- Đang online: 1
- Hôm qua: 313
- Tuần nay: 10540
- Tổng truy cập: 3,387,804
DẤU ẤN MỚI VỀ NHÀ MẠC Ở CAO BẰNG
- 5481 lượt xem
HỆ THỐNG THÀNH ĐÁ PHÒNG THỦ CỦA NHÀ MẠC Ở VÙNG BIÊN GIỚI ĐÔNG CAO BẰNG
Khu vực núi đá vôi Lũng Ngao, Lũng Pảng (cuối xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) có một hệ thống hang động không xác định được độ sâu, độ rộng và sự thông liền nhau. Trên đường vào những hang động có các dãy thành đá xếp thô bề rộng trung bình 1,5m, cao nhất đến 5m. Ngày nay, các dãy thành đá này nằm dưới những bụi cây rậm rạp, nhiều bức thành đã bị phá hủy để phục vụ sản xuất, phục vụ du lịch. Song song tồn tại cùng với những dãy thành đá là những dấu tích, truyền ngôn và truyền thuyết về nhà Mạc nhưng sử sách không có dòng nào ghi nhận về sự tồn tại này.
Lũng Ngao, một thung lũng gần tròn, đường kính khoảng 600m, xung quanh núi đá bao bọc. Trong các quả núi ấy đều có hang động, có thể thông nhau. Đường vào Lũng Ngao qua trước làng Khuổi Ky, rẽ trái lên đèo, vượt qua một khe núi xuống lũng. Lên gần đến đỉnh đèo có hai dãy tường thành trên dưới cách nhau khoảng 30m, cả hai dãy đều để cửa đi lên rộng gần 2m, chiều cao thành hơn 3m, nối liền hai sườn núi. Chiều dài dãy dưới hơn 40, dãy trên 30m. Hai dãy thành này đã bị phá hủy năm 2015, vì hạ đèo làm đường ô tô vào tận cửa động Ngườm Ngao, tiện cho khách du lịch.
Vào đến Lũng Ngao, gần bên trái chân đèo có hang Ngườm Hoài thông suốt dãy núi bên trái lũng đi ra phía trên làng Bản Giốc. Cửa vào hang gần bằng mặt lũng, có dãy thành đá dài đến 20m, phần còn lại đến bây giờ cao hơn 2m.
Từ chân đèo đi thẳng về phía trước đến chân quả núi Phja Giẻ. Giữa chân núi Phja Giẻ là cửa chính vào động Ngườm Ngao. Chắn cửa vào động bằng dãy thành đá cao hơn 3m, dài hơn 10m, đầu dãy thành bên trái mở một cửa ra vào động cao 2m, rộng 1m với khung cửa gỗ nghiến dầy 18cm, rộng 30cm. Ban quản lý du lịch cải tạo đường ra vào động đã phá dỡ dãy thành đá và khung cửa gỗ nghiến ấy, còn lại tường kè chân đường lên động.
Dòng suối nhỏ từ Bản Thuôn chảy vào chân núi Phja Pảng (liền sau quả núi Phja Giẻ), đi qua động Ngườm Ngao ra chân núi Phja Pảng phía bên kia, cách phía trên làng Khuổi Ky 1km. Nơi suối chảy vào núi là một cửa hang rất rộng và cao (dân Bản Thuôn gọi là Ngườm Cải), có dãy thành đá chắn cửa vào hang dài hơn 30m, từ chân thành phía trong hang đến mặt thành có chỗ cao đến 5-6m. Dân làng Bản Thuôn thường đốt đuốc đi vào cửa hang này ra Lũng Ngao để đi chợ, đi học…khi trời mưa, đèo trơn.
Không rẽ lên đèo vào Lũng Ngao, đi men theo chân núi hơn một km sẽ thấy cửa ra của con suối ở chân núi. Liền cửa suối ra có dãy thành đá chắn đường lên Lũng Pảng. Dãy thành đá này, dân dỡ lấy làm bờ mương, xây đập chắn nước vào ruộng, nay chỉ còn chân thành và bậc đi lên.
Sau quả núi Phja Giẻ ở Lũng Ngao là quả núi Phja Pảng to, cao nhất vùng. Lưng chừng núi Phja Pảng là vạt đất dốc thoai thoải, gọi là Lũng Pảng. Chân Lũng Pảng có dãy thành đá dài hơn 100m nối liền hai sườn núi. Từ dãy thành trước cửa suối ra đi lên dốc núi đến dãy thành chân Lũng Pảng khoảng 300m. Vượt dãy thành này đi lên mé trái Lũng Pảng hơn 100m, đến gần đỉnh núi Phja Pảng thấy chỗ núi bị thủng sang bên Bản Thuôn (tiếng Tày gọi là “Lộng”). Giữa “Lộng” có cửa hang đi xuống lòng núi, không biết độ sâu đến đâu, khi lăn đá xuống, nghe tiếng loong coong nhỏ dần rồi tắt lịm. Đã có người ở làng Khuổi Ky dẫn khách Tây thám hiểm đi xuống hang này, kể lại: “Có thể bước xuống, nhưng dốc tức, để an toàn phải đeo dây bảo hiểm. Đi xuống 3-4 tầng hang thấy một lỗ to bằng cái mẹt đen ngòm, không dám xuống nữa. Các tầng hang sâu ngang vào núi không thể xác định được độ cao, rộng, thấy có các cột nhũ đá trằng rất đẹp”. Chắn trước cửa “lộng” có dãy thành đá dài khoảng 30m, cây cối trùm lên rậm rạp. Đá của thành vơi đi nhiều vì người lên đến đây thường lấy đá thành lăn xuống hang để nghe cho vui tai.
Từ “lộng” Phja Pảng đi xuống bên trái là khu vực cuối làng Bồng Sơn. Hiện nay còn dấu tích con đường cho người, ngựa đi lên Lũng Pảng. Cuối đường lên đến Lũng Pảng có dãy thành đá cùng vọng gác. Xuống đến chân núi Phja Pảng, phía bên làng Bồng Sơn có quả đồi đất ở bên trái chân đèo tên là Pò Keo (Đồi Kinh- nơi binh lính nhà Mạc là người Kinh ở đấy). Trên Pò Keo là bãi đất rộng thoai thoải về bốn phía, một đường vành đai rộng 3-4m, bằng phẳng, vòng quanh khép kín mỏn đồi. Dân làng Bồng Sơn nói đây là đường tập ngựa của quân Mạc. Phía bên phải chân đèo, vượt qua con suối nhỏ có ngôi nhà thờ cúng, ba bức tường xây bằng đá, rộng và sâu vào 3m, mái lợp ngói âm dương, hướng lên Lũng Pảng. Dân làng Bồng Sơn gọi Rườn Đình. Đây là đình thờ người đứng đầu nhà Mạc. Liên quan đến ngôi đình này có chuyện truyền miệng của dân làng: Trước đây, ở chân đèo lên Lũng Pảng, có một nhà họ Nông Tự, có công với nhà Mạc: Chữa bệnh cho Vua và các tướng sỹ, là gia đình thân thiện với nhà Mạc, được nhà Mạc giao giữ một quyển sách chữ Nho, quyển sách lâu ngày đã hỏng và mất rồi). Gia đình họ Nông Tự là chủ lễ cúng tế ở ngôi đình này. Hàng năm, vào ngày Dậu đầu tháng ba âm lịch, cả làng Bồng Sơn (gồm 3 xóm) mỗi gia đình một người đến đình mổ lợn, cúng tế, chia thịt cho mỗi nhà một miếng lấy lộc, còn lại nấu ăn chung tại đình.
Sau xóm Bản Cải (xóm trung tâm của làng Bồng Sơn) là hai quả núi nhỏ liền nhau. Ở khe hai quả núi có dãy thành đá dài hơn 20m, cao hơn 2m chắn đường lên đỉnh quả núi to, có thể trên ấy là chốt lính canh. Trước xóm Bản Cải khoảng 300m, có gò đất bằng phẳng, rộng hơn 1ha, hình bầu dục, xung quanh trồng cây sau sau làm hàng rào, bên ngoài là đường vành đai rộng 5-6m khép kín và đồng mức. người làng bồng Sơn nói: Đây là khu đất quân nhà Mạc làm nghi lễ và luyện tập binh mã, nên bây giờ rất thiêng. Những cây sau sau làm hàng rào khu đất, không ai dám chặt lấy một cành, cây già, tróc rễ đổ xuống, phải để nó tự mục hết mới dám dọn rác. Cho nên, những cây làm hàng rào khu đất này đến ngày nay (hơn 4 thế kỷ) trở thành một cụm cây sau sau cổ thụ, tồn tại sừng sững trước xóm Bản Cải của làng Bồng Sơn.
Trên Lũng Pảng, ở trong khoảng đất tương đối bằng có một hòn đá đơn độc bằng cái giường cá nhân, cao gần 1m, giữa cạnh hòn đá lõm xuống một lỗ to bằng cái bát đựng canh, sâu hơn 30cm, có nước trong veo, mực nước không thay đổi, bốn mùa không bao giờ cạn, tát cạn đi một lúc lại có nước như cũ. Người làng Khuổi Ky vẫn truyền miệng câu chuyện: “Một hôm vua ngồi trên hòn đá này, cần có nước, vua đảo cán bút cắm xuống cạnh hòn đá, đá lõm xuống và có nước đến ngày nay”.
Người làng Bồng Sơn lại lưu truyền hai chuyện khác: 1. “Quân Mạc đông lắm, vác giáo đi qua dưới một nhà kho chứa thóc, ngọn giáo miết lên đầu xà nhà kho làm lõm lên gần gang tay”. 2. “Quân Mạc đóng trên Phò Keo, quân Lê vây hãm ở dưới, không cho xuống lấy nước, nghĩ rằng không có nước quân Mạc sẽ tự bại, Quân Mạc biết ý, tìm một nơi để Quân Lê nhìn thấy, lấy gạo tung lên mình ngựa, quân Lê tưởng quân Mạc tắm ngựa, nghĩ là ở trên ấy có nhiều nước, tắm được cả ngựa, họ vẫn mạnh, không thể tấn công tiêu diệt được, nên rút quân đi”.
Ngoài các dãy thành đá ở Lũng Ngao, Lũng Pảng và các dấu tích khác ở làng Bồng Sơn còn có dấu tích thành đất và lò gạch ở khu vực Nà Ay. Nghe nói, thành đất bao quanh khu lò gạch khá rộng, bên trong có hai đám đất lõm xuống hình tròn, đường kính khoảng 30m, có dấu tích các lò gạch ở quanh bờ và gạch nung lát trên nền một khu đất. Thành đất ở bốn phía dân phá đi để làm rẫy trồng ngô và dỡ hết gạch đi xây nhà. Hiện nay còn lờ mờ một đoạn thành đất, loại gạch nhà Mạc được thấy nằm rải rác ở các xóm quanh vùng này.
Tính sơ bộ, tổng số thành đá ở khu vực Lũng Ngao, Lũng Pảng và sau làng Bồng Sơn nghìn khối đá xếp thô, chưa kể công làm đường từ cuối làng Bồng Sơn lên Lũng Pảng 1km, làm đường tập ngựa quanh quả đồi cạnh Pò Keo và cải tạo đồi |Đoỏng Vạ làm trung tâm huấn luyện binh mã ở trước làng Bồng Sơn. Với khối lượng công việc này, cần một lực lượng nhân công rất lớn, tiến hành trong khoảng thời gian khá dài. Lực lượng ấy chỉ có thể là binh lính, làm việc cật lực để xây dựng một căn cứ quân sự, phải đảm bảo bí mật, không được phép theo dõi ghi chép, cho nên không có dữ liệu và sự kiện xây dựng công trình này được ghi trong sử sách. Ngày nay, nếu đối chiếu, so sánh với các công trình khác của nhà Mạc xây dựng ở Cao Bằng thì công trình thành đá phòng thủ ở khu vực Đàm Thủy là kỳ công và vĩ đại nhất.
Thành đá chắn cửa Ngườm Cải bên Bản Thuôn
Đồi Đoỏng Vạ trước làng Bồng Sơn
Gạch của nhà Mạc
NGÔI NHÀ THỜ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU HỌ MẠC
Ở cuối làng Bồng Sơn (xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng), có một ngôi nhà nhỏ, dân địa phương gọi là Rườn Đình, nơi thờ Phỏ thầu (Người đứng đầu) nhà Mạc. Hàng năm, cứ đến ngày Dậu đầu tháng ba âm lịch, làng Bồng Sơn tiến hành lễ cúng tế ở trong ngôi nhà ấy, chủ tế là một gia đình họ Nông Tự, thầy tế là một thầy cúng trong dòng họ Mạc. Nề nếp thờ cúng này đã trải qua gần 400 năm, không bỏ khuyết năm nào. Một điều trăn trở từ đời này sang đời khác là không biết thờ ai, vì sao có nếp thờ cúng ấy?
Năm nay, lễ cúng tế vào ngày Dậu – 14 tháng 3 Kỷ Hợi (18/4/2019). Theo nếp xưa, chủ tế là gia đình anh Nông Tự Ngữ ở xóm Bản Cải, làng Bồng Sơn, thầy tế là ông Mạc Văn Khì ở xóm Háng Thoang, cùng xã Đàm Thủy. Từ 8 giờ sáng, vợ chồng anh Ngữ cùng 6 người trong làng theo cắt cử luân phiên và ông thầy cúng đã đến Rườn Đình chuẩn bị cho buổi cúng tế. Vợ chồng anh Ngữ lập đàn tế trước nhà thờ, ông thày cúng dán các tấm thờ tự vào các vị trí phía trên các mâm hương lễ, còn các anh em phục vụ khẩn trương đun nước mổ gà, mổ lợn làm đồ tế lễ. Buổi lễ cúng tế kéo dài từ 9h30’ đến 11h30’. Sau cùng là bữa cơm của chủ tế, anh em đại diện trong làng cùng với thày cúng ở trong ngôi nhà thờ. Trước đây, mỗi gia đình một người mang theo cái bát, đôi đũa, chờ tế xong, cả làng ăn cơm chung tại sân nhà thờ. Từ ngày vào hợp tác (khoảng năm 1960), bỏ lệ ăn chung cả làng, sau lễ tế chia cho mỗi nhà một mảnh thịt lợn dài hơn một gang tay, gọi là lấy lộc.
Tôi là người ở làng Khuổi Ky. Nếu đi ngược dòng suối trước làng hơn 2km thì sẽ đến Rườn Đình. Hồi còn nhỏ, tôi thường chăn trâu ở khu vực Rườn Đình. Dù nắng nóng hay mưa to, tôi cùng bọn trẻ chăn trâu không ai dám vào trú trong ngôi nhà thờ cúng này. Vì chúng tôi nghĩ đây là nơi thờ thần thánh linh thiêng. Khi ấy Rườn Đình chưa hỏng nát như bây giờ. Tôi nhớ như in, đó là ngôi nhà hai mái ngói âm dương, phần mái chìa ra bốn xung quanh khoảng 50cm. Mặt sau và hai mặt hồi xây tường đá sát mái. Hai góc nhà mặt trước xây vào mỗi bên khoảng 80cm, tạo thành một cái cửa to rộng và cao đến mái ngói. Ngày trước, dân hai xóm Khuổi Ky và Bản Gun cũng lên cúng tế ở Rườn Đình cùng với dân làng Bồng Sơn vào ngày Dậu tháng 3 hàng năm. Nhưng từ khi vào hợp tác, dân hai xóm này không tham gia cúng tế nữa. Cuộc sống mưu sinh kéo dài ở nơi xa quê làm tôi quên cái Rườn Đình khá lâu. Nay về già, lại nhớ đến quê hương, nhớ đến những gì đã ăn sâu vào tâm trí của mình, trong đó có dấu tích thành đá trên Lũng Pảng và cái Rườn Đình ở chân núi Phja Pảng phía bên làng Bồng Sơn, tôi cũng như mọi người ở quê chưa hiểu rõ vì sao lại có các hiện vật và các truyền ngôn về nhà Mạc ở nơi đây. Được biết sẽ tiến hành tế lễ ở Rườn Đình vào ngày 14/3 này, tôi xin phép ban lãnh đạo làng Bồng Sơn đến dự để tìm hiểu về những điều trăn trở trong ký ức lâu nay.
Trước tiên tôi nghĩ đến cái tên “Rườn Đình”. Ngôi nhà thờ cúng nàytrông giống như cái miếu, như cái thổ công của các làng xóm. Nhưng vì sao lại gọi là “Rườn Đình”? Rườn là tiếng Tày, nghĩa là cái nhà; Đình cũng là cái nhà. Thông thường mọi người hiểu “đình” là cái nhà để tiến hành các lễ nghi quan trọng. Vậy “Rườn Đình” là cái nhà để tiến hành lễ nghi cúng tế quan trọng. Nếu là miếu hoặc thổ công thì chỉ những người dân theo tín ngưỡng thường đến dâng lễ, thắp hương để cầu tài, cầu phúc, vào ngày sóc, ngày vọng. Thực tế ở Rườn Đình, cả một làng đã tiến hành lễ cúng tế long trọng: Mổ lợn, gà, làm xôi, hương hoa …và có thầy cúng tế nghiêm trang, chỉ vào một ngày trong năm – Ngày Dậu đầu tiên của tháng ba âm lịch. Nghi lễ này chỉ dùng để thờ một nhân vật tối cao như vua, chúa. Xét hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ không có điều kiện để xây một cái đình to đẹp, mà chỉ là cái đình nhỏ do nhân dân của một làng xây nên. Mặc dù là cái đình nhỏ bé, nhưng nghi lễ thờ cúng luôn nghiêm túc theo tập tục, nề nếp tế lễ đối với bậc tối cao. Có thể nói rằng, khắp tỉnh Cao Bằng hay rộng hơn là cả vùng Việt Bắc, không có một cái “Rườn Đình” thứ hai có nề nếp cúng tế như thế.
Tiếp theo, tôi tìm hiểu vì sao lại có cái “Rườn Đình”. Lãnh đạo cũng như dân làng Bồng Sơn đều kể như nhau: Khi nhà Mạc vể ở trên núi Phja Pảng, ở chân núi Phja Pảng đã có một cái nhà đơn độc của gia đình họ Nông Tự. Gia đình Nông Tự này đã trở thành thân thiết với những người nhà Mạc về ở đây. Đặc biêt là gia đình Nông Tự đã có công chăm sóc những ngày cuối đời của ông đứng đầu nhà Mạc và được ông ấy giao cho giữ quyển sách chữ Nho, dầy bằng ngón tay cái, cỡ 13 x18cm, bằng giấy bản và chắc là còn được căn dặn nhiều điều khác. Sau khi ông ấy qua đời, gia đình nhà Nông Tự đã dựng một cái nhà nhỏ để thờ ông ấy. Ban đầu, cái nhà thờ cúng làm bằng bốn cột gỗ, lợp ngói, hướng theo dòng suối chảy xuôi. Trong ba năm liền sau đó, làng Bồng Sơn bất an: Hổ báo vào tận chuồng bắt lợn, bắt bò; hươi nai nhảy lên mái nhà đạp vỡ hết ngói; ruộng đồng, nương rẫy đầy sâu bọ. Đi bói được báo: Phải xuay hướng nhà thờ cúng. Đến lúc này, cả làng Bồng Sơn góp công, góp của làm lại nhà thờ cúng mới, các mặt tường xây bằng đá, lợp ngói âm dương, nhà hướng lên núi Phja Pảng, từ đấy gọi là “Rườn Đình”. Ngay sau khi hoàn thành “Rườn Đình”, làng Bồng Sơn được bình yên trở lại. Nhà Nông Tự làm chủ các cuộc tế lễ, người hành lễ cúng tế là người của họ Mạc, cùng với sự tham gia của cả làng, trở hành nề nếp tế lễ đến ngày nay. Việc cúng tế ở “Rườn Đình” vào ngày Dậu đầu tiên của tháng ba âm lịch, phải chăng đó là ngày giỗ của người đứng đầu nhà Mạc đã mất ở vùng này.
Người đứng đầu nhà Mạc ấy tên là gì, chắc là đã ghi trong quyển sách giao cho nhà Nông Tự giữ gìn. Nhưng thật đáng tiếc, sau gần 400 năm, quyển sách đó do không có điều kiện bảo vệ an toàn, nên bị mục nát, các trang dính bết với nhau, không thể đọc được nữa. Cách đây hơn 20 năm, gia đình Nông Tự giữ quyển sách ấy bán nhà để chuyển vào miền Nam sinh sống, quyển sách không còn nữa. Cho nên, tên người đứng đầu họ Mạc đã mất ở nơi đây vẫn còn là ẩn số.
Việc thờ cúng là việc của con cháu nội tộc. Việc cúng tế tại Rườn Đình thờ người đứng đầu nhà Mạc phải là con cháu trong dòng họ Mạc.Ông Mạc Văn Khì, thầy cúng tế nói rằng: Gia đình tôi làm thầy tào, thầy cúng truyền từ đời này sang đời khác. Việc cúng tế ở Rườn Đình đều do gia đình tôi qua các đời cụ kỵ từ ngày xưa đảm nhiệm. Các cụ truyền lại: Đây là nhà thờ ông vua đấy, nhưng không biết tên là gì.
Ngôi nhà thờ vị đứng đầu ấy hướng lên mỏm đồi mà dân làng Bồng Sơn gọi là Phò Keo (Đồi Kinh – Quân nhà Mạc là người Kinh ở dưới xuôi lên, đóng ở đây). Họ còn nói rõ hơn: Trên mỏm đồi ấy rộng lắm, mặt bằng hơi thoai thoải, có một con đường rộng 3-4m, bằng phẳng, đồng mức chạy vòng quanh, khép kín mỏm đồi, đó là đường tập ngựa của quân nhà Mạc. Phía trái hướng nhà thờ là dãy núi Phja Pảng, liền với đồi Phò Keo. Nhìn lên thấy một khe núi thấp hẳn xuống, qua khe núi này rẽ phải sẽ lên đến chỗ núi bị thủng sang bên Bản Thuôn, chỗ núi thủng tiếng Tày gọi là “lộng”. Giữa “lộng” có một cửa hang rộng khoảng 3m, đi sâu xuống lòng núi. Một dãy thành đá dài khoảng 30m chắn trước cửa “lộng”. Vượt khe núi là bãi đất dốc xuống gọi là Lũng Pảng. Chân Lũng Pảng có dãy thành đá bề mặt rộng gần 2m, cao hơn 3m và dài hơn 100m, nối liền hai sườn núi. Dân làng Bồng Sơn nói: Vua nhà Mạc ở trên “lộng” Phja Pảng, còn quân lính thì ở đồi Phò Keo.
Các dấu tích ở trên Lũng Pảng, ở Phò Keo và ngôi nhà thờ vị đứng đầu nhà Mạc nói lên vùng đất này đã gắn bó với lịch sử nhà Mạc. Dân làng Bồng Sơn đã lặng lẽ duy trì việc cúng tế vị đứng đầu nhà Mạc tại ngôi nhà này gần 400 năm rồi. Nghĩa cử này thật đáng trân trọng. Đến nay, ngôi nhà thờ đã bị xập nát vì đã trải qua mấy trăm mùa gió bão, mưa đá. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương cùng các con cháu họ Mạc ở mọi miền nên quan tâm, giúp đỡ dân làng Bồng Sơn trùng tu, tôn tạo lại ngôi nhà thờ này. Các cơ quan chuyên môn về lịch sử nên về đây tìm hiểu, nghiên cứu để xác định rõ sự thật về việc thờ cúng, tế lễ tại Rườn Đình. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng sẽ tiến hành các thủ tục để công nhận Rườn Đình là một di tích lịch sử.
Ông Mạc Văn Nheo, Phó Chủ tịch HĐMT VN, CT HĐMT Cao Bằng đứng trước ngôi nhà thờ
Dãy núi Phj Pảng và đồi Phò Keo phía trước nhà thờ
Hai vợ chồng gia đình họ Nông Tự đang phục vụ lễ cúng tế
Ông thầy họ Mạc đang hành lễ
Tác giả: NÔNG ĐÌNH ĐÂU
Địa chỉ: Số nhà: 158, tổ 3, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. ĐT: 0386.056.680 hoặc 0889.156.955
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- 10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC HẢI PHÒNG
- Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ địa điểm thành Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa an; thành Bản Phủ và Di tích Cự Thạch Bản Thảnh xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng-Từ di tích khảo cổ có thể tái hiện thời kỳ Cao Bằng là kinh đô nhà Mạc
- HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM”
- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC VỚI KINH THÀNH THĂNG LONG
- ĐÀ QUỐC CÔNG – MẠC NGỌC LIỄN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC GỖ VÀ GỐM SỨ THẾ KỶ XVI
- GS.TSKH Phan Đăng Nhật và cuộc hồi sinh sử thi Việt
- ĐÌNH LÀNG TÂY ĐẰNG: Một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật gỗ tuyệt tác, độc đáo, thuần Việt!
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH năm 2020.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.