- Đang online: 5
- Hôm qua: 443
- Tuần nay: 13280
- Tổng truy cập: 3,376,930
CỤ NGUYỄN NGÔ THỊ ĐẸM
- 1504 lượt xem
CỤ NGUYỄN NGÔ THỊ ĐẸM
Người con dâu hiền hoà, đoan trang, hiếu thảo của dòng họ Hoàng Trần
Cụ Nguyễn Ngô Thị Đẹm, người con dâu hiếu thảo của dòng họ, của gia đình, người vợ thuỷ chung, người bà, người cụ đầy nhân từ mẫu mực.
Cụ sinh ngày 24/4/1925, trong một gia đình nông dân nho giáo tại thôn Lạng Điền, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An – từng được thi hào Nguyễn Trãi nhắc đến trong Bình Ngô Đại Cáo qua hai câu thơ nổi tiếng:
“Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”
Miền Trà Lân ấy chính là quê hương của cụ, nơi gia đình là tấm gương sáng nâng đỡ, dìu dắt từ tuổi thơ ấu cho đến lúc trưởng thành.
Năm 1942, cụ xuất giá về nhà chồng – một gia đình giàu có, bố chồng học thức cao rộng, thi đậu chức Hàn lâm viện chuyên tu, nhưng không chịu làm quan lùi về quê lập trường dạy học và bốc thuốc cứu dân. Với tam thế đó, cụ Hàn lâm Viện học sĩ Hoàng Trần Siêu, bố chồng cụ được bà con dòng tộc và nhân dân khắp phủ Đô Lương, Anh Sơn tôn vinh bằng hai câu thơ được ghi trong cuốn gia phả nhà thờ họ Hoàng Trần – một di tích lịch sử văn hoá được Nhà nước quyết định xếp hạng:
“Hoàng Trần vang tiếng anh hùng
Ngoan cường chống lệnh triều đình bỏ quan”
Chồng cụ là cụ Hoàng Trần Trực, một thanh niên thư sinh, hiếu học, tốt nghiệp tú tài quốc học Huế đã sớm giác ngộ cùng lớp thanh niên tiến bộ tham gia hoạt động các phong trào cách mạng từ những năm 1944-1945 cho đến lúc thoát ly công tác ở các cơ quan của huyện, của tỉnh, của Trung ương. Trước khi nghỉ hưu, cụ nguyên là Phó văn phòng Bộ Thuỷ sản. Cụ đã được Đảng và Chính phủ tặng nhiều huân chương cao quý và được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Mặc dù cụ sống trong một gia đình giàu có, song đức tính ở cụ siêng năng việc đồng, việc nhà, kính trọng mẹ cha, anh chị, vui vẻ thuận hoà với các em. Cụ sinh hạ được 6 người con, mất 1 con – còn lại 3 con trai, 2 con gái. Cụ là người mẹ luôn dành tâm đắc chăm sóc các con từ tấm cơm, manh áo, sách vở học hành, mặc dù cụ ông bận công việc cơ quan ít có điều kiện cùng cụ nuôi dạy các con. Với nghị lực quyết thay chồng nuôi các con sao bằng người bằng bạn, mai sau khôn lớn trưởng thành, thỉnh thoảng cụ chỉ được cụ ông động viên, an ủi rất ít ỏi qua mỗi lá thư, hoặc những lời dặn dò mỗi dịp công tác tranh thủ ghé thăm nhà, bấy nhiêu thôi, cụ cũng đã thấu hiểu chồng lắm.
Cụ dạy các con sống phải có đức tính thật thà, lễ phép, kính trọng ông bà, hiếu thảo với cha mẹ, chị em, anh em luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, chan hoà với làng xóm, thân mật với bạn bè, giúp đỡ người hoạn nạn, người nghèo khó.
Những trưa hè cụ bế con đu đưa trên chiếc võng, đêm đông ẵm con bên bếp than hồng. Cụ ru con bằng giọng thơ truyện Kiều – Chinh Phụ Ngâm và những bài thơ buổi đầu cách mạng với giọng trong trẻo, mượt mà nhưng đầy khát khao những mong mai sau các con khôn lớn nên người. Hơi thở lời ru của cụ đã sưởi ấm và thấm đậm vào máu thịt của mỗi con từ thơ ấu ấy lớn dần lên.
Cuộc đời cụ cũng như nhiều cuộc đời cùng thế hệ cụ, có lúc ứ nỗi trầm buồn. Nhưng bằng một nghị lực ghê gớm, một khát vọng sống bền bỉ, một niềm tin vững chắc như bàn thạch, cụ đã vượt qua tất cả. Bằng sự lạc quan hiếm có. Cụ là người biết nhìn thẳng vào góc tối của cuộc đời để tìm ra cho mình, cho con cháu mình một con đường sống.
Tháng 12/1965, Đảng, Nhà nước chủ trương sắp xếp điều phối dân cư lao động, hưởng ứng cuộc vận động của chính quyền địa phương. Cụ đã bàn cụ ông và các con nhất trí giao lại ruộng vườn, rời quê hương để đến sinh sống lập nghiệp ở vùng Kinh Bắc tại xóm Trại Tròn, thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ đã được chính quyền địa phương cấp vườn để làm nhà ở, cấp ruộng để vào HTX nông nghiệp. Bao mới lạ về canh tác, phong tục tập quán, buộc cụ sớm hoà nhập và lo cho các con vào học ở các trường. Cụ đã tích cực tham gia mọi hoạt động của HTX, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Cụ càng thấm thía câu nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Cuộc sống gia đình ngày một ổn định, đã có của ăn, của để – con gái đầu thoát ly vào học trường chuyên nghiệp, con trai trưởng nhập ngũ cùng lớp lớp thanh niên cả nước ra tiền tuyến chiến đấu. Cụ được bà con tin yêu giao làm thủ kho HTX, được Ban quản trị tín nhiệm giao làm Đội phó chăn nuôi, rồi đội trưởng đội sản xuất. Điều vinh dự nhất, đại hội xã viên cụ được bầu vào Ban quản trị HTX và được cử tri bầu vào Uỷ viên HĐND xã Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh.
Ở mỗi vị trí công tác mới được giao, cụ luôn nêu cao trách nhiệm và thực hiện nguyên tắc đoàn kết, dân chủ, tận tụy với công việc. Tất cả vì xã viên, vì nhân dân, đã cùng tập thể lãnh đạo, vận động, tuyên truyền đẩy mạnh thi đua đảm bảo chăn nuôi phát triển, sản xuất đạt sản lượng cao. Hoà cùng cả nước thực hiện phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tất cả chi viện cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà.
Sau 1975, đất nước thống nhất, các con cụ kế tiếp vào các trường đại học và dần dà phương trưởng, làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, rồi xây dựng gia đình. Cụ vui với niềm vui cả nước, vui thấy con trai, con gái, con dâu, con rể luôn sống hoà thuận, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Năm 1997, cụ ông lâm bệnh rồi qua đời, cụ ở lại khu tập thể Thành Công để thắp hương thờ chồng. Song cụ lại nhớ quê hương Trại Tròn vô hạn. Bởi quê hương thứ 2 này cũng mang nặng nghĩa tình, nơi đây được chính quyền che chở, được bà con dân làng yêu thương, giúp đỡ nên cụ lại thu xếp trở về dăm ba ngày với căn nhà ngói đơn sơ, đầu nhà có quả thị thơm phảng phất, có vườn nhãn trĩu quả tháng 5, có hàng bồ kết gội đầu thơm mát. Luôn giữ một tấm lòng thơm thảo với quê hương thứ 2, với làn điệu dân ca quan họ thâu đêm với tiếng trống cơm của những ngày lễ hội, càng gợi cho cụ nỗi nhớ da diết quê hương xứ Nghệ, nơi chôn rau cắt rốn trưởng thành, nơi miền quê yên ả, có bãi dâu xanh, có dòng sông Lam bao bọc xóm làng, nơi có bến đò Lường từng đi vào câu hát: “Đò Lường ai ngược Lạng Điền – cho anh đi với tới miền quê em”.
Những năm gần đây khi tuổi cụ gần đến bát thập, tuy cụ vui với đàn cháu, chắt nội, ngoại, song cụ rất nhớ con, cháu ở xa và rồi cụ quyết tâm để con cháu lo thủ tục sang Ba Lan thăm con trai, con dâu, cháu, chắt nội ngoại bên ấy. Quả thật cụ quyết tâm lắm mới tạm dứt Trại Tròn, Kinh Bắc để ra ở căn hộ Nhà nước cấp cho 2 cụ tại khu tập thể Thành Công. Cụ sống thanh thản, chan hoà với bà con dân phố, với cuộc sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho đời. Vì thấy các con dâu rể luôn gắng vươn lên hoàn thành mọi trách nhiệm của Đảng Nhà nước giao phó và chăm lo công việc của tổ tiên, dòng họ.
Xuân Giáp Thân này cụ đã tròn 80 tuổi, con cái, cháu chắt nội, ngoại đã tổ chức mừng thọ mẹ, bà, cụ. Cụ vui lắm, vẫn ước ao hoài bão – không phải cụ ước ao khi con trai trưởng Hoàng Trần Cương đã là nhà thơ, đã là Tổng biên tập, Con Trai út Hoàng Trần Đồng đã là tiến sĩ khoa học Bảo vệ luận án tốt nghiệp tại Ba lan, con trai thứ Hoàng Trần Hoà Phó Chủ tịch HĐQT/ Phó GĐ. các con đều là nhà quản lý trong các cơ quan Nhà nước, ở các doanh nghiệp – Phải được giao những trọng trách cao hơn – mà cụ chỉ ước ao rất đời thường là con cháu nội ngoại, họ hàng luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, luôn dành chữ đức, hướng thiện, tránh xa mọi tàn bạo, độc ác, mọi tệ nạn xã hội để làm nhiều điều có ích cho gia đình, cho dòng họ, cho xã hội. Với lời cụ khuyên dịu dàng: “Làm thật nhiều đức thì thả sức mà ăn”.
Với tiên tổ, dòng họ, cụ là người con dâu có tâm đức, hiếu thảo, cụ đã cùng cụ ông tổ chức Ban liên lạc con, cháu, chắt 5 chi dòng họ đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội, hoạt động có nề nếp, có nội dung thiết thực được con cháu đón nhận và thực hiện – được 5 chi phái ở quê hương hoan nghênh.
Nhà thờ họ Hoàng trần tại Đặng Sơn, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử – cứ mỗi lần 2 cụ, các con về quê, viếng nghĩa trang dòng họ, thắp hương thần Tổ tại nhà thờ, nếu tâm cụ thấy cần làm một việc gì tăng sự đẹp đẽ và linh thiêng ở nhà thờ ngoài sự góp ý kiến Hội đồng gia tộc ở quê, khi ra Hà Nội, 2 cụ đã bàn và vận động các con, các cháu hướng tâm đức về Tiên Tổ để có kinh phí gần 20 triệu đồng đã mua sắm đồ vật tế khí như: Các bức hoành phi, cửa vọng, bộ bát xa nâu, đỉnh đồng bình hương, án thư thượng đường, đèn toả sáng hào quang, quần áo, mũ hài của chủ tế, bồi tế – cũng như việc dựng khung thép, mái tôn trước hạ đường che nắng mưa cho con cháu mỗi dịp về dâng hương ngày Đại lễ Thần Tổ – Khu nghĩa trang dòng họ được xây tường bao quanh, có cổng ra vào, giữa có đài thắp hương chung dòng họ mỗi khi con cháu về thắp hương viếng Thần Tổ, ông bà, cha mẹ, người thân ở khu nghĩa trang.
Điều dòng họ cảm động, kính phục bởi tâm đức 2 cụ còn động viên con cháu nội, ngoại trong gia đình mình để có một khoản kinh phí và xin phép Hội đồng gia tộc xây lại phần mộ Thần Tổ phía trên đỉnh đồi, xung quanh có tường bao quanh đảm bảo nghiêm trang, vững bền trường tồn cho dòng họ với công lao to lớn theo tâm đức của cụ với dòng họ. Tại buổi họp đầu xuân năm Giáp Thân, con cháu 5 chi ở Hà Nội vui mừng, nhất trí 100% đề nghị Ban liên lạc cung cấp tư liệu để Ban lịch sử đưa vào Tập gương sáng dòng họ Mạc với tiêu đề: “Cụ Nguyễn Ngô Thị Đẹm, người con dâu hiền hoà, đoan trang, hiếu thảo của dòng họ”.
Ngày 14 tháng 4 năm 2005
Người được phân công
Ghi lại
Cháu
Hoàng Anh Chử
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.