- Đang online: 1
- Hôm qua: 467
- Tuần nay: 13327
- Tổng truy cập: 3,376,954
Gương sáng dòng họ Hoàng Giáp – Tiến sỹ Nguyễn Đặng Huân
- 2627 lượt xem
Cụ Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân là người gốc Mạc, sinh ngày 25 tháng 10 năm Giáp Tý (1804) tại xã Hương Ngãi, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây). Từ bé đã nổi tiếng học giỏi, có tài ứng đối. Tương truyền, khi còn nhỏ có vị quan họ Bùi, bạn của cụ thân sinh đến thăm thầy Đăng Huân thông minh lanh lợi liền ra một câu đối như sau
Nhị thân cư đồng hương, hà địa bất sinh tài, hà tài bất tư thế
Nghĩa là: Hai người ở cùng làng, đất nào chẳng sinh người tài, người tài nào chẳng giúp đời
Đăng Huân liền đối lại ngay
Nhất cử đăng khoa đệ, tự Hương dĩ cập Hội, tự Hội dĩ chí Đình
Có nghĩa là: Một lèo thi đều đỗ, từ thi Hương rồi thi Hội, từ thi Hội đến thi Đình
Vị quan họ Bùi khen ngợi Đăng Huân là người rất có khẩu khí. Quả nhiên sau đó Nguyễn Đăng Huân đã thi một mạch đến Hoàng Giáp Tiến sỹ. ngày nay trên cổng cũ của gia đình vẫn còn dòng chữ “Nguyễn Đình nguyên – đệ nhất bộ”. Học tập rất cần cù, chăm chỉ nhà nghèo không đủ tiền mua đèn dầu, Đăng Huân nảy ra sáng kiến bắt đom đóm cho vào lọ thuỷ tinh lấy ánh sáng để học. Kết quả các kỳ tập văn của Nguyễn Đăng Huân đều được phê là bình và ưu. Năm 16 tuổi, Nguyễn Đăng Huân thi đỗ nhị trường kho Kỷ Mão, năm 18 và 22 tuổi, Nguyễn Đăng Huân đều thi đỗ nhất trường các khoa Tân Tỵ (Ấn Khoa) và Ất Dậu (Chính khoa). Năm 25 tuổi, thi đỗ Cử nhân thứ 2 Mậu tý (1828). Năm 26 tuổi được vào dự thi Đình và đã đỗ đầu. Khoa thi này không có tam khôi đệ nhất giáp (tức là không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), nên cụ tuy đõ nhưng là đệ nhị Giáp Chánh Tiến sỹ đệ nhất danh Hoàng Giáp Tiến sỹ.
Sau khi đỗ, Nguyễn Đăng Huân được nhận chức Hàn lâm viện ty soạn, sau bổ là Tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam). Cụ có lòng nhân ái bao dung luôn lo cho dân chúng, nổi tiếng là người làm quan công bằng, liêm chính. Ngay cả với tội phạm, khi xử cụ cũng tìm đường cho họ sống và làm lại cuộc đời, vì vậy cụ rất được dân chúng trong vùng kính yêu. Khi về nhà lo tang cha, dân chúng đưa đến nhiều tặng vật nhưng cụ đều tư chối không nhận. sau đó, cụ được triệu về kinh giữ chúc Hàn lâm viện thị giảng. Năm sau, cụ được thăng Lang trung bộ Lễ, Thanh lại tư viên ngoại lang, phụng chỉ vua soạn Tập bộ “Minh Mệnh chính yếu”. Trong dịp theo hầu vua kinh lý vào Điện Bàn, dân chúng đón tiếp và tặng cụ nhiều vật phẩm quý, nhưng cụ đều từ chối, khiến dân chúng đều rơi nước mắt, chỉ còn biết lưu luyến đưa ra khỏi địa phận. Khi cụ mất, để tỏ lòng biết ơn, dân trong phủ đặt bài vụ tống tự cụ tại Văn từ bản phủ và lập đền thờ, nhưng đến sau nhiều biến cố lịch sử, các dồ thờ phụng đều không còn
Cụ luôn sống một cuộc đời thanh bạch, chỉ có một mình tại nhiệm sở, còn vợ con vẫn ở quê nhà. Trong thời gian ở kinh thành Huế, cụ vẫn quan tâm đến công việc làng xã. Cụ là người biết bài ký tạc trên chuông chùa thưởng Phúc của làng Hương Ngãi (đúc năm 1835 và hiện còn lưu giữ tại chùa) và một số câu đối được lưu lại tại các nơi thờ phụng chung của làng
Cụ cũng là người xây dựng nên hương ước của làng thời bấy giờ, trong đó coi trọng việc học hành, giữ gìn truyền thống quê hương
Năm Đinh Dậu, Minh mệnh thứ 18 (1837), cụ mất tại bộ Lễ, hưởng thọ 34 tuổi. Nhà vua cử các quan khoa đạo và quan nội các vào lễ tang và chỉ tìm thấy một cái túi trong đó đựng một số bộ quần áo cũ, chỉ có một chiếc áo rét mới được ban cấp, không có đồng tiền nào và cũng không cất giữ bất cứ thứ gì. Ngự sử tâu lên triều, nhà vua rất thương tiếc truy tặng Thị Lang và phong Trung Thuận đại phu, tước Hương Đình Bá, lại ban tặng 8 chữ: “Thanh bạch tự trì, thế chi liêm lại” (Nghĩa là: Giữ được thanh bạch nên người đời không nguôi nhớ tới ông quan liêm khiết). Cấp tuất theo phần trật thời đó, lại tặng thêm 300 quan để giúp đỡ mẹ già và vợ con. Nhà vua còn sức cho các nơi có trách nhiệm đưa thi hài cụ về quê mai táng và quan sở tại phải thường xuyên đến thăm hỏi mẹ già. từ kinh thành Huế về đến quê nhà Hương Ngãi – Thạch Thất – Sơn Tây, thi hài đi đến đâu đều được các nơi tổ chức đón và đưa trọng thể, chu đáo. Ở quê nhà, mọi người rất thương tiếc, tổ chức lễ tang trọng thể, khắc bia ghi lại công đức của cụ, tấm bia đó hiện nay vẫn còn. Cho tới nay, cụ vẫn được người làng nhắc đến như một tấm gương để các thế hệ noi theo. Tại khu Văn Thánh, thành phố Huế, hiện nay vẫn còn bia tiến sỹ ghi tên cụ
Cụ Hoàng Giáp Nguyễn Đăng Huân là một trong 6 vị Đại khoa của làng Hương Ngãi. Cụ cũng là một trong số 9 người của tỉnh Sơn Tây được các sử quan triều nguyễn soạn sách: “Đại Nam nhất thống chí” coi là nhân vật đáng được nêu gương trong sử nước và ghi riêng một mục về thân thế và sự nghiệp của cụ (trang 241) (Đại Nam nhất thống chí, NXB KHXH, 19…?). Về sau, và cho đến ngày nay, cụ vẫn nhiều lần được nhắc tới như một tấm gương làm quan liêm khiết. Năm 1997, nhà văn Phượng Vũ, giám đốc Sở văn hoá Thông tin Hà Tây khi viết cuốn “Làng văn, làng nghề” tỉnh Hà Tây trong bài viết xã Hương Ngãi, có phần nói về cụ Hoàng Giáp (trang 34-35). Một số báo chí trong những năm gần đây như tạp chí Thế giới mới và một số báo khác, đã nêu gương cụ trong việc tuyên truyền chống tiêu cực, tham nhũng
Về nhân thân, đây là một gia đình có truyền thống hiếu học nhân hậu. Cụ thân sinh của cụ Hoàng Giáp là Nguyễn Đình Thực cũng là người thông minh, nhân hậu. Năm Tân Dậu (1801), niên hiệu Bảo Hưng, triều Lê (nhất là cuối triều Tây Sơn), cụ thi trúng Quốc tử giám thượng đường giám sinh, thường theo lẽ phải, ghét thói gian tà. Sau khi ở Quốc tử giám về quê, cụ mở trường dạy học, có hàng trăm học trò, nhiều người sau này đỗ đạt. Vợ cụ Hoàng Giáp là cụ bà Nguyễn Thị Chuyên cũng là người có học và có tài ứng đối. Theo ghi chép thì trong thời gian cụ Hoàng Giáp còn đi học và đi thi, lý dịch đã bắt cụ bà đi phu thay chồng đắp đê sông Tích, một con sông chảy qua huyện Thạch Thất. Quan tri huyện thấy vậy có hỏi, cụ trình bày lý do, quan huyện ra một vế đối và yêu cầu nếu đối được sẽ miền cho việc phu dịch. Câu đối như sau: “Phu là chồng, Phụ là vợ, vì chồng nên vợ phải đi phu”. Cụ bà liên đối lại “Mẫu là mẹ, Tử là con, thờ mẹ sao con còn nói mẫu”. Quan huyện đỏ bừng mặt, nhưng rất phục, liền tặng cụ một nén bạc và miễn cho việc đắp đê, đồng thời yêu cầu lý dịch về sau không được làm phiền cụ bà nữa. Sau này khi cụ Hoàng Giáp được vinh quy bái tổ, số lý dịch trước đây thường có những hành vi nhũng nhiều, gặp khó khăn cho gia đình, đến lạy cụ tha tội. Cụ không truy cứu, chỉ khuyên bọn chúng từ nay không được quấy nhiễu dân chúng nữa. Con cháu các thế hệ sau này của cụ vẫn phát huy truyền thống đó của gia đình, chuyên về dạy học, làm thuốc, cứu giúp mọi người học hành thành đạt
Dòng họ Nguyễn Đăng (từ họ Mạc đổi sang) chuyển về xã Hương Ngải huyện Thạch Thất tỉnh Hà tây, tính đến cụ Hoàng giáp là 8 đời, và tính đến nay là 14 đời. Họ tuy không đông nhưng cũng là một tộc họ có truyền thống trong làng, được mọi người kính nể. Trước đây, ngoài cụ Hoàng giáp, trong họ còn có nhiều người đỗ Tú tài, nhưng không ra làm quan. Trong chế độ ta, tính đến năm 2003 toàn dòng họ có 1 Tiến sỹ, 5 thạc sỹ, hơn 30 người tốt nghiệp đại học và hơn 20 người đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong đó có gia đình 4 – 5 bố con đều tốt nghiệp đại học và trên đại học. Nhiều người, nhiều gia đình đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, có người là liệt sỹ, có gia đình có 4 – 5 con đều tham gia quân đội. Nhiều người là cán bộ cao cấp, trong đó có 1 thành uỷ viên, 1 đại tá và nhiều người giữ các cương vị trong các cơ quan, đoàn thể, quân đôi. Trong số con dâu,con rể có 1 thiếu tướng, 1 Tiến sỹ.
Làng (xã) Hương Ngải cũng là một làng có truyền thống hiếu học lâu đời, tính từ đời nhà Lý đến cuối nhà Nguyễn đã có 6 vị đỗ Đại khoa (tiến sỹ), hơn 50 Cử nhân và nhiều tú tài, nhiều người nổi tiếng là giỏi chữ. Trong thời địa ngày nay, làng cũng vẫn là nơi có số học sinh và người có học vi cao nhiều nhất huyện Thạch Thất và thuộc làng nhất nhì tỉnh Hà Tây. Hiện nay, làng có hơn 13 người có học vị Tiến sỹ, nhiều thạc sỹ, gần 300 người đã tốt nghiệp đại học và còn nhiều sinh viên đang học tại các trường đại học. Hàng năm, thường có 15-20 người thi đỗ vào các trường đại học, không kể các trường cao đẳng , trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Năm 2002, xã vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng
TS.Nguyễn Hữu Khải
Tư iệu tham khảo:
1. Nguyễn Đăng tộc phổ chính yếu. Bản dịch từ cuốn “Mỹ học quỹ tàng thư” do cụ Nguyễn Lân Đính soạn từ những năm 1910, là gia phả họ Nguyễn Đăng ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây
2. Đại nam nhất thống chí (tiếng việt), NXB Thuận Hoá, Huế, 1992
3. Nguyễn Đình nguyên bi ký, Văn bia cụ Hoàng giáp tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây
4. Phượng Vũ – “Làng văn, làng nghề”, sở VHTT tỉnh Hà Tây ấn hành 1997
5. Thế giới mới năm 2000
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ
- FOSBER TÔN VINH 50 PHỤ NỮ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM
- HỌ CÙ GỐC MẠC HUYỆN THỦY NGUYÊN, HẢI PHÒNG
- Cụ HOÀNG TRẦN TRỰC VÌ SỰ NGHIỆP CHUNG TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN
- Mãi mãi ngợi ca “Sự nghiệp trồng người”
- Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất (1739-1769)
- Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
- Mạc Thiên Tứ – Người đặt tên cho mười cảnh đẹp ở Hà Tiên
- Dấu ấn tao đàn Chiêu Anh Các
- Gương sáng họ Bùi Đăng
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.