỉnh uỷ Bắc Cạn; Khu uỷ viên liên khu Việt Bắc; Trưởng ban tổ chức khu uỷ; Hiệu trưởng trường Đảng Hoàng Văn Thụ khu tự trị Việt Bắc; Giám đốc Sở nông – Lâm kiêm khu tự trị Việt Bắc; Uỷ viên Uy ban hành chính khu tự trị Việt Bắc; Phó trưởng ban lịch sử Đảng khu tự trị Việt Bắc; Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) khu tự trị Việt Bắc. Năm 1976 giải thể khu tự trị, ông được điều động về làm Phó trưởng ban MTTQ tỉnh Bắc Thái. Ông đã đi dự đại hội MTTQ Nam – Bắc thống nhất khoá một (1977 – 1982) trúng cử Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam. Với qua trình hoạt động trên ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
– Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất
– Huân chương chống Mỹ hạng Nhất
– Huân chương độc lập hạng Nhất
– Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam
– Huy hiệu 40, 50, 60 năm tuổi Đảng.
– Gia đình có công với nước.
Người viết bài này đã hân hạnh nhiều lần gặp ông, nghe ông kể và được ông dẫn đi nhiều địa điểm ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên… Từ Pắc Bó đến rừng Trần Hưng Đạo, Phai Khắt, Nà Ngằn đến Nguyên Bình, hang Kéo Quảng… thác Bản Giốc, Trùng Khánh (Cao Bằng), lại từ Na Rì – Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Cạn) về Đại Từ và xóm Cổ Rùa xã Cao Ngạn huyện Đồng Hỉ (Thái Nguyên) nơi ông đang trú ngụ. Cảm kích trước nhiệt tình đó, tôi không thể không ghi chép một chặng đường đầy gian nan thử thách đã tôi luyện ông thành người cộng sản chân chính, không thể không ghi lại một thời để nhớ(3).
TS HOÀNG LÊ
Ghi chú:
1: Tức Dương Mạc Cam và Xích Thẳng.
2: Ông còn có bí danh là Hợp, là Liên Bang – Bí danh này thường ký các văn bản của Đảng thường ki các văn bản của Đảng.
3: Tài liệu tham khảo
– Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (tập một), xb 1995.
– Con đường Nam tiến, NXB VHVT, 1995.
– Tóm tắt lí lịch Đảng viên Nông Văn Quang.
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.