- Đang online: 4
- Hôm qua: 434
- Tuần nay: 14097
- Tổng truy cập: 3,368,157
Bùi Trần Chuyên – Con người của Đảng, của Dân, của dòng họ (1928-1999)
- 1796 lượt xem
Bùi Trần Chuyên vốn gốc họ Mạc nên ông lấy bí danh là Mạc Hiền, sinh ngày 26-05-1928, tại thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây) vùng đất từ lâu đời đã nổi tiếng là một làng văn vật ở phía Nam thủ đô Hà Nội, vì có nhiều nét đặc sắc của văn hoá cổ truyền, đặc biệt đây là quê hương của danh nhân văn hoá Lê Công Hành- tổ nghề thuê và nghề làm lọng của nước ta từ thế kỷ 17.
Sinh ra trong một gia đình trung nông, lớn lên trong cảnh đất nước bị đô hộ bởi thực dân, phong kiến, từ khi còn là cậu học sinh Trường Quốc học Huế, ông đã sớm được giác ngộ cách mạng và nguyện đi theo con đường của Đảng.
Tháng 7 năm 1945, ông tham gia học sinh cứu quốc (trong thanh niên cứu quốc). Sau đó, ông làm bí thư chi đoàn, tổ trưởng tổ nghiên cứu chủ nghĩa Mác của lớp, thuộc Trường Quốc học Huế.
Tháng 12-1946, ông tham gia kháng chiến, làm du kích, dạy bình dân học vụ, trưởng ban kháng chiến xã Minh Châu, vào đội tuyên truyền xung phong, thông tin kháng chiến của huyện Thường Tín. Do có nhiều cố gắng phấn đấu, không ngại khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên ngày 28-03-1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, là Uỷ viên thường vụ huyện Đoàn thanh niên và trong Đảng đoàn thanh niên huyện Thường Tín.
Tháng 05-1949 đến tháng 11-1954, ông tham gia công tác tại Ban Tổ chức tỉnh uỷ Hà Đông.
Năm 1955, ông được Đảng cử đi làm giảm tô tại tỉnh Sơn Tây và tỉnh Hải Dương. Thời gian này, ông đã tham gia cải cách ruộng đất tại tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá. Sau đó ông về làm công tác tổ chức và cán bộ tại Ban Tổ chức tỉnh uỷ Hà Đông. Năm 1960-1961, ông được cử đi học lớp đào tạo cán bộ lý luận tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, ông được cử làm phó Hiệu trưởng Trường Đảng tỉnh, Uỷ viên Ban tuyên huấn tỉnh, phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Chánh văn phòng tỉnh uỷ Hà Đông.
Tháng 7-1965, hợp nhất tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, ông được cử là Chánh văn phòng Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ cơ quan văn phòng tỉnh Hà Tây.
Từ tháng 05-1969, do chủ trương cần tăng cường lãnh đạo cấp huyện, ông được cử về làm Phó bí thư huyện uỷ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thường tín, Bí thư huyện uỷ Hoài Đức. Tháng 10-1947, ông được tín nhiệm bầu vào Tỉnh uỷ Hà Tây, Tỉnh uỷ Hà Sơn Bình và giữ trọng trách này đến tháng 04-1979.
Từ tháng 05-1979 đến tháng 10-1986, ông là Thành uỷ viên Thành uỷ Hà Nội, trực tiếp làm Bí thư Huyện uỷ Hoài Đức. Sau đó ông làm Trưởng ban Nông nghiệp Thành uỷ, Bí thư Huyện uỷ huyện Mê Linh.
Tháng 10-1986 ông về công tác tại Thành uỷ Hà Nội và từ tháng 2-1987, ông làm Hiệu trưởng Trường Đảng Lê Hồng Phong (nay là Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong), cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 10-1989.
Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, phục vụ nhân dân (từ tháng 08-1945 đến nay), ông đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Với cương vị là một cán bộ của Đảng trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, ông đã thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; góp phần cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội và công tác đào bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho thành phố. Là một đảng viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm, ông luôn luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức và cán bộ, xây dựng khối đoàn kết, chăm lo đời sống cho mọi người trong đơn vị, cơ quan công tác và nhà trường.
Ông là một cán bộ nhiệt tình, tận tuỵ, gương mẫu, thẳng thắn. Ông đã để lại nhiều hình ảnh tốt đẹp của mình về tinh thần làm việc, vì lợi ích chung trong lòng dân các huyện tỉnh Hà Tây cũng như nhân dân một số địa phương ngoại thành Hà Nội- nơi ông đã từng công tác và lãnh đạo.
Với tác phong giản dị, cởi mở, gần gũi, luôn quan tâm đến mọi người, ông luôn được tổ chức tin cậy, bạn bè yêu mến, họ hàng kính trọng.
Bằng tinh thần làm việc liên tục, không mệt mỏi, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, với nhân dân. Ông đã được tặng thưởng Huy hiệu 40 năm, 50 năm tuổi Đảng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và Kỷ niệm chương, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Từ ngày về hưu (1989), ông chuyển sang hoạt động ở một lĩnh vực khác: để hết tâm-trí-lực xây dựng quê hương và dòng họ, chưa một ngày nghỉ ngơi. Đối với làng xóm quê hương và dòng họ, người Việt Nam nào chẳng có tình cảm tha thiết, gắn bó sâu nặng, nhưng ở mỗi người cách thể hiện tình cảm đó có khác nhau. Với ông Bùi Trần Chuyên, đó là bằng hành động thiết thực phục vụ làng quê ở góc độ văn hoá. Ông đã vận động những vị cao tuổi trong làng tu sửa lại đồ thờ tại Đình thờ vị Thành hoàng làng và tiếp đến là tôn tạo nhà thờ họ và phần mộ tổ tiên. Qua đó mà giáo dục lớp trẻ biết “tri ân công đức tổ tiên”. Mọi người cảm nhận qua những cử chỉ và hành động cụ thể như quyên góp một số tiền gấp nhiều lần lương của ông vào việc trùng tu tôn tạo di tích lịch sử của quê hương, dựng lại bia Vũ du tiên sư bi ký đã bị vỡ, bị vứt bỏ bấy lâu. Không chỉ có thế, sau đó ông lại nhờ chuyên gia Hán Nôm dịch và giới thiệu trên các sách báo… Ông quan tâm đến văn hoá làng, trước hết là phải có ý thức về truyền thống lịch sử của làng. Ông đã dành nhiều công phu sưu tầm, cung cấp tư liệu cho Nhà văn Giang Quân, nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà hán học Hoàng Lê, Đỗ Thị Hảo… để mỗi người mỗi vẻ viết về cảnh sắc và nhân vật của quê hương, từ đó trở thành những tài liệu quý, có tác dụng giáo dục truyền thống thường trực cho con cháu trong làng, trong họ. Ông soạn thảo cả Quy ước của dòng họ Bùi Trần ở Quất Động. Quy ước đó cũng đã trở thành mẫu mực cho nhiều dòng họ khác muốn học tập cách làm này để xây dựng dòng họ văn hoá, làng xã văn hoá.
Có những việc ông đã lặng lẽ âm thầm làm từ khá lâu, nhưng dịch gia phả. Nhờ đó mà con cháu trong họ hiểu rõ thêm một cội nguồn của dòng họ mình là từ họ Mạc. Khi Vương triều Mạc thất thủ Thăng Long (năm 1592), nhà Mạc chuyển lên Cao Bằng thì Mạc Hiển Tông, Quý Phi huý Bùi Thị Ban đã đem con trai là Mạc Phúc Đăng lánh về Quất Động. Sau đó cải sang họ mẹ và ghép với họ bà (Trần Thị, hoàng hậu vợ Thái tông Mạc Đăng Doanh) thành họ Bùi Trần. Thực hiện di huấn của thân phụ Bùi Trần Tiễn, ông đã có cả một đề cương nghiên cứu về Cao Bằng, về đại tộc. Như cánh chim bay không mỏi, ông đã đi nhiều nơi để chắp nối họ hàng từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải PHòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh… Có một vài nơi ông chưa đến được thì cũng đã gián tiếp qua thư từ trao đổi và tìm hiểu ở Pháp, Mỹ, Bỉ…
Khi thành lập Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội năm 1994, ông được bầu là trưởng ban. Vói vốn hiểu biết sâu rộng qua sách vở và qua thực tế những chuyến đi, ông đã xây dựng được nền nếp và định hướng lâu dài cho Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội. Có thể nói những gì mà 40 họ gốc Mạc (trên 350 chi họ) đã làm được trong nửa thế kỷ qua có công lao đóng góp không nhỏ của ông: từ việc nghiên cứu, in sách, kỷ niệm danh nhân, tưởng niệm các vị tổ, xét hạng di tích lịch sử… đến các việc trong gia tộc.
Ở đâu, lúc nào cũng thấy ông bình tĩnh, hiền hoà, bộc lộ sự trong sáng, sự nhạy bén về chính trị và hết mình vì mọi người. Ông đã trải qua bao gian lao, quên đi cả những gì thiệt hại cho mình nên rất được bà con xa gần mến mộ, cho rằng ông thực là người có trí, có nhân, có nghĩa, mãi mãi là tấm gương sáng của dòng họ.
Trong di chúc ông viết ngày 01-01-2000 để lại trước lúc ra đi 6 tháng, có đoạn sau:
“… Năm nay là năm Thìn, người ta gọi là năm tuổi của tôi, sợ có điều gì không yên lành. Tôi đã trải qua 6 năm Thìn, năm nào cũng có trục trặc, nhưng ở tuổi 73 thì đã hết một chu kỳ phát triển sinh lý con người, thường là các tế bào đổi mới cả nếu qua được thì sẽ sống ở tuổi cao hơn. Vì vậy tôi viết sẵn mấy lời, nếu số mệnh của tôi phải kết thúc trong năm Thìn này thì Thảo và các con cũng chớ đau buồn nhiều vì sinh, lão, bệnh, tử là quy luật không có cái gì cưỡng lại được. Tôi năm nay 73 tuổi đã có cuộc sống rất tốt đẹp, 73 năm qua tôi rất yêu cuộc sống nên tôi rất muốn tiếp tục cuộc sống tốt đẹp này, song chẳng ai trái được mệnh trời, nói cho đúng là quy luật chung.
Nếu số mệnh buộc tôi kết thúc cuộc sống vào năm Canh Thìn này (2000) thì tôi viết sẵn vài lời lại cho gia đình và họ tộc. Tôi tuy đã liệt nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh táo.
…Ta là con cháu họ Mạc, phải rửa được cho họ Mạc bị bôi nhọ là cướp nước (lời của Trần Trọng Kim, sau này chính Trần Trọng Kim lại làm bù nhìn cho Nhật sau đỏ chính ngày 09-03-1945). Tôi mong muốn đầu tiên với họ Mạc là tất cả con cháu phải rửa cho được cái nhục bị biếm nhục (bôi nhọ là cướp ngôi nhà Lê). Tôi làm trưởng ban liên lạc họ Mạc Hà Nội vẫn nuôi kỳ vọng cùng ban liên lạc cố gắng đến năm 2000 thì vận động được các nhà sử học có lương tâm và các vị trong Bộ Giáo dục biên soạn lại sách giáo khoa đánh giá đúng về nhà Mạc như thực tế lịch sử đã diễn ra.
Từ khi tôi nghỉ hưu, tôi để toàn bộ tâm trí vào việc quy tụ các họ và đánh giá lại họ Mạc nhưng vì trình độ có hạn, tuổi cao sức yếu nên chưa làm được…”.
Đấy là những lời viết ra từ đáy lòng. Đúng là ông rất tỉnh táo khi viết những dòng trên, không duy tâm mà rất duy vật. Qua đó, càng thấy những việc ông đã làm bấy lâu nay cho dòng họ là rất lớn lao, cao đẹp. Mọi việc làm của ông đều vì nghĩa, có nghĩa với quê hương, với họ hàng, bè bạn, vợ con. Điều ông trăng trối cũng đúng là điều mà 40 họ gốc Mạc, trên 350 chi ở ba miền đất nước vẫn hằng nhớ, hằng phấn đấu. Tin rằng lịch sử vốn công bằng, thời gian qua đã và đang trả lại những giá trị chân chính cho Vương triều Mạc. Rồi đây, chắc chắn phải viết lại lịch sử, viết lại sách giáo khoa… Xin ông tin là như vậy để tâm hồn được thanh thản khi theo hầu chư vị tổ tiên.
Lưu Thị Thảo
Lê Hoàng Mạc
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.